Sáng tạo trên nền của sự thật
VNTN - Xưa nay người ta vẫn coi một “nghệ sĩ” đồng nghĩa với việc anh ta là một “người sáng tạo”. Điều đó đã đúng hay chưa, khi trong kinh thánh cho rằng “sáng tạo” là việc của Chúa trời (?). Từ thời thượng cổ, những âm thanh của con người để tạo ra âm nhạc, luôn cố gắng mô phỏng làm sao cho giống với bên ngoài thiên nhiên. Khi nghe một bản nhạc, mà người nghe cứ cất công để phân biệt đâu là âm thanh của ghi ta, của piano, hay của sáo trúc…, thì hẳn tác giả soạn ra bản giao hưởng ấy thất vọng lắm! Còn trong khi thưởng thức âm nhạc mà người nghe như thấy được mình đang bị cuốn đi trong một cơn dông, đang được “tan” ra trong cảm giác tận hiến, được quằn quại trong nỗi buồn cô đơn…, thì việc “nghe nhạc” và “thẩm nhạc” của một “thính giả” đã hòa quyện vào nhau; trách nhiệm của người soạn nhạc và chơi nhạc phải làm được điều đó mới coi là thành công. Và khi con người thực sự làm thay được công việc “sáng tạo” của đấng tối cao, thì hẳn bề trên sẽ mỉm cười khích lệ. Còn khi Chúa lắc đầu mà quay đi…, thì thôi, của ấy chỉ là thứ vờn lại cái búng ngón tay của Ngài!
“Kéo lưới”
Khi chụp ảnh một mảnh lá chỉ còn trơ lại đường gân, nhà nhiếp ảnh làm thế nào để khiến cho ánh mắt người xem lưu lại đủ thời gian, khơi gợi ra sao cho người thưởng lãm sau khi đã nhận ra được sự tinh tế, cân đối, hoàn hảo của tạo hóa. Để rồi dẫn dắt họ nghĩ về từng thời kì tồn tại của chiếc lá: Bị mục rã - ngâm nước - rụng khỏi cây - ố vàng - xanh thẫm - xanh non - nảy lộc…, đó là quá khứ gần và xa dần suốt quá trình sinh trưởng của nó. Nếu hỏi người xem “thấy gì” sau bức ảnh, thì người này nghĩ về lúc cái lá đang nảy lộc; người kia bùi ngùi nói về thời chiếc lá đang nhuộm vàng trong sắc thu; và biết đâu sẽ có khán giả chỉ vào một khoảng trống trong mảnh xương lá, rồi khẳng định: nó đã từng bị sâu ăn… Như vậy, một bức ảnh hay, là một tác phẩm phải để người xem thấu hiểu rồi cùng sáng tạo. Người chụp và người thưởng thức khi đó đã có chung một nỗi niềm “đồng cảm”. Tác giả của bức ảnh phải biết mở lòng, nếu như khán giả muốn được cùng tham gia hoàn thiện vào nội dung tác phẩm.
Cũng dễ đến cả chục năm rồi, người ta đi xem ảnh lại cứ ghé mắt vào những điểm xung yếu để tìm lỗi ghép. Khác với xem triển lãm mĩ thuật - ở đó người họa sĩ có thể thêm, bớt chi tiết vào tác phẩm mà người ta vẫn xuýt xoa khen ngợi. Với nhiếp ảnh, cũng có những mảng đề tài như “ảnh sáng tạo” hay “tự do” - nơi người ta có thể thỏa sức “thêm mắm, thêm muối” vào tác phẩm mà không bị bắt lỗi. Còn nhìn chung, một bức ảnh nói là hay, là đẹp ở đâu không biết, nhưng nếu như nó đã bị người xem nghi là giả, thì chẳng khác nào mời họ uống một cốc mật ong, mà trong suy nghĩ của người uống cứ tâm niệm rằng mật được làm từ đường mía. Giá trị thực của mật ong khi đó đã mất đi công dụng chữa bệnh, nó chỉ còn mỗi tác dụng giải khát. Niềm tin không những bị hao hụt, mà tệ hơn, nó còn làm nhạt loãng mối quan hệ tương tác lâu bền giữa tác giả với người xem.
Cái thật khi được nhà nhiếp ảnh định vị trong khuôn ngắm, như cho thấy tài xét đoán tức thời của tác giả trước việc khai thác bối cảnh, và vị thế của anh ta sẽ được giới đồng nghiệp lượng giá và tôn trọng. Nhưng cái thật trong “cảm nhận” của người thưởng lãm, nó còn cho thấy cái vô hình ẩn chứa trong hữu hình. Ví dụ, ta làm sao thấy được buồn nếu không nhận ra dáng ngồi co ro và vẻ cô quạnh của đứa trẻ? Sao thấy được gió, nếu không để ý đến những gợn nước táp vô bờ; ta không biết được đã là thu, nếu không thấy cây đang vàng lá… Nỗi buồn, ngọn gió và mùa thu, người xem cảm được, là nhờ họ đã tư duy chứ không chỉ lệ thuộc vào cái tít bên dưới ảnh.
Mỗi năm ở Việt Nam mở bao nhiêu cuộc triển lãm ảnh nhân danh Nghệ thuật? Và những “tác phẩm nghệ thuật” được tuyển chọn từ cả chục ngàn bức ảnh, đã thật là “nghệ thuật” hay chưa? Nếu kĩ càng một chút, chúng ta nhặt từng tác phẩm trong triển lãm ra đem so sánh với những bức ảnh trước đó đã nằm sẵn trong các kho dữ liệu trên mạng công cộng, để tìm điểm tương đồng của mỗi một tác phẩm, thì người xem hẳn thất vọng lắm khi thấy sức “sáng tạo” của đội ngũ này không có nhiều, và “cá tính” của tác giả bị khuất lấp như cây tràm trong rừng tràm hoặc một gợn sóng biển giữa mênh mông đại dương. Điều tối kị trong hoạt động nghệ thuật, là lại cứ làm nhại theo người đi trước, nó có khác gì copy bài của đồng nghiệp rồi đem về trang thơ của mình? Kẻ đi làm đồ giả, một khi lại được các vị mũ cao, áo dài tung hứng, thì đó có khác nào cấy bệnh truyền nhiễm cho đội ngũ nhiếp ảnh. Bởi khi hàng giả được gắn nơ, trao huy chương, thì đã vô tình chắp cánh cho chủ nhân của nó có thêm “thương hiệu” để tãi rộng ra thứ hàng nhái, hàng giả. Môi trường nhiếp ảnh nghệ thuật sẽ nhanh chóng bị hủy hoại, nếu một ngày kia chính những kẻ chuyên sản xuất đồ giả có đủ quyền lực trong tay để thao túng phong trào.
Một thảm họa trong suy nghĩ của nhiều người, ấy là khi đem nhiếp ảnh ra chưng để “tuyên truyền”! Họ chẳng thuyết phục được ai, nếu như cứ nhai lại vài ba khuôn hình theo mô típ từ thời cụ Võ An Ninh đã dùng. Ngay việc tuyên truyền cho sự lãnh đạo của Đảng, không phải chỉ cứ gắn với việc chụp ông này, bà kia đi thăm thú ở các địa phương hoặc trao quà tình nghĩa…, hẳn nhiên, chính các vị quan chức cũng không muốn xem những thứ đó, bởi đấy là công việc họ làm để hưởng lương và phải có nghĩa vụ thực hiện hàng ngày! Hãy cao thủ hơn, nếu kín đáo đưa hình ảnh một giá sách ngăn nắp trong góc căn nhà sàn; hay hàng đèn đường tỏa xuống những mái ngói âm dương trong các đêm sâu vắng nhất. Đưa cả những nụ cười của người già, trẻ em đang tràn ngập khắp các khu dân cư vào không gian phòng triển lãm. Từ thời thượng cổ, người ta đã cho rằng những triều đại thịnh trị, chính là thời mà các Quân Vương đem lại nhiều niềm vui, sự thanh bình và hạnh phúc cho thần dân trong vương quốc của mình…
“Người thợ”
Lúc mà một số “thần tượng” đang có vẻ “lố” khi cố tình phô phang thành tích, tước hiệu cá nhân, thì đầu năm 2013 có một cô gái Việt nhỏ bé là Nguyễn Thanh Hải (Maika Elan) - một nhiếp ảnh gia tự do người Hà Nội đã giành giải Nhất cuộc thi danh tiếng của World Press Photo dưới hạng mục “Các vấn đề hiện đại, ảnh bộ”. Những người du lịch Việt Nam sang Nhật ngỡ ngàng khi thấy bộ ảnh “Yêu là yêu” cùng tấm chân dung của cô được in đậm và phóng lớn trước cửa một phòng triển lãm uy tín giữa Tokyo. Và vé vào xem cao ngất ngưởng, khiến một người Việt bình thường chắc phải đắn đo khi muốn bước chân vào đó… Nguyễn Thanh Hải còn được rất nhiều người trên “đất nước mặt trời mọc” yêu mến và biết tới với bộ ảnh cô chụp về những người tự kỉ của Nhật. Có thể nói không ngoa, rằng cô đã nổi tiếng với nhiếp ảnh, giống như một Đặng Thái Sơn nổi tiếng với âm nhạc.
Còn một việc làm đầy ý nghĩa khác là “Vì một thế hệ tương lai nhiếp ảnh Việt Nam” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Bá Hân cùng một số bạn bè nhiếp ảnh của mình. Nhiều năm nay, các anh đã âm thầm hướng đến việc đào tạo cho lớp nhiếp ảnh trẻ. Bá Hân tuyển dụng các cháu đến với nhiếp ảnh đầu tiên dựa vào những thành tích trong văn chương, thông thạo ngoại ngữ, công nghệ thông tin, trong việc nhận biết và hòa đồng với xã hội. Liên tiếp sau năm lần tổ chức, anh đã đưa các đội Thăng Long của Hà Nội (năm 2015); Sài Gòn của TP. HCM (năm 2016); Phú Xuân của Huế (năm 2017); Hải Yến của Nha Trang (năm 2018), Hội An của Quảng Nam (năm 2019) đi tham dự Liên hoan ảnh Quốc tế (Higashikawa photo festival) dành cho học sinh Trung học tại TP. Higashikawa - Nhật Bản, và đạt được những giải thưởng cao quý cho toàn đoàn và các cá nhân. Chỉ tiếc, cách thức hoạt động như của Mai Thanh Hải và Bá Hân vẫn còn đơn lẻ, chưa được hỗ trợ đúng mức để nhân rộng lên.
Cái giả vốn tồn tại với cuộc sống loài người - điều ấy chắc không cần phải chứng minh. Cái giả núp dưới nhiều hình thức. Cái giả sẽ lấn át sự thật - khi mà sự thật bị bưng bít, khuất lấp, khiêm nhường. Cái giả tác quái - khi nó trùm đụp lên xã hội. Cái giả đôi khi kích thích cho sáng tạo, ví như nghề giả kim thuật, đã khiến cho ngành luyện kim màu phát triển. Cái giả trong ảnh “sáng tạo” là giấc mơ, hay điều cảnh báo của nhà nhiếp ảnh… Tuy vậy cái giả trong ảnh đời thường sẽ làm méo mó sự thật, khiến người xem yêu nhầm và phán xét trong lầm lẫn. Nó dễ bị bóc mẽ khi gặp những con mắt chuyên môn giỏi. Ngoài ra chính những người làm giả, lại thường không dùng thứ hàng hóa mình làm ra - không phải do nhận thức hay những uẩn khúc về đạo đức. Bản thân họ hiểu rõ chân giá trị của chúng nên thường đã không tha thiết yêu thứ “hàng ghép” của mình! Cái giả trong nhiếp ảnh còn luôn đe nẹt chính tác giả của nó, bởi đó là thứ thường xuyên được trưng bày ra trước mắt thiên hạ. Một khi bị lộ tẩy…, danh tiếng của kẻ tạo ra bức ảnh sẽ bị kéo sụp theo.
Từ lâu người ta cho rằng Văn học nghệ thuật đã góp công cải tạo con người trong xã hội, thì nhiếp ảnh không có cớ gì đứng bên ngoài, mà phải có vai trò cùng chung sức để nâng tầm một xã hội ngày càng tốt đẹp lên. Để biến đổi một hiện thực hữu hình thành một “tác phẩm nhiếp ảnh”, bản thân nó hội tụ thành tựu của cả nền khoa học và tài năng cá nhân. Nên đòi hỏi nhà nhiếp ảnh phải có nhận thức, có văn hóa cùng năng khiếu về thiết kế và thẩm mỹ. Tác phẩm nối dài mạch cảm xúc cho tác giả bởi nó đã lây lan tới người xem. Nó sẽ thành thiêng, khi nhiếp ảnh được đứng trên nền của sự thật.
Bài và ảnh: Vũ Kim Khoa
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...