Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
03:32 (GMT +7)

Tập sống thời công nghệ

VNTN - Tôi có bà bạn rất mê mua hàng qua mạng. Nó bảo, cái cảm giác “chốt đơn” nhoay nhoáy trên điện thoại rồi người ta mang hàng đến tận nhà rất “phê”. Không chỉ váy áo, mà son phấn, đồ dùng làm bếp, hải sản, rau, thịt… nó cũng gọi “ship” hết. Thấy tôi lắc đầu tỏ vẻ nghi ngại về chất lượng sản phẩm, nó dạy: Cứ trang bán hàng nào uy tín thì mình vào mua. Làm thế nào để biết trang uy tín? Dễ ợt, nhiều người lai (like), nhiều người theo dõi (follows), kiểu như đi chợ ý, hàng nào đông thì đồ tươi ngon.

Tôi bắt chước bạn, cũng chọn chỗ nhiều lai, nhiều theo dõi vào đặt hàng, nhưng mua 5 lần thì hỏng 4. Lần là chiếc váy hoa văn sắc sảo trong hình, mang về là tấm vải nhợt nhạt lùng phùng; lần khác tôi xem lai-trim (livestream) gần 1 tiếng, chốt được cái khăn choàng long lanh, giá rẻ, nhưng chờ mãi không thấy giao hàng, gọi lại shop “không liên lạc được”; lần mua phải cân thịt bò dai nhách; lần mua cân cà chua ngoài đỏ chót mà ruột xanh lè…

 

 Tôi đem thắc mắc hỏi con trai, nó cười to: Các mẹ cả tin thế, nhìn vào lai, vào còm (comment - bình luận), vào số người theo dõi thì có ngày “móm”. Nếu mẹ thích thì chỉ “phút mốt” là nghìn lai, nghìn còm đổ về, miễn là mẹ chịu chi tiền. Nó mở mạng cho tôi xem các trang bán lai, bán còm, bán theo dõi. Bảng giá rõ ràng nhé. Chi khoảng 350 nghìn đồng là có nghìn lai, nghìn người theo dõi ngay. Tiền nào của ấy. Lai thật đắt hơn, lai ảo rẻ hơn. Ôi trời, làm thế nào để biết lai thật lai giả hả con? Đây, mẹ cứ làm cách này, cách này…

 Có thời gian kiểm chứng như lời con mách, tôi phát hiện ối điều thú vị: Có người chuyên lai dạo. Nghĩa là nhìn thấy ai lên facebook bất kể nội dung gì họ đều lai, mục đích “có đi có lại mới toại lòng nhau”, người khác sẽ lai lại cho mình, phương pháp đó gọi là “câu” lai. Có người dùng facebook bán hàng cũng nhiều lai còm lắm. Nhưng xem kỹ thì người lai, người còm đều người “trong nghề” cả. Cứ người nọ tung hô người kia rất xôm trò.

Còn chuyện nữa, là một số trang tôi đăng ký làm thành viên đã bị bán, nội dung khác hẳn ban đầu. Hóa ra có nghề gọi là “nuôi trang béo” để bán cho công ty maketing hoặc cho thuê quảng cáo, đắt hay rẻ tính theo lượng đăng ký thành viên và lượng theo dõi. Giá tầm trên dưới trăm triệu đồng nếu bán đứt hoặc 3 đến 5 triệu/tháng/shop nếu cho thuê. Tính ra, người lập trang thu nhập khoảng 30 đến 50 triệu/tháng.

 Hôm ấy, đi dự sự kiện làm đẹp, tôi ngồi cạnh một bạn trẻ. Bạn giới thiệu là chủ trang (fanpape) dạy làm đẹp, có đến mấy chục nghìn lai và mấy chục nghìn người theo dõi. Rồi bạn ý mở điện thoại, vào trang cho tôi xem, quả đúng như bạn nói. Nhưng tôi thấy bạn trang điểm, ăn mặc có phần vụng về thì sinh nghi, bèn kiểm tra bằng cách vào “nhà” của người lai, người theo dõi để xem thì thấy nhiều tài khoản rỗng, nói theo ngôn ngữ mạng là chỉ có “nhà hoang” không có sinh hoạt gì. Tóm lại, đây là “người” ảo, sinh ra từ “bào thai” công nghệ.

 Sau những “quả đắng” mua bán qua mạng và khôn ra nhờ tìm hiểu, tôi và bà bạn thống nhất với nhau rằng: Cần học để sống phù hợp với thời đại công nghệ, không mang kinh nghiệm xưa để áp vào cuộc sống nay trong nhiều trường hợp; vẫn nên mua hàng qua mạng, nhưng chỉ mua ở những trang quen biết, là con cái của bạn bè càng tốt, cũng là để ủng hộ các con; không chấp nhận làm thành viên hoặc theo dõi bất kể lời mời của trang nào…

 Trong mắt con cái, nhiều bố mẹ là người lạc hậu. Quả đúng như thế nếu mình khư khư ôm cái đã biết, không chịu tiếp thu thêm cái mới. Bài học mua hàng trên mạng giúp tôi và bà bạn hiểu rằng, thời đại công nghệ sẽ không bỏ rơi bất kể ai, miễn là người đó chịu chấp nhận nó.

Ngô Minh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Chồng hoang vợ vụng

Câu chuyện văn hóa 2 tuần trước

Không ai bị bỏ lại phía sau

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

“Nơi ấm” cho con

Câu chuyện văn hóa 2 tháng trước

Một cuộc tư vấn

Câu chuyện văn hóa 2 tháng trước

Khổ vì… đa tình

Câu chuyện văn hóa 2 tháng trước

Câu chuyện ngày cuối năm

Câu chuyện văn hóa 3 tháng trước

Đời mình, mình sống

Câu chuyện văn hóa 4 tháng trước