Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
23:53 (GMT +7)

Tăng cường đối thoại với nhân dân

VNTN - Năm 2018, huyện Phú Bình đã đẩy mạnh hoạt động đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân. Qua các buổi đối thoại này, nhiều vấn đề bức xúc đã được giải quyết, từ đó tạo sự đồng thuận trong thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và các quy định của địa phương. Đây là một trong những nội dung nhằm cụ thể hóa các hoạt động của “Năm dân vận chính quyền”.

Những tháng gần đây, người dân lưu thông trên tuyến QL37, đoạn qua cổng Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Bình đã cảm nhận rõ sự thay đổi khi hành lang giao thông đã được giải tỏa. Nếu như trước, đây là một trong những điểm đen, thường xuyên xảy ra các vụ tai nạn, va chạm giao thông mà nguyên nhân chính là do các hộ kinh doanh ở khu vực cổng Bệnh viện lấn chiếm hành lang đường bộ. Vấn đề này đã được người dân thị trấn phản ánh qua nhiều cuộc họp, tiếp xúc cử tri, nhưng việc giải quyết không triệt để vì chưa phân định rõ cấp quản lý, trong khi việc xử lý liên quan đến nhiều đơn vị.

Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tại xã Hà Châu đã có 201/211 hộ dân đồng thuận nhận tiền bồi thường để bàn giao mặt bằng thực hiện dự án đường Vành đai V vùng Thủ đô Hà Nội.

Tại buổi đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân thị trấn Hương Sơn vào tháng 4 năm nay, vấn đề này được nhiều tổ dân phố phản ánh. Ngay sau hội nghị, UBND huyện đã chỉ đạo UBND thị trấn Hương Sơn phối hợp với Bệnh viện đa khoa huyện làm rõ trách nhiệm của từng đơn vị và xây dựng kế hoạch giải tỏa. Trong đó, ưu tiên cho các hộ kinh doanh cố định vào bán hàng lâu dài trong căng tin Bệnh viện. Sau giải tỏa giao trách nhiệm cho lực lượng Công an thị trấn cùng tổ dân phố quản lý và giám sát để không để xảy ra tình trạng tái lấn chiếm.

Bà Đỗ Thị Loan, cư trú cạnh Bệnh viện, cho biết: Từ ngày hàng quán ở cổng bệnh viện được giải tỏa, số lượng các vụ va chạm giao thông giảm hẳn, chúng tôi cũng bớt nơm nớp lo sợ mỗi khi ngoài đường có tiếng động mạnh. Cuộc sống thấy yên bình hơn đấy…

Câu chuyện ở xã Dương Thành lại khác. Là một trong 9 xóm được tỉnh chọn làm điểm để xây dựng xóm nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2016-2020, hiện nay xóm Phẩm 2, đã cơ bản hoàn thành 19 tiêu chí trong Bộ tiêu chí Quốc gia và tiếp tục nâng cao, hoàn thành được 7/9 tiêu chí của xóm nông thôn mới kiểu mẫu. Một trong những thành công lớn nhất của xóm phải kể đến là 100% các tuyến đường giao thông đã được đổ bê tông, với gần 80 hộ dân hiến trên 5.000m2 đất và làm đường điện thắp sáng các tuyến đường. Tổng số tiền nhân dân đóng góp là hơn 100 triệu đồng.

Ông Nguyễn Quốc Trị, Trưởng xóm Phẩm 2 cho biết: Khi được chọn để xây dựng xóm nông thôn mới kiểu mẫu, người dân trong xóm còn chưa hiểu về chủ trương này và có phần trông chờ vào nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Vì thế, giai đoạn đầu triển khai tiến độ thực hiện các tiêu chí rất chậm. Nhận thấy những khó khăn này, xã Dương Thành đã tổ chức buổi đối thoại với cấp ủy, chính quyền và người dân trong xóm về những nội dung, công việc cần thực hiện. Qua buổi đối thoại và các buổi tuyên truyền, người dân trong xóm đã xác định: Muốn xây dựng xóm nông thôn mới kiểu mẫu trước hết phải hình thành được nhận thức mới trong mỗi người dân và xây dựng nông thôn mới không chỉ cho bản thân mình, mà cho đời con cháu mai sau. Từ suy nghĩ này mà người dân trong xóm đã đồng tình, ủng hộ và đối ứng xây dựng các công trình phúc lợi ở địa phương.

Đối thoại để hiểu nhau, đối thoại để tìm được sự đồng thuận, ông Nguyễn Viết Đài, Chủ tịch UBND xã Hà Châu rất tâm đắc trước hiệu quả từ việc đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền với người dân mang lại. Ông cho biết: Từ đầu năm đến nay, xã Hà Châu tổ chức được 3 buổi đối thoại với người dân ở 4 xóm. Tại các buổi đối thoại, người dân đã thẳng thắn nêu ý kiến, phản ánh về những vấn đề vướng mắc, bức xúc ở địa phương. Đơn cử như tại xóm Củ và xóm Sau, thông qua đối thoại, người dân đã hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa của Dự án đường Vành đai V vùng Thủ đô Hà Nội, nên người dân đã đồng thuận cao trong việc thực hiện bàn giao mặt bằng. Nếu không có những lần đối thoại, chắc mỗi người mỗi ý, để tìm được tiếng nói chung thật không dễ dàng.

Thực hiện “Năm dân vận chính quyền”, trong 10 tháng qua, huyện Phú Bình đã tổ chức được 26 buổi đối thoại ở 17 xã, thị trấn. Theo đó, có 309 lượt ý kiến của nhân dân phản ánh, tập trung vào một số nhóm vấn đề: Bảo vệ môi trường, quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, xây dựng, tình trạng xả thải gây ô nhiễm môi trường nông thôn… Trong đó có 258 ý kiến đã được giải quyết tại hội nghị. 51 ý kiến còn lại đã và đang được Đảng ủy, UBND các xã, thị trấn phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện giải quyết theo quy định. Trong số này, nhiều kiến nghị của người dân được giải quyết ngay sau đó chỉ 5-10 ngày. Đồng chí Dương Văn Hưng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phú Bình cho rằng: Việc tổ chức các buổi đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân là một chủ trương sát thực tế và rất hiệu quả. Nhờ đó, tính đến ngày 7-11, Ban tiếp công dân của huyện đã tiếp 70 lượt công dân, giảm 17 lượt so với cùng thời điểm năm 2017.

Hiện nay, huyện Phú Bình đã xây dựng kế hoạch đối thoại mỗi năm, trong đó cấp huyện tổ chức ít nhất 2 buổi đối thoại với cấp xã, thị trấn; cấp xã, thị trấn tổ chức từ 2-3 cuộc với xóm. Việc xây dựng lịch đối thoại phải căn cứ vào những địa phương, những vấn đề mà người dân có nhiều bức xúc, cần có sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền.

Có thể khẳng định, thông qua đối thoại sẽ giúp người đứng đầu cấp ủy, chính quyền nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, những vấn đề còn vướng mắc, phát sinh; tuyên truyền, giải thích để nhân dân hiểu rõ và nhận thức đầy đủ hơn về chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân về thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Nguyễn Chi

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy