Sự đơn giản ẩn giấu nét đẹp văn hóa cộng đồng
VNTN - Nói thực lòng, mới đầu tôi không thích tác phẩm này của Phan Công Thức. Và không hiểu sao nó lại lọt vào bộ ảnh xuất sắc năm ấy… Nhưng với thời gian, mỗi khi nhìn lại thành quả trong quá khứ của Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam, tôi thầm kính phục Hội đồng nghệ thuật thời đó đã chọn tác phẩm của anh và trao giải A xuất sắc năm 1995.
Bức ảnh đen trắng chụp tại một hiệu cắt tóc chốn quê mùa, hình ảnh người ta có thể gặp ở mọi ngõ ngách của một đất nước mà chất dân dã còn tồn tại bền bỉ và dài lâu, thách thức mọi sự đồng hóa của chốn thị thành. Hiệu cắt tóc là nơi làm ăn của một người lao động, nhưng tự thủa nào chẳng hay, hiệu cắt tóc đã là nơi tổng hợp thông tin của cả một chòm quê chung nghe tiếng gà báo thức, chuyện hợp tác xã, chuyện gia đình, chuyện ai đi xa mới về hay chuyện nhà ấy nhà nọ thông gia có môn đăng hộ đối… Trong khoảng không gian sực nức mùi xà phòng, người được phục vụ và người phục vụ rủ rỉ kể cho nhau nghe qua tiếng khua lách cách của dao kéo.
Tác phẩm “Ở hiệu cắt tóc” của Phan Công Thức
Phan Công Thức chọn một đề tài giản đơn, anh đơn giản luôn cả cách chọn ánh sáng. Bo trên bo dưới bức hình là hàng ngói hiên nhà và cái bờ hè bong tróc. Bên trái là bức tường loang lổ tàn tích của mưa nắng và bên phải là cây cột như không đủ dài nên được những viên gạch kê đỡ cho đủ chiều cao… Ẩn hiện lờ mờ trên bức tường thấy cái giá gương treo vài cái khăn lướt dao và phủi tóc. Nổi bật trên nền đen của hiệu cắt tóc là hai cặp đang cắt tóc cho nhau. Người ngồi trên ghế (dù tuềnh toàng, đơn giản) song đã thể hiện rõ vai trò người được phục vụ bằng bờ vai vuông vức, quyền uy. Người thợ cắt tóc đang chăm chút cho đường đi của lưỡi dao cạo. Nhưng người xem ảnh đặc biệt chú ý đến cái chân co lên của ông thợ, chỉ một chi tiết rất nhỏ tưởng như vô nghĩa, song nó đã lột tả được tính cách dí dỏm ở đại đa số những ông thợ cắt tóc chốn thôn quê.
Hai ông cháu trong hình ảnh là vai phụ, gọi “phụ” vì họ không mang lại lợi nhuận cho hiệu cắt tóc… Thằng cháu nghịch ngợm ẩn hiện cả ngày trước mắt người ông, nó nhễ nhại mồ hôi và đầu tóc bù xù. Lôi được nó ra hiệu cắt tóc đã là cả một kì công, giờ bắt nó xếp hàng một chốc lát thôi, e rằng sẽ vượt quá sự kiên nhẫn của nó. Việc ông mượn cái tông đơ của người thợ cắt tóc cũng nhẹ nhàng như người hàng xóm mượn ông một buổi trâu để đi cày. Cả hiệu cắt tóc có một cái ghế thì đã bận, không sao, ngồi bệt mông xuống đất như cha nó, ông nó mỗi khi được xả hơi nơi đầu bờ, góc ruộng quen rồi! Vả lại đã đi nhờ, đi mượn, khác nào đi ăn ghé, ai chảnh làm gì (?). Đôi chân cậu bé thả đuỗn ra thể hiện sự phục tùng. Tấm lưng cong như cánh cung bị uốn chỉ chờ cho ông khua nốt vài đường tông đơ, nó sẽ tự bật dậy chạy về múc vài gáo nước mưa trong cái vại nước dưới gốc cau dội ào ạt lên đầu. Mặc vội lại cái quần đùi cũ rồi hòa vào những trò chơi với lũ bạn cùng trang lứa… Người ông chắc sẽ còn lưu lại ở hiệu cắt tóc gẫu chuyện cho tới khi đứng bóng mới về nhà làm vài bát cơm canh cua với cà nén. Khi ra khỏi hiệu cắt tóc thậm chí ông cũng không cả cảm ơn người thợ đã cho ông mượn đồ, vì như vậy nó là thừa, là khách sáo!…
Kim Khoa
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...