Chủ nhật, ngày 08 tháng 09 năm 2024
10:35 (GMT +7)

Rác

Truyện ngắn. Vũ Thị Huyền Trang

VNTN - Miên ngồi trước cửa vừa hong tóc vừa đang mải xem người ta đốt rác thì Túc gọi đến. Giọng nàng khàn đục và ho khan từng cơn. Túc nói đang ngồi trong phòng đóng chặt cửa kính nhưng không thể rời mắt khỏi khu chợ đầu mối phía dưới. Giờ này những chiếc xe tải lớn chở hoa quả từ khắp nơi về tập kết. Cam quýt tươi rói đựng trong sọt nhựa được xếp chồng lên nhau, dưa hấu đổ thành từng đống. Bên cạnh là những sọt tre đầy ứ sầu riêng gai đâm tua tủa lên trời. Túc nhìn bức tranh nham nhở sắc màu phía dưới mà không kiềm chế được cơn buồn nôn từ bụng dưới trào ngược lên tận cổ. Cơn buồn nôn dai dẳng ấy đã bắt đầu từ lâu và không có dấu hiệu chấm dứt. Đi kèm với nó là những cơn đau đầu điên loạn mà không một loại thuốc giảm đau nào có tác dụng. Túc dán mắt vào những mái tôn nhấp nhô phía dưới và tưởng tượng ra mùi hóa chất độc hại đang bốc hơi xuyên thấu. Chúng tạo thành tầng tầng lớp lớp bao phủ bầu khí quyển, tẩm ướp hơi thở sự sống. Túc giơ mười đầu ngón tay mình lên trước mặt. Chúng nóng rực tưởng như có thể bốc cháy. Đúng lúc đó bãi rác trước mặt Miên bùng lên ngọn lửa xanh lét rồi đỏ rực. Những cơn gió từ cánh đồng ập đến làm ngọn lửa chao đảo như một gã say. Ở đầu dây bên kia chỉ còn nghe thấy tiếng ho khan của Túc…

Những đứa trẻ đi nhặt rác đã trở về sau một ngày lem luốc. Chúng đi qua cửa đúng lúc Miên đang xào rau khoai với tỏi. Mùi tỏi không thể lấn át được mùi hôi hám bốc ra từ cơ thể chúng. Hai bà cháu Hin đi sau cùng. Tải nhựa trên lưng Hin có vẻ vơi hơn mọi hôm. Còn bà cụ kéo lê chiếc tải dính đầy dầu mỡ đen đúa phía sau. Miên cứ mải nhìn theo họ cho đến khi tỏi cháy khét lẹt trên chảo. Mà thực ra Miên cũng không biết mùi khét đó có phải do chảo rau nhà mình hay từ phía bãi rác thổi vào. Sống ở nơi này đôi khi mọi thứ cứ lẫn lộn như thế, không biết đâu mà lần. Điên rồ đến mức thỉnh thoảng Miên tưởng mình là rác. Một thứ rác thải của cảm xúc. Rất tiếc không mang đốt được.

Để quên đi bãi rác lúc nào cũng hiện hữu trong đời sống của mình, Miên thường vào facebook và kiếm tìm những chuyến đi vay mượn. Một cánh đồng vừa gặt, nắng lên vàng như cẩm thạch và những đám mây trắng xốp nhởn nhơ bay trên bầu trời Rumtse. Một đàn dê dưới chân núi phủ đầy tuyết trắng, dưới chân người đá nhỏ lăm răm. Miên thấy mình như đang dạo chơi ở Ladakh, một vùng đất thiên đường nằm rìa Tây Tạng, thuộc bang Jammu và Kashmir, Ấn Độ. Hin đánh thức Miên bằng tiếng gõ cửa, chìa ra trước mặt một cuốn sách đã mất nửa bìa. “Cho cô đấy”- nó nói rồi mất hút sau dãy nhà nhưng Miên vẫn kịp ngửi thấy mùi tóc cháy nắng khét lẹt của Hin. Trên tay Miên là cuốn Truyện cổ Andersen. Thằng nhỏ nhặt nó về từ bãi rác và chắc hẳn đã cố gắng lau chùi nửa trang bìa còn lại bằng nước nhãi và tay áo đen đúa. Hin không biết chữ. Bốn tuổi đã lẽo đẽo theo bà đi bới rác. Với mọi người thì rác là thứ đáng ghê tởm. Nhưng với bà cháu Hin thì rác là sự sống, là đồ chơi, thức ăn và những đồng bạc lẻ dành dụm để mua gạo sống qua ngày.

Hồi ấy Miên còn là sinh viên. Mấy đứa bạn rủ nhau về sống chung trong xóm trọ gần bãi rác. Ở đây tuy hơi cách xa trung tâm thành phố nhưng được cái thứ gì cũng rẻ. Lúc mới về ở cũng hơi gợn, khu này toàn dân cù bất cù bơ từ khắp nơi đổ về mưu sinh bằng đủ thứ nghề khác nhau. Người bán vé số, kẻ bốc vác thuê, vài người đi chạy chợ. Mấy cô lòe loẹt phấn son nhan sắc tã tượi thì đi làm cho các quán bia ôm đèn mờ. Còn lại đa số sống bằng nghề nhặt rác. Lúc Miên đến đã thấy Hin nhặt được đâu quả táo còn đầy đất cát, ngồi gặm ngon lành. Sau này Hin thỉnh thoảng lại mang về một món quà từ bãi rác tặng Miên. Khi thì cái lược, nơ cài tóc, gấu bông. Cũng có khi là cành đào hết tết người ta vứt nhưng Hin thấy vẫn còn hoa đẹp liền mang về dựng ở cửa nhà Miên. Mấy thứ đó Miên sợ nhưng cũng không nỡ vứt, tội Hin. Thỉnh thoảng Hin tắm rửa sạch sẽ thơm tho mùi xà bông rồi đến gõ cửa phòng, nghiêm chỉnh bảo: “Cô đọc sách, con nghe”. Thứ nghi lễ lĩnh hội ấy khiến Miên xúc động.

* * *

Thành phố của Miên cách thành phố của Túc hơn hai ngàn cây số. Đúng lúc ở xứ của Miên anh công nhân môi trường quẳng mồi lửa vào bãi rác thì ở phía bên kia cuộc gọi vang tiếng trẻ con cười. Bãi rác bẩn thỉu nằm phơi nắng cả tuần nay như chỉ chờ ngoặm một mồi lửa là điên cuồng hóa kiếp. Miên chiêm ngưỡng vũ điệu của lửa không rời mắt. Phừng phừng nhảy nhót thiêu đốt cơ man những rác. Lửa bập vào đống đồ ăn thừa mứa mốc xanh mốc đỏ rồi tắt lịm. Như một kẻ độn thổ, lửa lại bùng lên chỗ khác tinh nghịch và ma mị. Từ khi chuyển về đây Miên có thói quen nghiêng đầu nhìn lửa. Chăm chú mê đắm như kẻ ngộ đạo. Nhìn từ khi đống rác thải ngồn ngộn sự hôi thối, bẩn thỉu cho đến khi ngọn lửa hóa tro tàn nằm im lìm thiêm thiếp sau cuộc hóa kiếp kiệt cùng. Cũng có hôm bão đến, cả khu trọ như bị quần thảo trong tro rác. Miến đóng chặt cửa nhìn thành phố qua cửa kính bụi mù.

-Thóc đang bò theo một con kiến lửa miệng cười thích chí. Loại kiến này mà đốt thì đau lắm. Nhưng tớ không muốn cản con khám phá. Đang nghĩ, sau này thế giới rộng ngoài kia còn biết bao nhiêu thứ đáng sợ hơn kiến lửa. Mình làm cách nào để dõi theo con?

-Khéo chừng phải cất chúng trong tủ kính.

Miên nói vậy khi đang vô thức miết tay trên cửa kính, bụi tro bám ở bên ngoài nhợt nhạt. Đến độ tuổi của Túc người ta thích nói về những đứa con. Cuộc điện thoại nào của Túc cũng ngập tràn thương yêu bé bỏng. Tưởng như cái thiên chức làm mẹ biến bao cô gái bồng bột, si mê, nông nổi thành những con người khác. Huống hồ Túc vốn là người luôn biết lo xa. Lo từ lúc thấy hai vạch đỏ trên que thử thai đến khi thấy con đạp máy trong cung lòng mình. Lo từ khi con cất tiếng khóc chào đời cho đến những bước chân lẫm chẫm đầu tiên. Và bây giờ bạn càng thêm lo khi con bắt đầu biết hỏi “tại sao?”.

- Hôm nọ dắt Thóc đi chợ, con hỏi sao mẹ không mua mớ rau tươi xanh mà lại chọn mớ toàn sâu bọ? Tớ bảo rau tươi non họ phun nhiều thuốc ăn độc lắm. Con lại hỏi rau có độc sao họ còn mang bán? Tớ trả lời vì họ tham tiền. Con ngấp ngứ định hỏi gì lại thôi. Cũng thật may con không dồn đuổi đến tận cùng “tại sao?” Chứ không nhẽ cũng trả lời con đến tận cùng đều là vì tham vọng con người. Mà đâu chỉ có chuyện mớ rau trái táo. Những đứa con của tụi mình bị đầu độc từ khi còn nằm trong bụng mẹ. 

Cái câu “những đứa con của tụi mình” găm vào ý nghĩ Miên đúng lúc xe rác lầm lũi như con bọ hung gục gặc cõng núi rác đổ vào giữa bãi. Loay hoay thế nào xe mắc kẹt trong rác gầm gừ xoay xở một hồi lại lầm lũi bỏ đi. Để lại góc hoàng hôn nhờ nhợ mùi hôi thối bốc lên. Miên rất hay mường tượng. Biết đâu lẫn trong đống rác thải sinh hoạt kia là một thai nhi bị vứt bỏ được buộc trong túi nilon. Thai nhi đó đã từng thoi thóp đập những nhịp tim yếu ớt để kêu cứu trong tuyệt vọng. Chẳng phải là thứ ý nghĩ hoang tưởng của một kẻ sống cận kề bên rác quá lâu. Bởi đâu thiếu gì những sự sống bé bỏng bị chính người mẹ tước đi quyền được làm người. Có biết bao nhiêu người mẹ vứt con mình như vứt rác. Dấm dúi ở đâu đó bên vệ đường, bụi rậm, bãi tha ma, sông ngòi đen đặc. Để đêm đến Miên như nghe thấy tiếng kêu cứu cố len lỏi qua đống giấy lộn, thức ăn thừa, phấn son hết hạn, vỏ thuốc gom thành từng túi. Tiếng kêu như tiếng gió hú vấn vít trong đêm rồi tắt lịm khi thành phố thức giấc, công nghệ kêu ro ro và con người thở phì phì. Người ta lại lao vào yêu đương, thề thốt để thỏa mãn tính dục của mình. Người ta nhân danh tình yêu để che đậy sự buông thả và cả tội ác của mình. “Những đứa con của tụi mình” sợ hãi nấp vào đâu đó, nên tới tận bây giờ có nhiều người đàn bà dù mỏi mòn trông ngóng cũng vẫn chưa được gặp mặt con. Như vợ chồng Văn…

Văn chờ đợi con đã tám năm nay trong ngôi nhà chất đầy băng đĩa phim hoạt hình, những con thú nhồi bông ngộ nghĩnh, bốn bức tường dán đầy chim muông hoa cỏ. Chờ trong những điện thờ mờ ảo khói hương, sấp ngửa đồng tiền, ngược xuôi quẻ bói. Chờ trong những viên thuốc đắng ngắt và miệng lưỡi người đời sắc hơn dao nhọn. Nhưng cuối cùng chỉ còn duy nhất hy vọng có thể gặp được con bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm. Văn luôn thấy bất an vì ý nghĩ những thứ mình nuốt qua cổ họng mỗi ngày rất có thể đã giết chết con. Nhiều năm trời ngồi chờ đợi mỏi mòn ở khoa hiếm muộn, Văn thấy ngày càng nhiều người mắc chứng vô sinh. Những đứa trẻ không chịu sinh ra có phải vì chúng sợ phải sống trong thế giới đầy bất ổn và đang dần bị hủy hoại này. Chúng sợ đến một ngày nào đó sẽ bị nhốt trong bốn bức tường kín mít như con Túc. Hàng ngày nhìn máy bay chao liệng trên bầu trời có thể chúng sẽ ước mình trở thành con chim sắt vượt lên những đám mây độc hại để bay…

Con kiến lửa lạc vào phòng đã mấy ngày nay nhưng Túc không nỡ giết. Đó là niềm thích thú, là cả thế giới mà con Túc đang tò mò khám phá. Tuổi thơ của Túc là những cánh đồng bát ngát xanh, là bầu trời cao vời vợi. Với những chiều chăn trâu, thả diều cùng chúng bạn. Cây quả ngày ấy cũng rất lành, luồn rừng một buổi chiều là có thể oánh no bụng sim, mua, nho rừng, đùm đũm. Bữa cơm độn sắn với mấy cọng rau rừng, thỉnh thoảng có thêm nồi tép kho mới tát dưới mương. Ấy thế mà những đứa trẻ lần lượt ra đời và lớn khôn khỏe mạnh, chẳng mấy khi bị bệnh tật gì. Túc gọi đó là cái nghèo nguyên chất. Nó khác hẳn với sự phát triển đầy tạp chất bây giờ. Lòng người ngày xưa cũng không toan tính thiệt hơn. Mớ rau, nải chuối mang ra chợ bán dẫu chẳng đẹp mã nhưng không độc hại. Còn thế giới của con giờ bị thu hẹp lại vẻn vẹn trong bốn bức tường. Mấy cọc rau xanh thái nhỏ nấu cháo cho con Túc cũng phải tự tay trồng trên sân thượng. Nước con uống, cơm con ăn, quần áo con mặc đều ẩn chứa nhiều nguy hại. Ngay cả bầu không khí con thở hàng ngày cũng chứa đầy bụi bẩn.

Túc lại lên cơn buồn nôn. Mười ngón tay lại bắt đầu nóng rực. Dưới khu chợ đầu mối kia là hàng tấn lương thực đang chuẩn bị tỏa ra khắp nẻo đường cung cấp cho thành phố. Nhiều tấn thịt ôi thối mới được tẩy rửa hóa chất nhìn sạch bong chờ bàn tay người tiêu dùng mang về căn bếp. Từng đống hoa quả tươi rói ngậm mầm mống bệnh tật nằm kiêu hãnh chờ thét giá. Rau cỏ xanh non chỉ chờ nhả thuốc độc vào từng bữa cơm canh. Thứ rác rưởi ngập ngụa chờ phân hủy, lẫn cả vỏ các loại hóa chất bảo quản nằm lăn lóc nơi góc chợ. Lúc còn trẻ Túc từng đi làm thêm cho một cơ sở thu mua sầu riêng. Ông chủ có nốt ruồi to bằng hạt đậu nằm bên mép trái, thường dắt theo đứa con bảy tuổi đi giám sát nhân công. Ông ta có một cái tật là những ngón tay luôn vê vào nhau. Người ta nói đó là căn bệnh nghề nghiệp của kẻ suốt ngày chỉ biết đếm tiền. Mấy ngón tay vê liên tục đến mức Túc từng nghĩ đó là người đàn ông không có vân tay. Ông đặt mua cả vườn sầu riêng của các hộ trên địa bàn rồi đến mùa thu hoạch là hái sạch một lượt từ trái già đến trái non. Rồi ra lệnh phù phép sầu riêng bằng những thùng hóa chất đã được pha sẵn. Chỉ sau một đêm tất cả số sầu riêng ấy đều đồng loạt chín. Ông ta cười khà khà, tay vê vào nhau chuẩn bị ngồi đếm tiền thu lợi. Còn Túc, tuy đã đeo găng tay cao su cẩn thận nhưng vẫn thấy hóa chất như đang châm đốt mười ngón tay mình. Ngọn lửa ấy muốn thiêu rụi cả trái tim Túc. Trái tim của một kẻ chỉ vì cần tiền đóng học phí và trang trải sinh hoạt hàng ngày mà tiếp tay giết hại chính đồng loại của mình. Lúc nhìn Thóc chơi, không hiểu sao Túc luôn nhớ đến hình ảnh cậu con trai bảy tuổi của lão chủ cơ sở thu mua sầu riêng. Cầu bé thèm sầu riêng đến mức luôn nuốt nước bọt khi ghé thăm kho hàng. Bố cậu- người đàn ông không có vân tay đã ra lệnh chọn những quả ngon nhất phần con. Dĩ nhiên đó là những quả sầu riêng không hóa chất. Túc luôn tự hỏi “còn bao nhiêu đứa trẻ khác thì sao?”.

Khi mang thai bé Thóc, Túc từng giấu nỗi hoang mang. Sợ đứa nhỏ vô tội nằm trong bụng sẽ phải trả giá cho thứ tội ác mà Túc từng tiếp tay gây ra. Ngay cả khi đã ôm chặt con trong tay, Túc cũng sợ đến một ngày nào đó cuộc sống đầy bất ổn này sẽ cướp mất con. Nên dù nhà chồng đã giục sinh thêm đứa thứ hai nhưng Túc cứ lần lữa mãi. Đã vài lần cơn hoảng sợ khiến Túc phải dùng đến thuốc tránh thai. Những viên thuốc to như cái nốt ruồi trên mặt gã sầu riêng. Chồng nhặt được vỏ thuốc trong thùng rác từng tát Túc biêng mặt. Chồng là con trai độc đinh trong nhà, thèm có một thằng cu nối dõi. Mẹ chồng đã vài lần nói bóng gió “nhà này mất phúc nên khéo mà tịt giống”. Trong cơn buồn nôn trào ngược lên tận đỉnh đầu váng vất, Túc đã nghĩ đời mình cũng sắp thành rác thải đến nơi.

Hin đã mười hai tuổi. Cuộc đời cắm cúi bới rác khiến thằng nhỏ không lớn nổi. Lưng nó luôn gù xuống trông rất đáng thương. Nó lầm lì ít nói trong bộ quần áo lấm lem. Đã có lúc ngắm nhìn thằng nhỏ Miên thấy nó mang khuôn mặt của rác. Nhàu nhĩ mỏi mệt. Vừa cam chịu lại vừa phẫn nộ. Thỉnh thoảng nó vẫn tắm rửa thơm tho sang nhờ Miên đọc sách. Khi đọc tiểu thuyết “Không gia đình” của Hector Malot, Hin từng ước ao được đi theo gánh xiếc của cụ Vi-ta-li. Rong ruổi khắp đó đây, sống cuộc đời lang bạt mà thú vị. Hin thích có một người bạn như Rê-mi, một chú chó khôn như Capi. Miên hỏi nó thế có thích một người mẹ như Bác-bơ-ranh không? Hin lắc đầu rầu rĩ. Với thằng nhỏ thì chỉ có bà cụ là người thân thiết nhất. Chính bà là người đã nhặt nó bên đống rác rồi mang về chăm bẵm từ lúc nhỏ. Có lúc ngó mấy người đàn bà mặt trát đầy phấn son lòe loẹt bước ra từ quán đèn mờ. Hin đã hỏi Miên: “Liệu trong số họ có người nào từng vứt bỏ con mình không cô?”. Miên không biết phải trả lời sao. Một thằng bé mười hai tuổi nhìn thế giới không thấy gì ngoài rác.

- Sau này chẳng biết con chúng... mình sẽ sống ra sao?

Túc đã rất nhiều lần buột miệng hỏi như thế ở giữa chừng câu chuyện. Miên ngóng về núi rác, chúng sẽ chất cao vươn đuổi theo những tòa nhà. Ngọn lửa cũng bất lực, chỉ liếm chiếc lưỡi dài hời hợt phía bên ngoài. Núi rác như núi lửa, ngấm ngầm thứ nham thạch của dịch bệnh, ô nhiễm và biết bao nhiêu hiểm họa đủ sức hủy hoại “con của chúng mình”. Làm thế nào để thoát khỏi tầm mắt những núi rác? Chẳng còn cách nào ngoài mọc thêm đôi cánh để bay.

-Tớ mong sao con của chúng mình sẽ tìm thấy chân trời khác. Sống một cuộc đời khác. Tại sao chúng phải chịu đựng bầu không khí ô nhiễm do thế hệ trước gây ra? Tại sao phải trả những khoản nợ chất chồng của thế hệ trước để lại? Nợ tiền bạc. Nợ tài nguyên. Nợ đạo đức. Chúng sẽ khát khô bởi chúng ta đã ăn mặn và uống cạn những giọt nước trong lành.

-Tớ thì mong chúng có thể thay đổi được thực trạng này. Để cuộc sống tốt đẹp hơn?

-Tại sao lại đặt lên vai chúng kỳ vọng và trách nhiệm nặng nề đó? Chúng ta không có quyền làm vậy. Nếu muốn thay đổi, tại sao không bắt đầu ngay từ thế hệ này đi?

-Ừ nhỉ… 

Miên khép mi. Đọc câu thần chú “con của tụi mình” đến lần thứ năm mươi thì ngủ. Mụ mị trong vũ điệu của rác chập chờn. 

* * *

Văn đã sảy thai cả thảy hai lần trước khi quyết định thụ tinh bằng ống nghiệm. Lần này sau bốn năm chạy chữa, cuối cùng nhờ phương pháp thụ tinh ống nghiệm mà Văn cũng có tin vui. Dù trai hay gái Văn cũng đã đặt tên cho con là bé Kẹo. Cái tên vừa nghe đã thấy ngọt ngào. Nhưng đứa trẻ vẫn chơi trò ẩn nấp, phôi thai có mà tim thai không thấy. Hôm Miên đang ngồi ngắm mưa rơi ngoài bãi rác thì Văn gọi.

- Tớ đang ngồi ăn rau ngót luộc. Lần nào ăn cũng muốn ói vì cảm giác ghê sợ chính cung lòng mình. Từng đứa trẻ khước từ lời thỉnh cầu làm mẹ của tớ. Lá ngót như lá ngón, âm ỉ đau trong suốt cuộc nạo vét cung lòng. Rồi mọi thứ sạch trơn, con biến mất như chưa từng xuất hiện.

Miên chỉ còn nghe thấy tiếng bạn nhai rệu rã, tiếng nuốt rau nghèn nghẹn. Giơ ống nhòm qua cửa sổ Miên lia về phía bãi rác. Để xem Miên tìm thấy những gì? Rác thải thực chất là tấm gương phản chiếu cuộc sống. Vỏ hộp các loại thuốc giảm cân chứa đựng một thế hệ béo phì, lười vận động, cơ thể nuôi mầm mống nhiều căn bệnh. Những chiếc bao cao su nằm quằn quại bên vỉ thuốc tránh thai đã ố màu có lẽ được vứt ra từ nhà nghỉ nào đó. Phơi bày một lối sống buông thả, dễ dãi, ẩn chứa những căn bệnh xã hội đang ngấm ngầm lây truyền trong dục vọng của con người. Đống đồ hộp mốc meo cho thấy thói quen lạm dụng thức ăn đóng hộp với rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn có hại cho sức khỏe. Những quả cam còn tươi nguyên vứt giữa đống vỉ thuốc xanh, đỏ. Bàn thờ và bát hương vứt chỏng chơ lẫn trong mớ quần áo rách, tổ tiên thánh thần cũng chẳng còn cơ hội để linh thiêng.

-Cậu lấy chồng đi thôi, già mất rồi. Đừng để con chờ đợi nữa.

-Đẻ chúng ra rồi chẳng biết phải cất chúng ở đâu.

-Ừ nhỉ. 

Miên yêu những đứa con trong mường tượng của mình. Để rồi đau đớn trong hình dung mất mát. Con của Miên có thể sẽ mắc phải những căn bệnh không cách nào chữa khỏi. Sẽ nổi loạn trong cô đơn đồng loại. Cũng có thể sẽ bị cướp đi trên một chuyến bay mất tích, một chiếc xe đâm nhào xuống vực, một cơn bão từ biển ập vào. Hoặc biết đâu sẽ mắc kẹt trong hỏa hoạn và biết bao cuộc chiến từ tham vọng con người. Chẳng phải người mẹ nào cũng bao bọc được con mình. Nên Miên cất con trong mường tượng của mình. Như là cách Văn cất con trên thiên đường. Còn Túc mong con mình cứ bé bỏng ngây thơ mãi để bạn còn cất con trong căn phòng vẻn vẹn sáu mét vuông. Như một bà mẹ trẻ nào đó lúc ôm bụng bầu mắt rơm rớm ước ao “giá như con cứ nằm trong bụng mẹ. Cuộc sống ngoài này đầy rẫy những bất an”.

Có hôm ngồi nhìn rác cháy, Hin nói khi nào tất thảy những rác rưởi biến thành tro tàn thì ngày đó người ta sẽ trồng những gốc cây xanh. Miên lại nhắm mắt, mụ mị trong vũ điệu rác chập chờn. Dạo này Miên thường quên cả cơn đói lúc cuối ngày. Cứ nằm im như thế cho đến khi tắt nắng rồi bóng tối len lỏi bao trùm khắp xứ rác này. Nằm cho đến khi Hin tắm rửa sạch sẽ, diện bộ đồ tinh tươm nhất và nhẹ nhàng gõ cửa, ngập ngừng bảo: “Con muốn được cô dạy cho biết chữ…”.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Chùm thơ dự thi của Trần Huy Minh Phương

Cuộc thi sáng tác văn học 7 năm trước

Đánh thức mùa Vu lan

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Nguyên bản và bản sao

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Lam Điểu

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Tựa bóng ca dao

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Kỳ tích ở Khe Cạn

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước