Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
17:18 (GMT +7)

Sao bắt tay lắm thế

VNTN - Dựng vội xe ngoài sân, chỉ kịp chào nhanh tôi một câu, Nhung chạy ào vào nhà vệ sinh:

- Cô ơi, xà phòng thơm ở đâu, cho con ít.

- Gớm, làm gì mà rửa tay vội thế? Tôi đưa xà phòng, hỏi Nhung.

- Con đi ăn cưới về. Khiếp, tay bẩn quá cô ạ.

- Thế người ta mới gọi là đi ăn “cơm gà cá gỡ” - tôi đùa.

- Chính thế đấy ạ, gỡ thức ăn rồi bắt tay suốt. Bẩn ghê cơ.

Ra bàn ngồi uống nước, Nhung bô bô:

- Riêng bữa cỗ hôm nay con phải bắt tay hơn chục lần.

- Ừ thì trước lạ sau quen - tôi thủng thẳng.

- Quen làm sao được cô ơi, ra khỏi chỗ ăn là chẳng ai biết ai vào ai rồi.

Nhung kể lể:

Vừa ngồi vào ăn, một ông gắn hoa ban tổ chức đến mời nâng ly khai tiệc, bắt tay một lượt. Ngồi xuống, vừa thò đũa lại một ông ban tổ chức nữa đến, lại bắt tay. Xong hai lượt “ban tổ chức”, người cùng mâm gắp cho mỗi người một miếng thịt gà. Cả mâm đang dùng tay xé thịt gà thì một ông quen một ông trong mâm đến chào, đề nghị uống với mọi người và… bắt tay. Cứ thế, đang bóc tôm: bắt tay; đang nhón xôi: bắt tay; đang bóc cam: bắt tay… Người thì nắm chặt tay đối phương, lắc lắc; người chỉ chạm vào khe khẽ, mắt nhìn đi chỗ khác; người thì giơ 5 ngón tay ra như ban phát. Những bàn tay dinh dính, nhơm nhớp, nhờn nhờn vì họ cũng vừa bóc tôm, nhón xôi, xé gà… ở mâm của họ.

Nhung về rồi, tôi vẫn nghĩ về câu chuyện nó nói.

Quả là, chưa bao giờ tôi thấy người ta bắt tay nhau nhiều như bây giờ. Nơi hội họp đã đành, đằng này từ quán bia cỏ, chỗ ăn tiết canh lòng lợn, thậm chí gặp nhau trước cửa toa - lét cũng bắt tay. Rồi đã thành “luật bất thành văn” từ lúc nào, cứ sau cụng chén/cốc là bắt tay. Một bữa ăn năm, bẩy lần “cụng” là năm, bẩy lần “bắt”. Bắt đi bắt lại, đến tận lúc về. Có người còn tự hào gọi nạn bắt tay là “đặc sản Thái Nguyên” mới chết.

Tôi tẩn mẩn vào hỏi ông Gu - Gồ về cái sự bắt tay, mới biết là cái chuyện chúng ta làm ngày ngày ấy cũng có nguyên tắc, làm theo đúng như thế mới là người lịch sự, còn không thì…

Tại trang web kynang edu.vn có hẳn một bài dạy bắt tay. Gồm các phần: Vì sao bắt tay? Bắt tay khi nào? Bắt tay như thế nào? Một số trường hợp cần tránh khi bắt tay…Ví dụ: Khi bắt tay trên mặt không nên giữ thái độ vô cảm, không nói một lời nào hoặc lý luận dài dòng, gật đầu lia lịa hoặc nhún vai, kiểu cách một cách quá đáng; không nên bắt hờ hững đầu ngón tay của đối phương, kiểu như muốn giữ khoảng cách nhất định với họ. Cách làm tốt nhất là nắm cả bàn tay đối phương; không nên kéo tay đối phương về phía mình hoặc đẩy tay về phía họ, hoặc gạt lên trên xuống dưới, sang trái hoặc sang phải lệch hướng.

Tôi cũng đọc kỹ xem sách dạy nên bắt tay vào lúc nào và chắc chắn một điều: Không bắt tay trong bữa ăn, nhất là khi tay của chúng ta đã thấm đẫm mùi thực phẩm.

Ngô Minh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Nằm giường

Câu chuyện văn hóa 1 tuần trước

Xong việc mình là… về

Câu chuyện văn hóa 3 tuần trước

Bước qua đổ vỡ

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Trẻ cậy cha, già cậy ai?

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Buồn trên mắt mẹ

Câu chuyện văn hóa 3 tháng trước

Chuyện nghệ danh

Câu chuyện văn hóa 3 tháng trước

Tiếng còi xe

Câu chuyện văn hóa 3 tháng trước