VNTN - Mấy ngày nghỉ, nhà mình đi chơi đâu nhỉ?
Tôi nêu câu hỏi với ông xã.
- Vào khu du lịch X ở Thịnh Đức đi
- Mình vào đấy mấy lần rồi mà, sao không đi chỗ khác cho “biết đó biết đây”?
- Nhưng anh vẫn thích vào đấy.
Thái Nguyên mình không ít chỗ chơi. Nhưng với người không thích ồn ào chen chúc như chúng tôi thì khu du lịch X - một không gian rộng rãi có cây, có nước, có hoa, lối nhỏ quanh co đi bộ - là lựa chọn hợp lý.
Mỗi lần đến đây, sau khi thong dong trên những lối đi lát gạch sạch sẽ, ngắm hoa râm bụt chân quê, hoa chuối rừng đỏ tươi lấp ló trong cánh rừng nhân tạo, nghiêng tai nghe tiếng mõ trâu lốc cốc, chúng tôi thường vào nhà một cư dân của khu sinh thái để nghỉ chân. Lần nào cũng vậy, đến nhà nào cũng vậy, chủ nhân (là người dân tộc Tày chính gốc) đón chúng tôi hồ hởi như gặp người quen. Chén sạch bày mâm gỗ, rượu ngon rót lưng chén, đàn tính lấy trên vách nứa xuống, chủ nói cho khách nghe cách nấu rượu truyền thống, cách làm đàn tính; giải thích cách đắp bếp lửa trên nhà sàn; hướng dẫn cách giã gạo, xay thóc, quạt thóc bằng hòm.
Con tôi cùng mấy người bạn ở Hà Nội có lần lên đây đã rất ngạc nhiên khi chúng đi tham quan, xem xét, hỏi han cả ngày mà không mất đồng tiền hướng dẫn nào, kể cả tiền gửi xe.
- Hà Nội ý à, họ giới thiệu như thế là mất tiền trăm đấy - Chúng xì xầm với nhau.
Chẳng riêng Hà Nội, đến một số điểm du lịch khác của Thái Nguyên cũng thế. Đi chơi mà lúc nào cũng lo canh cánh. Vào gửi xe đã tiền; vào cổng, tiền; xem/ chơi bất cứ trò nào, tiền tiếp; mua vật lưu niệm, giá cắt cổ.
Lại nói đến chuyện mua bán, cái cách tính giá ở Khu du lịch X này cũng lạ. Các loại rau củ phải bỏ gốc, gọt vỏ mới ăn được đều tính giá bán 1kg nhưng cân 1,3kg. Người bán hàng giải thích là chỉ tính tiền số lượng “cho vào nồi nấu chứ không tính tiền phần bỏ đi”…
Tuy nhiên, những điều kiện ngoại cảnh ấy trên nói đến chưa đủ hấp dẫn chúng tôi đến thế.
Điểm hút ở đây giản dị đến không ngờ. Đó chỉ là một nụ cười.
Từ người chỉ chỗ để xe ngoài cổng, anh bảo vệ hướng dẫn khách, cậu đầu bếp đang xào xáo đồ ăn… đều mỉm cười với khách, sẵn sang lắng nghe, giải thích, trả lời câu hỏi của khách với thái độ rất vui vẻ. Bất kể nhân viên nào của Khu du lịch, dù họ đang kéo xe chở rau, cuốc đất dưới vườn, tuốt rau ngót nấu ăn hay thái chuối nấu cám lợn; dù họ là người già trên dưới trăm tuổi, thiếu nữ hay đã trung niên… nhìn thấy khách đều cất tiếng chào trước với nụ cười hiền hậu.
Tôi biết ngành du lịch tỉnh mình đã từng tổ chức nhiều khóa học cho lễ tân, phục vụ. Điều chắc chắn trong các khóa học ấy là tập huấn cho họ luôn phải tươi và cười. Nhưng chả mấy khi tôi thấy họ cười khi nhìn thấy khách. Còn ở đây, những nông dân vùng cao này không biết có được tập huấn, bồi dưỡng cách làm du lịch hay không, nhưng họ luôn chào khách và cười chân thật.
Đi chơi là để được vui. Mà vui đôi khi đến từ điều rất nhỏ, rất vặt, rất vô hình.
Ấy là sự an tâm.
Nụ cười là thông điệp mạnh nhất đưa đến sự an tâm.
Ngô Minh
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...