Thứ ba, ngày 22 tháng 10 năm 2024
06:58 (GMT +7)

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa các dân tộc tỉnh Thái Nguyên

VNTN - Được coi là nét gạch nối của vùng Đông Bắc và đồng bằng Bắc Bộ, phía Bắc có núi rừng hùng vĩ, thấp dần về phía Nam với những gò đồi hình bát úp, những dải đồng bằng hẹp với sông Cầu, sông Công đã đưa Thái Nguyên trở thành một miền sơn thủy hữu tình. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, người Thái Nguyên đã tạo dựng nên những sắc thái văn hóa đặc sắc riêng ở cả di sản văn hóa vật thể và phi vật thể thể hiện qua phong tục, tập quán của 9 dân tộc anh em đang cùng chung sống. Trong kháng chiến chống Pháp, tỉnh vinh dự là trung tâm căn cứ địa Việt Bắc - Thủ đô kháng chiến của cả nước. Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền Thái Nguyên đã thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, góp phần tích cực trong việc bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Một số hoạt động tại Lễ hội “Võ Nhai nơi cội nguồn” năm 2013           Ảnh: Đào Tuấn

Thái Nguyên hiện có gần 800 di tích các loại; gồm 706 di tích lịch sử - văn hóa, 43 di tích thắng cảnh, 26 di tích khảo cổ học, 12 di tích kiến trúc nghệ thuật. Đến nay, tỉnh đã lập hồ sơ khoa học xếp hạng 174 di tích bao gồm: 01 cụm di tích quốc gia đặc biệt, 31 di tích quốc gia và 127 di tích cấp tỉnh [1,tr.16]. Trên mảnh đất Thái Nguyên còn lưu giữ nhiều vốn di sản văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào các dân tộc Việt Bắc như Tày, Nùng, Dao, Sán Chay, Sán Dìu... Nhiều di tích, danh thắng của tỉnh trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách.

Bên cạnh các di tích - danh thắng, tỉnh Thái Nguyên còn có nhiều di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc như lễ hội, nghi lễ truyền thống được tổ chức hằng năm thu hút hàng vạn du khách thập phương.

Hiện nay, Thái Nguyên có 15 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản Quốc gia.

Những năm gần đây, Thái Nguyên đang có những bước phát triển mạnh mẽ về mọi mặt kinh tế - xã hội; tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, bình quân giai đoạn 2011 - 2015 đạt 13,6%; năm 2016 đạt 15,2%; năm 2017, đạt 12,75% (cao nhất trong vùng và cao gấp 2 lần mức bình quân chung của cả nước); thu ngân sách trên địa bàn tỉnh ngày càng cao, năm 2017 đạt 12.643 tỷ đồng. Trong quá trình phát triển, các quy hoạch, đề án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của vùng và của Thủ đô Hà Nội đã có những ảnh hưởng đến các mặt đời sống của nhân dân trong tỉnh. Hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư phát triển khá mạnh, đặc biệt là hạ tầng giao thông, khu công nghiệp và đô thị. Quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế kéo theo sự thay đổi về cơ cấu và mức sống của các khu vực dân cư, tạo nên xu hướng dịch chuyển dân cư từ khu vực nông thôn ra các đô thị và khu công nghiệp. Sự thay đổi môi trường sống của nhân dân trong tỉnh dẫn đến những thay đổi về lối sống, nếp suy nghĩ làm xuất hiện những nhu cầu mới về hưởng thụ văn hóa, thể thao và du lịch.

Thực hiện quan điểm của Đảng “Phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa; cần chú ý đầy đủ đến yếu tố văn hóa và con người trong phát triển kinh tế”[2], bằng nguồn vốn sự nghiệp của tỉnh và kinh phí chương trình mục tiêu của Trung ương, Thái Nguyên đã thực hiện tốt công tác sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa các dân tộc.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trên địa bàn tỉnh được triển khai có hiệu quả, đã tác động mạnh mẽ và ảnh hưởng sâu sắc tới mọi mặt đời sống xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo trật tự, an ninh chính trị, tạo ra một môi trường xã hội lành mạnh hơn.

Các thiết chế văn hóa, thông tin từ tỉnh tới cơ sở tiếp tục được quan tâm đầu tư xây dựng, củng cố và hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa ngày càng cao của nhân dân. Hệ thống thiết chế văn hóa hoạt động thống nhất theo sự chỉ đạo, hướng dẫn từ tỉnh đến cơ sở.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh còn có những hạn chế tồn tại như: Cơ sở vật chất của ngành văn hóa, thể thao và du lịch tuy có sự đầu tư song chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn chưa có công trình văn hóa cấp tỉnh như Bảo tàng, Nhà hát, Thư viện tương xứng với vị thế, tiềm năng phát triển của tỉnh và nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Các lĩnh vực như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, bảo tàng, thư viện phát triển chưa đồng đều, đặc biệt là tuyến cơ sở. Chất lượng dịch vụ văn hóa chưa cao. Nguồn kinh phí tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp di tích, đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa thể thao còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu. Một số đô thị, trung tâm công nghiệp thiếu thiết chế văn hóa, thể thao. Nhiều huyện chưa có Trung tâm Văn hóa - Thể thao...

Phát huy những kết quả đạt được; để khắc phục những hạn chế tồn tại; tiếp tục bảo tồn, phát triển giá trị văn hóa tiêu biểu, gắn với phát triển du lịch, góp phần thực hiện mục tiêu “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”[2], trong thời gian tới tỉnh ta nên triển khai và thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và mọi người dân trong sự nghiệp bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa. Ngăn chặn nguy cơ xuống cấp các di tích và sự mai một của di sản văn hóa phi vật thể; bảo tồn và phát huy các giá trị tinh hoa văn hóa truyền thống phục vụ công tác giáo dục lịch sử truyền thống, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân và nhu cầu phát triển du lịch, hội nhập quốc tế của tỉnh.

Thứ hai, bảo tồn và phát triển văn hóa phải phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, của vùng, của tỉnh; thống nhất với quy hoạch của ngành, lĩnh vực văn hóa của cả nước; khai thác tối đa các nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa, hình thành các sản phẩm đặc trưng, bảo đảm phát triển bền vững.

Thứ ba, thực sự coi trọng và phát huy yếu tố con người, coi trọng phát triển nguồn nhân lực; quan tâm hỗ trợ vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc.

Thứ tư, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; tiếp tục thực hiện giảm nghèo bền vững; đô thị hóa gắn với phát triển nông thôn mới theo hướng văn minh, bền vững và bảo tồn được các giá trị văn hóalàng, bản; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển văn hóa với củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, cải cách và hiện đại hóa nền hành chính...

TS. Hứa Thị Kiều Hoa

(Trưởng phòng Khoa giáo, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy