Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
23:18 (GMT +7)

Sơ ngộ cùng “lang thang sĩ”

VNTN - Hơn 1 năm rong ruổi bằng xe máy khắp cõi Việt Nam, nay ông vẫn chưa muốn về nhập thất. Tùy duyên đi, thuận duyên đến. Trong cuộc lữ thứ ấy ông được sơ ngộ với hàng trăm kỳ nhân sống lặng lẽ và khiêm tốn, được thăm thú hàng nghìn danh thắng. Cuộc “Đại hòa điệu chơi” ấy ông giao lưu chủ yếu với giới Công giáo, Phật giáo và những văn nghệ sĩ, những người yêu thơ. 

Đó là du sĩ Tâm Nhiên, người đi suốt hơn một năm nay, từ Kiên Giang ra Bắc.

Buổi sáng hôm ấy, Tổng Biên tập - nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh gọi chúng tôi sang phòng để giới thiệu khách mới của cơ quan. Vốn công tác ở ngôi nhà chung của văn nghệ sĩ nên chẳng lạ gì những dị nhân của làng văn nghệ, nhưng khi gặp vị khách này cả cơ quan ai cũng giật mình. Một ông cụ râu tóc dài bạc như cước, hình dung khá giống những đạo sĩ trong phim cổ trang. Đầu đội chiếc mũ nồi rộng, bộ đồ cũng lụng thụng, trên vai đeo túi vải to như của dân Cái Bang, khuôn mặt sương gió nhưng hiền từ, Tâm Nhiên ngồi vô tư uống trà và rì rầm kể.

 

 

Thì ra đã hơn một năm nay ông tiêu dao bằng xe máy khắp đất nước. Đây không phải lần đầu ông đi xa như vậy. Lần thứ nhất ông ra Bắc là năm 1977 để diện kiến, uống rượu và đàm đạo với Xuân Diệu, Huy Cận, Tô Hoài, Văn Cao… Ôi, các cụ quá dễ gần, từ chuyến đi này ông cảm thêm cái tình của giới văn sĩ, thấy yêu văn chương hơn. Lần hai, thi sĩ Tâm Nhiên rong ruổi bằng xe máy ra Bắc là năm 2015, khi vừa nghỉ hưu. Chuyến đi đó ông đi cũng mất hơn 7 tháng. Nhưng chuyến đi lần này là chuyến ra Bắc và đi khắp đất nước dài nhất của ông. Sau chuyến này ông sẽ về nhập thất ở Vô Trú Am để sáng tác tiếp tập “Đại hòa điệu chơi” - cuộc chơi lớn hòa điệu với vũ trụ, với trời đất. Và những sáng tác lần này sẽ nhất định lại mang một tinh thần mới mẻ.

Nghe ông kể, ai cũng lắc đầu và thắc mắc về những khó khăn ông gặp phải trên chặng hành trình. Còn nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh lại hỏi như chất vấn: Tinh thần sống lớn nhất của Tâm Nhiên là gì? Chẳng cần suy nghĩ, du sĩ cười bình thản: Là thanh thản, an nhiên. Ông nói, mình đã thong dong như thế cả năm nay, ngày đi đêm nghỉ. Vô lo nghĩ, mỗi ngày chỉ đi khoảng 50km. Rong ruổi trường kỳ như vậy nhưng không hề tốn kém, bởi thi sĩ giao lưu chủ yếu với hai giới Thiên Chúa giáo, Phật giáo cùng các bạn thơ, những người yêu thích thơ ông nên đi và đến đều thuận lợi. “Không có gì là khó khăn hết, mình thường nghỉ ở chùa, nhà thờ và tại nhà các anh em văn nghệ, những nơi đó thì miễn phí hoàn toàn. Đi đến đâu mình lại làm thơ, viết bài cho chùa. Các chùa hiện đều có trang wep, sáng tác xong là đăng tải tác phẩm lên đó”.

Đi và ở đều là tùy duyên, thỉnh thoảng có những nơi hảo tâm và cảm kích lại tặng cho ông cái phong bao dăm ba triệu đồng coi như tiền lộ phí. Từ Cà Mau, Kiên Giang ra đây, du sĩ qua hàng nghìn ngôi chùa. Nhiều nơi ông dừng lại rất lâu. 30 Tết vừa rồi tiện đường lên Đà Lạt ông ghé Thiền Viện Trúc Lâm Chánh Thiện, Bình Thuận (Phan Thiết) rồi đón Tết và nằm đọc sách tại đó nửa tháng trời, mãi tới Rằm tháng Giêng mới lại rời đi. Bạn bè văn nghệ cũng rất nhiều, tới đâu ai cũng nhiệt tình đón tiếp giúp đỡ. Lên Hà Giang gặp Giàng A Phớn, một người yêu văn chương và là Giám đốc Công ty lữ hành “Hà Giang trẻ”, đã tạo điều kiện cho ông đi khám phá Lũng Cú, Mèo Vạc, mấy ngày mấy đêm miễn phí hoàn toàn. Rồi về Yên Bái gặp nhà thơ Hoàng Việt Quân… Nói chung cuộc đi đều là “thuận duyên” nên tinh thần rất phấn khởi. Đi trên đường, dừng lại ở những buôn làng gặp các em bé dân tộc đang gùi cỏ về nhà, ông cảm xúc viết tặng: “Em gùi hoa cỏ/ Đi về thôn xa/ Núi rừng vẫy gọi/ Trong nắng chiều tà/ Đồi cao lũng thấp/ Ấm lạnh nắng mưa/ Núi sừng sững đứng/ Bão tố bao mùa/ Sinh ra từ đó/ Cỏ dại hoa ngàn/ Em hồn nhiên bước/ Từng nhịp suối vang/ Thác chào tuôn chảy/ Em dỡn đùa chơi/ Trên vùng hoang dã/ Vui với sương trời” (Bản thượng trên rừng sương).

Tâm Nhiên vốn tên trong khai sinh là Nguyễn Đức, nhưng ảnh hưởng tư tưởng thiền học và sẵn sở thích ưa phiêu lưu lãng đãng đã theo thi sĩ suốt từ thời niên thiếu nên ông lấy hiệu là Tâm Nhiên (Tâm Nhiên là lòng mình sao thì sống vậy, từ câu “Tất cả do tâm tạo” trong kinh Hoa Nghiêm). Sinh năm 1952 ở Đà Nẵng, trước 1975, ông học Phật khoa tại Đại học Vạn Hạnh, Sài Gòn và ngay từ thời đó ông đã làm thơ. Sau giải phóng, ông theo thuyền vượt biên ra nước ngoài, nhưng thuyền bị đắm, ông dạt vào đảo Hòn Sơn tít tận Kiên Hải (Kiên Giang). Từ đó, ông đã tu luôn trong am hoang trên đảo. Ngày ngày ông xuống núi làm nghề gõ đầu trẻ, dạy chữ cho sắp nhỏ trên đảo vắng tại trường THPT Lại Sơn, Kiên Hải. Đến kỳ lĩnh lương thỉnh thoảng thầy Tâm Nhiên trích ra một số rồi đổi tiền lẻ phát cho lũ trò nghèo. Lũ trẻ vui sướng hò hét, đùa váng một vùng, chúng kêu: Ông thày khùng… ông thày khùng…!”. “Ông thày khùng” không vợ con, không quét dọn nhà cửa, quần áo hai bộ mặc cả năm, nghèo rớt mùng tơi nhưng tiền lương phát hết đâu có giữ lại cho mình. Thương thày thỉnh thoảng chúng kéo lên am quét dọn, nhà đánh được mớ cá ngon chúng lại làm món mang lên biếu thày. Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh thắc mắc: “Đi dạy để tóc râu dài như vậy luôn ạ?” Tâm Nhiên cười tươi, hóm hỉnh: Đâu có, hớt tóc gọn gàng chớ. Để tóc dài mới 5 năm nay à! Từ ngày “mất dạy” tới giờ là không cắt tóc nữa. Để râu tóc có lợi lắm, đi khắp nơi công an không có phạt. Thổi dừng xe, lại vẫy cho đi”.

Khi hơi men đã râm ran Tâm Nhiên thổ lộ: cuộc đời buông bỏ nhiều thứ nhưng có Rượu và Em là không buông được. Ông cao giọng đọc bài thơ như tâm sự cuộc đời: Vốn là thằng ăn chay nằm đất/ Rất đơn sơ giản dị thế thôi/ Nhưng có lúc cũng nhập gia tùy tục/ Vì làm sao từ chối chén rượu mời/ Thề bỏ rượu cả trăm lần thề thốt/ Lại trăm lần vi phạm trớ trêu thay/ Nếu em hỏi vì răng mà như rứa/ Thưa rằng ta cũng chẳng hiểu men say/ Thề bỏ rượu có thánh thần làm chứng/ Mà éo le cứ bí tỉ say mèm/ Bởi em là rượu thì dễ gì bỏ được/ Rượu là em cứ rót suốt đêm ngày/ Em là rượu thấm sâu vào mạch máu/ Chảy đời ta qua những bến đò/ Đành nâng ly khi bạn bè gặp lại/ Ắt thần linh cũng cảm thông cho”. Dứt lời thơ, ngửa cổ thi sĩ dốc cạn chén rượu như uống một thứ nước ngọt ngào, rồi cười ha hả: Buông bỏ nhiều nhưng rượu thì không. Bởi “Em là rượu thì làm sao bỏ được”, cho nên cứ tiếp tục.

Em với Tâm Nhiên là cái đẹp, là tình yêu. Chân - Thiện - Mỹ là hơi thở cuộc sống, là cuộc đời ông, phục hồi lại tinh thể của ông. Cái đẹp với thi sĩ là tự do, thanh thản, là độc thân không bị lệ thuộc vào điều gì. Tâm Nhiên kể: với gia đình ông vẫn giữ mối quan hệ bà con, bạn bè, gia tộc, anh em. Những ngày lễ tết, giỗ chạp thỉnh thoảng vẫn về thăm hỏi nhưng là tùy duyên thôi. Mình tưởng niệm trong tâm, cha mẹ tổ tiên vẫn ở trong tâm hết giống như những người thờ Chúa, thờ Phật, Phật không phải chỉ ở hình tướng kia mà phải ở ngay trong lòng mỗi người.

Thì ra là vậy, cuộc sống với Tâm Nhiên luôn mới mẻ, sống và “cháy” hết mình với những giây phút “đang là”, cho nên tâm thức ông luôn luôn mới mẻ, không chất chứa những phiền não gì. Luôn tương ứng với thực tại như tấm gương phản chiếu ngoại cảnh. Không vướng mắc với hiện tượng, mình trở về với bản thể của chính mình. Còn các hiện tượng như: cao, thấp, béo, gày, yêu, ghét… nó hiện qua rồi thôi. Không ước mơ, không lý tưởng, không nắm giữ, cuộc sống với ông là cứ để nó trôi chảy, để cho tâm mình thanh thản, an nhiên. Cũng không chạy theo quá khứ, không mơ tưởng tương lai mà sống trọn vẹn với giây phút bây giờ và ở đây. Với ông, thơ và cuộc đời là một, đi và sống cũng hồn nhiên tươi mới như thơ. Trong tập tiểu luận “Sáng Tạo Là Con Đường Thi Sỹ” Tâm Nhiên viết: “Sáng tạo là con đường thi sỹ đi giữa muôn trùng cuộc lữ thiên thu. Thiên thu chẳng phải thời gian dài đến tỷ triệu nghìn năm nữa mà đang hiện hữu trong từng sát na, luôn luôn mới lạ và mới lạ trong mỗi giây phút bây giờ. Phải vậy không, hỡi nàng thơ vĩnh viễn?”; “Lòng vô ngại giữa nhân tình thế thái/ Dẫu thế nào thì cũng vẫn như thơ”.

Thưởng trà, thưởng rượu rồi ông ngả lưng trên ghế dài của phòng biên tập ngủ ngon lành. Tỉnh dậy lại mạn đàm văn thơ và những chuyện trên trời dưới biển. Suốt từ sáng đến chiều tà nhìn thần sắc của lang thang sĩ vẫn tươi nguyên, không một nét mệt mỏi. Ông bảo không có nhà cửa nhưng trên mặt đất này đâu cũng là nhà. Tâm tự nhiên ắt cơ thể sẽ không thấy căng thẳng và mệt.

Bốn năm chưa hề động tới tiền lương hưu, cũng không biết tài khoản hiện có bao nhiêu. Lang thang sĩ Tâm Nhiên ngao du với ngày tháng, giống như tinh thần tiêu dao của Trang Tử: “Tiểu nhân quân tử đều chơi hết? Hòa lẫn đục trong rảnh rang lòng/ Buông cương vượt thoát ngàn ma trận…/ Đơn thương độc mã ta tiếp tục/ Theo cuộc lữ về chốn không tên” (Theo cuộc lữ về chốn không tên). Trong cuộc lữ thứ ấy lang thang sĩ được sơ ngộ với hàng trăm kỳ nhân lặng lẽ và khiêm tốn. Sau chuyến đi này ông lại về “Vô Trú Am”, tiếp tục viết “Cuộc đại hòa điệu chơi” đấy là những bài thơ cảm xúc với đất trời miền Bắc với tình cảm miền Bắc ông bảo: Những người miền Nam trước nay thường không mấy thiện cảm với người miền Bắc nhưng qua chuyến đi ông thấy những con người miền Bắc với những tâm hồn lớn lao, sâu thẳm với tâm hồn bồ tát, đẹp đẽ lắm!

 

Tác giả và du sĩ Tâm Nhiên

Đi và làm thơ để Tâm Nhiên bừng vỡ ra những cái toàn viễn mênh mông trong sâu thẳm tâm hồn mình. Đi và viết hàng nghìn bài thơ trong những lúc lang thang, ông đã xuất bản tập “Diệu Tâm Ca” gồm 12.142 câu lục bát. Ngoài ra những sáng tác thơ của ông phải kể đến: Thanh Tịnh Ca, Thiên Thu Ca, Vô Trú Ca, Lòng Thơ, Lang Thang Sĩ, Đại Hòa Điệu Chơi… Đọc thơ du sĩ thấy rõ một hồn thơ siêu thoát, vứt bỏ mọi phiền toái trần gian, tiêu diêu tháng ngày cùng sông, núi.

Sau cuộc sơ ngộ với ông, tôi bần thần như bừng ngộ ra nhiều điều: Thì ra lâu nay mình vẫn sống trong vô minh bởi quá nhiều ham muốn sân si, ước có thể rèn tâm được phần nào giống du sĩ. Sống như Tâm Nhiên hình như mới là thực tế, thực dụng, để thưởng thức hết những phút giây hạnh phúc mới mẻ của cõi phàm này.

Quang Khải

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 2 ngày trước