Thứ bảy, ngày 19 tháng 10 năm 2024
11:34 (GMT +7)

Sách giáo khoa mới và nỗi lo chưa cũ

Dù năm học 2021 – 2022 mới vừa kết thúc, song thời điểm này nhiều bậc phụ huynh đã bắt đầu mua sắm sách vở, đồ dùng học tập cho con em mình chuẩn bị bước vào năm học 2022 - 2023. Và, một lần nữa, những vấn đề liên quan đến sách giáo khoa (SGK) mới lại được dư luận đặc biệt quan tâm.

Trẻ em luôn háo hức với sách, vở và đồ dùng học tập mới

SGK mới có giá cao hơn 2 - 3 lần SGK cũ

Tiếp nối việc học sinh lớp 1, 2, 6 đã học SGK mới theo chương trình mới ở những năm học trước, từ năm học 2022 - 2023 sẽ có thêm học sinh các lớp 3, 7 và 10 học chương trình này.

Đáng nói là sách giáo khoa lớp 3, 7 và 10 sẽ có giá cao gấp 2 - 3 lần so với bộ sách cũ. Vì sao có sự tăng giá này, tình trạng một bộ SGK không học lại được nhiều lần như thời gian qua liệu có phải là một sự lãng phí là điều không ít phụ huynh trăn trở.

Trên thực tế, mỗi bộ SGK mới dù chỉ có giá chênh lệch từ khoảng vài chục nghìn đồng đến không quá 200 nghìn đồng so với SGK cũ nhưng nó cũng sẽ làm tăng gánh nặng chi tiêu cho những gia đình có mức thu nhập hạn hẹp, có nhiều con cùng đi học. Thêm vào đó, thời điểm đầu năm cũng là lúc các bậc phụ huynh phải lo nhiều khoản đóng góp khác.

Bộ SGK mới được thực hiện theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, còn bộ SGK cũ thì được thực hiện theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2000. SGK được biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông mới hiện có 3 bộ là: SGK Cánh diều của Công ty cổ phần Đầu tư Xuất bản - Thiết bị giáo dục Việt Nam, bộ SGK Kết nối tri thức với cuộc sống và bộ sách Chân trời sáng tạo của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Liên quan đến việc thay đổi SGK và giá SGK mới, phát biểu giải trình trước Quốc hội trong chiều 1/6, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết: Ngày 28/11/2014, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông. Nghị quyết hướng tới mục tiêu: “Đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông; kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp; góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh”.

Theo đó, Nghị quyết 88 cũng quy định: "Thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa; có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học”.

Thực chất SGK mới có giá cao hơn SGK cũ (SGK hiện hành) chứ không hẳn là SGK tăng giá, bởi có nhiều điểm khác biệt giữa SGK hiện hành và SGK mới. So sánh về hình thức, SGK hiện hành có khổ giấy nhỏ, sách in hai màu, trong khi đó sách mới khổ to hơn, chủng loại giấy in dầy hơn sách in bốn màu, tiệm cận với cách thiết kế SGK hiện đại.

Sách giáo khoa mới được thiết kế theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh, tăng cường kênh hình với nhiều hình thức trình bày, minh họa sinh động, hấp dẫn.

Về quy trình biên soạn, SGK khoa hiện hành được biên soạn từ 20 năm trước. Chi phí biên soạn, tổ chức bản thảo do ngân sách nhà nước chi trả nên giá bán chỉ tính trên chi phí in ấn, phát hành. Còn SGK mới do các đơn vị làm sách chịu trách nhiệm toàn bộ từ khâu tổ chức biên soạn, đưa đi thẩm định, in ấn và phát hành nên chi phí sản xuất sẽ cao hơn.

Chưa kể, khi chỉ dùng duy nhất một bộ SGK thì số lượng in ấn, phát hành sẽ lớn dẫn tới chi phí được giảm xuống. Còn hiện tại, có nhiều bộ sách được chọn đồng nghĩa với việc số lượng in ấn, phát hành của mỗi bộ sách sẽ ít hơn. Điều này góp phần làm cho chi phí sẽ lớn hơn. Cùng với đó là chi phí quảng bá.

Không được vận động mua xuất bản phẩm ngoài danh mục dưới mọi hình thức

Bên cạnh việc SGK mới có giá cao hơn gấp nhiều lần SGK cũ, một vấn đề khác cũng được đông đảo người dân đặc biệt quan tâm, thậm chí nhiều người tỏ ra bức xúc đó là việc SGK được thiết kế chỉ để dùng một lần và trong mỗi bộ sách kèm theo nhiều sách tham khảo.

Nhiều ý kiến cho rằng, bộ, ngành chức năng cần quy định rất rõ và cụ thể hơn sách nào là sách chỉ mang tính tham khảo và sách nào là sách bắt buộc để các phụ huynh và học sinh không còn bị lúng túng trước “ma trận” các đầu sách như hiện nay.

Tiếp thu và khắc phục tình trạng này, về phía Bộ Giáo dục, ngày 10/6 vừa qua đã ra Chỉ thị số 643/CT-BGDĐT về việc sử dụng SGK và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông.

SGK mới đã được in ấn, sẵn sàng phục vụ năm học mới

Tại Chỉ thị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu Giám đốc các Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục phổ thông ở địa phương: Tổ chức quán triệt, tuyên truyền đến từng cán bộ quản lý giáo viên và học sinh về việc giữ gìn, bảo quản SGK; không viết, vẽ vào SGK để SGK được sử dụng lại lâu bền; Thực hiện nghiêm quy định tại Thông tư số 21/2014/TT-BGDĐT ngày 07 tháng 7 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, trong đó có việc: “Giáo viên và cán bộ quản lí giáo dục các cấp không được lạm dụng vị trí công tác của mình để thực hiện hoặc tham gia thực hiện việc ép buộc, vận động học sinh, học viên hoặc cha mẹ học sinh, học viên mua xuất bản phẩm tham khảo dưới bất kì hình thức nào”; Các cơ sở giáo dục không được vận động học sinh, hoặc cha mẹ học sinh, học viên mua xuất bản phẩm ngoài danh mục SGK đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt và các địa phương đã lựa chọn dưới bất kì hình thức nào; không thực hiện việc lập danh mục, đóng gói thành bộ SGK kèm sách bài tập, sách tham khảo và các tài liệu khác ngoài danh mục SGK đã được phê duyệt, lựa chọn để học sinh, phụ huynh học sinh mua và sử dụng.

Đối với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và các nhà xuất bản có SGK đã được phê duyệt cần tổ chức rà soát, đánh giá cụ thể việc in ấn, phát hành SGK nhằm tiết kiệm, giảm giá thành; kịp thời in ấn, phát hành SGK bảo đảm đủ số lượng, chất lượng phục vụ nhu cầu của giáo viên và học sinh; Báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo về kết quả rà soát, đánh giá và phương án giảm giá thành SGK trước khi phát hành hoặc tái bản.

Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 (ngày 4/6), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, rà soát, nghiên cứu giải pháp phù hợp với các vấn đề liên quan SGK theo hướng tạo thuận lợi, tiết kiệm, giảm chi phí, bảo đảm lợi ích chính đáng của học sinh, phụ huynh.

Không thể phủ nhận tính chất ưu việt trong việc thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK theo Nghị quyết của Quốc hội ban hành. Bởi nó phù hợp với xu thế của thế giới. Đặc biệt, việc xã hội hóa SGK sẽ huy động được đội ngũ đông đảo các nhà giáo, nhà khoa học có kinh nghiệm, trí tuệ và tâm huyết tham gia biên soạn sách.

Dù đang là kỳ nghỉ hè nhưng nhiều phụ huynh và học sinh đã tìm mua SGK chuẩn bị cho năm học mới

SGK do các doanh nghiệp biên soạn, ấn hành thì đó là một trong những mặt hàng kinh doanh của họ. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận SGK là một mặt hàng đặc biệt, có ảnh hưởng tới đông đảo người dân, nên nếu đạt được sự hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và khách hàng thì đó cũng là điều cần thiết.

Linh Sơn

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy