Sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh
VNTN - Tính đến ngày 07/2/2020, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV). Trước diễn biến phức tạp và khó lường của dịch bệnh, việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch đã và đang được các đơn vị, ngành liên quan triển khai thực hiện hết sức khẩn trương, chặt chẽ.
Ngay từ trước và trong Tết Nguyên đán, UBND tỉnh và các ngành liên quan đã chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống dịch. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cử cán bộ thực hiện kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị sẵn sàng phòng chống dịch bệnh tại 9/9 Trung tâm Y tế tuyến huyện. Sở Y tế đã thành lập đoàn đi kiểm tra công tác khám, chữa, phòng chống dịch bệnh tại một số cơ sở y tế như: Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, Bệnh viện A, Bệnh viện C Thái Nguyên…; thành lập 28 Đội đáp ứng nhanh (được tập huấn chuyên môn) thường trực 24/24 giờ hàng ngày, sẵn sàng tiếp nhận thông tin và xử lý tình huống khi dịch bệnh xảy ra. Để kịp thời tiếp nhận thông tin phản ánh cũng như hướng dẫn xử lý các tình huống liên quan đến công tác phòng, chống dịch nCoV trên địa bàn tỉnh, Sở đã thông báo danh sách đường dây nóng các đơn vị trong ngành Y tế tỉnh trên trang thông tin điện tử Sở Y tế và các phương tiện thông tin đại chúng.
Ông Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế thông tin: Những ngày qua ngành Y tế đã tổ chức đoàn kiểm tra các cơ sở y tế, khu công nghiệp, trường học về công tác phòng, chống dịch bệnh; kiểm tra các đơn vị, cơ sở kinh doanh các mặt hàng mang tính chất phục vụ công tác phòng, chống dịch như khẩu trang, thuốc sát khuẩn, thuốc hỗ trợ sức đề kháng…, yêu cầu bán theo giá niêm yết, không tăng giá theo vụ dịch. Xây dựng các phương án thực hiện trong mỗi tình huống cụ thể. Nếu xuất hiện trường hợp bệnh xâm nhập vào tỉnh Thái Nguyên, các bệnh viện đầu tiên tiếp nhận bệnh nhân để cách ly điều trị sẽ có Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, Bệnh viện A, Bệnh viện C, Bệnh viện Gang Thép, Bệnh viện Lao và bệnh phổi. Trường hợp dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, các bệnh viện này có thể mở rộng khu cách ly điều trị. Phương án lập các bệnh viện dã chiến cũng được Sở Y tế tính đến, tùy theo diễn biến của dịch bệnh; dự kiến sẽ sử dụng cơ sở vật chất của các đơn vị: Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Thái Nguyên; các trường học như: Cao đẳng Y tế Thái Nguyên, Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên, Cao đẳng Luyện kim cơ sở 2 (Sông Công), Trung tâm Y tế thị xã Phổ Yên. Tổng số giường bệnh dã chiến dự kiến 800 giường.
Được Bộ Y tế lựa chọn là 1 trong 12 bệnh viện Trung ương tuyến tỉnh trọng điểm điều trị bệnh nCoV, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cũng đã xây dựng phương án đáp ứng với từng tình huống dịch xảy ra. Hiện Bệnh viện đã cung cấp số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận thông tin về tình hình dịch bệnh; thành lập khu vực khám sàng lọc cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân ngay tại cổng vào Bệnh viện; xây dựng 02 đội phản ứng nhanh; bố trí khu cách ly và điều trị với trên 220 giường bệnh, đồng thời sắp xếp nhân lực, phương tiện, chuẩn bị đầy đủ thuốc, hóa chất, sẵn sàng phương án về mở rộng điều trị cho 200 bệnh nhân nghi ngờ/xác định nhiễm nCoV.
Công tác chuẩn bị, thực hiện phòng, chống dịch bệnh được thiết lập tương tự như Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, Bệnh viện Lao và bệnh phổi Thái Nguyên, Bệnh viện A cũng đã và đang tăng cường kiểm soát hết sức chặt chẽ, khoa học. Bệnh viện A đã phối hợp với Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức lớp tập huấn cho các cán bộ, nhân viên y tế về hướng dẫn chẩn đoán, điều trị dịch bệnh nCoV. Phó giám đốc Bệnh viện A, Hà Hải Bằng cho biết: Tùy theo cấp độ của tình hình dịch, bệnh viện luôn sẵn sàng theo sự điều động của Ban chỉ đạo cấp tỉnh và của ngành. Chuẩn bị lực lượng gia nhập vào bệnh viện dã chiến của tỉnh, những trang thiết bị nào có thể trưng dụng để thành lập bệnh viện dã chiến thì bệnh viện cũng sẵn sàng đáp ứng.
Về phía các đơn vị giáo dục đào tạo, xác định nhiệm vụ chống dịch là quan trọng, Sở Giáo dục và đào tạo Thái Nguyên thống nhất cùng Sở Y tế và một số ngành liên quan tham mưu lãnh đạo UBND tỉnh xem xét việc cho học sinh tạm nghỉ học phòng chống dịch đến hết ngày 16/2. Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Đức Thịnh cho biết: Tính đến ngày 9/2, công tác phun thuốc khử trùng, xử lý dụng cụ học tập và môi trường lớp học tại 683 trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh bằng dung dịch CloramineB để phòng, chống vi rút Corona đã hoàn tất. Sở cũng có phương án tổ chức học bù cho học sinh, nếu tình hình diễn biến xấu phải nghỉ dài hơn, thì Sở cũng có phương án tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo Bộ GD&ĐT kéo dài thời gian năm học.
Đồng chí Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh kiểm tra công tác phòng dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên. (Ảnh: Trung Hiếu)
Bên cạnh việc chỉ đạo các trường đại học thành viên chủ động kế hoạch phòng chống dịch, Đại học Thái Nguyên đã hướng dẫn cụ thể tới các đầu mối phụ trách số lượng sinh viên quốc tế. Hiện nay Đại học Thái Nguyên có 92 lưu học sinh người Trung Quốc trở về nước ăn tết, đơn vị đã gửi thư khuyến nghị họ ở lại nước đến khi tình hình dịch bệnh ổn định sẽ tiếp tục trở lại Việt Nam. Đơn vị cũng ra thông báo về việc cho sinh viên tạm nghỉ học đến ngày 16/2/2020, đồng thời triển khai công tác vệ sinh sạch sẽ các địa điểm như ký túc xá, giảng đường, thư viện, nhà ăn sinh viên… Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên thành lập Đội tuyên truyền cơ động, tích cực triển khai các hoạt động trực tuyến, nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống dịch trong cộng đồng. Thực hiện kiểm soát thông tin trên các diễn đàn mạng xã hội và website, kịp thời phát hiện những thông tin sai lệch để phản ánh với cơ quan chức năng. Lãnh đạo nhà trường đã gửi thư kêu gọi sinh viên phát huy vai trò của mình, chủ động cập nhật kiến thức về phòng, chống dịch từ Bộ Y tế và các nguồn tin cậy, tự biến mình thành một tuyên truyền viên tích cực trong cộng đồng đang sinh sống. Khẳng định nếu dịch xảy ra trên diện rộng, sinh viên trường sẵn sàng tham gia dập dịch khi được huy động.
Trường THCS Nguyễn Du thực hiện phun thuốc khử trùng, xử lý dụng cụ học tập và môi trường lớp học bằng dung dịch CloramineB để phòng, chống virus Corona.
Tại các cơ sở y tế tuyến huyện thành thị, công tác chuẩn bị phòng, chống dịch bệnh cũng đang trong giai đoạn cao điểm. Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Võ Nhai, ông Hà Văn Rã thông tin: Đơn vị đã giao cho trạm y tế các xã phối hợp với công an cơ sở thống kê, rà soát thời điểm trở về của toàn bộ số lượng người đi lao động tại Trung Quốc trên địa bàn huyện (595 người). Khoanh vùng giám sát, cách ly tại gia đình và tư vấn cho họ phương án phòng, chống dịch; hướng dẫn bà con dùng khẩu trang vải, rửa tay xà phòng, diệt khuẩn…. Trung tâm đã dành Khoa Lây là khu vực cách ly, chuẩn bị trang thiết bị dự trù sẵn sàng ứng phó khi có bệnh nhân; cử cán bộ, nhân viên trung tâm đi tập huấn tại Bệnh viện Gang Thép (ngày 4/2) và Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên (ngày 6/2) về cách phòng chống và điều trị nCoV. Khó khăn hiện nay là khẩu trang y tế rất khan hiếm, lãnh đạo huyện cũng đã liên hệ Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG đặt hàng khẩu trang chất liệu vải nano kháng khuẩn, loại có thể giặt lại dùng nhiều lần để cấp phát cho bà con trong thời gian này.
Cũng theo lời ông Đặng Ngọc Huy, giám đốc Sở Y tế Thái Nguyên, thì cái khó hiện nay là chúng ta chưa tiên lượng, dự đoán được mức độ lây lan cũng như khả năng diễn biến của dịch bệnh một cách chi tiết, tất cả sự chuẩn bị đều là phương án dự phòng theo các quy định, hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế. Hơn nữa, việc quản lý người di cư, đi lại giữa các vùng lãnh thổ hạn chế, dẫn đến khó khăn trong vấn đề quản lý y tế. Song với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, sẵn sàng ứng phó với các tình huống phát sinh, tỉnh Thái Nguyên đang nỗ lực tạo sự chủ động trong cuộc chiến với bệnh dịch nguy hiểm.
KIM VIỆT
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...