Thứ ba, ngày 22 tháng 10 năm 2024
15:49 (GMT +7)

Sở Giáo dục và Đào tạo: Sẽ xử lý nghiêm các cơ sở giáo dục để xảy ra tình trạng lạm thu

VNTN - Các khoản thu đầu năm học luôn là vấn đề “nóng” thu hút sự quan tâm của cha mẹ học sinh và dư luận xã hội. Phóng viên Văn nghệ Thái Nguyên đã có cuộc phỏng vấn với ông Ngô Thượng Chính - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên xung quanh vấn đề này.


Thưa ông, hiện tại Bộ GDĐT và tỉnh Thái Nguyên có còn áp dụng Thông tư 55/2011/BGDĐT quy định Điều lệ đối với Ban đại diện cha mẹ học sinh tại các cơ sở giáo dục không?

Ông Ngô Thượng Chính: Hiện tại, Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22/11/2011 của Bộ trưởng Bộ GDĐT Ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh vẫn còn hiệu lực thi hành.

Theo ghi nhận của chúng tôi thì hiện nay trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, hầu hết các trường, Ban đại diện cha mẹ học sinh đều thu các khoản: bảo vệ, trông xe, quét lớp, vệ sinh môi trường; khen thưởng, tặng quà cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường… như vậy có sai phạm hay không?

Ông Ngô Thượng Chính: Tại khoản 4 Điều 10 Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22/11/2011 của Bộ trưởng Bộ GDĐT Ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh có quy định: Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học những khoản sau:

a) Các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện.

b) Các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

Vì vậy, việc Ban đại diện cha mẹ học sinh kêu gọi thu các khoản này là sai quy định.

Những khoản thu này đã diễn ra từ nhiều năm nay chứ không phải mới diễn ra, về phía Sở GDĐT Thái Nguyên có tiếp nhận được những thông tin này không?

Ông Ngô Thượng Chính: Qua công tác thanh tra, kiểm tra của Sở GDĐT và các Phòng GDĐT, Sở GDĐT cũng tiếp nhận được thông tin này. Vì vậy, Sở GDĐT đã ban hành các văn bản hướng dẫn thu, chi các khoản huy động từ cha mẹ học sinh (Công văn số 1170/SGDĐT-KHTC ngày 26/8/2016 Về việc hướng dẫn thực hiện các khoản thu trong các cơ sở giáo dục công lập; Quyết định số 1098/QĐ-SGDĐT ngày 21/7/2017 Ban hành Quy chế quản lý các khoản thu trong các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên). Đồng thời, có các văn bản chỉ đạo về chấn chỉnh lạm thu, cụ thể là: Công văn số 1600/SGDĐT-TTr ngày 01/11/2016 Về việc chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục; Công văn số 1257/SGDĐT-TTr ngày 11/8/2017 Về việc tiếp tục chấn chỉnh dạy thêm trái quy định và lạm thu đầu năm học; Công văn số 1268/SGDĐT-TTr ngày 15/8/2017 Về việc phối hợp chỉ đạo chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong các CSGD và dạy thêm trái quy định trên địa bàn gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện để phối hợp; Công văn số 1654/SGDĐT-TTr ngày 09/10/2017 Về việc tăng cường kiểm tra chấn chỉnh tình trạng lạm thu đầu năm học.

Sở có nắm bắt được việc thực hiện các công văn này ở các trường? Có gì thay đổi so với năm trước không, thưa ông?

Ông Ngô Thượng Chính: Sau khi ban hành các công văn trên, Sở GDĐT đã thành lập các đoàn kiểm tra tại các cơ sở giáo dục. Qua kiểm tra cho thấy, nhìn chung các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc hơn những năm trước, song vẫn có một số cơ sở giáo dục ít nghiên cứu văn bản, làm theo nếp cũ nên đã xảy ra sai phạm. Đối với các cơ sở giáo dục có sai phạm, Sở GDĐT yêu cầu Hiệu trưởng tổ chức tự kiểm tra, rà soát các khoản thu, huy động từ cha mẹ học sinh, đối với những khoản đã thu, huy động sai qui định phải trả lại ngay cho cha mẹ học sinh. Đồng thời, phải kiểm điểm trách nhiệm của các cá nhân có liên quan đến sai phạm.

Theo thông tin từ rất nhiều phụ huynh thì đầu năm học này cũng như những năm học trước có những khoản thu còn chồng chéo, bất hợp lý và có xu hướng năm sau cao hơn năm trước, vậy trước khi các trường thực hiện những khoản thu, Sở có được duyệt kế hoạch thu chi của các trường không?

Ông Ngô Thượng Chính: Theo hướng dẫn của Sở GDĐT (năm học 2016-2017 là theo Công văn số 1170/SGDĐT-KHTC ngày 26/8/2016 Về việc hướng dẫn thực hiện các khoản thu trong các cơ sở giáo dục công lập và năm học 2017-2018 là Quyết định số 1098/QĐ-SGDĐT ngày 21/7/2017 Ban hành Quy chế quản lý các khoản thu trong các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên) thì Sở GDĐT chỉ phê duyệt kế hoạch cho các cơ sở giáo dục trực thuộc Sở, Phòng GDĐT phê duyệt kế hoạch cho các cơ sở giáo dục trực thuộc Phòng đối với các khoản huy động tự nguyện chứ không phải tất cả các khoản thu, chi trong nhà trường.

Khi thực hiện huy động, các trường học trong tỉnh ta phải thực hiện theo những nguyên tắc nào?

Khi thực hiện huy động các cơ sở giáo dục phải thực hiện tốt 3 nguyên tắc theo Quyết định số 1098/QĐ-SGDĐT ngày 21/7/2017 Ban hành Quy chế quản lý các khoản thu trong các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Cụ thể:

Thứ nhất là tự nguyện, đúng mục đích: Việc huy động và tiếp nhận các khoản đóng góp của xã hội cho các cơ sở giáo dục phải quán triệt nguyên tắc tự nguyện giữa hai bên. Cơ sở giáo dục không được coi bất kỳ hình thức đóng góp nào như là một điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ giáo dục và không được qui định mức đóng góp cụ thể để ép buộc đối với các đối tượng tham gia đóng góp…

Thứ hai là dân chủ, công khai, minh bạch: Quá trình quản lý và sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện phải đảm bảo các yêu cầu về dân chủ, công khai, minh bạch theo qui định tại Thông tư số 19/2005/TT-BTC ngày 11/3/2005 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thông tư số 09/2009/TT-BGDĐT ngày 07/5/2009 của Bộ trưởng Bộ GDĐT và Thông tư số 89/2010/TT-BTC ngày 16/6/2010 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Thứ ba là hợp lý và vừa sức: Các cơ sở giáo dục phải tận dụng tối đa về cơ sở vật chất và sức lao động hiện có, chỉ huy động các khoản đóng góp khi thật cần thiết và phục vụ trực tiếp cho học sinh. Hạn chế việc huy động các khoản thu đối với những học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn về kinh tế, các cơ sở giáo dục không được để học sinh vì gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn không có tiền đóng góp mà phải bỏ học.

Có trường họp Ban đại diện cha mẹ học sinh (mở rộng đến đại diện cha mẹ học sinh các lớp) thống nhất về các khoản thu và sử dụng các khoản thu do cha mẹ học sinh đóng góp, sau đó ra Nghị quyết luôn và chỉ thông báo các khoản thu chi với toàn thể phụ huynh sát ngày họp phụ huynh toàn trường một đến hai ngày. Như vậy có phải là quy trình ngược?

Ông Ngô Thượng Chính: Theo hướng dẫn của Sở GDĐT, trước khi lập kế hoạch huy động, cơ sở giáo dục phải thống nhất về chủ trương và kế hoạch triển khai trong lãnh đạo đơn vị, Hội đồng trường, Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường (nếu huy động từ cha mẹ học sinh), trong đó có lấy ý kiến của tất cả cha mẹ học sinh toàn trường. Sau khi lập kế hoạch huy động, kế hoạch phải được niêm yết công khai ít nhất một tuần tại cơ sở giáo dục để tiếp thu các ý kiến đóng góp của các tổ chức, cá nhân, cha mẹ học sinh… Báo cáo, xin ý kiến phê duyệt của Sở GDĐT đối với các cơ sở giáo dục trực thuộc Sở GDĐT; UBND cấp xã, Phòng GDĐT đối với với các cơ sở giáo dục trực thuộc Phòng GDĐT.

Việc các trường họp Ban đại diện cha mẹ học sinh mở rộng đến đại diện cha mẹ học sinh các lớp thống nhất về các khoản thu và sử dụng các khoản thu do cha mẹ học sinh đóng góp, sau đó ra Nghị quyết luôn và chỉ thông báo các khoản thu chi với phụ huynh sát ngày họp phụ huynh toàn trường một đến hai ngày là sai quy định, không đúng với hướng dẫn của ngành.

Các giáo viên chủ nhiệm không được họp, bàn về các khoản thu nhưng lại chịu trách nhiệm trực tiếp thu, khiến nhiều giáo viên còn lúng túng khi giải thích về các khoản thu khi có phụ huynh thắc mắc, như vậy có bất cập gì không, thưa ông?

Ông Ngô Thượng Chính: Để xảy ra tình trạng nhiều giáo viên chủ nhiệm còn lúng túng trong giải thích về các khoản thu khi có cha mẹ học sinh thắc mắc, lỗi này trước hết thuộc về Hiệu trưởng và sau đó là các giáo viên chủ nhiệm. Hiệu trưởng phải có trách nhiệm triển khai cụ thể tới các giáo viên. Đồng thời, khi triển khai giáo viên không rõ phải hỏi lãnh đạo nhà trường. Đặc biệt, khi triển khai tới cha mẹ học sinh cần giải thích rõ các khoản thu, chi trên tinh thần dân chủ, không áp đặt để tạo sự đồng thuận cao.

Sau khi thu những khoản cha mẹ học sinh đóng góp thì nhiều trường nộp lên thủ quỹ nhà trường vậy số tiền này thuộc sự quản lý, sử dụng của cha mẹ học sinh hay nhà trường? Không ít luồng thông tin nói rằng số tiền này do nhà trường chi tiêu hộ Ban đại diện cha mẹ học sinh, Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ là công cụ của nhà trường. Vậy ai giám sát, thanh tra việc sử dụng tài khoản này?

Ông Ngô Thượng Chính: Ở đây cần phải phân biệt rõ các khoản huy động từ cha mẹ học sinh: Các khoản theo qui định; các khoản thu thỏa thuận; các khoản đóng góp tự nguyện; thu hộ, chi hộ. Trong đó, Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ quản lý và sử dụng quỹ của Ban, còn các khoản khác thực hiện theo quy định của cơ quan có thẩm quyền. Ví dụ: Tiền học phí nhà trường quản lý; tiền bảo hiểm y tế sau khi nhà trường thu hộ phải chuyển về cơ quan bảo hiểm xã hội;...

Hằng năm, các khoản thu, chi của các cơ sở giáo dục đều được thể hiện trên sổ sách và có sự giám sát của cơ quan tài chính khi duyệt quyết toán. Ngoài ra, có thể có sự giám sát của HĐND các cấp, thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý giáo dục và thanh tra nhà nước theo quy định.

Để chấn chỉnh và xóa bỏ nạn lạm thu đầu năm học, Sở có kế hoạch, giải pháp như thế nào?

Ông Ngô Thượng Chính: Trước khi bước vào năm học 2017-2018, Sở GDĐT đã có Quyết định số 1098/QĐ-SGDĐT ngày 21/7/2017 Ban hành Quy chế quản lý các khoản thu trong các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; và các công văn về việc chấn chỉnh tình trạng lạm thu đầu năm học như đã nói ở trên.

Hiện nay, Sở GDĐT đang chỉ đạo các Phòng GDĐT kiểm tra các khoản thu đầu năm học trên địa bàn, Sở cũng thành lập đoàn kiểm tra để kiểm tra tại một số cơ sở giáo dục trong tỉnh, bắt đầu từ ngày 22/9/2017 đến ngày 30/10/2017, sau kiểm tra sẽ có kết luận cụ thể đối với từng cơ sở giáo dục. Vừa rồi, bước đầu căn cứ vào kết quả kiểm tra tại một số cơ sở giáo dục, Sở GDĐT đã tổ chức cuộc họp khẩn vào ngày 09/10/2017 với thành phần là Trưởng phòng và cán bộ phụ trách công tác kiểm tra của các Phòng GDĐT. Sau cuộc họp, Sở GDĐT đã có Công văn số 1654/SGDĐT-TTr ngày 09/10/2017 Về việc tăng cường kiểm tra chấn chỉnh tình trạng lạm thu đầu năm học để chỉ đạo các Phòng GDĐT, các cơ sở giáo dục trong việc quán triệt các văn bản chỉ đạo, kiểm tra, rà soát các khoản thu, huy động từ cha mẹ học sinh, đối với những khoản thu, huy động sai qui định phải trả lại ngay cha mẹ học sinh; Thủ trưởng cơ sở giáo dục phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo cơ quan quản lý trực tiếp nếu để xảy ra tình trạng lạm thu của đơn vị trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục phổ biến các văn bản liên quan đến việc huy động, quản lý và sử dụng các khoản thu trong các cơ sở giáo dục; tiếp nhận thông tin phản ánh về tình trạng lạm thu qua các kênh thông tin, nhất là qua đường dây nóng để chỉ đạo và giải quyết kịp thời; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở giáo dục; xử lý nghiêm các cơ sở giáo dục và người đứng đầu cơ sở giáo dục đó khi để xảy ra tình trạng lạm thu. Đồng thời, kiến nghị Bộ GDĐT sửa đổi Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22/11/2011 của Bộ trưởng Bộ GDĐT Ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Để khắc phục tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục, ngoài sự nỗ lực của ngành, Sở GDĐT rất mong UBND các cấp quyết liệt trong việc chỉ đạo chống lạm thu trên địa bàn; các cơ quan thông tấn, báo chí phối hợp tuyên truyền các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về các khoản thu, huy động trong các cơ sở giáo dục, phản ánh các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc và các cơ sở giáo dục có sai phạm để ngành kịp thời xử lý. Đồng thời, Sở GDĐT cũng mong cha mẹ học sinh quan tâm, tìm hiểu để nắm vững các quy định về các khoản thu, chi trong nhà trường liên quan đến con em mình, nếu phát hiện có sai phạm cần phản ánh kịp thời về Phòng GDĐT đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS và về Sở GDĐT đối với cơ sở giáo dục cấp THPT để khắc phục kịp thời.

Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi này. Mong những kế hoạch và các biện pháp của Sở đưa ra sẽ được thực hiện tốt, để tiến tới xóa bỏ được nạn lạm thu trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

Anh Thắng - Bích Hồng (thực hiện)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy