Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
10:10 (GMT +7)

Sợ hãi mơ hồ

VNTN - Đã thành lệ, từ ngày tôi đi làm, cách Tết khoảng dăm tháng mẹ tôi đã hỏi: “Năm nay con định đi tết thế nào để mẹ còn chuẩn bị”? Khổ thân mẹ, lương hưu gần 4 triệu bạc, lo trăm thứ bà dằn lại còn lo quà “đi tết” cho con.

Tôi học Đại học Sư phạm ra trường, ở nhà chờ việc 2 năm, rồi được đi làm 5 năm nay. Chả rõ bố mẹ tôi có phải “chạy” cho tôi để có chỗ làm này không? Nhưng tết nào bà cũng nhắc tôi phải đến nhà cảm ơn các sếp. Mẹ chẳng nhắc thì tôi cũng nhớ, vì việc này đã thành lệ ở cơ quan. Cứ gần tết, chúng tôi xao nhãng hẳn chuyên môn, từng nhóm từng nhóm chụm đầu thì thầm bàn tính. “Đi” phong bì hay mua quà? Quà gì? Phong bì bao nhiêu? Nhóm này bảo hình như nhóm kia “đi” nhiều hơn. Rồi có đứa “chim lợn” rằng cậu T, cô M “đánh lẻ” đi phong bì riêng, chắc sắp tới nhòm ngó danh sách “quy hoạch”.

Làn sóng chuẩn bị quà của chúng tôi dù âm thầm kín đáo rồi cũng ồn ào ùa vào cửa nhà sếp. Chúng tôi canh khách vừa ra là “đột nhập” luôn. Ngồi dăm bẩy phút thôi, uống vội chén nước là ra liền, miễn quà đã trao vào tay sếp. “Các cô các cậu cứ bày vẽ, tôi đã bảo là không quà cáp gì cơ mà”. Lần nào sếp cũng nghiêm mặt nói với chúng tôi như vậy, trước khi bắt tay thật chặt tiễn ra cửa.

Hành trình trước tết năm nào cũng thế. Sếp trưởng, các sếp phó, các trưởng và phó phòng, theo tỉ lệ quà nhỏ dần. Ông bà nào sau tết nghỉ hưu thì “cho nghỉ khỏe”. Tính toán căn cơ thế mà mỗi năm tôi cũng tiêu vào khoản này mất hơn chục triệu đồng. Mẹ tôi giỏi thật, bà cặm cụi cóp nhặt chục trứng mớ rau đem bán, đưa tôi bọc tiền lẻ, dặn tôi nhớ đổi ra tiền mới rồi hẵng “cảm ơn” sếp.

Đôi lúc lũ choai chúng tôi hỏi nhau: Chúng ta luôn “cảm ơn” sếp vì cái gì? Ngày ngày chúng ta làm việc chăm chỉ, tháng tháng nhà nước trả lương; chúng ta tuân thủ các quy định, luôn phấn đấu để có kết quả công tác tốt nhất. Cơ quan đạt bao nhiêu thành tích, được cấp trên khen thưởng, nhưng sếp chưa bao giờ cảm ơn chúng ta, trong khi chúng ta luôn thể hiện biết ơn sếp, nhất là vào dịp tết.

Lại nhớ mấy năm trước, nhà nước ra văn bản yêu cầu nghiêm cấm biếu quà cáp cấp trên, tôi và mấy đứa cùng phòng vui mừng bảo nhau năm nay không phải biếu tết ai cả. Vậy là cả năm ấy, đứa nào cũng phập phồng lo sợ. Đứa thì bảo “sếp nhìn ánh mắt khác hẳn, toàn giao việc khó”, đứa thì suýt bị đuổi vì mắc lỗi chuyên môn, đứa không trúng ban chấp hành Đoàn thanh niên… Tóm lại, vận hạn đến với chúng tôi liên tục chứ không được hanh thông như mấy năm trước.

Gần Tết năm nay, sếp quán triệt rõ trên cuộc họp: “Tôi không nhận quà cáp và cũng không có nhà vào dịp tết, mong các đồng chí không đến nhà tôi”. Chúng tôi biết sếp của mình liêm chính lắm, nhưng mà hình như cái việc tặng quà nó ăn vào máu nhân viên rồi. Chiếc phong bì như tấm bùa hộ mệnh chúng tôi “đeo” suốt một năm trời, có gì sơ sẩy tấm bùa ấy đỡ cho. Nếu không, chúng tôi luôn thấy sợ hãi mơ hồ, lo nhỡ rủi ro ập đến với mình.

Vậy nên, năm nay tôi vẫn ngửa tay cầm bọc tiền lẻ nhàu nát mẹ đưa, đi đổi lấy tiền chẵn và mới. Chúng tôi vẫn đi tết sếp theo nhóm và đến nhà trao quà như mọi năm. Biết là sếp đi vắng nhưng vợ, con sếp ở nhà, rồi quà sẽ đến tay sếp thôi mà.

Chẳng biết chúng tôi sẽ còn sợ hãi đến bao giờ? Có lẽ đến khi chúng tôi làm… Sếp?

Ngô Minh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Nằm giường

Câu chuyện văn hóa 1 tuần trước

Xong việc mình là… về

Câu chuyện văn hóa 3 tuần trước

Bước qua đổ vỡ

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Trẻ cậy cha, già cậy ai?

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Buồn trên mắt mẹ

Câu chuyện văn hóa 3 tháng trước

Chuyện nghệ danh

Câu chuyện văn hóa 3 tháng trước

Tiếng còi xe

Câu chuyện văn hóa 3 tháng trước