Sau Tết, kể chuyện làng đào
VNTN - Cứ độ mùng 10 Tết trở ra, những người trồng đào ở làng nghề Hoa đào Cam Giá lại tất tả bắt tay vào công việc thu gom “lộc tàn” mang về vườn “hồi sinh”, để năm sau những cánh hoa đào lại khoe sắc thắm cho người người bứng lộc về nhà.
Đào “buồn”, “ủ rũ” về vườn
Ra Giêng, làng Hoa đào Cam Giá (TP. Thái Nguyên), chẳng còn thấy cảnh nhộn nhịp người mua bán đến ùn tắc cả đường như hồi giáp Tết. Giờ chỉ là hình ảnh những người lao động cần mẫn với công việc trồng và chăm sóc đào. Với họ khoảng thời gian sau Tết cũng tất bật, vất vả không kém bởi đây là lúc đón đào về vườn, chuẩn bị cho mùa vụ tiếp theo. Trên con đường bê tông quanh co dẫn đến làng, chốc chốc lại bắt gặp những chiếc xe tải nhỏ, xe máy chở những cây đào đã tàn hoa, héo rũ đi về. Mới tháng trước, chúng còn đầy kiêu hãnh, khoác trên mình bộ cánh đỏ rực hoa đến từng nhà báo tin mùa xuân, tô điểm cho ngày Tết, thế mà giờ trông đã xơ xác, ủ rũ đến vậy.
Những cây đào được đưa về ấy chủ yếu là đào cho thuê. Mấy năm gần đây, người ta chuộng xu hướng thuê hơn là mua đứt cả cây. Một gốc đào đẹp, có tuổi thọ hàng chục năm, giá thành cao nên rất ít người mua. Nhưng không mua không có nghĩa là không có đào “khủng” chơi Tết. Một loại hình mới được ra đời đáp ứng nhu cầu của “thượng đế”: cho thuê gốc đào. Khách hàng vừa tiết kiệm được tiền lại có thể thay đổi kiểu dáng, màu sắc hoa mỗi năm. Trung bình, giá thuê một cây đào dao động từ một, hai triệu tới cả chục triệu đồng, tùy thuộc vào dáng cây, độ to nhỏ và tuổi thọ của nó. Nếu được chăm sóc cẩn thận, mỗi cây đào có thể quay vòng khoảng chục năm, càng già thì giá bán và thuê lại cao lên so với năm trước. Bà Trần Thị Hảo, chủ vườn đào Hảo Lập chia sẻ: “Nói chung năm nào cũng có lãi, chỉ là ít hay nhiều. Nếu thời tiết thuận lợi thì được ăn, nhưng cũng có năm, thiên nhiên không ưu ái nên chẳng được là bao, không bõ công sức lao động cật lực cả năm. Vả lại làm nghề này cũng nhiều rủi ro lắm!”.
Khi cho thuê đào, gần như chẳng có hợp đồng gì ràng buộc giữa chủ vườn và khách, tất cả chỉ nhờ vào chữ tín của chủ vườn và lòng tin đặt nơi khách hàng. “Khách hàng là thượng đế” nhưng để chiều được hết tất cả thì cũng rất khó. Có vị khách đến thuê đào, tư vấn mất cả buổi mới chọn được một cây đem về. Chẳng hiểu sao ngay ngày hôm sau nằng nặc đòi đổi cây khác với lí do: mang về chờ mãi không thấy hoa nở…!? Hay có những trường hợp công ty, cơ quan cử nhân viên đến thuê đào, mang về được nửa buổi lại đến đòi đổi chỉ với lí do đơn giản: Sếp không thích. Những cây bị đổi thường có rất ít người thuê hoặc hỏi mua đành “đón Tết” tại vườn, nói theo cách của người trồng đào là cây đã có “dớp”. Chủ vườn ngán nhất “dớp” này.
Những gốc đào sau khi dâng hết vẻ đẹp cho đời (vườn đào Hảo Lập)
Nói đến rủi ro thì mỗi nhà mỗi kiểu. Nhiều khi khách chọn cây, đem về chơi một hai hôm đã héo, chủ vườn phải đổi cây khác hoặc trả lại tiền cho khách. Nhưng nếu khách chơi cả Tết mà quên không tưới nước khiến cây chết khô; hoặc có khi lại tưới nước nhiều quá, cây bị úng nước, thối rễ. Cũng có những khách vẫn còn “vương vấn” Tết, giữ đào lại đến hết tháng Giêng cho bõ đồng tiền bỏ ra thuê, mà không chăm sóc đúng cách nên đào bị yếu, đem về chăm sóc rất vất vả, thậm chí là chết cây…, chủ vườn cũng chỉ biết ngậm ngùi...
Hỏng cây, “chột” cây còn đỡ. Có trường hợp bị lừa mất trắng cả cây đào mới đau lòng. Tết vừa rồi, Ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch Hội hoa đào Cam Giá cho thuê 3 cây đào, vị khách này không muốn phiền gia đình ông nên ngỏ ý tự trở về nhà để lại số điện thoại liên lạc. Thấy họ đi ô tô xịn, mặc đồ sang trọng lại đang đông khách nên ông Phương tin tưởng. Sau Tết gọi điện lấy địa chỉ thu đào về mới biết bị khách lừa, cho số điện thoại giả. “Xót của lắm, nhưng cũng là bài học, rút kinh nghiệm lần sau, cho khách thuê phải nắm rõ địa chỉ, chở về tận nhà cho khách”, ông Phương tâm sự.
Ngoài việc cho thuê, chủ vườn cũng nhận chăm sóc đào lấy công, giá từ năm trăm ngàn đến hai triệu đồng, tùy vào gốc to hay nhỏ. Tuy nhiên số chủ vườn nhận kí gửi không nhiều, bởi rủi ro còn lớn hơn là cho thuê. Nếu không để ý, nhận phải cây đào kém, xấu, mục... không chăm nổi, cây chết hoặc hỏng, phải đền cây khác mà nhiều khi khách còn không ưng.
Để đào lại khoe sắc thắm
Chiếc xe tải 1 tấn chở 2 cây đào thuộc loại cỡ lớn dừng trước cổng nhà ông Thanh (vườn đào Thanh Hương) - một trong những người trồng đào đầu tiên và có diện tích vườn vào loại lớn nhất trong làng. Mỗi cây ngót nghét cũng trên 1 tạ, lại cồng kềnh rất khó khiêng. Ông cùng 2 cậu con trai khỏe mạnh phải rất vất vả mới có thể mang được chúng từ ô tô xuống, rồi luồn đòn gánh khênh vào trong vườn.
Vừa vun đất vào gốc đào mới trồng, ông Thanh vừa vô tư trò chuyện: “Lúc đi có tiền thì hăng, lúc về tốn tiền oải lắm!”, rồi ông giải thích: lúc đánh đào đi là lúc được cầm tiền sau cả một năm chăm sóc vất vả, nhưng đến khi đem đào về, cây bị chết, cây thoi thóp, rồi lại bắt đầu một chu kì chăm sóc mới, bao nhiêu khoản tiền phải bỏ ra để đầu tư nào là đào giếng khoan, phân bón, thuốc phòng trừ sâu bệnh… mà chẳng biết năm sau thế nào.
Chỉ vào những cây đào mới được chở về, chúng tôi thắc mắc: “Cây khô héo thế còn trồng lại được không?”. Ông Thanh bảo: “Rất ít cây còn khỏe mạnh; một vài cây rễ héo hẳn rồi thì vô phương cứu chữa, chắc chỉ phơi khô làm củi đốt; còn lại hầu hết thì yếu lắm phải chăm sóc thật tốt, lúc đó “củi khô vẫn có thể hóa quế thơm đấy!”.
Cái chu trình hồi sinh cho đào ấy thật chẳng đơn giản tẹo nào. Trước khi đem đào về trồng lại, các chủ vườn phải thuê máy phay đất cho tơi xốp rồi bới sẵn các hố, chờ đào về là trồng ngay. Đào vừa trồng xong, người ta phải cắt thật đau để cành mới phát sinh nhiều, năm tới sẽ cho nhiều hoa. Sau đó, mỗi tháng phải cắt nhẹ một vài lần cho đến tháng 6 âm lịch mới thôi. Trong quá trình cắt sửa cành người trồng đào kết hợp với tạo dáng cho cây. Muốn uốn cành, tạo kiểu phải đợi khi cành đào dài khoảng 50 phân và lựa lúc trời nắng, cành đào mềm mới dễ uốn, dễ tạo kiểu theo ý muốn. Đến cuối tháng 8 âm lịch, lúc đào đang sinh trưởng mạnh nhất lại phải hãm ép chúng chuyển sang giai đoạn ra hoa bằng cách dùng dao sắc khứa quanh gốc đào một vòng cho đứt vỏ vào tận lớp gỗ của cây. 10 ngày sau phải bới đất, chặt bớt rễ, liệu xén như bầu định đánh lên vào dịp Tết. Khâu này rất quan trọng, bởi nếu không khéo, khi đánh cây ra khỏi vườn chỉ một thời gian ngắn là cây sẽ bị héo, thậm chí là chết.
Một khâu quan trọng nữa của nghề trồng đào là làm hệ thống thoát nước cho đất bởi đào là giống cây không ưa nước, nếu bị ngập úng sẽ thối rễ mà chết. Bà Hương, vợ ông Thanh bộc bạch: Người trồng đào chúng tôi sợ nhất là trời mưa to, chỉ cần nghe tiếng mưa rơi nặng hạt là cả nhà lại nháo nhác thay phiên nhau ra từng khoảnh vườn, có lúc phải dầm mưa liên tục để xem nước có thoát được không”. Rồi cả chuyện trị sâu bệnh cũng rất vất vả. Nhiều khi, người trồng đào phải soi đèn mà mò mẫm bắt sâu bằng tay bởi có khi phun thuốc, sâu không chết mà cây lại úa vàng.
Vợ chồng ông Thanh bà Hương “đón” những gốc đào “kiệt sức” về vườn nhà để bắt đầu một cuộc hồi sinh.
Vất vả, tỉ mẩn là như vậy nhưng để có một vụ mùa thành công lại phải phụ thuộc vào thời tiết. Những người trồng đào lâu năm có kinh nghiệm thì “bỏ túi” một vài mẹo riêng. Đầu tháng 12 âm lịch, nếu thấy các nụ hoa chưa nhú một cách rõ ràng, báo hiệu hoa sẽ nở chậm, họ tiến hành thúc bằng cách tưới phân đạm, phân Bắc hay nước tiểu, thậm chí là tưới nước nóng 35 - 40 độ C. Còn như nếu thấy nụ hoa nhú to, có thể hoa nở sớm, họ lại áp dụng các biện pháp hãm là che ánh nắng, tạo bóng tối cho cây cả ngày. Nhưng đó cũng chỉ là những biện pháp “chữa cháy”, vì dù thúc hay hãm đều làm giảm chất lượng hoa đào và nhiều khi cũng không thắng nổi với thời tiết khắc nghiệt.
Sung túc nhờ đào
Nghề trồng hoa đào ở Cam Giá xuất hiện từ đầu những năm 1990. Ngày đó, người làng chủ yếu làm nông nghiệp, mọi thứ chỉ trông vào hạt thóc nên cuộc sống rất khó khăn. Dù đã tích cực tìm tòi các mô hình trồng trọt, chăn nuôi mới, có hiệu quả cao và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm xóa đói giảm nghèo nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, thiên tai, thị trường biến động, thu nhập bấp bênh. Ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch Hội hoa đào Cam Giá cho biết: Năm 1994 khi đã đi tìm hiểu và thấy cây hoa đào được thị trường ngày Tết ưa chuộng, ông bàn với gia đình chuyển một phần diện tích đất sang trồng đào. Qua một vài năm trồng thử, ông nhận thấy cây đào rất thích hợp với khí hậu và thổ nhưỡng nơi đây, nhưng do chưa có kinh nghiệm nên còn gặp nhiều khó khăn trong việc chăm sóc và bảo vệ đào. Ông đã đi nghiên cứu, học tập kinh nghiệm, kỹ thuật trồng và chăm sóc đào ở nhiều nơi, từ đó tích lũy và sẵn sàng truyền đạt kinh nghiệm cho mọi người. Việc trồng đào cứ thế được nhân rộng dần ra khắp làng, nhờ có cây đào mà cuộc sống của người dân nơi đây bắt đầu sung túc, khá giả hơn nhiều.
Niềm vui đến với những người trồng đào nơi đây khi tháng 3/2012, UBND tỉnh đã ra Quyết định công nhận Làng nghề Hoa đào Cam Giá. Hiện nay, trong khu vực làng nghề đã có trên 200 hộ trồng cây hoa đào, có những hộ thu nhập mỗi năm lên đến trên 400 triệu đồng. Cây hoa đào Cam Giá ngày càng khẳng định thương hiệu trên thị trường, chất lượng và hình thức không hề thua kém bất kỳ làng nghề hoa đào nào trong cả nước. Không chỉ cung cấp đào Tết cho người Thái Nguyên mà còn phục vụ đào cho nhiều tỉnh khác.
Với những nghệ nhân làng đào Cam Giá, mỗi cây đào đều giống như những người bạn thân thiết. Dù số lượng cây trong vườn có lớn đến đâu thì mỗi dáng, thế hay vị trí của mỗi cây các nghệ nhân đều nắm rõ. Họ chăm sóc đào, đưa đào lên đường thực hiện sứ mệnh “làm sứ giả của mùa xuân” rồi lại đón chúng trở về, chăm sóc, chữa trị những “vết thương”. Có những gốc đào đã gắn bó với họ trên 20 năm, chỉ còn trơ lại một phần vỏ sần sùi, vẫn cố gắng cho ra những bông hoa đẹp nhất đến vòng đời cuối cùng. Không tránh được quy luật tự nhiên, đào cũng biết sinh ly tử biệt, già rồi cằn cỗi mà chết. Đây cũng là lúc những gốc đào rừng mới được nhập về để thay thế. Chúng sẽ được ghép mắt đào bích, đào phai để năm sau lại cho ra một lứa đào mới, phục vụ khách chơi Tết. Việc nhập đào rừng về cũng lắm rủi ro. Cả trăm triệu để đánh đổi những gốc đào quay vòng các năm hoặc mất trắng nếu những phôi đào không thể duy trì sự sống. Tuy có đôi chút lo lắng, thấp thỏm nhưng trên hết chúng mang tất cả niềm vui, niềm hy vọng lớn lao của những người trồng đào Cam Giá cho một mùa hoa đào mới sẽ bội thu.
Anh Thắng - Bích Hồng
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...