Thứ ba, ngày 22 tháng 10 năm 2024
23:23 (GMT +7)

Sính ngoại và chuyện gìn giữ “linh hồn” dân tộc

VNTN - Không phải đến bây giờ, mà từ những năm trước, nhiều người đã phải đặt câu hỏi: Tại sao chúng ta luôn nói đến việc giữ gìn bản sắc dân tộc, xây dựng đời sống văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhưng kết quả lại thua xa các quốc gia khác như Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan... là những nơi tiếp xúc với "văn hoá Mỹ" sớm hơn ta nhiều. Phải chăng, chúng ta chỉ quen tự bằng lòng với những... Nghị quyết, đường lối chủ trương cùng khẩu hiệu rồi coi nhẹ những việc làm thiết thực, cụ thể? Và phải chăng, do còn tập trung giải quyết nhiều vấn đề bức thiết nổi cộm, cho nên đành coi những biểu hiện lệch lạc lai căng trong đời sống văn hóa chỉ là chuyện vặt rồi lặng lẽ... cho qua?

Ai cũng biết, tiếng nói và chữ viết là linh hồn của một dân tộc, nhưng ở ta, có nơi có lúc chúng đã trở thành "nạn nhân" của nếp suy nghĩ "Bụt chùa nhà không thiêng". Còn nhớ, trong Lễ khai mạc Thế vận hội Olimpic Moskva, các tấm biển ghi tên quốc gia có đoàn vận động viên tham dự chỉ được thể hiện bằng ngôn ngữ của nước chủ nhà, nghĩa là bằng tiếng Nga. Tại Olimpic Bắc Kinh 2008, những tấm biển tương tự được ghi bằng chữ Hán, phía dưới có thêm phần chú thích bằng tiếng Anh viết nhỏ hơn. Vậy mà trong Lễ khai mạc Đại hội thể thao châu Á trong nhà lần thứ 3 (PIG III) tổ chức tại sân vận động Mỹ Đình năm 2009 thì tên của tất cả 43 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự lại chỉ được thể hiện hoàn toàn bằng tiếng Anh. Ngay như mới đây, tại một điểm tập trung đón giao thừa 2017 ở Thủ đô, trong đó ít nhất cũng phải cỡ 95% là người Việt, nhưng trên sân khấu hoành tráng cũng chỉ thấy "Happy New Year" mà thôi (!).

Hình như ngày càng có nhiều người cảm thấy nước ta "hết chữ" rồi hoặc là tiếng Việt "không đủ tầm" để thể hiện điều họ muốn nói. Cho nên mới có nhóm từ thiện "Hand in hand", có những cuộc bình chọn mang tên "... Award", có cả nghệ sỹ ta thích đội tên Tây. Thậm chí có người dị ứng với tiếng mẹ đẻ đến mức không chịu nổi hai chữ "Giấc mơ" trên thân chiếc máy bay lên thẳng do một kỹ sư nước Việt chế tạo, nên khi đưa tin ở một trang báo mạng đã viết thành "trực thăng Dream"...

Thật đáng tiếc là, trong khi các đài phát thanh - truyền hình chuyển tải thông tin bằng tiếng Việt đến người Việt ở trong nước mà cũng bị ai đó lên báo bắt bẻ để chê trách một số biên tập viên, phát thanh viên phát âm tên người tên đất theo tiếng... Anh chưa đúng. Xin hỏi, khi đang giao tiếp bằng tiếng Việt vốn đơn âm thì có cần phải "uốn lưỡi" giữa chừng để "xướng âm" vài ba từ cho đúng “ngữ điệu”. Với tuyệt đại đa số người nghe thì ông Trump, ông Trăm hay ông Chăm cũng cùng được hiểu như nhau. Mặt khác, hãy nghe các chính khách và cả văn nghệ sỹ nước ngoài đến nước ta chỉ tập nói mấy từ đơn giản theo lối "học vẹt" xem họ có phát âm chuẩn không rồi hẵng đòi hỏi ai cũng nói ngoại ngữ đúng như người chính quốc. Và, liệu có ai bắt bẻ rằng, tại sao lại viết tên thủ đô nước Nga là Moscou, là Moskva, là Mạc Tư Khoa, là Moscau... mà không chịu viết theo tiếng Anh là Moscow?

Rõ ràng là những biểu hiện sính ngoại trong cách nói cách viết không chỉ của giới truyền thông hay showbiz, chẳng những đã làm cho tiếng Việt bị méo mó, lung lay, mà nguy hại hơn, nó đang góp phần làm cho con cháu chúng ta lạnh nhạt, thậm chí chê bai tiếng nói và chữ viết của cha ông ngay trên chính quê hương đất nước mình . Với điều 8 "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt" trong bộ quy tắc đạo đức được Hội Nhà báo ban hành vào trung tuần tháng 12 - 2016, hy vọng tiếng Việt sẽ đứng vững trở lại và không bao giờ bị "lung lay”.

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy