Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
09:38 (GMT +7)

Tấm ảnh trên phây – búc

VNTN - Một tấm ảnh ai đó đưa lên phây - búc khiến nhiều người chú ý bàn luận. Trong ảnh là quang cảnh lễ kỷ niệm trọng đại ở một tỉnh nọ. Trên sân khấu, các lãnh đạo địa phương đang nhận phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước. Nhóm phóng viên báo, đài và các nhiếp ảnh gia dàn hàng phía dưới chờ đợi khoảnh khắc quan trọng để bấm máy. Vậy nhưng, trước mặt họ, bỗng lù lù xuất hiện một tay chụp ảnh, anh ta khom lưng, chổng mông choán toàn bộ góc chụp trung tâm. Khoảnh khắc trao nhận thưởng diễn ra rất nhanh, những người bị anh ta chắn ống kính không thể chụp hoặc quay phim được, đành chán nản tản ra, có người không kìm được câu văng tục. Tất cả, đều nhìn người có hành động “đẹp” trên với ánh mắt vừa trách móc vừa khinh bỉ.

Ảnh minh họa

Hành động của chàng “nhà báo” đó là bột phát hay cố tình? Chẳng ai biết, nhưng anh ta đã thể hiện văn hóa tác nghiệp kém cỏi.

Tiếc thay, trong nghề báo, chuyện đó không hiếm xảy ra.

Còn nhớ, một lần tôi được lãnh đạo cơ quan phân công đưa tin về Giải bóng chuyền toàn quốc tổ chức tại Thái Nguyên. Có khá nhiều phóng viên các báo ở Hà Nội lên phản ánh sự kiện này. Một anh phóng viên cao to, ở báo nào đó của “trung ương” đẩy chiếc máy quay lừng lững trên bánh xe, luôn ủn chúng tôi ra phía sau, dí sát máy vào các vận động viên, giơ tấm lưng to bè choán tầm ngắm của tất cả anh em báo chí khác.

- Anh ơi - tôi nhẹ nhàng - anh cho bọn em chụp kiểu ảnh đã rồi hẵng đưa máy quay đến gần.

- Anh ta gườm gườm nhìn lại, không thèm trả lời. Tôi cũng im lặng, chờ đúng lúc Ban Tổ chức giải trao Huy chương Vàng cho đội vô địch, tôi nhao lên đứng trước ống kính máy quay của anh ta, giơ máy ảnh lên quá đầu mà chụp, và đứng lì luôn ở đó.

- Ối em gì ơi, em gì ơi, em “giết” anh rồi…

- Có sao đâu, anh cũng vừa “giết” mọi người mà - tôi điềm nhiên trả lời.

Chuyện “trả đũa” đồng nghiệp như thế thật chả hay ho gì. Nhưng nhiều khi cũng cần dạy cho nhau bài học về sự ý tứ, sự tử tế trong cư xử, đừng có kiểu coi mình là “bố tướng”.

Đối với nghề báo, việc chớp được hình ảnh “đắt” và đẹp đòi hỏi vị trí chụp (quay) phải chuẩn. Vì thế, có người phải “xí phần” chỗ tốt bằng cách đứng sẵn ở đó từ khi sự kiện chưa diễn ra, tất nhiên chỗ đó được phép đứng và ở khoảng cách nhất định so với hình ảnh định chụp. Như một quy ước ngầm, những người đến sau không đứng vượt mặt người đứng trước. Để tạo điều kiện cho đồng nghiệp có khung hình đẹp, người đứng chỗ tốt sau khi chụp (quay) xong thì nhanh chóng né ra cho người khác thế chỗ hoặc khom người xuống thấp, nhường khoảng trống cho người sau có thể tác nghiệp. Đó là cách xử sự đẹp, thể hiện người có văn hóa và tinh thần làm việc chung.

Trong trường báo chí, hình như sinh viên không được học cách “ăn trông nồi ngồi trông hướng” khi tác nghiệp cùng đồng đội. Tuy nhiên, điều đó nằm trong văn hóa ứng xử thông thường. Ví như đi ô tô với lãnh đạo thì không nên ngồi ghế “víp”; bắt tay người nhiều tuổi hơn thì hơi cúi đầu; xỉa răng thì nên che miệng…

Trở lại câu chuyện tấm ảnh trên phây - búc, dù người post ảnh không chú giải gì thêm, nhưng nhiều người xem đã để lại lời bình thể hiện thái độ phê phán trước hành động vô ý thức của “anh nhà báo”.

Bức ảnh cũng là thông điệp nhắn đến tất cả những người làm báo chí, quay phim, chụp ảnh. Rằng, mình là người làm công tác văn hóa thì xử sự phải văn hóa. Hành động của mình đang được nhiều đôi mắt giám sát, nhanh chóng bị phản ánh cho mọi người biết và chê trách.

Ngô Minh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Nằm giường

Câu chuyện văn hóa 1 tuần trước

Xong việc mình là… về

Câu chuyện văn hóa 3 tuần trước

Bước qua đổ vỡ

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Trẻ cậy cha, già cậy ai?

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Buồn trên mắt mẹ

Câu chuyện văn hóa 3 tháng trước

Chuyện nghệ danh

Câu chuyện văn hóa 3 tháng trước

Tiếng còi xe

Câu chuyện văn hóa 3 tháng trước