Tai nạn lao động: Nỗi lo chưa cũ
VNTN - Hàng ngày, ở đâu chúng ta cũng có thể bắt gặp hình ảnh những công nhân lao động nặng nhọc tại các công trình xây dựng với dụng cụ thô sơ và không được bảo hộ lao động. Có thể hình ảnh đó đã quá quen thuộc, nên nhiều người cho là bình thường. Nhưng nếu thử nhìn lại và thống kê những vụ tai nạn lao động để lại hậu quả nghiêm trọng trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh, không ít người sẽ phải giật mình...
Từ việc khoan chân tường và 2 người mất đi mạng sống
Trong căn nhà đại đoàn kết đã xây từ 4 - 5 năm trước nhưng vẫn để mộc chưa quét vôi ve, trước di ảnh chồng, chị Nguyễn Thị Bình 47 tuổi, ở tổ dân phố số 7, phường Gia Sàng, T.P Thái Nguyên mắt vẫn đỏ hoe, hoảng loạn. Ngày 2/3, anh Lê Văn Tuyến 50 tuổi, chồng chị còn vui mừng thông báo vừa nhận được công trình tháo dỡ căn bếp cho người bà con bên phường Cam Giá với giá thỏa thuận 1,5 triệu đồng. Dự kiến phần việc sẽ hoàn thành trong 1 ngày rưỡi. Anh Tuyến rủ thêm 2 người cùng tổ là ông Lê Khắc Hùng (sinh năm 1962) và ông Đào Văn Hùng (sinh năm 1954) làm cùng. Ngày làm việc đầu tiên diễn ra suôn sẻ. Toàn bộ phần mái của căn bếp đã được tháo dỡ. Tiếp đến lần lượt 3/4 bức tường cũng được phá dỡ an toàn. Sáng ngày 3/3, cả 3 người dự định làm nốt phần việc còn lại để nhận tiền công thì tai nạn đột ngột giáng xuống cướp đi cuộc sống của anh Lê Văn Tuyến và ông Lê Khắc Hùng.
Kể từ hôm xảy ra chuyện, ông Đào Văn Hùng người may mắn còn sống chưa nguôi nỗi ám ảnh. Ông kể: Sự việc xảy ra nhanh lắm, tôi chỉ vừa quay lưng đi thì 2 chú ấy đã bị tường đè bẹp. Sáng hôm đó, chúng tôi dự kiến là sẽ xong việc. Chú Tuyến phân công tôi chở xe rùa dọn gạch ngói vỡ đổ ra ngoài, còn chú ấy và chú Hùng tiếp tục khoan nốt chân bức tường còn lại. Tôi vừa đẩy xe rùa ra khỏi vị trí bức tường thì nghe rầm một tiếng. 2 chú ấy hét lên chạy nhưng không kịp. Chú Tuyến tử vong tại chỗ, còn chú Hùng bị tường đè từ bụng trở xuống dập nát hết cả xương và nội tạng, lên Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên cấp cứu được vài tiếng rồi cũng qua đời. Tôi may mắn thoát chết trong gang tấc. Sự việc xảy ra tại gia đình anh Bùi Tiến Hải, tổ 1, phường Cam Giá, T.P Thái Nguyên.
Chị Nguyễn Thị Bình, vợ anh Tuyến cho biết vì không có ruộng nên hai vợ chồng chị phải đi làm thuê lấy tiền trang trải cuộc sống và lo cho hai con ăn học. Chị bị bệnh cao huyết áp nên không làm được việc nặng. Nhiều năm nay, chị nhận làm thuê cho một cơ sở làm chổi chít, với mức tiền công từ 70 - 100 nghìn đồng mỗi ngày. Anh Tuyến thì nhận làm mọi việc để có thu nhập từ việc tháo dỡ, xây dựng các công trình nhỏ, đào cây, vét giếng... anh đều không nề hà. Anh qua đời để lại mất mát quá lớn đối với 3 mẹ con chị.
Tang tóc bao trùm ngôi nhà của vợ chồng chị Nguyễn Thị Bình và anh Lê Văn Tuyến
Nước mắt giàn giụa theo từng câu nói, bà Lê Thị Minh (vợ ông Lê Khắc Hùng) giãi bày: Nhà nông, chồng tôi có đi xây bao giờ đâu. 2 năm nay, tranh thủ lúc nông nhàn ông ấy đi bốc dỡ và bán hàng cho một đại lý bánh kẹo trên phường Đồng Quang. Từ tết đến nay, cửa hàng ít việc nên ông ấy vẫn nghỉ ở nhà. Chú Tuyến rủ đi làm, ông ấy cũng định tranh thủ 1 - 2 ngày rảnh kiếm thêm vài đồng phụ đỡ vợ con. Ai ngờ... Tôi nghe người ta bảo, dỡ tường thế lẽ ra phải có cây chống nhưng đây lại không có, cũng chỉ vì không có kinh nghiệm nên mới xảy ra cơ sự thế này. Bà nấc nghẹn, tay phải liên tiếp đấm vào bên ngực trái. Chúng tôi hiểu, nỗi đau này không gì có thể xoa dịu được.
Ở cái tổ dân phố nghèo nhất phường Gia Sàng với nhiều người đi lao động tự do này, việc xảy ra 2 đám tang cùng lúc của những người lao động chất phác nó nặng nề, ám ảnh làm sao. Chẳng ai dám chắc, rủi ro “chắc sẽ tránh mình”. Hỏi thăm đường đến nhà các nạn nhân ai cũng nghẹn ngào nói thêm “Họ đều là những người lành hiền lắm, chỉ vì mưu sinh mà phải mất mạng...”. Tôi trộm nghĩ, liệu có bao giờ họ cảm thấy bất an khi làm những công việc như vậy không? Giải đáp thắc mắc của tôi, ông Đào Văn Hùng chép miệng: Sợ thì có sợ, nhưng không lẽ chỉ vì sợ mà cứ ngồi ì ở nhà. Ở tuổi của chúng tôi, muốn tìm được một công việc ổn định đâu có dễ. Hôm đó, chú Tuyến bảo sẽ trả tôi 200 nghìn đồng/ngày công. Đi làm thuê như vậy là hời lắm rồi.
Nhìn lại những vụ tai nạn trước
Trước đó, vào khoảng 16 giờ ngày 18/12, tại công trình xây dựng của gia đình ông Trần Xuân Hưng, địa chỉ tại tổ 8, phường Trưng Vương, T.P Thái Nguyên cũng xảy ra một vụ tai nạn khiến anh Lê Hoàng Chuân, 26 tuổi, có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Bắc Kạn, là công nhân xây dựng tại công trình bị thương nặng. Sự việc xảy ra trong quá trình anh Chuân cùng một số công nhân vận chuyển thép từ vỉa hè lên tầng 4 của tòa nhà đang xây dựng. Do công trình nằm ngay sát đường điện nhưng lại không có lưới che chắn, bảo vệ nên trong quá trình tời thép lên mái nhà, phần đuôi của cây thép đã chạm vào đường điện. Hậu quả là anh Chuân bị điện phóng nằm bất tỉnh tại chỗ. Ngay sau đó anh đã được đưa đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên trong tình trạng bỏng độ 3 gồm toàn bộ 2 chân; mông và bộ phận sinh dục. Theo bác sĩ điều trị, anh Chuân sau khi được cấy ghép da dù vết thương có được phục hồi thì sức khỏe sau này vẫn bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nằm trên giường bệnh, Chuân buồn rầu: Em chưa kịp lập gia đình, bị thương thế này, chắc không còn dám mơ đến điều đó nữa.
Một trường hợp thương tâm khác chúng tôi muốn đề cập đến là chị Tạ Thị Liềm, ở xóm Sỏi, xã Hà Châu (Phú Bình). Trong căn nhà lạnh lẽo và ảm đạm, ông Nguyễn Viết Quyết vẫn còn lộ rõ vẻ mặt thất thần khi kể về cái chết thương tâm của con dâu mình vào hồi tháng 6-2015: Hôm ấy con dâu tôi ngồi trên mái nhà đón bao xi măng do chồng nó tời từ dưới lên. Không biết nó với hụt thế nào mà lại lao theo bao xi măng rơi từ trên mái xuống. Vết thương nặng quá nên con dâu đã không qua khỏi. Nó ra đi bỏ lại cho chồng và 2 người già đều trên 70 tuổi chúng tôi 3 đứa cháu nhỏ, cảnh nhà nheo nhóc vô cùng, đến tiền học của các cháu chúng tôi nhiều khi cũng lo không nổi… Trường hợp của chị Liềm không phải là duy nhất ở xã Hà Châu. Trong khoảng 4 năm trở lại đây, trên địa bàn xã đã có ít nhất 3 người thiệt mạng khi đi làm thợ xây hoặc phụ hồ.
Ông Nguyễn Viết Đài, Chủ tịch UBND xã Hà Châu cho biết: Trên địa bàn xã có tới trên 30 nhóm thợ xây. Hầu hết đều tự phát theo hình thức một người đứng ra làm “cai” nhận công trình rồi tập hợp thêm anh em, làng xóm cùng làm. Đặc điểm của các nhóm thợ này là phương tiện lao động thô sơ, không có trang phục bảo hộ lao động. Tình trạng người lao động bị thương, thậm chí mất mạng do sơ sẩy trong quá trình làm việc không phải hiếm. Trên thực tế việc quản lý các đối tượng này là rất khó khăn.
Tại hầu hết các công trình dân sinh, thợ xây dựng đều không có trang phục và thiết bị bảo hộ
Cùng chung quan điểm này, ông Trần Đức Minh, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Phú Bình chia sẻ: Số lao động tự do thường xuyên di chuyển nên công tác quản lý gặp nhiều khó khăn, rất khó để tổ chức các lớp tập huấn về an toàn lao động cho họ. Đa phần họ không qua các lớp đào tạo nghề, được “cai thầu” thuê theo thời vụ nên thiếu kiến thức và kỹ năng cần thiết. Người đứng ra tổ chức các nhóm thợ cũng chưa chú ý hoặc quan tâm đúng mức đến việc trang bị bảo hộ cho người lao động và ngay cả bản thân họ. Bởi vậy mà khi các sự việc đáng tiếc xảy ra hậu quả đều khá nặng nề.
Đây không phải khó khăn riêng của huyện Phú Bình mà là thực trạng đang diễn ra trên địa bàn toàn tỉnh. Không ít người giật mình thon thót khi chứng kiến người thợ xây phó thác tính mạng trên những giàn giáo dựng sơ sài bằng cây chống èo uột, không tuân theo một nguyên lý căn bản nào. Chưa có một con số chính xác nào thống kê về số vụ tai nạn lao động đã xảy ra từ các công trình xây dựng bởi trên thực tế, không phải vụ việc nào chính quyền cơ sở cũng báo lên cấp trên.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Bạo, Chánh Thanh tra Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Trong quá trình thanh, kiểm tra các vụ tai nạn mất an toàn lao động, hầu hết đối với những công trình tư nhân, như nhà ở và các công trình dân dụng khác đều do các nhóm thợ thực hiện chứ không phải các doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh, vậy nên việc quản lý lực lượng này là không dễ. Họ làm việc theo mô hình có một người đứng ra nhận công trình rồi tự tập hợp một số người khác cùng làm. Họ chỉ giao kết bằng miệng, ngoài phần lương theo thỏa thuận thì người lao động không được đóng bảo hiểm y tế, không được tập huấn về an toàn lao động, không có bảo hộ lao động...
Một thực tế vẫn tồn tại là hàng ngày đang có hàng trăm, hàng nghìn người làm việc trong điều kiện thiếu an toàn. Nguyên nhân thì nhiều, có thể vì chủ quan, vì thiếu kiến thức, vì nhu cầu mưu sinh... mà họ vẫn bất chấp làm việc cùng nguy hiểm. Sự việc sập mái nhà thờ giáo họ Ngọc Lâm, xã Linh Sơn (Đồng Hỷ) hồi tháng 1/2013 khiến 3 người tử vong và khoảng 50 người bị thương vẫn sẽ là những bài học cảnh tỉnh cho những ai còn xem nhẹ những quy định về an toàn lao động.
Sa Mộc - Hải Bình
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...