Sụt lún ở Trại Cau: Đừng để người dân khổ mãi
VNTN - Sau nhiều lần phản ánh và kêu cứu về tình trạng sụt lún, mất nước, nứt tường, nghiêng nhà mà chưa được giải quyết, gần đây một số hộ dân sống trong vùng nguy hiểm thuộc khu vực ảnh hưởng của mỏ sắt Trại Cau (Công ty CP Gang thép Thái Nguyên), trên địa bàn huyện Đồng Hỷ đã tự cứu mình bằng cách bỏ nhà ra ngoài dựng lán ở tạm. Điều đó cho thấy, đây không còn là “chuyện thường ngày ở huyện” nữa, đã đến lúc cần sự vào cuộc nghiêm túc, trách nhiệm của chính quyền sở tại và các cơ quan, đơn vị liên quan.
Sụt lún - chuyện không mới…
Chuyện sụt lún, mất nước ở vùng mỏ Trại Cau không còn xa lạ với những ai quan tâm, đặc biệt là với cư dân đang sinh sống tại các xã, thị trấn trong vùng (gồm Trại Cau, Cây Thị, Tân Lợi, Nam Hòa…). Còn nhớ cách đây gần chục năm, tình trạng sụt lún do khai thác khoáng sản tại khai trường Thác Lạc của Mỏ sắt Trại Cau cũng đã khiến mấy chục hộ dân nằm trên địa bàn thị trấn Trại Cau chịu ảnh hưởng nặng nề. Sau nhiều năm kêu cứu, toàn bộ số hộ dân ở khu vực ảnh hưởng đã được Công ty CP Gang thép Thái Nguyên đền bù thỏa đáng, từ đó dần ổn định cuộc sống.
Cách đây khoảng 3 năm, tình trạng sụt lún, mất nước một lần nữa lại xuất hiện gần khu vực có các moong khai thác khoáng sản của một số doanh nghiệp trên địa bàn. Đáng chú ý nhất là khu vực khai thác Tầng sâu Núi Quặng của Mỏ sắt Trại Cau, khu Tây Chỏm Vung của Công ty CP Luyện Kim Đen và Doanh nghiệp Anh Thắng. Hiện tại, có gần 100 hộ dân thuộc tổ 14, thị trấn Trại Cau và các xóm Hòa Bình, Kim Cương, Trại Cau của xã Cây Thị trực tiếp chịu ảnh hưởng.
Bí thư chi bộ tổ 14, ông Đặng Quốc Tuấn khẳng định, trong tổ có trên 30 hộ dân chịu ảnh hưởng, trong đó 100% số hộ ảnh hưởng đến nước sinh hoạt (cả giếng khoan, giếng đào đều có hiện tượng cạn nước - PV), 10 hộ bị nứt, lún tường rào, công trình nhà cửa. Từ năm 2014 đã có hiện tượng tương tự diễn ra ở đây, nhưng mức độ nhẹ hơn. Ông Tuấn cho rằng, việc khai thác quặng sắt ở mỏ Tầng sâu Núi Quặng (sát cạnh tổ 14) của Mỏ sắt Trại Cau là nguyên nhân gây ra hiện tượng này.
Trao đổi với ông Phạm Thanh Sao, Chủ tịch UBND xã Cây Thị, chúng tôi có thêm thông tin, cũng từ tháng 7-2014, tình trạng mất nước bắt đầu xuất hiện tại một vài hộ trong xóm Hòa Bình. Tháng 4-2015 thấy hiện tượng sụt lún tạo thành những hố to và sâu như giếng nước ở cánh đồng xóm Kim Cương và Trại Cau. Từ tháng 10-2015 đến tháng 2-2016 xuất hiện nứt nhà dân ở Hòa Bình và lan sang xóm Trại Cau, Kim Cương với khoảng 40 hộ ảnh hưởng. Từ tháng 9-2016 đến nay số hộ ảnh hưởng ở đây đã lên đến trên 60 hộ và tiếp tục có nguy cơ tăng lên.
Nhà ông Lê Văn Cầm, xóm Hòa Bình, xã Cây Thị có nhiều chỗ tường bị nứt toác có thể đưa lọt bàn tay
…nhưng không thể xem nhẹ
Trưa một ngày đầu năm 2017, chúng tôi tìm đến nhà ông Nông Văn Nàng, 76 tuổi, dân tộc Nùng ở xóm Kim Cương, xã Cây Thị. Thay vì lo thổi cơm trưa, hai vợ chồng ông cứ đi ra đi vào than thở, hết nhìn nhà xây có mấy cây chống gỗ dựng lên đỡ tường khỏi đổ, lại trông xuống lán bạt xiêu vẹo mới dựng phía ngoài cổng. Cậu con trai út ở cùng thì lật đật đi xếp lại mấy ống mũi khoan giếng vứt chỏng chơ ở góc vườn do đã khoan mấy chỗ sâu đến 40m mà chưa có nước, đội thợ khoan nản quá, bỏ giữa chừng.
Trò chuyện với chúng tôi trong lán dựng tạm, ông Nàng ngán ngẩm: Khổ quá anh ạ! Nhà ngày càng nứt tợn, góc bên trái bị nghiêng rồi không dám ở nữa, đành bất đắc dĩ phải dọn ra ngoài này. Hôm rồi mìn đánh quặng bên khu Tầng sâu Núi quặng nổ làm rung cả nhà, tưởng đổ luôn nên thằng con lấy cây về chống tạm. Bà con thấy cực đã xúm lại dựng cho cái lán này đấy. Người con trai út của ông Nàng thì chua xót thêm vào: Chưa khi nào nhà tôi phải chạy vạy ăn đong từng hạt gạo như hiện giờ. Hơn mẫu ruộng của nhà bỏ không 3 vụ nay vì mất nước, sụt hố do ở gần khu vực khai thác khoáng sản.
Ở gần nhà ông Nàng, mấy gian nhà xây cấp 4 của ông Nguyễn Văn Mùi cũng trong tình cảnh nứt nền, tường và có hiện tượng nghiêng muốn đổ. Dù vậy, gần tháng nay ông Mùi vẫn chưa chuyển ra ở bên ngoài. Khi được hỏi tại sao biết nguy hiểm nhưng cả gia đình vẫn ở lại trong nhà, ông Mùi ngậm ngùi cho hay: Gia đình tôi còn mẹ già trên 90 tuổi. Cụ bị tai biến nên yếu lắm, nếu để cụ ra ngoài lán ở tạm, sương gió, rét mướt thế này chắc không chịu nổi. Lỡ cụ làm sao, con cháu lại ân hận. Do vậy, biết là nguy hiểm nhưng vẫn cấn cá chưa chuyển ra.
Sau các trường hợp trên, những ngày đầu tháng 2 vừa qua, tiếp tục có thêm 3 hộ dân nữa thuộc xóm Hòa Bình, xã Cây Thị phải chuyển ra ở bên ngoài. Chúng tôi có mặt tại gia đình ông Lê Văn Cầm, trưởng xóm Hòa Bình khi ông và một số người thợ đang dựng lán mái tôn ra sát cổng để ở tạm. Phía bên trong, ngôi nhà cấp 4 xây từ năm 2000 của gia đình ông đã có dấu hiệu bị nghiêng, tường nhiều chỗ nứt toác có thể đưa lọt bàn tay. Ông Cầm lo lắng: Cạnh nhà tôi còn 2 hộ nữa cũng trong tình cảnh tương tự. Không đợi được nữa, tôi tự bỏ ra 30 triệu đồng mua sắt thép, tôn lợp về thuê thợ làm lán cho cả 3 gia đình. Anh Trần Văn Trường, một trong 3 hộ nói trên cho hay, từ năm 2015 tường nhà anh và nhiều nhà lân cận đã bị nứt. Gần đây lại nứt to hơn, nhất là ngày 6-2 vừa qua có mưa và gió mạnh khiến nhà bị nghiêng. Thấy vậy, mọi người bảo nhau dọn ra bên ngoài vì lo cho tính mạng cả nhà. Bên cạnh đó, gia đình bà Trần Thị Thiềm cũng đang dựng lán ở tạm. Bà Thiềm cho hay, mấy ngày gần đây, biết chuyện huyện, xã cũng đến động viên, chia sẻ. Trực tiếp Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ đã xuống xem xét tình hình, thăm hỏi và hỗ trợ khẩn cấp 3 gia đình mỗi nhà 5 triệu đồng.
Người dân vùng ảnh hưởng đã nhiều lần phản ánh và đề nghị chính quyền địa phương, đơn vị khai thác khoáng sản quan tâm và có phương án di chuyển ngay các hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Tuy nhiên, nhiều ngày nay người dân mòn mỏi chờ đợi mà chưa thấy. Được biết, phía Mỏ sắt Trại Cau mới đây đã hỗ trợ làm lán tạm bằng mái tôn cho gia đình ông Nông Văn Nàng.
Gia đình ông Nông Văn Nàng, xóm Kim Cương, xã Cây Thị
bị nứt và nghiêng nhà từ nhiều ngày qua
Nhà anh Trần Văn Trường, xóm Hòa Bình,
xã Cây Thị phải làm lán tạm ra bên ngoài để ở
Doanh nghiệp đùn đẩy trách nhiệm
Bà Vũ Thị Tiến, người dân ở xóm Hòa Bình, nhà chỉ cách mỏ sắt Tầng sâu Núi Quặng mấy trăm mét bức xúc: Chúng tôi kêu nhiều lần rồi, tỉnh, huyện và Mỏ sắt Trại Cau đã về kiểm tra và bước đầu có phương án hỗ trợ, song nhiều ngày nay không thấy triển khai thực hiện. Trong khi đó, mức độ nguy hiểm càng ngày càng lớn. Khi bà con thắc mắc thì đều được trả lời “phải đợi các nhà khoa học vào xác định do đơn vị nào gây ra để biết mà quy trách nhiệm”. Cũng theo bà Vũ Thị Tiến và một số hộ lân cận thì tình trạng nứt tường, mất nước xảy ra ở đây từ năm 2014 khi mỏ Tầng sâu Núi Quặng tập trung khai thác ở độ sâu âm 40m. Và hiện tại, khi độ sâu của mỏ này xuống tới âm 50m thì nhà bị nứt to hơn, đất sụt lún nhiều hơn.
Theo người đứng đầu UBND huyện Đồng Hỷ, ông Nguyễn Văn Thủy thì một số khu vực bị ảnh hưởng nhiều đã được Mỏ sắt Trại Cau bồi thường, di dời đi nơi khác. Thời gian gần đây, huyện đã phối hợp với Mỏ sắt Trại Cau khắc phục tạm thời tình trạng trên bằng cách bố trí cấp nước sinh hoạt, nước sản xuất cho các hộ dân vùng ảnh hưởng; cùng với Mỏ ứng trước trên 8 tỷ đồng (huyện 50%, Mỏ 50%) di chuyển khẩn cấp 8 hộ dân thuộc tổ 14 (nằm sát khu khai thác mỏ Tầng sâu Núi Quặng) ra bên ngoài. Sau khi được hỗ trợ giải phóng mặt bằng (GPMB), các hộ này tự tái định cư và hiện đã ổn định cuộc sống.
Hiện tại, phía Mỏ sắt Trại Cau cho rằng, riêng khu vực ảnh hưởng thuộc 3 xóm của xã Cây Thị ở cách xa mỏ Tầng sâu Núi Quặng nên Mỏ chưa thừa nhận lỗi do đơn vị mình gây ra. Được biết, trong khu vực này ngoài Mỏ sắt Trại Cau còn có 3 đơn vị, doanh nghiệp khai khoáng khác hoạt động. Khi được xem xét đến, các đơn vị khai khoáng này cũng không thừa nhận lỗi do mình. Công ty TNHH Hải Thành cho rằng doanh nghiệp chủ yếu thải đất tầng trên và tuyển rửa khoáng sản; Công ty CP Luyện Kim Đen có tổ chức khai thác khoáng sản nhưng đã ngừng và hoàn thổ khu vực khai thác từ nhiều tháng nay; Doanh nghiệp Anh Thắng mặc dù đang khai thác song cũng chỉ là khai thác lộ thiên nên gần như không gây ảnh hưởng.
Ông Mạc Đăng Niên, Giám đốc Mỏ sắt Trại Cau cho rằng, trước sự việc trên Mỏ cũng rất lo lắng và thật sự không yên tâm sản xuất, nên đang đề nghị tỉnh, huyện và các ngành liên quan nhanh chóng xem xét, xác định rõ lỗi thuộc đơn vị nào để sớm có giải pháp bồi thường, đảm bảo cuộc sống cho người dân vùng ảnh hưởng.
Cần đặt tính mạng, tài sản của dân lên trên hết
Trả lời câu hỏi người dân phải ở lán tạm đến khi nào, tính mạng cũng như tài sản của các hộ trong vùng ảnh hưởng sẽ ra sao và giải pháp của huyện giải quyết vấn đề này thế nào, Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ Nguyễn Văn Thủy cho hay: Huyện đã nhiều lần gửi văn bản tới Sở Tài nguyên - Môi trường và UBND tỉnh để báo cáo tình hình và đề nghị giải quyết thực trạng trên, bởi thẩm quyền và năng lực của huyện có hạn. Trong đó, đề nghị tỉnh cho xác định chủ thể gây ra hiện tượng sụt lún, mất nước. Đánh giá lại tác động của việc khai thác khoáng sản trong khu vực này đến môi trường, nếu đặc biệt nghiêm trọng sẽ có hai phương án, một là đóng cửa mỏ, hai là bồi thường di chuyển các hộ dân ra bên ngoài. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có phương án giải quyết triệt để.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Thủy, Đồng Hỷ là huyện còn nhiều khó khăn về ngân sách, không có nguồn để bố trí kinh phí hỗ trợ GPMB cho các hộ dân nói trên, nên bất đắc dĩ phải để bà con dựng lán ở tạm, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra. Khoảng 4 tỷ đồng mà huyện ứng trước để hỗ trợ di chuyển 8 hộ dân vùng sụt lún năm 2016 giờ vẫn đang treo chưa có nguồn bù lại. Việc di chuyển, tái định cư cho các hộ dân đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn, nên về phía địa phương chỉ có thể bố trí quỹ đất tái định cư (đã quy hoạch, bố trí khoảng 50 lô đất tại tổ 4, thị trấn Trại Cau), còn kinh phí bồi thường GPMB không thể kham nổi. Khi được hỏi, sao địa phương không sử dụng nguồn phí môi trường được trích lại cho huyện hàng năm khoảng 30 tỷ đồng, Chủ tịch UBND huyện khẳng định, không thể sử dụng nguồn đó bởi theo quy định phí môi trường chỉ dành cho mục đích phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản chứ không thể cấp cho công tác giải phóng mặt bằng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tình trạng sụt lún, mất nước ở khu vực Trại Cau lâu nay chưa được giải quyết dứt điểm, một phần bởi phải chờ xác định chủ thể chính gây ra và chịu trách nhiệm bồi thường, GPMB hoặc di chuyển các hộ dân. Trong khi đó, sở Tài Nguyên - Môi trường và huyện Đồng Hỷ lại đang loay hoay tìm phương án, trong đó có việc mời từng doanh nghiệp khai thác khoáng sản đến làm việc để cố gắng tìm ra đơn vị chịu trách nhiệm chính.
Trước thực tế trên, theo chúng tôi vấn đề cấp thiết lúc này không phải là xác định chủ thể chịu trách nhiệm chính, mà là có ngay phương án di dời các hộ trong vùng đặc biệt nguy hiểm ra bên ngoài. Việc này cần thiết phải do tỉnh đứng ra chỉ đạo, đôn đốc giải quyết, nếu có thể ứng ngay ngân sách để xử lý tình huống tức thời. Hiện tượng nứt tường, nghiêng nhà ở đây đang ngày càng nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp đến tính mạng, tài sản của nhân dân, gây tâm lý hoang mang, bất ổn đối với hàng chục hộ gia đình. Do vậy, không thể để người dân tiếp tục phải sống trong cảnh chờ đợi, lo âu kéo dài.
Minh Quân
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...