Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
19:02 (GMT +7)

Sản xuất công nghiệp: Những tín hiệu lạc quan và “nút thắt” trong phục hồi

VNTN - Tình hình dịch COVID-19 của nước ta đang từng bước được kiểm soát đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh từng bước hồi phục. Một số DN đã tìm kiếm được các đơn hàng mới, đưa công nhân quay trở lại nhà máy. Tuy vậy, vẫn có không ít DN, thậm chí là DN chủ lực của tỉnh vẫn chưa tháo gỡ được khó khăn bởi “thị trường xuất khẩu” vẫn đang là nút thắt.


Điểm sáng công nghiệp nội địa

Sau khi Chính phủ cho phép nới lỏng giãn cách xã hội và dịch COVID-19 từng bước được kiểm soát đã khiến cho hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của một số DN thuộc các lĩnh vực như sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí chế tạo… trở nên thuận lợi hơn.

Ông Lê Xuân Tình, đại diện Công ty Cổ phần Xi măng La Hiên cho biết: Tính đến hết tháng 4 vừa qua, sản lượng xi măng của Công ty đạt khoảng 70.000 tấn, tương đương với tháng trước và chỉ giảm 5-10% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, sản lượng xi măng tiêu thụ trong tỉnh chiếm đến 60%. Tuy nhiên, sau khi Chính phủ cho phép nới lỏng giãn cách xã hội thì Công ty đã mở rộng thị trường tiêu thụ sang nhiều tỉnh, thành lân cận. Bởi 2 lý do chính, trước hết là do việc hoạt động trở lại của các cơ sở kinh doanh, thương mại và việc giao thương buôn bán giữa các tỉnh, thành được trở nên thuận lợi hơn; thứ hai là hiện nay thị trường tiêu thụ tại tỉnh ta đang bị bão hòa do cung vượt quá cầu nên Công ty phải xoay hướng sang mở rộng thị trường tại nhiều tỉnh, thành khác. Hiện tại, giá bán sản phẩm của Công ty giảm 2-5% so với cùng kỳ năm trước, nhằm kích cầu người dân và tạo sự cạnh tranh giữa các hãng xi măng với nhau.

Tương tự, tại Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, 4 tháng đầu năm, mặc dù phải đối mặt với không ít khó khăn nhưng sản lượng thép sản xuất và tiêu thụ của Công ty vẫn đạt gần 270 nghìn tấn, bằng 33% kế hoạch năm và tương đương so với cùng kỳ năm 2019; doanh thu đạt gần 4,5 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 101,9 tỷ đồng. Hiện tại, Công ty vẫn đang giải quyết việc làm cho trên 4 nghìn lao động, với mức thu nhập bình quân đạt 8,8 triệu đồng/người/năm. Anh Vũ Xuân Trường, công nhân Nhà máy Cán thép Lưu Xá thành thật: Mặc dù tình hình chung rất nhiều khó khăn nhưng Công ty vẫn bảo đảm việc làm, đóng đầy đủ các chế độ bảo hiểm cho người lao động. Điều đó, giúp chúng tôi yên tâm sản xuất và luôn cố gắng hết mình để đạt năng suất cao nhất.

Không nằm ngoài quy luật, Công ty CP Xi măng Quan Triều cũng bị tác động không nhỏ bởi COVID-19, nhưng thời gian qua, Công ty vẫn duy trì sản xuất bình thường, đồng thời triển khai các biện pháp thích nghi nên vẫn hoàn thành mục tiêu, kế hoạch sản xuất đề ra. Ông Văn Trọng Tuấn, Phó Giám đốc Công ty cho biết: Trong quý II/2020, Công ty mạnh dạn đặt mục tiêu sản xuất và tiêu thụ 203.000 tấn xi măng, tăng 38.000 tấn so với quý trước. Để hoàn thành nhiệm vụ này, Công ty đề ra các giải pháp như: Tổ chức sản xuất hợp lý, tức là huy động sản xuất hết giờ thấp điểm, giờ bình thường để giảm giá thành điện; xây dựng các phương án tái sử dụng vật liệu thải để tiết kiệm chi phí; nắm bắt các chính sách tiêu thụ của các hãng xi măng khác trên địa bàn để xây dựng các chính sách phù hợp nhằm giữ vững thị phần. Ngoài ra, Công ty còn đầu tư thêm máy xúc lật, bảo trì, sửa chữa nhiều vật tư, thiết bị lớn như: thay gạch chịu lửa cho lò, hàn đắp, căn chỉnh con lăn… Kết quả, trong tháng 4 và tháng 5, sản lượng xi măng tiêu thụ đạt khoảng 101.000 tấn/tháng.

Đối với các DN sản xuất lĩnh vực cơ khí, mặc dù chưa có dấu hiệu phục hồi rõ ràng, nhưng đã có dấu hiệu lạc quan về thị trường tiêu thụ trong thời gian tới. Ông Phạm Thanh Bình, Giám đốc Công ty CP Kết cấu Thép xây dựng Tân Khánh (thị xã Phổ Yên) chia sẻ: Trong quý I/2020, do ảnh hưởng của dịch nên các đối tác của chúng tôi đã tạm dừng việc xây lắp công trình để bảo đảm thực hiện giãn cách xã hội. Điều này khiến Công ty phải duy trì sản xuất cầm chừng, cho công nhân nghỉ việc luân phiên, không tăng ca, hoặc giảm giờ làm 1-2 tiếng/ca để duy trì đủ công việc cho người lao động. Tuy vậy, cuối tháng 4 vừa qua, Công ty đã ký được 2 đơn hàng mới về lắp ráp các khung nhà tiền chế. Đây là những tín hiệu vui của chúng tôi, góp phần phục hồi sản xuất sau đợt dịch kéo dài. Còn đối với Công ty CP Đúc Thái Nguyên (T.P Thái Nguyên), ông Lê Quang Hòa chia sẻ: Hiện nay, thị trường xuất khẩu sang Hàn Quốc của Công ty đang tạm dừng, tuy nhiên thị trường trong nước thì vẫn tiêu thụ ổn định, mặc dù không được nhiều. Vì thế, để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, Công ty vừa đầu tư thêm 1 dây chuyền sản xuất khuôn tự động cho công suất cao, với chi phí trên 50 tỷ đồng, hứa hẹn sẽ tạo ra nhiều sản phẩm đúc có chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ lớn vào thời gian tới.

Hiện nay, các doanh nghiệp FDI hoạt động trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn đang duy trì sản xuất cầm chừng để chờ đợi thị trường xuất khẩu được khởi sắc trở lại. Trong ảnh: Sản xuất sản phẩm điện tử tại Công ty TNHH Emtec Vina Thái Nguyên (Khu Công nghiệp Điềm Thụy).

Xuất khẩu hàng hóa bị “đứt gãy”

Đối lập với các DN nội địa nói trên, các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hoạt động trong các lĩnh vực xuất khẩu sản phẩm điện tử, khoáng sản, thiết bị y khoa… trên địa bàn tỉnh hiện vẫn đang gặp phải khó khăn, thách thức từ thị trường tiêu thụ. Tính chung 4 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu (GTXK) chỉ đạt 9,03 tỷ USD, giảm 10,4% so với cùng kỳ, bằng 30,6% kế hoạch năm.

Tìm hiểu một số DN FDI hoạt động trong các khu công nghiệp như Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên và các đơn vị phụ trợ, Công ty TNHH Mani Hà Nội, Công ty TNHH Wiha Việt Nam… phần lớn các đơn vị này vẫn đang phải duy trì sản xuất cầm chừng để chờ đợi thị trường xuất khẩu ổn định trở lại. Công ty TNHH Wiha Việt Nam (Khu Công nghiệp Sông Công), đơn vị chuyên sản xuất kìm cơ khí, nếu như đến hết quý I/2020 hoạt động xuất khẩu vẫn duy trì ổn định thì bắt đầu từ tháng 4 vừa qua, Công ty đã xuất hiện nhiều hàng tồn, buộc phải cho người lao động giảm thời gian làm việc, cắt giảm một số hợp đồng lao động. Tương tự, tại Công ty TNHH Mani Hà Nội (T.X Phổ Yên) chuyên sản xuất thiết bị y tế, từ ngày 1/4, đơn vị cũng buộc phải cho khoảng 300 người lao động nghỉ chờ việc, hưởng 70% lương. Nét mặt tỏ rõ sự buồn bã, chị Vũ Kim Hoa, một trong số công nhân trên than thở: Phải nghỉ chờ việc đồng nghĩa với việc thu nhập bị cắt giảm, vì thế việc chi tiêu của gia đình càng bị dè dặt hơn. Thế nhưng nhà có con nhỏ thì nhiều khoản vẫn không thể cắt giảm. Do đó, để có thêm thu nhập, tôi phải tranh thủ đi hái chè thuê cho bà con trong xã. Tôi chỉ mong Công ty sớm khắc phục khó khăn để công nhân được đi làm trở lại, đủ trang trải cho gia đình.

Nói về vấn đề này, ông Trần Văn Long, Phó Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên nhận định: Đối với các DN FDI thì khó khăn hiện nay là thị trường xuất khẩu bị “đứt gãy”. Do đó, các DN vẫn phải sản xuất cầm chừng. Nếu tình hình dịch bệnh trên thế giới được kiểm soát thì các đơn vị cũng cần ít nhất 1-3 tháng mới phục hồi được sản xuất - kinh doanh, bởi hiện nay chi phí để duy trì sản xuất cầm chừng, giữ chân người lao động là không hề nhỏ.

Dây chuyền gắp gạch tự động của Nhà máy sản xuất gạch tuynel (Công ty TNHH Bê tông xây dựng Việt Cường)

Chung tay “gỡ khó”

Trước tình hình trên, Sở Công Thương cũng đã xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng với hai khả năng xảy ra: Nếu dịch COVID-19 kéo dài đến hết tháng 6, thì giá trị xuất khẩu của tỉnh có khả năng đạt 95%; còn nếu dịch kéo dài đến hết năm thì chỉ tiêu này chỉ đạt khoảng 70%. Dù vậy, với tinh thần phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu giá trị sản xuất công nghiệp năm 2020 ở mức cao nhất, hiện tại, Sở Công Thương đã có văn bản gửi các Bộ, ngành liên quan đẩy nhanh việc triển khai, hướng dẫn cụ thể việc thực thi các chính sách hỗ trợ cho các DN; tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiều giải pháp, như: Xem xét, bố trí ứng vốn cho các địa phương, đơn vị sự nghiệp tiến hành giải phóng mặt bằng các cụm công nghiệp, đồng thời khuyến khích các DN có năng lực đầu tư hạ tầng tại một số cụm công nghiệp nhằm tạo đột phá trong việc thu hút thêm các dự án mới; xem xét, phê duyệt mức hỗ trợ cho ngành công nghiệp phụ trợ. Ngành công thương cũng mong muốn các ngành, đơn vị liên quan cùng các địa phương tích cực phối hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi, đồng hành cùng các DN trong quá trình phát triển sản xuất, kinh doanh, đầu tư thực hiện các dự án; tăng cường tổ chức đối thoại trực tiếp với DN để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, từ đó có biện pháp tháo gỡ kịp thời, hiệu quả…

Sự nỗ lực, quyết tâm của các doanh nghiệp nhằm phục hồi sản xuất kinh doanh, cộng với sự đồng hành của các ngành, các cấp sẽ sớm mang lại những kết quả nhất định. Tuy vậy, do dịch COVID-19 đã tác động lên quy mô toàn cầu nên cũng còn không ít DN, thậm chí là các tập đoàn đa quốc gia đóng trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thể tháo gỡ ngay được khó khăn do “nút thắt” về thị trường xuất khẩu. Do đó, ngoài các giải pháp “tự thân”, các DN này cũng mong muốn sớm được tiếp sức từ các gói hỗ trợ của Chính phủ, các ngành chức năng kịp thời hỗ trợ hiệu qủa trong các lĩnh vực như: Gia hạn thời gian nộp thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng (nếu có); giãn thời gian đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động từ 3 đến 6 tháng… Từ đó giúp các DN vơi bớt gánh nặng, tập trung tháo gỡ khó khăn trong sản xuất và xuất khẩu hàng hóa.

KHẢI ĐAN

 

 

 

 

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 2 ngày trước