Sáp nhập xóm, tổ dân phố – tinh gọn bộ máy từ cơ sở
VNTN - Những chuyển biến tích cực
Toàn tỉnh Thái Nguyên có 3.032 xóm, tổ dân phố, trong đó có 2.942 xóm, tổ dân phố chưa đủ tiêu chuẩn số hộ gia đình theo quy định của Bộ Nội vụ, chiếm 97% tổng số xóm, tổ dân phố trên địa bàn toàn tỉnh. Thực trạng quy mô xóm, tổ dân phố nhỏ lẻ, dân cư không đồng đều đã gây ra sự bất hợp lý trong bố trí các chức danh cũng như chi trả phụ cấp cho những người hoạt động không chuyên trách. Có những thôn, xóm chỉ vỏn vẹn hơn 20 hộ dân nhưng có đến gần chục chức danh và cán bộ không chuyên trách. Do đó, việc sắp xếp, sáp nhập xóm, tổ dân phố theo tinh thần Nghị quyết 18- NQ/TW “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” của Hội nghị Trung ương 6, khóa XII của Đảng là chủ trương đúng đắn và thật sự cần thiết đối với tỉnh ta.
Nhà văn hóa thôn Phù Lôi được người dân 4 xóm: Chùa 1, Chùa 2, xóm Dâu và Đầm đóng góp xây dựng chung, dù các xóm vẫn chưa chính thức sáp nhập
Qua xác định, toàn tỉnh có 1.098/3.032 xóm, tổ dân phố (chiếm 36%) phải thực hiện việc sắp xếp, sáp nhập theo quy định. Tại kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/HĐND ngày 8/12/2018 về việc sáp nhập một số xóm trên địa bàn. Theo đó, 41 xóm không đủ tiêu chuẩn về dân số và diện tích của các xã Yên Lạc (Phú Lương), Hóa Trung, Minh Lập (Đồng Hỷ) và Tràng Xá, Phương Giao (Võ Nhai) đã được sắp xếp lại để thành lập 17 xóm mới. Từ tháng 1/2019, toàn tỉnh giảm từ 3.032 xóm, tổ dân phố xuống còn 3.008 xóm, tổ dân phố.
Sau hơn 6 tháng nghiêm túc thực hiện Nghị quyết 24, đã cơ bản giải quyết được những vấn đề đặt ra và mang lại một số hiệu quả tích cực. Đáng kể nhất là những chuyển biến trong việc huy động nguồn lực từ cộng đồng dân cư để xây dựng các công trình dân sinh, qua đó đem lại nhiều đổi thay về cơ sở hạ tầng và diện mạo nông thôn ở từng địa phương.
Xóm La Thông (xã Hóa Trung, huyện Đồng Hỷ) với 210 hộ gia đình mới được thành lập trên cơ sở nhập toàn bộ 66 hộ xóm Đồng Chăn, 76 hộ xóm La Thông và 68 hộ xóm Hang Cô. Nhà văn hóa mới của xóm chính thức được khánh thành vào tháng 1/2019 vừa qua. Ngôi nhà khang trang có tổng diện tích 145m2, mái lợp tôn, nền gạch men, tổng kinh phí xây dựng là 427 triệu đồng trong đó nhà nước, các nhà hảo tâm hỗ trợ một phần còn lại chủ yếu là do nhân dân đóng góp. Ông Lê Văn Minh, Trưởng xóm La Thông chia sẻ: Trước đây, nếu muốn xây dựng nhà văn hóa to đẹp thế này hơi khó bởi mỗi hộ phải đóng ít nhất 3 triệu đồng, sau khi sáp nhập mỗi hộ chỉ cần đóng 1 triệu đồng là đủ.
Con đường đất lầy lội, bụi bặm dọc xóm Đẩu (được thành lập dựa trên việc sáp nhập 94 hộ gia đình xóm Đẩu và 29 hộ xóm Yên Thịnh, xã Yên Lạc, huyện Phú Lương) đã nhanh chóng được thay thế bằng con đường bê tông dài hơn 1km rộng rãi. Ông Nguyễn Quyết Tiến, Bí thư Chi bộ xóm Đẩu cho biết: Có con đường thông thoáng này sẽ tạo điều kiện cho việc giao thương phát triển kinh tế. Nó là kết quả của sự đoàn kết, nhất trí của các hộ dân của 2 xóm cũ. Trước đây 2 xóm chưa sáp nhập, việc tham gia đóng góp đối ứng cao nên khá là khó cho bà con bởi không có đủ điều kiện kinh tế. Từ chỗ tăng hộ, việc đóng góp sức người, sức của sẽ thuận lợi hơn.
Triển khai đồng bộ, khoa học
Theo kế hoạch, năm 2019, tỉnh tiếp tục thực hiện sắp xếp, sáp nhập 258 xóm, tổ dân phố thành 189 xóm, tổ dân phố (giảm 69 xóm, tổ dân phố) của 15 xã, phường, thị trấn thuộc 3 địa phương là TP Thái Nguyên, huyện Đồng Hỷ và huyện Đại Từ. Hiện nay, các địa phương đều đã hoàn thành việc rà soát, lập danh sách các xóm trong diện phải sáp nhập. UBND tỉnh sẽ đưa vào một trong những nội dung trình kỳ họp thứ 9 tới đây thông qua. Các địa phương khác cũng đều đã, đang khẩn trương hoàn thành xây dựng đề án sáp nhập phù hợp với tình hình của địa phương mình để trình các cấp liên quan.
Qua rà soát, huyện Định Hóa hiện có 435 xóm, tổ dân phố. Trong đó có tới 397 xóm, tổ dân phố không đạt tiêu chuẩn về quy mô hộ gia đình theo quy định của Bộ Nội vụ (chiếm tỷ lệ 91,2%). Dự kiến sau khi sáp nhập, toàn huyện sẽ còn 236 xóm, tổ dân phố (giảm 199 xóm, tổ dân phố). Dự kiến, từ nay đến tháng 9 - 2019, huyện sẽ triển khai thí điểm tại thị trấn Chợ Chu và xã Bảo Cường, sau đó, sẽ tiến hành trên toàn huyện và phấn đấu hoàn thành trước năm 2020. Việc này sẽ giúp huyện Định Hóa giảm được gần 900 cán bộ không chuyên trách ở cơ sở và tiết kiệm chi ngân sách trên 5 tỷ đồng mỗi năm.
Ông Lương Văn Hiền, Trưởng phòng Nội vụ huyện Định Hóa cho biết: Để làm tốt công tác này, huyện Định Hóa đã có các văn bản chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn tổ chức thực hiện rà soát, xây dựng dự thảo đề án sắp xếp, sáp nhập các xóm, tổ dân phố để trình cơ quan chức năng xem xét. Các xã, thị trấn trên địa bàn huyện cũng đã tuyên truyền, phổ biến tới cán bộ, đảng viên và nhân dân để tạo sự đồng thuận cao nhất để khi tiến hành đạt hiệu quả cao. Việc xin ý kiến người dân tập trung vào các nội dung: phương án sáp nhập như dự thảo đề án đã phù hợp chưa; trung tâm xóm mới đặt ở đâu; tên gọi của xóm mới đã phù hợp chưa. Các tổ chức đoàn thể ở xóm sẽ công khai trước hội viên của mình để lựa chọn, lấy tín nhiệm để giới thiệu các chức danh ở xóm mới đối với tổ chức của mình. Tất cả đều được thực hiện công khai, dân chủ để đi đến thống nhất trong triển khai thực hiện.
Thị xã Phổ Yên cũng đang khẩn trương tiến hành quy trình sáp nhập 60 xóm, tổ dân phố không đủ điều kiện tại 10 phường, xã. Thị ủy Phổ Yên đã chỉ đạo sát sao việc thực hiện việc sáp nhập phải đồng bộ trong thời gian nhất định, không kéo dài, đồng thời hoàn chỉnh ngay hồ sơ theo tiến độ và từng nội dung cụ thể. Việc sáp nhập các xóm, tổ dân phố không chỉ giúp tinh gọn bộ máy và đội ngũ cán bộ không chuyên trách hưởng phụ cấp mà còn giảm số chi bộ sinh hoạt ghép, giúp việc lãnh đạo các nhiệm vụ chính trị hiệu quả hơn. Hiện nay, Phổ Yên đang là một trong những địa phương có số chi bộ sinh hoạt ghép nhiều nhất tỉnh với 74 chi bộ, thực hiện sáp nhập đợt này dự kiến sẽ giảm gần 40 chi bộ ghép.
Dù chưa chính thức tiến hành sáp nhập, nhưng Nhà văn hóa thôn Phù Lôi, xã Thuận Thành là một ví dụ điển hình cho sự đồng thuận cao của bà con nhân dân. Tháng 3 vừa qua, người dân thôn Phù Lôi hân hoan khánh thành nhà văn hóa mới. Đây là một trong những nhà văn hóa thôn có quy mô nhất trên địa bàn thị xã Phổ Yên với diện tích sử dụng hơn 250m2, kinh phí xây dựng 1,1 tỷ đồng. Điều đặc biệt nữa là công trình sử dụng chung cho 4 xóm, gồm: Chùa 1, Chùa 2, Dâu và Đầm.
Ông Nguyễn Văn Đạc, Bí thư Chi bộ Phù Lôi phấn khởi: Tuy khác xóm nhưng chúng tôi vốn cùng một thôn. Trong các cuộc hội, họp chúng tôi đều phổ biến tinh thần về việc sáp nhập cho bà con. Rằng đây là chính sách, chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, trên hết đều là vì lợi ích của bà con nên ai nấy đều đồng thuận. Xây dựng một nhà văn hóa chung phục vụ các hoạt động văn hóa, thể thao chính là nguyện vọng của hầu hết người dân. Công trình rộng rãi là phù hợp với quy mô hơn 500 hộ dân của thôn. Thay vì mỗi xóm một nhà văn hóa thì phương án này vừa tiết kiệm quỹ đất, kinh phí đóng góp và tận dụng được tối đa công năng sử dụng.
Ông Diệp Xuân Việt, Bí thư Chi bộ Việt Hùng (chi bộ ghép của 2 xóm Việt Hồng và Việt Lâm, xã Đông Cao, thị xã Phổ Yên) cho hay: Đợt này, xã Đông Cao rà soát và có chủ trương sáp nhập 10 xóm, trong đó Việt Lâm (56 hộ) và Việt Hồng (48 hộ) sẽ gộp lại thành một. Về thuận lợi, chúng tôi vốn là một làng trước đây, chi bộ sinh hoạt ghép chỉ đạo chung cả hai xóm nên cơ bản bà con đồng thuận. Tuy nhiên, khi sáp nhập cũng đồng nghĩa với giảm đi một nửa cán bộ đoàn thể, người ở lại sẽ phải gánh vác khối lượng công việc gấp đôi, người đang làm nay nghỉ cũng có tâm tư suy nghĩ nhất định. Cụ thể như với cán bộ không chuyên trách của Hội Nông dân hay Hội Phụ nữ chỉ là 150 ngàn đồng/ tháng nên cũng khá là khó khăn cho họ. Đó là những vấn đề cần từng bước tháo gỡ.
Dù vẫn còn một số trăn trở nhưng với sự chỉ đạo điều hành sát sao, trách nhiệm của Đảng bộ, cấp ủy, chính quyền các cấp; đồng thời với việc xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện bài bản, khoa học việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã sẽ đem lại hiệu quả trong việc quản lí và điều hành ở cơ sở.
Anh Thắng
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...