Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
04:24 (GMT +7)

Tăng trưởng trong gian khó

Năm 2021 đã chính thức khép lại, cũng là kết thúc một năm với biết bao thăng trầm, biến động của nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam nói chung, tỉnh Thái Nguyên nói riêng. Với hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức so với kế hoạch đề ra đã thêm một lần nữa khẳng định ý chí, sự quyết tâm và tinh thần đoàn kết một lòng của cả hệ thống chính trị trong thực hiện các nhiệm vụ. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để tỉnh tự tin, bước tiếp chặng đường hiện thực hóa các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 đã đề ra.

 

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội trên địa bàn tỉnh năm 2021 ước đạt 44,7 nghìn tỷ đồng, tăng 11,5% so với cùng kỳ. Trong ảnh: Hoạt động mua bán hàng hóa tại Siêu thị Minh Cầu.

Những kết quả ghi dấu ấn

Đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trong nhiều cuộc họp nhấn mạnh: Qua việc đánh giá những kết quả đạt được cùng những tồn tại, hạn chế, khó khăn trong năm 2021, UBND tỉnh rút ra bài học kinh nghiệm, đó là: “Công việc càng khó, càng phức tạp thì càng phải công khai, minh bạch và tập trung nguồn lực, quyết tâm thực hiện cho bằng được”. Đồng thời, quán triệt quan điểm “Chủ trương đúng - đồng thuận cao - hành động quyết liệt” thì mọi việc sẽ đạt được kết quả khả quan nhất!

Quả thật, nhìn lại một năm với biết bao gian nan, thử thách, có những lúc, tưởng chừng như tỉnh ta không thể hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đã đề ra... nhưng, với sự đoàn kết, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và nhân dân, Thái Nguyên vẫn giữ được vùng xanh an toàn, giúp cho việc thực hiện các chỉ tiêu tăng trưởng KT-XH của tỉnh tiếp tục đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Đáng chú ý, đó là trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân cả nước chỉ đạt 2,58% thì Thái Nguyên đạt 6,51%, đứng thứ 17/63 tỉnh, thành; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt 44,7 nghìn tỷ đồng, tăng 11,5% so với cùng kỳ; tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu ước đạt 28,85 tỷ USD, bằng 102,4% kế hoạch (KH); tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn đạt 52 nghìn tỷ đồng, tăng 9,9% so với cùng kỳ. Toàn tỉnh đã có 109/137 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 6 xã nông thôn mới nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo hiện còn 2,17% (giảm 0,65% so với năm 2020)...

Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2021 ước đạt 844 nghìn tỷ đồng, tăng 7,71% so với cùng kỳ và bằng 100,38% kế hoạch. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Glonic Việt Nam (phường Phú Xá, T.P Thái Nguyên).

Đặc biệt, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn lần đầu tiên chạm mốc 18 nghìn tỷ đồng, vượt 2,4 nghìn tỷ đồng so với KH tỉnh giao, tương ứng vượt 15% so với kế hoạch. Cùng với đó, nhiệm vụ chi ngân sách của tỉnh cũng đảm bảo các yêu cầu đặt ra và là tỉnh nằm trong tốp cao của cả nước về giải ngân vốn đầu tư công. Những kết quả này có ý nghĩa quan trọng, không chỉ góp phần giúp hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch năm mà còn là nhân tố quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh năm 2022 và những năm tiếp theo.

Linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo

Để có được những kết quả mang dấu ấn này, thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, mang tính cấp bách và lâu dài. Đầu tiên là phải kể đến là công tác cải cách hành chính, luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp coi trọng. Cùng với đó là quan tâm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, với phương châm ngày càng thông thoáng, thân thiện và minh bạch, nhằm thu hút các nhà đầu tư. Chính bởi thế, trong năm, trên địa bàn tỉnh đã có thêm 15 dự án có vốn đầu tư nước ngoài được cấp giấy chứng nhận đầu tư mới. Cùng với đó là các nhà đầu tư lớn trong nước cũng đã chọn Thái Nguyên làm điểm đến và nhiều nhà đầu tư khác thực hiện việc mở rộng quy mô, tăng vốn đầu tư trên địa bàn. Đến nay, toàn tỉnh có trên 8 nghìn doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký trên 119,5 nghìn tỷ đồng và 169 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký đạt 8.754,8 triệu USD. Đây được xem là những động lực quan trọng giúp tỉnh phát triển nhanh và bền vững.

Giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 của Thái Nguyên nằm trong tốp 10 tỉnh có kết quả giải ngân cao của cả nước. Trong ảnh: Triển khai Dự án Cải tạo, nâng cấp đường ĐT 266 đoạn qua ngã tư Sông Công đến ngã ba Điềm Thụy.

Năm nay, lần đầu tiên, Thường trực Tỉnh uỷ, mà trực tiếp là đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ đã tổ chức đợt làm việc kéo dài hơn 2 tháng với 27 đơn vị, sở, ngành để rà soát việc xây dựng chương trình kế hoạch thực hiện các nghị quyết của tỉnh, nhất là Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ XX. Các cuộc làm việc cho thấy những quyết tâm chính trị rất lớn không chỉ của người đứng đầu cấp uỷ, mà còn là của cả tập thể cấp uỷ, chính quyền các cấp. Theo đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đợt làm việc đã tạo ra luồng sinh khí mới, trong lành, tiếp thêm nguồn động viên, khích lệ trong công việc của từng cán bộ lãnh đạo, cũng như người lao động. Nhiều thay đổi tích cực đã được thể hiện rõ ngay sau buổi làm việc.

Đơn cử như tại Kho bạc Nhà nước tỉnh, nếu như trước đây, việc trả lại hồ sơ chứng từ do còn có thiếu sót của các đơn vị sử dụng ngân sách được coi là thành tích, thể hiện sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của công chức ngành, góp phần đảm bảo kỷ cương, kỷ luật trong quản lý tài chính, thì nay, theo chỉ đạo của đồng chí Bí thư, toàn ngành phải tăng cường hỗ trợ, giải thích, giải đáp để không còn hồ sơ bị trả lại quá 1 lần; phấn đấu hạn chế thấp nhất hồ sơ phải trả lại, giúp việc thực hiện công việc của các đơn vị “chạy” hơn. Từ đây, số lượng hồ sơ bị trả lại đã giảm đáng kể, có đơn vị thậm chí không còn hồ sơ phải trả lại…

Hoạt động sản xuất tại Nhà máy Z115 Bộ Quốc phòng

Một dấu ấn khác mà Thái Nguyên đạt được trong năm là về chuyển đổi số. Với việc, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 31/12/2020 về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, Thái Nguyên là tỉnh đầu tiên có nghị quyết chuyên đề về nội dung này và có Ngày chuyển đối số. Đến nay, sau 1 năm thực hiện, Thái Nguyên được Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá là địa phương đi nhanh, đi trước trong chuyển đổi số. Tỉnh đã đáp ứng 100% thủ tục hành chính mức độ 4; 100% các hệ thống thông tin, nền tảng số dùng chung được phát triển và khai thác hiệu quả; xếp hạng 12/63 tỉnh, thành về chuyển đổi số. Trong đó, trụ cột Chính quyền số đứng thứ 3 và mức độ sẵn sàng bảo đảm an toàn thông tin mạng thuộc nhóm địa phương xếp loại A.... Các chỉ số xếp hạng khác năm 2020, Thái Nguyên cũng nằm trong tốp cao của cả nước, như: Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), xếp thứ 3/63; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp thứ 11/63; Cải cách hành chính (Par Index) xếp thứ 12/63; chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) đạt 87,66%.

Ước đến cuối tháng 12/2021, nguồn vốn huy động của tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 85 nghìn tỷ đồng, tăng 14,56%; dư nợ ước đạt 70,9 nghìn tỷ đồng, tăng 13,46% so với cuối năm 2020. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại Hội sở Agribank Chi nhánh Nam Thái Nguyên.

Mong muốn và những định hướng

Ông Phạm Văn Quang, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Điện tử Quang Thái (TP. Thái Nguyên) tâm đắc đánh giá: Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền tỉnh đã rất quan tâm đến việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực quản lý nhà nước về thuế, cấp phép đầu tư kinh doanh, cung cấp dịch công trực tuyến... Qua đó đã rút ngắn thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, người dân. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã có rất nhiều nỗ lực trong đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là các gói đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, giúp DN có thêm việc làm, nhất là trong bối cảnh khó khăn của dịch COVID-19. Dù vậy, đại đa số các doanh nghiệp của tỉnh vẫn có quy mô nhỏ, thậm chí siêu nhỏ nên rào cản phát triển trong tiếp cận, chuyển đổi, ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động sản xuất - kinh doanh vẫn rất lớn. Vì thế, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm, có thêm nhiều chính sách hỗ trợ cho DN về chuyển đổi số trong quản trị DN; đào tạo nguồn nhân lực với các DN có vốn đầu tư nước ngoài; hỗ trợ vốn, kiến thức trong tiếp cận khoa học, công nghệ... Ngoài ra, theo ghi nhận của chúng tôi, vấn đề giải phóng mặt bằng, cải cách hành chính về đất đai cũng là những vấn đề mà các doanh nghiệp mong muốn tỉnh sẽ quyết liệt hơn trong thời gian tới.

Ngoài những vấn đề này, ngay đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Thanh Hải trong một số cuộc họp của tỉnh cũng đã thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, hạn chế tồn tại trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đó là: Tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng nhỏ; nguồn thu từ đất vẫn chiếm tỷ trọng cao trong tổng thu ngân sách nhà nước; tiến độ một số công trình, dự án sử dụng vốn đầu tư trong và ngoài ngân sách còn chậm; quy mô sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn nhỏ lẻ, năng suất lao động thấp; công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, khoáng sản, môi trường còn có những hạn chế, bất cập... Những vấn đề này đã, đang và tiếp tục đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các cấp cần sớm có các giải pháp khắc phục đồng bộ, hiệu quả để bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Với mục tiêu xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của Khu vực trung du, miền núi phía Bắc và Vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh đặt mục tiêu: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân từ 8%/năm trở lên; giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân từ 9%/năm trở lên; giá trị xuất khẩu tăng bình quân 7%/năm; GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 150 triệu đồng/người/năm...

Để đạt được các mục tiêu này, tỉnh đang tiếp tục làm tốt việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư và quản lý các dự án đầu tư; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ của cơ quan hành chính các cấp với người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh công tác chuyển đổi số; tăng cường liên kết, phát triển kinh tế vùng; tập trung xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050…

Mặc dù vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức trong phát triển KT-XH, nhưng có thể khẳng định, những kết quả đạt được của tỉnh Thái Nguyên hôm nay là quyết tâm chính trị của toàn Đảng bộ, sự điều hành quyết liệt của chính quyền, tinh thần đoàn kết, đồng lòng của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên sẵn sàng hành trang, vững bước trên chặng đường mới của nhiệm kỳ 2020 - 2025, quyết tâm xây dựng Thái Nguyên “trở nên một trong những tỉnh giàu có, phồn thịnh nhất ở miền Bắc nước ta” như lời căn dặn của Bác Hồ năm xưa khi Người về thăm tỉnh Thái Nguyên.

Hoài Vy

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy