Thứ bảy, ngày 19 tháng 10 năm 2024
04:19 (GMT +7)

Sửa Luật Công an: Có thể sẽ có một nữ Thượng tướng là Thứ trưởng Bộ Công an trong tương lai

VNTN- Tiếp tục Kỳ họp thứ 5, sáng 2/6 Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Công an nhân dân sửa đổi.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên phát biểu

Một trong những nội dung đáng chú ý ở lần sửa đổi này là Chính phủ đề xuất bổ sung quy định và tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của công nhân công an (nam tăng 2 tuổi, nữ tăng 5 tuổi); tăng 2 tuổi của sĩ quan, hạ sĩ quan.

Riêng nữ sĩ quan có cấp bậc hàm Đại tá tăng 5 tuổi, nữ sĩ quan có cấp bậc hàm Thượng tá tăng 3 tuổi; nữ sĩ quan cấp Tướng thì vẫn giữ nguyên 60 tuổi như hiện hành; bổ sung quy định kéo dài hạn tuổi phục vụ cao nhất đối với sĩ quan công an nhân dân trong trường hợp đặc biệt.

Trước khi góp ý cụ thể về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên cho biết đã nghiên cứu kỹ lưỡng hồ sơ dự án luật, nội dung tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của cơ quan chủ trì thẩm tra.

“Đặc biệt là căn cứ vào kết quả tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 15 của đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên với 150 cán bộ chiến sĩ đại diện cho 2.739 cán bộ chiến sĩ toàn lực lượng công an nhân dân tỉnh Thái Nguyên, tôi xin bày tỏ sự đồng tình nhất trí cao với với các nhóm chính sách mà dự án luật sửa đổi bổ sung đề cập. Tôi đồng tình với tính cần thiết của dự án luật và đánh giá cao sự chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, thận trọng, đúng quy định của dự thảo luật nên thống nhất thông qua dự án luật theo quy trình rút gọn tại 1 kỳ họp”, bà Hải phát biểu.

Nêu quan điểm về quy định hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân Công an, đại biểu Thanh Hải cho rằng mức tăng tuổi đối với từng chức danh, đối tượng như tại dự thảo là phù hợp với Bộ luật Lao động trong đó đã có chú trọng tới việc quy định đối với các đối tượng đặc thù lao động trong môi trường độc hại, nặng nhọc.

Đoàn Chủ tịch điều hành phiên họp sáng 2/6

Cụ thể, việc tăng độ tuổi nghỉ hưu được chia thành 2 nhóm. Nhóm 1 tăng ngay 2 tuổi (Trung tá, Thiếu tá, cấp úy, hạ sỹ quan,…)

Đây là nhóm có tuổi nghỉ hưu trong ngay trong Luật CAND 2018 đã thấp hơn quy định của Bộ luật Lao động tại thời điểm đó (Bộ luật Lao động năm 2012 đã quy định nam là 60, nữ là 55).

Đại biểu phân tích, đây được coi là nhóm các đối tượng đặc thù nghề nghiệp. Ví dụ một nam sỹ quan cấp úy có độ tuổi nghỉ hưu tại Luật CAND 2018 là 53, có độ chênh lệch so quy định tại Bộ luật Lao động là 7 tuổi, bà Hải so sánh.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên cho rằng, Luật Lao động đã sửa tăng tuổi nghỉ hưu chung, thì nhóm này cũng phải tăng tuổi nghỉ hưu, và trong dự thảo luật đang để là tăng ngay 2 tuổi là phù hợp để đảm bảo độ chênh lệch giữa tuổi nghỉ hưu của nhóm đặc thù với độ tuổi nghỉ hưu chung vẫn như trước (ví dụ nam sỹ quan cấp úy nay sẽ có tuổi nghỉ hưu là 55, chênh với tuổi hưu chung nếu tính tại năm 2023 sẽ là 60 tuổi 9 tháng là chênh 5 tuổi 9 tháng và đến năm 2028 thì độ chênh sẽ là 7 tuổi như trước đây)

Như vậy luật CAND sửa đổi lần này đã tính đến các đối tượng đặc thù đối với cả nam và nữ như trước đây, bà Hải nhìn nhận.    

Đối với nhóm còn lại (Thượng tá, Đại tá), đại biểu Thanh Hải nói, nhóm này có độ tuổi nghỉ hưu cả nam và nữ đã được quy định trong Luật CAND 2018 bằng độ tuổi nghỉ hưu quy định tại Bộ luật Lao động tại thời điểm đó là nam 60, nữ 55.

Đến nay theo logic Bộ luật Lao động sửa tăng tuổi nghỉ hưu lên theo lộ trình sao cho đến năm 2028 nam là 62, 2035 nữ là 60 thì các đối tượng thuộc nhóm này cũng sẽ phải tăng tuổi nghỉ hưu lên đảm bảo đồng bộ với Bộ luật Lao động.

Tuy nhiên do Luật CAND đến nay mới sửa và chậm so với Bộ luật Lao động là 3 năm nên việc tính mốc thời gian như thế nào cho đảm bảo các quy định của Pháp luật nhưng vẫn phải đảm bảo đến năm 2028 và 2035 phải đạt được kết quả là đồng bộ với Bộ luật Lao động.

Dự thảo Luật sẽ chia việc tăng tuổi phục vụ của sỹ quan cấp Đại tá, Thượng tá trong luật thành 2 bước - Đại biểu Nguyễn Thanh Hải đề xuất.

Từ đó, đại biểu Nguyễn Thanh Hải đề xuất một phương án trung hòa để Quốc hội cân nhắc.

Đó là, theo Bộ luật Lao động hiện hành thì năm 2023, tuổi nghỉ hưu của nam là 60 tuổi 9 tháng, nữ là 56 tuổi, vì vậy Dự thảo sẽ chia việc tăng tuổi phục vụ của sỹ quan cấp Đại tá, Thượng tá trong luật thành 2 bước.

Bước 1 là tăng ngay khi luật có hiệu lực tuổi phục vụ của nam Đại tá, Thượng tá lên 60 tuổi 9 tháng và nữ Thượng tá lên 1 năm (tương tự như việc tăng ngay 2 tuổi đối với cấp Trung tá, Thiếu tá, cấp úy, hạ sỹ quan,….) khi luật có hiệu lực để đồng bộ hóa với đội tuổi về hưu năm 2023 là 60 tuổi 9 tháng và nữ là 56 tuổi

Bước 2 là từ các năm sau trở đi thì tăng theo lộ trình 3 tháng với nam và 4 tháng với nữ.

Như vậy, nếu thực hiện theo phương án trên sẽ không phải lùi mốc tính tuổi nghỉ hưu nên không vi phạm điều 152 Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật và vẫn đạt được kết quả đồng bộ tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật Lao động và có tính tới tuổi nghỉ hưu đối với các đối tượng đặc thù, đại biểu Thái Nguyên nhìn nhận.

Vấn đề tiếp theo được Bí thư Thái Nguyên đề cập liên quan đến bình đẳng giới. Bà Hải cho biết, tỉnh Thái Nguyên, Đại tá có 5 người nhưng nữ không có người nào. Thượng tá có 105 người, trong đó có 5 nữ.

Quang cảnh phiên họp

Theo bà Hải, việc tăng độ tuổi nghỉ hưu với nữ Đại tá và Thượng tá sẽ tạo cơ hội bình đẳng về thời gian để các nữ lãnh đạo trong ngành Công an có điều kiện phấn đấu sau khi luật ra đời. “Sau một thời gian triển khai, số lượng nữ đại tá trên toàn quốc không phải chỉ là 67 người như hiện nay và số lượng cấp tướng không chỉ là 6 đồng chí, mà sẽ tăng và chúng ta hoàn toàn có thể nghĩ rằng sẽ có một nữ Thượng tướng là Thứ trưởng Bộ Công an trong thời gian tới”, đại biểu Thanh Hải phát biểu.

Vĩnh An

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy