Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
11:27 (GMT +7)

Rung cảm từ “Ngôn ngữ tình yêu”

VNTN - Ngôn ngữ tình yêu là tác phẩm đoạt Huy chương Bạc tại Liên hoan ảnh Đồng bằng sông Cửu Long - 2017. Từ lâu, tôi vốn dị ứng với những bức ảnh chụp người khuyết tật, tuy rằng có một số đã rất thành công. Bởi vì không ít nhà nhiếp ảnh đã lợi dụng sự thiếu hụt của người tàn tật, chụp những bức ảnh mà tôi nghĩ chỉ để “đánh” vào lòng trắc ẩn của Ban giám khảo, phô trương cái nỗi khổ, sự tiều tụy của người ta, rồi coi đó là “nhân văn” hay những mĩ từ đại loại thế… Họ chẳng hay, rằng mình đã ngầm tố cáo sự thờ ơ, vô trách nhiệm của những người lành lặn đương thời đang thiếu quan tâm tới thiểu số những người bị thương tật, khiến họ phải gồng mình tự kiếm miếng ăn…

Chúng ta biết rằng, một thứ được gọi là “ảnh nghệ thuật” thì tính thẩm mỹ phải đi trước. Thứ gì không bắt mắt thì không đủ sức để chuyển tải nội dung. Thiếu đi sự hài hòa (hình thức - nội dung) thì sẽ mất đi sự cân đối tổng thể và tác phẩm đó sẽ kém giá trị.

Xem bộ ảnh tại Liên hoan ảnh Đồng bằng sông Cửu Long - 2017, đến tác phẩm ảnh đen trắng “Ngôn ngữ tình yêu” của Trương Minh Điền (Kiên Giang), chụp một em bé khuyết tật đang cố biểu lộ hành động để truyền đạt cho người cưu mang mình là bà sơ một thông điệp gì đó, khiến người xem phải lưu chân lại. Dù có ngắm lâu, nhưng người xem đã không vì trắc ẩn bởi cảm giác bất lực trước cảnh tàn tật thương tâm mà quay mặt đi. Nó lại gây sự thích thú pha chút tò mò, bởi ai cũng muốn biết cậu bé đang “nói” gì (?)! Vài cái khoen do lỗi của ống kính khi chụp ngược sáng, được tác giả tinh tế “để lại” loang rộng dần lên trên xen vào giữa hai người đối thoại, khiến người quan sát tinh tường hiểu rằng cặp thày - trò này đã hiểu nhau. Và từ dáng vẻ của cậu bé, người xem như “phát hiện” ra vẻ mặt của bà sơ, thái độ ân cần cúi nhẹ, sự chăm chú kiên nhẫn, ánh mắt khích lệ và cả sự chỉn chu trong trang phục của bà… toát nên vẻ đẹp của sự tử tế, của lòng từ bi, của tình thương yêu vô bờ… Cậu bé chắc chắn được nuôi dưỡng, chăm sóc chu đáo với những “người thày” như thế. Ngắm ảnh, người xem chợt thấy nhẹ lòng, bởi xã hội vẫn còn rất nhiều những người tốt đang hiện hữu.

Có được tác phẩm này, tôi tin Trương Minh Điền đã phải lăn lộn nhiều ngày ở Trung tâm từ thiện, giữ được một khoảnh khắc ngàn vàng không chỉ do cơ may mà có, nó tích tụ bằng vốn sống và cả sự chuyên cần. Chăm chút cho từng chi tiết nhỏ trong tác phẩm của mình, thể hiện anh là một nghệ sĩ biết trân trọng công việc; tôn trọng người xem. Và tìm được cách thể hiện mới ở một đề tài xưa cũ, chứng tỏ tác giả là người rất bản lĩnh và có chiều sâu trong sáng tạo.

Vũ Kim Khoa

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy