Tâm tình blouse trắng
Tết là để về nhà, đoàn viên, là dịp con cháu kính hiếu với tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Tết là để vợ, chồng, con cái ríu rít bên nhau, cùng bận rộn trang trí tổ ấm, và để nguôi quên một năm bận rộn, dành cho nhau một nụ cười xí xóa mọi hơn giận hờn vô cớ trong năm; để lúc Giao thừa lì xì cho các con thêm tuổi. Nhưng một Tết nữa tôi vắng nhà, cha mẹ đau bệnh vì tuổi cao vẫn hỏi con dâu câu ấy: - Nó lại không về à? Các con hỏi mẹ: - Vì sao nhà mình ngày Tết không có bố. Vợ cúi mặt thở dài, mắt nhòe ướt như người có lỗi.
Tôi đọc được dòng nhật ký này của một vị bác sĩ từng nhiều năm công tác trong ngành y. Anh tâm huyết với chuyên môn, từng có nhiều sáng kiến trong công tác chăm sóc, phục vụ bệnh nhân, được đồng nghiệp, bạn bè quý mến. Nhưng với cha mẹ già, với vợ, con và người thân, anh tự nhận mình chưa bao giờ hoàn hảo. Dù biết những người thân luôn cảm thông, chấp nhận thiệt thòi riêng để gánh vác công việc nhà cho anh. Bởi cuộc sống đời thường còn có người không may mắn, phải nhập viện cấp cứu lúc năm hết, tết đến.
Chuyên trực Tết trong bệnh viện, Phó Giám đốc Bệnh viện A Thái Nguyên, bác sĩ Trương Mạnh Hà thản nhiên: Đặc thù công việc của bệnh viện là chữa bệnh cứu người. Hơn nữa, không ai “đau đẻ đợi sáng trăng”, nên đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ công tác trong bệnh viện coi việc trực Tết là đương nhiên. Nên không ai ca thán, phàn nàn, mỗi người tự sắp xếp ổn thỏa công việc gia đình để làm tròn bổn phận của một lương y.
20 năm công tác ở Bệnh viện, là chừng ấy năm bác sĩ Hà đón Giao thừa trong bệnh viện. Trước lúc làm cán bộ lãnh đạo, anh công tác tại Khoa Hồi sức cấp cứu, rồi sang Tim mạch. Hằng ngày tiếp cận với những bệnh nhân nặng, trong số đó có nhiều bệnh nhân “gần đất xa trời”, anh cùng đồng nghiệp phải chạy đua với thời gian, phải giành giật sự sống cho bệnh nhân từ “tay tử thần”. Công việc rồi cũng quen, nhưng các ca bệnh cấp cứu lúc Giao thừa hoặc sớm mùng 1 Tết thường để lại ấn tượng khó quên. Bởi một lẽ giản đơn vào những giây khắc thiêng liêng giao mùa, mọi người trong xã hội đang nâng li chúc mừng chào đón một năm mới an khang, thịnh vượng, thì các anh, đội ngũ những người khoác áo blouse trắng đang đổ mồ hôi, căng thẳng, tranh thủ từng phút, thậm chí là… từng giây để một ai đó tiếp tục được sống.
Anh thở phào nói với chúng tôi: Đã có không ít bệnh nhân tim dừng đập, mạnh ngừng hẳn, cả kíp trực cố gắng cứu người trong tuyệt vọng, rồi vỡ òa niềm vui sướng khi trái tim ấy có nhịp trở lại… Giây lát dừng lời vì cảm xúc, anh tiếp tục câu chuyện: Mỗi lần cánh cửa phòng cấp cứu vừa mở ra, người nhà bệnh nhân vội xúm lại với những câu hỏi liên tiếp. Chỉ một cái gật đầu, hoặc lắc đầu của bác sĩ đã là câu trả lời đầy đủ. Có người reo lên: Thế là nhà mình không mất Tết. Cũng có người ngã ngất ra ghế băng: Thôi… nhé từ đây... Cũng có người nhà bệnh nhân không kìm hãm được cảm xúc bực bội, mắng mỏ y, bác sĩ kíp trực không tiếc lời. Rồi nhận ra cách hành xử thái quá của mình, ân hận vì không lấy lại được lời.
Sẽ hết sức bình thường nếu đó là một ngày bình thường của năm. Nhưng đêm 30 Tết và sớm mùng Một chào Xuân mới, ai cũng có chút xao lòng khi nghĩ về cuộc sống riêng mình. Trăn trở lắm chứ, có nhà mà không thể về khi bao người thân đang chờ đợi. Bác sĩ Hoàng Ngọc Khâm, Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện A) chia sẻ: 21 năm công tác tôi đều tham gia trực Tết, trong đó 19 năm tham gia trực cấp cứu đêm Giao thừa. Công việc bận rộn, vất vả hơn vì những bệnh nhân nhập viện cấp cứu đều ở tình trạng chuyển nặng, chủ yếu do ngộ độc rượu, ngộ độc thực phẩm, tai nạn giao thông… Nhiều lần ca cấp cứu được thực hiện từ tối muộn Ba mươi, tập trung làm các thủ thuật y tế cho đến lúc thể trạng bệnh nhân trở lại ổn định, nhìn ra ngoài qua khung cửa sổ mới giật mình đã qua Giao thừa từ khi nào. Chút nghẹn lòng thoáng qua, chúng tôi tự an ủi mình đã vừa mang lại niềm vui lớn cho một gia đình, dòng họ.
Đêm Giao thừa, trong nhà vắng bóng chồng hoặc vợ. Vắng một người thôi đã đủ cho gia đình vơi đi niềm vui trước thềm Xuân mới. Mà như lời anh chị em trong ngành y tế: Đã là cán bộ, y, bác sĩ công tác trong bệnh viện, đương nhiên không có ngày nghỉ, lại càng không có ngày Tết trọn vẹn cho riêng mình. Bác sĩ Khâm kể: 2 vợ chồng tôi đều làm việc trong bệnh viện. Tôi ở Bệnh viện A, vợ ở Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên. Trực đêm Ba mươi Tết với bác sĩ chẳng có gì đặc biệt. Nhưng với vợ chồng tôi sẽ không bao giờ nguôi quên có một lần trực Tết cơ cực. Giao thừa năm đó tôi không trực, nhưng vợ vào kíp trực. Việc nhà, việc nước sẽ ổn hơn nếu con nhỏ chúng tôi không bị ốm. Cháu khóc ngằn ngặt đòi mẹ. Tôi đành bế con theo vợ đi trực. Cả đêm đó tôi bế con đi dong ngoài hành lang, sân bệnh viện. Lúc vợ vơi việc vội chạy ra dỗ dành, cặp nhiệt độ, cho con bú rồi mau mải trở lại công việc chuyên môn. Chuyện trôi qua đã gần 20 năm, nay kể lại, con tôi bảo việc của nhà mình giống như trong cổ tích.
Bác sĩ Hoàng Ngọc Khâm, Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện A Thái Nguyên) kiểm tra tình trạng sức khỏe bệnh nhân sau cấp cứu.
“Thôn lần, xã lượt”, lãnh đạo đơn vị phân công rồi, ca trực rơi vào đêm Ba mươi thì nghiễm nhiên vào bệnh viện đón Giao thừa. Tuy nhiên các bệnh viện đều có sự vận dụng linh hoạt: “Ưu tiên” giám đốc và trưởng các khoa, phòng trực đêm Giao thừa. Việc thay ca được thực hiện vào sớm mùng một Tết, bằng cách sắp xếp như thế, anh chị em được trọn vẹn một phần với gia đình. Với các cặp vợ chồng là đồng nghiệp cùng nhận nhiệm vụ trực đêm Giao thừa trong bệnh viện, bận rộn nhưng dễ cảm thông cho nhau. Thực tế có nhiều y, bác sĩ được người thân động viên khi dắt xe rời nhà đi trực Tết. Song cũng có trường hợp không nhận được sự sẻ chia, bị chính người thân nghi ngờ, mặt nặng mày nhẹ vì tuần nào cũng mấy buổi xuyên đêm. Tội lắm, nhưng biết làm sao khi đã khoác trên mình chiếc áo blouse trắng. Lời qua, tiếng lại, ấm ức vón thành cục dâng ngang cổ họng không nuốt nổi, đành giải phóng cho nhau. Cực nhất là các nữ bác sĩ, hộ lý, nhiều chị em đến cơ quan làm việc trong trạng thái tâm lý rối bời. Có không ít chị em hết chịu nổi, cậy cục xin làm công việc không liên quan đến trực đêm, trực Tết để giữ gìn tổ ấm gia đình.
Nhiều y, bác sĩ đã chia sẻ: Điểm tựa vững chãi cho tôi hoàn hành nhiệm vụ là ông bà nội, ngoại… Tôi cũng băn khoăn, nhất là với cánh chị em viên chức nhà nước, trong đó có đội ngũ cán bộ y tế. Ai cũng đến lúc phải lập gia đình, rồi sinh nở. Theo chế độ thai sản hiện nay, người mẹ được nghỉ chăm con 6 tháng rồi trở lại vị trí làm việc. Nhưng các nhà trẻ mẫu giáo công lập chỉ nhận trẻ đủ từ 24 tháng tuổi trở lên. Gửi nhà trẻ tư, hoặc thuê người trông thì lương không đủ trả. Bởi hầu hết chị em khi sinh con đều có thời gian công tác chưa nhiều, lương thấp, không đủ trả công cho “người ẵm em thuê”, vậy nên nhà có ông bà nội, ngoại ở gần được coi là may mắn. Chưa kể các nữ y, bác sĩ có chồng công tác trong lực lượng vũ trang nhân dân thì còn vất vả hơn nhiều vì thời gian càng eo hẹp.
Bác sĩ Đào Thị Hương, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên chia sẻ: Ngày chưa lập gia đình chúng tôi rất hứng thú với công việc trực đêm Giao thừa, trực Tết. Nhiều khi còn xung phong đi trực thay để các chị lớp trước có thời gian dành cho gia đình. Đến khi có con nhỏ mới thấm đủ cực nhọc. Ngày lễ tết, phận làm dâu con, công việc nhà chồng nhiều, lại bỏ con đấy cho chồng, cho ông bà trông để đến cơ quan. Biết là công việc không thể bỏ đấy hôm khác làm. Cũng biết là chồng cảm thông, ông bà sẵn lòng ôm cháu, nhưng lòng áy náy như mình vướng tội với cha mẹ, chồng con. Nhiều khi con nhỏ bị ốm cứ quấy khóc, chưa đến mức đi bệnh viện nên nhờ ông bà trông giúp. Không thể rời vị trí trực, cứ rảnh việc là gọi điện về xem con cái nó ốm đau thế nào.
Bác sĩ Đào Thị Hương (bên trái), Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên) cùng đồng nghiệp cấp cứu bệnh nhân nặng.
Còn nữ bác sĩ Nguyễn Thị Thu Cúc, Khoa Hồi sức tích cực chống độc chia sẻ: Cái gì rồi cũng sẽ quen. Việc trực Tết cũng thế, thích hoặc không - không quan trọng. Quan trọng là mình phải có mặt ở cơ quan đúng giờ để tiếp nhận bệnh nhân. 22 năm công tác, tôi tham gia trực Tết đủ từng ấy năm. Mỗi năm lại có một cảm xúc riêng. Có lần đi trực Tết, bà ngoại gọi: - Con ơi, em bé sốt cao quá. - Mẹ bảo chồng con chạy ra cửa hàng dược mua thuốc hạ sốt, thuốc chống co giật… Đồng nghiệp biết chuyện, mỗi người chia sẻ, động viên một câu, lòng càng trĩu nặng hơn vì không biết em bé ở nhà với bà đã hết sốt chưa.
Trong hoàn cảnh như thế, có người mẹ nào không cảm thấy như trong lòng đang có lửa thiêu đốt. Nhưng vì nhiệm vụ cứu người, chị lăn xả, nguôi ngoai nỗi niềm riêng để tập trung tâm trí cho công việc. Nhìn chị và các đồng nghiệp lặng lẽ, tỉ mỉ chính xác đến từng động tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân, tôi mới hiểu được đầy đủ ý nghĩa 6 chữ “Hồi sức tích cực chống độc” được treo phía ngoài cửa phòng bệnh. Tên làm việc của Khoa, đồng thời là lời nhắn nhủ, là mệnh lệnh cho đội ngũ những người khoác áo blouse trắng trách nhiệm hơn khi bước vào nơi nhiều người bệnh đang cận kề với cái chết. Bởi là… phòng vô trùng, người nhà bệnh nhân không được phép vào thăm nuôi, nên các y, bác sĩ, hộ lý, kỹ thuật viên ngoài công việc chuyên môn, còn đảm trách công việc thay đồ, bón đút cho bệnh nhân từng thìa sữa.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Cúc (ngoài cùng bên phải), Khoa Hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên) cùng các đồng nghiệp vận hành thiết bị máy móc hỗ trợ cấp cứu.
Anh Đào Duy Kiên, Trưởng Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên bùi ngùi: Ngày Tết, các khoa: Cấp cứu, Chấn thương chỉnh hình, Ngoại thần kinh, Hồi sức tích cực chống độc và Trung tâm đột quỵ bận rộn hơn rất nhiều. Bởi vào thời điểm nhạy cảm này, những bệnh nhân được đưa vào bệnh viện cấp cứu đều đã chuyển bệnh nặng, thậm chí quá nặng. Không ít trường hợp bệnh nhân đã ngừng thở trên đường đưa đi cấp cứu, nhưng người nhà vẫn khênh vào với hy vọng “còn nước còn tát”... Từ phía cổng Bệnh viện, tiếng còi xe cấp cứu thỉnh thoảng lại rộ lên khẩn trương, gấp gáp. Tôi thở dài vì biết lại có thêm một bệnh nhân nguy kịch đang chuẩn bị nhập viện. Nếu trái tim còn đập, họ có thể được các y bác sĩ trong bệnh viện cứu sống. Song nếu trong cơ thể của con người mong manh kia, hệ tuần hoàn máu không còn hoạt động, họ vẫn được người thân đưa vào bệnh viện để giải quyết một vấn đề liên quan đến đạo đức rất mơ hồ cho những người thân trong gia đình.
Khoa Cấp cứu; Khoa Hồi sức tích cực chống độc… mới nghe thôi, những người thân của bệnh nhân đã “rụng rời chân tay” vì lo lắng. Trên giường, bệnh nhân nằm mê man bất tỉnh. Nhiều bệnh nhân phải trợ thở, trợ tim, trợ máu. Họ đang sống nhờ hỗ trợ của các thiết bị máy móc, thuốc y tế. Nên y bác sĩ chỉ cần một sơ ý nhỏ, một khắc giây đãng trí có thể dẫn đến nhầm lẫn chết người. Nhưng nghề nghiệp không cho phép được sơ suất, mỗi bác sĩ đều hết sức tỉnh táo trong mọi hoàn cảnh để đưa ra được phác đồ cấp cứu, điều trị hiệu quả nhất cho bệnh nhân. Rồi những nguy kịch đi qua, thể trạng bệnh nhân ổn định trở lại, các y, bác sĩ lại vội vã “chạy theo” ca bệnh mới. Còn người bệnh bình phục, được trở về trong ấm áp tình yêu thương gia đình.
Trong lúc chờ xe vào đón, một bệnh nhân mới xuất viện chia sẻ: Tôi nằm hôn mê trên giường bệnh gần một tháng. Thời gian đó đều do các y, bác sĩ, hộ lý, kỹ thuật viên chăm lo cho tôi. Còn người nhà bệnh nhân nói: Suốt thời gian đó không có ai trong nhà được ngủ ngon giấc…
Ngày cuối năm, khuôn viên bệnh viện trở nên vắng vẻ lạ lùng, chỉ có tiếng gió lạnh lùng đưa đẩy từng chiếc lá vàng chao nghiêng. Tôi lững thững bước trong hành lang dài hun hút của bệnh viện. Cái cảm giác man mác, chợt ớn lạnh chạy dọc sống lưng vì linh cảm như có ai đó đi ngay phía sau lưng. Ngoảnh lại vẫn chỉ có chiếc lá cuối mùa sót lại. Chiếc lá ấy động đậy như nói với tôi rằng mùa xuân đang rất gần. Tôi bình thản trở lại khi nhìn vào các ô cửa Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, ánh đèn luôn sáng, và thấy ở đó có thấp thoáng bóng người mặc áo bouse trắng đi lại. Tôi thở phào nhẹ nhõm: Một đêm nữa các anh chị không ngủ.
Và tôi lại “thúc” xe máy trở lại Bệnh viện A Thái Nguyên, vô tình gặp chị Trần Thị Hạnh, Bác sĩ Chuyên khoa II, Trưởng Khoa Sản vừa bước ra ngoài phòng sinh. Chị thủ thỉ: Gần 30 năm công tác trong bệnh viện, tôi không nhớ mình “mở cửa” đón bao nhiêu trẻ sơ sinh. Nhưng các bé được sinh vào dịp Tết thường khắc ghi nhớ vào tâm não tôi. Gần 15 năm trước tôi đón một “thiên thần” sau Giao thừa 10 phút. Gần đây nhất, sau Giao thừa năm 2022 tôi cùng các đồng nghiệp và gia đình sản phụ đón một niềm vui vỡ òa với “mặt trời bé thơ”.
Bác sĩ Chuyên khoa II Trần Thị Hạnh, Trưởng Khoa Sản (Bệnh viện A Thái Nguyên) hướng dẫn sản phụ chăm sóc trẻ sơ sinh.
Chị đưa tôi vào phòng hậu sản. Chị hỏi thăm thể trạng sức khỏe của một người mẹ vừa vượt cạn thành công. Rồi chị ẵm gọn một bé thơ vào vòng tay mình, ầu ơ âu yếm… Tôi lặng đi vì xúc động. Các anh chị - đội ngũ những người khoác áo blouse trắng đang từng ngày, từng giờ vì sự sống, vì sức khỏe của người dân. Xứng đáng với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lương y như từ mẫu”.
Phạm Ngọc Chuẩn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...