Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
02:30 (GMT +7)

Sức mạnh của lời dịu dàng

VNTN - Mười giờ tối, giọng chị ré lên bất lực: - Mày có chịu học không, hay muốn đi phơi nắng dầm mưa xúc đất hả thằng kia?

Thằng bé yếu ớt phản kháng: - Học gì mà lắm thế mẹ, để mai không được à?

Chị gầm lên chua xót: - Cái ngữ lười nhác như mày, đến rác cũng không có cho mà hốt!

Tiếng quát và những lời mắng mỏ ấy đã tái hồi suốt bốn năm nay, kể từ ngày mẹ con chị rồng rắn đến đây thuê phòng trọ. Hồi đó, thằng bé tám tuổi nhỏ thó, cặp kính cận dày cộp và đôi mắt lúc nào cũng láo liên. Không chỉ lười học, mà cái tính bướng bỉnh, luôn vênh mặt thách thức của nó mới thật làm chị tức sôi máu. Trong khi cô con gái thì lại trái ngược, thành tích học tập luôn ở top đầu và đạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi văn hóa cấp thành phố, cấp tỉnh. Chị thường than thở, may mà còn có đứa con gái giỏi giang “vực” chị đi qua những ngày vất vả, chứ như thằng nhóc kia, thì chị cũng đến chết.

 

Chị quyết tâm rời khỏi người chồng vô trách nhiệm lại có tính vũ phu, một mình nuôi con. Ly hôn với điều kiện không nhận trợ cấp, chị chỉ nhờ suất lương biên chế nhà nước, thêm thắt từ khoản phụ cấp biểu diễn mà co kéo cho cuộc sống. Nhiều lúc chị không dám ốm, không dám sắm sửa gì đó cho riêng mình. Thằng bé trái tính trái nết, không để tâm đến những lời khuyên bảo của chị. Chị dùng đủ giọng điệu và thái độ, từ ngọt ngào nhẹ nhàng đến nghiêm nghị cứng rắn. Sau rất nhiều lần dỗ dành không được, thì sự nạt nộ lại có tác dụng. Nó sợ chị, nghe lời được vài ngày rồi lại đâu hoàn đấy. Vậy nên để quy phục, chị càng gia tăng những lần quát mắng, thậm chí dùng đòn roi. Nhưng lâu dần, thằng bé như “chai đòn”, nó không còn sợ nữa mà bắt đầu chống trả và bỏ chạy, khiến chị nhiều phen phải đỏ mắt đi tìm.

Chuyện học hành sao nhãng, sa sút. Chị đưa nó đến các lớp học thêm hết môn này đến môn kia, vét đến những đồng bạc cuối cùng để đóng học phí. Nhưng thằng nhỏ vẫn giậm chân tại chỗ. Nó nói dối, ngụy biện và phản kháng chuyện học. Chị phải dùng biện pháp mạnh, gửi về Hà Nội cho đứa cháu “rèn” hộ. Cháu chị là người mà thằng bé sợ và nghe lời nhất. Nhưng được hai tuần thì chị phải cấp tốc đưa về vì nó “chơi chiêu” khóc lóc, không chịu ăn uống. Chiếc laptop chị giấu kỹ đến mấy nó vẫn lần tìm ra, lên mạng chơi game suốt buổi. Chị đem gửi máy, nó lại lân la sang hàng xóm mượn điện thoại chơi. Xóm trọ có thanh niên trẻ, cũng hay chơi game nọ game kia, chị phải đi từng nhà quán triệt, nhờ vả mọi người làm lơ nó. Hết cách, nó lại trốn sang nhà bạn. Mệt mỏi vì không thể kiểm soát được con, chị trút bực dọc vào những lời mắng mỏ, vào chiếc cán chổi mỗi lần quất xuống mông nó.

Chị từng nghe ai đó nói rằng, âm nhạc và văn học là hai thứ khiến con người ta sống tử tế, thế nên từ hồi con vào lớp 1, chị đã sắm một cây organ, cho cả hai đứa đi học nhạc. Mỗi cuối tuần chị yêu cầu các con ôn luyện, thằng bé đàn bập bõm một hồi rồi lại lẩn mất. Chị đi sục tìm về, lại quát tháo ầm ĩ. Nó gào lên: đã bảo không thích mà sao cứ ép con?

Chiều nay khi đang lui cui trong bếp, chị nghe cuộc trò chuyện của cô hàng xóm với thằng bé:

- Sáng nay Dương đàn đấy à? Cuối tuần cô tính sẽ ngủ nướng đấy, mà nghe con đàn hay quá nên tỉnh dậy nghe. Con chịu khó học và đàn nhiều hơn nhé, mọi người rất thích nghe và cô cũng thế.

Thằng bé hớn hở hỏi:

- Thật vậy không cô? Cuối cùng cũng có người khen con một lần.

Nói dứt lời, nó chạy ùa vào phòng, ngồi vào đàn say sưa.

Ôi, lời động viên, tán thưởng kia như một phép màu vậy. Một lời nói dịu dàng, biểu dương đúng lúc đã khiến nó tự giác, hoan hỷ như thế. Chị thừa mứa những câu từ chê trách mà dè sẻn quá những lời khích lệ cho con. Chị hối hận quá. Nhưng chị biết chưa muộn để mình thay đổi. Từ hôm nay trở đi, chị sẽ chỉ dành cho con những lời yêu thương nâng đỡ như thế. Thằng bé dù bị chị la mắng vẫn cứ bám lấy chị mỗi tối mà nũng nịu, nói lời thương yêu chị. Nó không khó bảo như chị nghĩ, chỉ là chị chưa làm đúng cách mà thôi!

Mai Đình

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Chồng hoang vợ vụng

Câu chuyện văn hóa 2 tuần trước

Không ai bị bỏ lại phía sau

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

“Nơi ấm” cho con

Câu chuyện văn hóa 2 tháng trước

Một cuộc tư vấn

Câu chuyện văn hóa 2 tháng trước

Khổ vì… đa tình

Câu chuyện văn hóa 2 tháng trước

Câu chuyện ngày cuối năm

Câu chuyện văn hóa 3 tháng trước

Đời mình, mình sống

Câu chuyện văn hóa 4 tháng trước