Thứ hai, ngày 21 tháng 10 năm 2024
18:47 (GMT +7)

Sửa Luật Phòng chống tham nhũng: Phương án xử lý tài sản bất minh vẫn “ngổn ngang”

VNTN - Kỳ họp thứ sáu của Quốc hội khoá 14 đã bước sang những ngày làm việc cuối cùng với hàng loạt dự thảo luật được bấm nút biểu quyết.

Một trong số các dự án luật, dù đã được kéo dài đến ba kỳ họp của Quốc hội (thông lệ là hai kỳ) nhưng đến phút cuối ý kiến vẫn rất khác nhau là Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi).

Mới nhất, tranh luận "căng" nhất, khó đồng thuận nhất là phương án xử lý tài sản thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga (đại biểu đoàn Thái Nguyên) nhiều lần trình bày về phương án xử lý tài sản thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc trước Quốc hội.

Xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý là nội dung mới được bổ sung vào dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ năm (giữa năm 2018), sau khi tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ tư.

Khi đó, dự thảo luật nêu hai phương án và Chính phủ chọn phương án 1: cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập yêu cầu cơ quan thuế thực hiện việc thu thuế thu nhập cá nhân. Phương án hai là xử phạt hành chính.

Thảo luận tại tổ và cả khi ra hội trường quan điểm của đại biểu vẫn trái chiều chan chát.

Kỳ họp thứ năm bế mạc tháng Sáu, cuối tháng Bảy, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã chủ trì làm việc với lãnh đạo các cơ quan hữu quan để thảo luận về phương án xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc. Tại cuộc họp, các cơ quan tham dự đã thống nhất bổ sung thêm phương án xác lập quyền sở hữu của Nhà nước với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc theo thủ tục giải quyết vụ việc, vụ án dân sự tại tòa án (phương án ba) để xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Chính trị và báo cáo Quốc hội.

Nhưng, thêm một phương án mới, thêm tranh luận căng thẳng và thêm lo lắng ngay từ phiên họp tháng 8/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khi mà lúc đó tập thể Chính phủ cũng chưa thảo luận mà mới chỉ có Thanh tra Chính phủ lăn lộn chỉnh lý cùng cơ quan thẩm tra là Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.

Tháng 9/2018 Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục xem xét các phương án, và lần này cả Ủy ban Tư pháp và cơ quan trình dự án (Chính phủ) đề nghị lựa chọn phương án 1 (xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc qua thủ tục xem xét, giải quyết tại tòa án) vì đây là phương án có nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với các phương án khác.

Nhưng, khi ra Quốc hội ở kỳ họp thứ sáu đang diễn ra, phương án này cũng không nhận được sự đồng thuận cao. Người chọn giải pháp giải quyết tại tòa án chứng minh sự ưu việt của phương án này bao nhiêu thì ý kiến phản biện cũng chỉ ra vô số bất cập.

Trong những tình huống tương tự thì phiếu xin ý kiến sẽ được phát đến các vị đại biểu Quốc hội trước khi dự thảo được chỉnh lý lần cuối để trình Quốc hội bấm nút.

Lần này cũng không ngoại lệ. Ngày 15/11 gửi đến các vị đại biểu kết quả xin ý kiến, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết đã có 456/485 vị đại biểu Quốc hội thể hiện ý kiến của mình và gửi về Ban Thư ký. Nhưng cũng không có phương án nào được trên 50% tổng số đại biểu gật đầu, quan điểm còn rất ngổn ngang.

209/456 đại biểu, chiếm 45,93% số đại biểu tham gia cho ý kiến (chiếm 43,09% tổng số đại biểu) tán thành phương án xem xét, giải quyết tại tòa án. Theo đó, việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc sẽ do cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập đề nghị tòa án xem xét, quyết định. Phần tài sản, thu nhập tăng thêm của người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc sẽ được thu hồi cho Nhà nước.

156/456 ý kiến đại biểu, chiếm 34,21% số đại biểu tham gia cho ý kiến (chiếm 32,16% tổng số) tán thành với phương án thu thuế thu nhập cá nhân. Theo đó, trường hợp kết luận tài sản, thu nhập tăng thêm của người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc và cơ quan có thẩm quyền không chứng minh được tài sản, thu nhập do vi phạm pháp luật mà có thì cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập chuyển vụ việc cho cơ quan quản lý thuế có thẩm quyền yêu cầu thu thuế thu nhập cá nhân đối với phần tài sản, thu nhập tăng thêm của người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc theo quy định của pháp luật về thuế.

Ngoài ra, có 40/456 ý kiến đại biểu, chiếm 8,77% số đại biểu tham gia đề nghị giữ như quy định của Luật Phòng chống tham nhũng hiện hành. Theo đó, nếu cơ quan nhà nước chứng minh được tài sản do vi phạm pháp luật, tội phạm mà có thì thu hồi hoặc tịch thu sung công; nếu chứng minh được dấu hiệu trốn thuế thì xử lý theo quy định của pháp luật về thuế.

Các ý kiến rất thiểu số cũng được tập hợp tại báo cáo. Như, 13 ý kiến tán thành với việc cần thiết phải xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc, nhưng còn băn khoăn với các phương án của dự thảo Luật. 1 ý kiến đề nghị giao cho cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập tịch thu tài sản, thu nhập giải trình không hợp lý về nguồn gốc. 1 ý kiến đề nghị cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập nếu xác định tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc thì chuyển tài liệu sang cơ quan điều tra để xử lý. 2 ý kiến đề nghị ban hành và áp dụng đồng bộ với Luật Đăng ký tài sản; 3 ý kiến đề nghị tổ chức lấy ý kiến rộng rãi để có phương án khả thi trước khi thông qua.1 ý kiến đề nghị giao Chính phủ quy định chi tiết phù hợp với từng thời kỳ. Và 31 vị (chiếm 6,39% tổng số đại biểu) không thể hiện chính kiến của mình.

Theo chương trình kỳ họp mới được điều chỉnh rút ngắn một ngày thì sáng 20/11 Quốc hội sẽ bấm nút biểu quyết Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi). Quy trình còn lại là Quốc hội chỉ nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau đó thể hiện chính kiến bằng nút biểu quyết chứ không thảo luận nữa. Và đáp án cho vấn đề nan giải nhất tại dự thảo luật vẫn sẽ là ẩn số đến phút chót.

Vĩnh An

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy