Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
09:57 (GMT +7)

Tâm thế người chơi ảnh

Một tác phẩm nhiếp ảnh, có người ví như một thực thể sống, bởi được tác giả thai nghén từ khi chọn đề tài - đi thực tế - ghi hình - giải quyết hậu kì…, cuối cùng là đưa ra trình làng. Nó có thể bị chết yểu, cũng có thể được thăng hoa nhờ một Ban giám khảo hoặc một Ban tổ chức yêu quý nó. Thường thì bức ảnh tồn tại hoặc bị chìm đi trong đời sống nghệ thuật, hoàn toàn do giá trị tự thân của nó đối mặt với thời gian. Nhưng đôi khi lại chỉ do một yếu tố ngẫu nhiên ngoài dự kiến nào đó tác động vào. Bài viết này xin cập nhật một vài cảm nhận cá nhân, nói về tâm thế người chơi ảnh ở Việt Nam hiện thời…

Nhiếp ảnh từ lâu luôn là chuyên ngành sớm được cập nhật với những tiến bộ của khoa học kĩ thuật. Theo Tri thức trẻ, thì ở Việt Nam hiện có 20 triệu người chơi facebook và trung bình mỗi người lang thang trên mạng xã hội 2,5 giờ trong một ngày. Khi cả nước có 30 triệu smartphone, thì khắp rẻo đất hình chữ S đương nhiên có 30 triệu máy ghi hình đang thường xuyên “tác nghiệp”! Vài chục năm trước, nếu một nhà văn viễn tưởng nói sang thế kỉ 21 ở Việt Nam cứ 3 người dân là có một máy ảnh thì sẽ chẳng ai tin. Nhưng con số ấy chắc chắn đang bị thực tế lấn át, khi mà các trung tâm “Thế giới di động” tiếp tục vươn rễ, tham lam luồn lách vào mọi ngóc ngách của phố phường, làng bản…, kích thích người mua bằng những chiếc điện thoại có tính năng vượt trội ở lĩnh vực ghi hình.

Chính vì vậy nên không biết làm cách nào để phân mảng, chia tầng những người chơi ảnh hiện nay ở Việt Nam… Nhưng “chơi” thì biết lấy gì để đo cấp độ? Việc “chơi” nhút nhát như một kẻ sợ vợ, hay “chơi” đến “thủng trống long bồng” (vịn theo câu thơ của Tú Xương), thì nên đứng ở hệ quy chiếu nào mà xét đoán là chuẩn mực, đúng sai?! Người viết chỉ nói chung chung, để tự bạn đọc thấy mình nằm ở đâu trong thế giới như thật, như ảo của những khuôn hình mà thiết bị giữ lại được, nhờ mỗi lần nhấn máy theo góc quan sát của từng cá nhân.

Tâm thế đem ảnh đi thi

Những bảng ảnh đóng khung kính treo trang trọng trong mỗi gia đình đang lạc mốt nhanh chóng, bởi nó được thay thế bằng một loạt thư mục trong ổ cứng máy tính. Nó chứa đủ các thể loại hình ảnh khác nhau, trong đó không ít những bức hình hội tụ trọn vẹn mọi thành tố (bố cục, ánh sáng, thời cơ bấm máy…), để một nhà nhiếp ảnh có kinh nghiệm cho đó là “ảnh nghệ thuật”. Nếu như một vài bức ảnh trong mớ hỗn độn ấy đạt tầm nghệ thuật, thì chứng tỏ con người ta đã từ ngưỡng chỉ quen thụ động thưởng thức bước sang lĩnh vực của người sáng tạo. Bởi cái đẹp hầu như hiện diện ở bất kì đâu, nếu được “biên tập” lại, thì ta có thể không chán mắt khi chỉ xem hàng ngàn những bức ảnh đẹp mê li, từ chính các bà mẹ chụp về con cái của mình… Chỉ cần một tỉ lệ nhỏ trong số 30 triệu người chụp ảnh ở Việt Nam đem ảnh gửi dự thi, thì Ban tổ chức cuộc thi đã có thể thỏa mãn với một số lượng đông đảo tác phẩm để lựa chọn.

Thực tế hiện nay có những cuộc thi quy tụ số ảnh gửi tham gia lên đến cả chục ngàn tấm. Vậy mà Ban tổ chức chỉ chọn lấy vài trăm lẻ. Mỗi lần gửi ảnh dự thi, tâm niệm của một người chơi ảnh hiện nay đã luôn xác định là mình sẽ “trắng bụng” (trong sới vật cổ truyền, người ta ám chỉ những người thua cuộc). Nhưng quả thật nó đã, đang quá khắc nghiệt! Chẳng ai giữ được cho mình một thứ gì để liệt vào “hàng độc” nữa. Một bức ảnh về Hồ Gươm, hay về cây bàng mồ côi…, nếu lọt vào một cuộc triển lãm nào đó, thì nó chắc đã được Chúa bề trên bao bọc, ban cho một số phận kì diệu nào đó.

Chiều Ba Bể

Gần đây nhiều người gửi ảnh dự thi luôn hùng hồn tuyên bố là để “chơi cho vui…”, thực ra nói như vậy là đã hạ thấp một cuộc thi nghiêm túc mà Ban tổ chức phải bỏ không ít tiền của ra để lo toan. Lẽ ra đồng tiền ấy càng phải nâng niu, khi được chắt bóp từ nguồn thuế eo hẹp mà nhà nước dành cho Văn học, Nghệ thuật. Thực tế có không ít bài thơ, tập truyện sau một cuộc thi đã cõng tác giả của nó bước vào chốn văn đàn. Một người chơi ảnh nghiệp dư, gom góp dăm bảy cái ảnh vào triển lãm, thì đã đủ điểm để được xét là thành viên Hội NSNA Việt Nam. Được ngồi vào “chiếu trên” không có gì là xấu, bởi đó là thói quen phấn đấu của bao nhiêu thế hệ người Việt qua suốt chiều dài lịch sử văn hóa. Hẳn rằng mọi người gửi ảnh dự thi, luôn có tâm lý giống như khi người ta mua tấm vé số, ai cũng đều hướng mắt vào giải nhất, bởi nó đầy cám dỗ. Nó như cái hoa mướp thắt vào dây câu ếch nhử trên ao bèo; hay là hoa hậu cho người quân tử, đa tình lại giàu sang(?). Nhưng đó cũng còn là cột mốc, để một nghệ sĩ thực thụ muốn tái khẳng định vị trí của mình trong làng ảnh. Tại sao Levis Hamilton luôn phải nỗ lực từng chặng đường để hết năm này sang năm khác vô địch giải đua công thức một? Khi một nhà nhiếp ảnh đoạt giải trong cuộc thi, người ta nói anh ấy đã gặp may. Nhưng nếu nhà nhiếp ảnh đó liên tục đoạt giải hết năm này sang năm khác…, thì người ta đành khẳng định là anh ta có tài. Nếu không vì thân, vì lợi, thì giới nhiếp ảnh vốn vẫn kiệm lời khi công khai khen ngợi nhau. Nhưng nhìn thấy người khác thành đạt, người cùng nghề thường ngấm ngầm thi đua, đó cũng là thành tố tích cực đứng phía sau những sáng tạo, phát triển của một cá nhân hay tổ chức.

Thực tế nhiếp ảnh ở cả cấp độ địa phương cũng như bao trùm toàn quốc là đông đảo người tham gia nhưng ít tinh túy, có phong trào nhưng chưa mạnh. Trong nghệ thuật cũng giống như trong kinh doanh, tỉ lệ thành công luôn ở số ít. Những đối tượng thành công lại đa phần nằm trong nhóm người trường vốn sống, nắm chắc mọi tính năng kĩ thuật, yêu nghề và lì lợm. Họ tự tin vì họ biết mình nằm ở đâu trong đám đông. Có thể họ thua trắng bụng một cuộc, rồi ba cuộc…, nhưng đến lần gửi ảnh thứ mười họ giành huy chương. Họ còn “luyện mắt” cho người xem thấy những góc nhìn mới mẻ, những “gu” lạ đưa ra thi thố thì cũng phải cho mọi người và ngay cả những vị làm giám khảo thích ứng dần… Nhóm người có kinh nghiệm gần đây đã khôn ngoan hơn, khi họ chuyển những thứ mới mẻ, sáng tạo vào đấu ở các Salon quốc tế, và chẳng có gì dễ thuyết phục hơn, khi motyp ấy đã khiến một ban giám khảo xa lạ, có uy tín chấm điểm cao cho tác phẩm.

“Cuộc chơi” và cơ hội

Những năm trước do điều kiện kinh tế và do sự hội nhập quốc tế chưa được cập nhật nhanh chóng, các nhà nhiếp ảnh sinh sống ở phía Nam thường đi tiên phong cho những trào lưu nhiếp ảnh ở Việt Nam. Khi đó cứ motyp nào được các nhà nhiếp ảnh ở miền Nam gặt hái thành công, thì sau đó dăm năm lại ồ ạt xuất hiện ở miền Bắc. Nhưng một ngày kia người ta chợt nhận ra: Xem bộ ảnh (còn thô mộc, vụng về) ở Liên hoan ảnh 15 tỉnh miền núi phía Bắc, thấy có gì đó đáng yêu hơn khi xem một bộ ảnh nặng chất kĩ thuật, nặng tính dàn dựng ở một khu vực nào đó tại phía Nam. Điều đó lý giải vì sao cái đẹp nhờ son phấn chỉ thu hút người ta ở buổi gặp gỡ ban đầu; còn cái đẹp tự thân khiến người đời đắm đuối suốt cả một kiếp sống. Nếu ai nghi ngờ nhận định đó, thì hãy để ý đến những đoàn nhiếp ảnh từ phía Nam, hằng năm cứ vào mùa nước đổ, mùa lúa ngả vàng…, tràn ra miền Bắc để sáng tác thì tự rút ra điều khẳng định cho riêng mình. Sự hòa đồng về chuyên môn giữa hai miền Nam - Bắc đang được nhanh chóng khỏa lấp nhờ thiết bị và bà mối “công nghệ thông tin”.

Người chơi ảnh ở “thế giới phẳng” hiện nay đang đóng nhiều vai trò. Nếu theo góc độ về cung cầu, thì họ vừa là chủ hàng - vừa là khách hàng. Ở lĩnh vực nghệ thuật thì họ là người thưởng thức - cũng là người biểu diễn. Chìm sâu theo quan điểm bao cấp, họ vừa được ăn ốc - đồng thời vừa bị làm lông. Nhưng tâm niệm chung của những người chơi ảnh, là luôn có khao khát, rằng tác phẩm của mình đến được với khán giả, đến được với người được chụp. Nếu khi rời phòng ảnh, người xem thấy nhẹ lòng, thấy mình như yêu xí nghiệp hơn, thấy cuộc sống chợt đẹp lên qua khuôn ngắm của người bạn nhiếp ảnh… Thì đó ắt là phần thưởng vượt qua mọi giá trị vật chất mà một nghệ sĩ có thể được hưởng.

Chụp

Sự tiến bộ của khoa học kĩ thuật mấy trăm năm nay luôn vẫn ưu tiên cho ngành nhiếp ảnh. Nhìn vào đống phim đã chụp từ những thập niên trước, cái máy ảnh cơ “truyền thống” vẫn còn hoạt động được mà vô dụng nằm trêu ngươi trong xó tủ, tuy một thời nó đã là cả gia tài của người thợ ảnh nghèo khó, cảm nhận thấy gối đã mỏi mà làn gió của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang như bão thúc sau lưng… Sẽ chẳng ai dám chắc là cuộc cách mạng ấy sẽ đẩy mình đi nhanh hơn, hay sẽ đè sấp mình xuống(?) Nhưng khi một nhà nhiếp ảnh càng nắm vững công nghệ, thành thạo, điêu luyện sử dụng các phần mềm xử lý hậu kì…, thì họ đang tự biến mình thành một danh họa. Sự xóa nhòa ranh giới giữa nhiếp ảnh và mĩ thuật sẽ càng nhanh chóng, khi công nghệ in 3D tiếp cận sâu rộng vào đời sống nghệ thuật.

Các hội đoàn quản lý Văn học nghệ thuật ở Việt Nam tuy vẫn giữ nguyên mô hình từ hơn nửa thế kỉ trước. Nhưng khi đứng bên lề một “thị trường” nhiếp ảnh ba chục triệu người cung thì ắt sẽ phải tự chuyển đổi. Vậy chơi máu lửa để cược cả số phận mình vào với nhiếp ảnh, hay chỉ để giã rượu giống như một người say khật khưỡng vào phòng hát Karaoke(?).

Có lẽ mỗi người chơi ảnh, gửi ảnh dự thi ngày mai phải tự đặt mình vào vị thế của con ong thợ trong đàn. Những người ngoài không hiểu biết luôn nghĩ con ong chúa và bầy ong đực mũm mĩm là quan trọng nhất của loài ong. Họ đâu biết rằng bầy ong thợ mới quyết định sự phát triển của cả đàn: kiếm ăn; xây tổ; nuôi con; ủ ấm; quạt bớt hơi nước trong mật; bảo vệ tổ - thậm chí tạo ra chúa mới và chia tách đàn…, hoàn toàn do bầy ong thợ chi phối. Đó chính là sự phân công theo quy luật của tự nhiên. Rồi khi mỗi người cầm máy đều tự phát huy sở trường của bản thân, góp phần làm đẹp cho cuộc chơi, thì khi đó nhiếp ảnh sẽ phát triển cả về chất và lượng, tạo thế đứng vững chắc của nhiếp ảnh nghệ thuật trong đời sống văn học, nghệ thuật ở xã hội tương lai…

Vũ Kim Khoa

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy