Chủ nhật, ngày 20 tháng 10 năm 2024
15:43 (GMT +7)

Tăng trưởng dư nợ tín dụng: Thấp nhưng vẫn khả quan

VNTN - 0,69% là mức tăng trưởng dư nợ của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh tính đến cuối tháng 5/2020. Đây là mức tăng thấp nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây. Điều này phần nào cho thấy những khó khăn mà các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đang gặp phải. Tuy nhiên, theo ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Thái Nguyên, nếu xét trong bối cảnh dịch COVID-19 đang tiếp tục ảnh hưởng nặng nề tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có nhiều nước liên quan trực tiếp tới hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của DN Việt Nam thì việc dư nợ tín dụng tăng nhẹ vẫn được xem là tín hiệu tích cực.

24/34 tổ TCTD giảm dư nợ

Trong số 34 TCTD trên địa bàn chỉ có 10 TCTD có mức tăng trưởng tín dụng dương, còn lại là tăng trưởng âm. Tuy nhiên, do một số ngân hàng (NH) có mức tăng dư nợ tín dụng cao đã giúp số tăng chung của toàn ngành thêm 423 tỷ đồng so với cuối năm 2019, nâng tổng số dư nợ cho vay toàn tỉnh đến cuối tháng 5 lên 61.466 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong số 8 chi nhánh NH thương mại cổ phần (TMCP) nhà nước thì có tới 6 NH giảm dư nợ (với tổng giảm 763 tỷ đồng). Trong khi đó, đây đều là những NH cho vay DN, hộ kinh doanh chiếm tỷ trọng lớn.

 

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) Chi nhánh Thái Nguyên là tổ chức tín dụng có mức tăng dư nợ cho vay cao trong 5 tháng đầu năm nay.

Theo ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh tỉnh: có 5.300 DN trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, với ước tính thiệt hại khoảng 50 nghìn tỷ đồng. Trước bối cảnh này, trong điều kiện và khả năng có thể, các NH đã hỗ trợ tối đa cho DN và người dân. Không ít NH phải tiết kiệm triệt để các khoản chi, giảm lương của cán bộ, người lao động… để có điều kiện giảm phí, giảm lãi cho khách hàng. Tính đến cuối tháng 5, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã giảm lãi vay đối với khoản dư nợ gần 1,7 nghìn tỷ đồng, cho trên 1,6 nghìn khách hàng, với số lãi được miễn giảm 1,32 tỷ đồng; cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho trên 500 khách hàng với dư nợ trên 3,3 nghìn tỷ đồng; gần 5 nghìn lượt khách hàng được ưu đãi lãi suất vay mới với số tiền hơn 12 nghìn tỷ đồng….

Cũng theo ông Bùi Văn Khoa: việc dư nợ tín dụng 5 tháng đầu năm tăng thấp cho thấy việc đầu tư mới cũng như mở rộng sản xuất, kinh doanh của DN, hộ kinh doanh trên địa bàn thời gian qua rất hạn chế. Thậm chí nhiều DN còn phải giảm quy mô hoạt động. Hầu hết các khoản cho vay ra đều là đảo nợ cũ. Ngay đối với các NHTMCP nhỏ, cho vay chủ yếu trong lĩnh vực tiêu dùng cũng trong tình trạng ảm đạm. Tuy nhiên, nếu nhìn trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và thế giới vẫn đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 thì việc dư nợ cho vay tăng nhẹ vẫn được xem là tín hiệu tích cực. Bởi hiện nhiều nước trong khu vực và trên thế giới đang có mức tăng trưởng âm.

Kiến nghị từ doanh nghiệp

Bà Nguyễn Thị Vinh, Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân tỉnh nhìn nhận: Rất may nước ta sớm khống chế được dịch COVID-19, nếu không, hậu quả mang lại với DN là khôn lường. Bởi theo khảo sát của chúng tôi, trong số 75% DN nữ tham gia khảo sát thì có tới 46% cho biết chỉ có thể cầm cự được 3 tháng; 19% DN cầm cự được 6 tháng; 18% DN cầm cự được 1 năm và chỉ có 17% DN cầm cự được trên 1 năm. Nguyên nhân lớn nhất là DN mất thị trường tiêu thụ, thiếu nguồn vốn kinh doanh và thiếu nguyên liệu đầu vào... Tuy nhiên, bà Vinh cho rằng, nếu DN biết chớp thời cơ trong thời điểm này thì đây sẽ là cơ hội vàng để DN vươn lên bứt phá. Nhưng để có sự vươn lên này thì không thể thiếu sự đồng hành của NH.

Còn ông Trần Đức Hiểu, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Hoa Mai Thái Nguyên thì phân tích: 93% DN của chúng ta có quy mô vừa và nhỏ, hoạt động chủ yếu dựa vào vốn vay NH. Vì thế, trước những ảnh hưởng không nhỏ của dịch COVID-19 thì những chính sách về tín dụng mà Chính phủ và NH Nhà nước đưa ra thời gian qua vẫn còn chưa đủ để hỗ trợ DN. Vì trên thực tế, bên cạnh việc cơ cấu lại nợ, cái mà DN cần nhất là được giảm sâu hơn lãi suất đối với những khoản vay hiện hữu, chứ không phải chỉ ở mức phổ biến là 0,2 - 0,5% như hiện nay. Cùng với đó là kéo dài hơn thời gian giảm lãi suất cho DN…

Ở một khía cạnh khác, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG thì cho rằng: Việc NHNN kịp thời ban hành các văn bản để các TCTD có cơ sở pháp lý triển khai ngay các giải pháp hỗ trợ khách hàng là điều cực kỳ có ý nghĩa, giúp DN, hộ kinh doanh có thêm nguồn lực để duy trì, mở rộng thị trường. Tuy nhiên, hiện mới có 64% số DN được tiếp cận các gói tín dụng ưu đãi, số DN còn lại chưa được tiếp cận chủ yếu là DN nhỏ và siêu nhỏ. Vì thế, ngành NH cần tiếp tục rà soát, nhanh chóng hỗ trợ các gói tín dụng đến toàn thể DN, bảo đảm công khai, minh bạch; tiến hành cơ cấu khách hàng theo từng nhóm để có biện pháp hỗ trợ phù hợp, giúp DN không chỉ vượt qua khó khăn mà còn có thể mở rộng quy mô. Trường hợp đặc biệt để cứu DN và người lao động, có thể được vay với lãi suất “0” đồng.

Đâu là giải pháp?

Để nguồn vốn tín dụng được khơi thông, theo ông Hà Mậu Quý, Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) Chi nhánh Thái Nguyên thì UBND tỉnh cần tiếp tục quan tâm và chỉ đạo quyết liệt hơn trong cải cách hành chính trên môi trường điện tử trong các giao dịch, nhằm rút ngắn thời gian, giảm thủ tục giấy tờ, công sức đi lại của người dân, DN. Đồng thời xem xét, giảm các loại phí liên quan đến đăng ký quyền sở hữu trên đất để DN thuận tiện hơn khi làm đăng ký tài sản trên đất. Từ đó giúp việc đầu tư, kinh doanh của DN trở nên thuận lợi hơn. Đồng tình với quan điểm này, bà Nguyễn Thị Tuyết, Giám đốc Ngân hàng TMCP Công Thương (VietinBank) Chi nhánh Thái Nguyên cho rằng: Cơ quan chức năng của tỉnh cần rút ngắn hơn nữa thời gian đăng ký giao dịch bảo đảm (đăng ký thế chấp) và ngăn chặn cho được tình trạng “cơ chế ngoài” mà DN vẫn phải chi phí…

Còn ông Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện tốt các chỉ đạo của Chính phủ để hỗ trợ một cách tốt nhất cho DN sớm phục hồi sản xuất; tăng cường hơn nữa đối thoại với DN để kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc cho DN…

Có thể nói, dù tình hình dịch COVID-19 đã được Việt Nam kiểm soát tốt nhưng thế giới thì chưa, vẫn sẽ khiến nhiều DN gặp nhiều khó khăn và vì thế, việc tăng trưởng dư nợ tín dụng trong thời gian tới được dự báo sẽ chưa có nhiều dấu hiệu khả quan. Tất cả các giải pháp mà tỉnh, NH hay DN đưa ra nếu được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả sẽ góp phần quan trọng giúp nguồn vốn được khơi thông. Do đó, ngành NH cần sớm đề xuất với Chính phủ, đồng thời chủ động đưa ra những giải pháp hữu hiệu hơn nữa để giúp các DN khôi phục lại sản xuất, kinh doanh và cũng để giúp gia tăng dư nợ tín dụng cho chính hoạt động của mình - Đây cũng là nội dung được bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN đề cập đến tại Hội nghị kết nối NH - DN được NHNN Việt Nam và UBND tỉnh đồng tổ chức tại Thái Nguyên hồi cuối tháng 5 vừa qua.

HOÀI VY

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy