Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
22:30 (GMT +7)

Tăng cường cơ sở vật chất, nhân lực cho bộ phận “một cửa”

VNTN - Trong những năm qua, công tác cải cách hành chính đã được các địa phương trong toàn tỉnh chú trọng thực hiện. Nghị định 61/2018/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về Thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính được ban hành, thêm một lần nữa thúc đẩy việc cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo phục vụ nhân dân được tốt nhất.

Nâng cấp, hiện đại hóa cơ sở vật chất

Với Nghị định 61, Chính phủ đã quy định rất rõ không chỉ về nguyên tắc, quy trình thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông mà còn cả những hành vi mà cán bộ, công chức không được làm, như: Cửa quyền, sách nhiễu, gây phiền hà, tiết lộ thông tin liên quan đến bí mật của tổ chức, cá nhân hoặc sử dụng thông tin đó để trục lợi; quy định trách nhiệm của người đứng đầu cũng như người làm việc tại bộ phận một cửa… Các yêu cầu cụ thể về cơ sở vật chất: bộ phận một cửa được bố trí ở vị trí thuận tiện dễ tìm, có diện tích phù hợp để thực hiện nhiệm vụ, quy mô diện tích phù hợp với số lượng giao dịch giải quyết Thủ tục hành chính trong ngày của bộ phận một cửa. Về trang, thiết bị, các cấp căn cứ vào tình hình thực tế và tiêu chuẩn, định mức trang thiết bị của cơ quan nhà nước quyết định việc trang thiết bị, phương tiện làm việc của bộ phận một cửa đáp ứng nhu cầu làm việc và ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước.

Thực ra, từ trước khi Nghị định 61 được ban hành, nhiều địa phương đã triển khai thí điểm cơ chế một cửa trong giải quyết thủ tục hành chính. Các địa phương đã linh hoạt tùy theo điều kiện của mình để tăng cường cơ sở vật chất hiện đại cho bộ phận một cửa; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, các phần mềm hiện đại để hoạt động hiệu quả hơn... Dù còn những vấn đề phải điều chỉnh nhưng hiệu quả là rất rõ: Người dân và doanh nghiệp đã tiết kiệm được nhiều thời gian hơn cho việc giải quyết thủ tục hành chính; bộ máy nhà nước thông qua đó xây dựng được hình ảnh thân thiện hơn với dân, tiêu cực qua giải quyết thủ tục hành chính đã giảm đáng kể. Công tác giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa thực sự được đẩy mạnh và ngày càng có hiệu quả hơn khi Nghị định 61 chính thức có hiệu lực từ tháng 6/2018.

Bộ phận “một cửa” ở xã Tràng Xá (Võ Nhai) được tăng cường cơ sở vật chất để phục vụ nhân dân tốt hơn

Huyện Phú Bình đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng để mua sắm máy tính, máy scan, hệ thống camera giám sát, băng ghế chờ cho công dân... cho bộ phận một cửa trong toàn huyện. Đến nay, bộ phận một cửa tại tất cả 20 xã của huyện cơ bản đều đã có các thiết bị đủ tiêu chuẩn để phục vụ cho công tác. Không gian một cửa cũng đã được nâng cấp rộng rãi, thoáng mát, không còn tình trạng ghép với các phòng chuyên môn khác giúp cho việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức được thuận lợi, nhanh chóng, chính xác hơn.

Anh Nguyễn Văn Thảo, cán bộ xã Nga My chia sẻ: Trước đây, khi chúng tôi chưa được trang bị đầy đủ mỗi người một máy tính, việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và giải quyết các thủ tục hành chính cho công dân hơi bất cập, có phần chậm hơn, bởi cứ phải chờ nhau. Từ khi bộ phận một cửa của xã được trang bị thêm máy tính và một số thiết bị khác, đồng thời ứng dụng các phần mềm tin học hiện đại thì việc sắp xếp, quản lý hồ sơ được gọn nhẹ, chính xác, tránh thất lạc. Cùng với đó, tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính cũng nhanh gọn và hiệu quả hơn.

Bộ phận một cửa huyện Võ Nhai cũng đã được đầu tư gần 500 triệu đồng để sửa chữa, mở rộng phòng làm việc lên trên 100m2 với 8 quầy, trang bị đầy đủ các trang thiết bị phục vụ cho công việc. UBND huyện cũng đã dành hơn 2 tỷ đồng để mua 5 máy photocoppy, 38 bộ máy tính để bàn, 15 chiếc máy in đa năng, 14 máy scan, 28 tủ đựng tài liệu cho Bộ phận một cửa cấp xã... Đặc biệt, diện tích phòng làm việc của Bộ phận một cửa cấp xã, thị trấn của huyện Võ Nhai đều được nâng cấp lên rộng tối thiểu 40m2. Nhờ đó, việc tiếp nhận giải quyết các thủ tục hành chính ở cấp huyện, cấp xã ở Võ Nhai được thực hiện nhanh chóng hơn. Năm 2018, huyện đã tiếp nhận 1.319 hồ sơ của tổ chức, công dân, trong đó chỉ có 10 hồ sơ bị quá hạn; giải quyết đúng hạn 1.297 hồ sơ, còn lại đang trong thời hạn giải quyết. Ở cấp xã, đã tiếp nhận 78.828 hồ sơ, trong đó chỉ có 33 hồ sơ quá hạn, đã giải quyết được 78.081 hồ sơ đúng hạn, trả lại 6 hồ sơ, số còn vẫn nằm trong thời gian giải quyết. Hầu hết tất cả các hồ sơ, thủ tục hành chính đều được giải quyết trong ngày.

Việc nâng cấp cơ sở vật chất không chỉ tạo thuận lợi hơn cho cán bộ chuyên trách mà còn góp phần tạo được thiện cảm và niềm tin của người dân, doanh nghiệp đối với chính quyền khi đến giao dịch. Ông Nông Chí Kiên, xóm Thành Tiến (Tràng Xá) cho biết: Trước kia, mỗi khi đến bộ phận một cửa để làm các thủ tục hành chính, chúng tôi cảm thấy rất bức bối, khó chịu, nhất là vào những ngày hè nóng nực, phải chen chúc nhau trong một căn phòng chật chội. Bây giờ, người dân không còn phải vất vả chen chúc như vậy nữa. Tôi cũng cảm nhận thái độ phục vụ của cán bộ ở đây cũng dễ chịu, nhiệt tình hơn, công việc cũng được giải quyết nhanh gọn hơn. Chúng tôi có ghế để ngồi khi chờ đợi, có bàn để viết. Điều này khiến tôi cảm nhận rằng mình được tôn trọng hơn khi đến đây.

Từ khi triển khai chấm điểm, đánh giá chỉ số cải cách hành chính cấp huyện và xã tới nay, thị xã Phổ Yên luôn đứng đầu trong toàn tỉnh. Để có được kết quả này, một yếu tố quan trọng đó là thị xã luôn ứng dụng triệt để có hiệu quả công nghệ thông tin để giải quyết các thủ tục hành chính.

Anh Vũ Ngọc Quân, cán bộ phụ trách lĩnh vực tư pháp xã Đông Cao cho biết: Bắt đầu từ tháng 4 năm 2018, chúng tôi triển khai ứng dụng phần mềm mới để giải quyết các thủ tục về tư pháp, kết quả tiện lợi hơn nhiều. Ví dụ như trước đây làm giấy khai sinh, công dân phải nộp các loại giấy tờ gốc, rồi lấy tờ khai để tự điền, cán bộ tư pháp phải đối chiếu, thậm chí yêu cầu bổ sung nên mất thời gian. Bây giờ, chỉ cần công dân cung cấp thông tin, chúng tôi sẽ tra cứu trên phần mềm, sau đó in giấy khai sinh và trình lãnh đạo ký duyệt. Toàn bộ quá trình này mất chưa đến nửa giờ đồng hồ.

Song song với trang thiết bị hiện đại như máy tính, máy scan, hệ thống camera và bảng tra cứu điện tử, thị xã luôn chú trọng chuyển giao các phần mềm, nhất là phần mềm “một cửa điện tử liên thông”. Điều này cho phép các cán bộ quản lý theo dõi và đôn đốc công việc thuận lợi, chuẩn hóa, thống nhất về quy trình, thời gian tiếp nhận, xử lý hồ sơ, đồng thời công khai minh bạch quá trình xử lý. Phần mềm còn kết nối liên thông cho phép chuyển xử lý hồ sơ từ cấp dưới lên trên nhanh chóng, dễ quản lý, giám sát. Ngoài ra, thị xã còn ứng dụng chữ ký số cũng rất thuận lợi. Trước đây, mọi văn bản, báo cáo của các đoàn thể và bộ phận chuyên môn đều phải gửi ký trực tiếp nên nếu lãnh đạo đi cơ sở hoặc họp ở cấp trên mà không ký được là công việc sẽ bị tắc lại. Giờ chỉ với một máy tính nối mạng Internet thì ở đâu cũng có thể xử lý được công việc chứ không nhất thiết phải ở trụ sở UBND nữa.

Nâng cao năng lực, trách nhiệm cán bộ

Yếu tố con người cũng rất quan trọng trong việc cải cách thủ tục hành chính. Các địa phương đã điều chỉnh đội ngũ cán bộ, đảm bảo 100% đều trong diện biên chế, có trình độ chuyên môn cao, khả năng giao tiếp với công dân tốt.

Ông Phạm Bình Công, Chủ tịch UBND huyện Phú Lương cho biết: Huyện Phú Lương xác định cải cách hành chính là khâu đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế. Bộ phận một cửa là bộ phận thường xuyên tiếp xúc với người dân nên nếu làm tốt thì người dân sẽ đánh giá chính quyền tốt. Bộ phận này giống như một tấm gương phản chiếu mức độ hài lòng, tín nhiệm của dân đối với chính quyền. Trọng trách của các đồng chí làm công tác này khá nặng nề, khi tiếp xúc với người dân luôn phải hiện đại, trách nhiệm, tận tụy. Vì vậy, công tác bố trí cán bộ ở đây được đặc biệt chú trọng.

Trong năm 2018, UBND huyện Phú Lương đã tăng cường triển khai công tác bồi dưỡng cán bộ, công chức. Huyện đã phối hợp với các sở, ngành tổ chức 5 lớp tập huấn tại địa phương và cử cán bộ, công chức tham gia tập huấn tại tỉnh về các nội dung như: Áp dụng phần mềm một cửa hiện đại; ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện thủ tục hành chính và hệ thống quản lý văn bản; văn hóa công sở, quy tắc ứng xử trong thực thi công vụ...; Đồng thời, tổ chức Hội thi “Tuyên truyền cải cách hành chính” để cán bộ, công chức của huyện và 15 xã, thị trấn có cơ hội được giao lưu, trau dồi kiến thức về cải cách hành chính...

Ngoài ra, công tác kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện nhiệm vụ bộ phận một cửa cũng rất được quan tâm, chú ý. Thông qua đối thoại, tiếp xúc cử tri, hòm thư góp ý các đơn vị sẽ lấy ý kiến của người dân làm thước đo cho quá trình thực hiện nhiệm vụ của cán bộ. Đối với việc giám sát cán bộ làm công tác thủ tục hành chính thì phân công các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đồng chí văn phòng trực tiếp theo dõi, kiểm tra đột xuất. Việc đánh giá cán bộ viên chức đều thông qua hiệu quả công việc thực hiện được. Hàng tuần, các đơn vị đều họp để đánh giá kết quả công việc. Ví dụ: nhận được bao nhiêu hồ sơ, giải quyết được bao nhiêu, còn tồn tại bao nhiêu. Từ đó sẽ kịp thời nhắc nhở, kiểm điểm đối với cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ hoặc phân công lại công việc cho phù hợp; khen thưởng cho cán bộ có thành tích trong công tác chuyên môn cũng như giao tiếp với nhân dân...

Năm 2019 và những năm tiếp theo, với hiệu lực của Nghị định 61, công tác cải cách hành chính vẫn là một nhiệm vụ trọng tâm của các địa phương, hướng đến việc phục vụ nhân dân được tốt nhất, mang lại sự hài lòng cho họ. Đó cũng chính là hướng đến một chính quyền hiệu quả.

Anh Thắng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy