Ra đi từ đất Thái Nguyên
Tôi bé đến nỗi, được quân nhu phát quần áo bộ đội cỡ nhỏ nhất cũng rộng thùng thình, ống quần ống tay áo dài hơn cả gang tay, phải ra phố cắt ngắn lại. Thế mà rồi tôi cũng đã 100 ngày hành quân vượt Trường Sơn vào đến miền Đông Nam Bộ, vừa đánh giặc vừa làm thơ, viết báo cho đến ngày giải phóng Sài Gòn…
Tiểu đội chúng tôi trong đội hình Sư đoàn 325 khung vượt Trường Sơn năm ấy một phần ba là sinh viên Đại học Thương nghiệp Hà Nội. Đứa đang ôn thi tốt nghiệp như tôi, Dững, Đảm. Đứa đang học năm cuối như Phan Văn Các, đứa học năm thứ hai như Thước, Trung.v.v… Có đứa học năm thứ ba, người Thái Nguyên là Nguyễn Quốc Tiến ở Trung đội 3 (Tiến giờ là Hiệu phó Trường Cao đẳng Thương mại Thái Nguyên)…
Chúng tôi hành quân hai ngày đêm từ huyện Thanh Thủy, Phú Thọ lên đóng quân tại đồi Phú Mỹ, xã Lương Phú, huyện Phú Bình, Thái Nguyên. Ở nhà dân, tôi và thằng Bốn, công nhân hóa chất Lâm Thao, ở nhà anh Lãng. Trong nhà chỉ có anh và bà mẹ già. Hai mẹ con dành cho hai chúng tôi chiếc giường đôi rộng nhất. Cứ hai tối thì chúng tôi phải đi tuần tra, gác đêm một lần. Cấp trên phổ biến, sau ba tháng đeo gạch đá, tập leo đèo vượt dốc, sẽ hành quân vào Nam. Ba lô chất đầy gạch đá trĩu lưng, đang mùa đông miền Bắc rét buốt tê mà áo quần đứa nào cũng ướt sũng mồ hôi. Tiểu đoàn cho biết chúng tôi sẽ hành quân vào B2, tức Miền Đông Nam Bộ. Đi B2 là đi B xa nhất, là B gần Sài Gòn nhất, nghĩa là chiến trường ác liệt nhất, xác suất trở về cũng ít nhất! Quanh Sài Gòn có rất nhiều căn cứ quân sự lớn nhất Đông Nam Á như sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Biên Hoà, căn cứ Đồng Dù, Dầu Tiếng… Mọi hoạt động của Quân giải phóng ở khu vực này đều bị giám sát chặt chẽ và phản ứng mau lẹ theo từng giây, nên vô cùng nguy hiểm. Vậy mà thằng nào cũng háo hức chờ ngày được lên đường. Từ Thái Nguyên, đến Sài Gòn gần hai nghìn cây số. Chúng tôi hành quân bao nhiêu ngày, cấp trên không thể phổ biến trước được. Thôi thì cứ đi ắt có ngày đến!
Đầu tháng 1/1973, việc “cấp bách” trước khi lên đường là chúng tôi phải dự đám cưới đôi uyên ương Đảm Quỳnh. Chị Đỗ Thị Quỳnh người Thái Nguyên, vóc người mảnh khảnh, hay cười. Chị học lớp Công nghệ phẩm khoá 2 Trường Đại học Thương nghiệp, trước tôi hai năm. Chị và Võ Văn Đảm yêu nhau thắm thiết ba bốn năm rồi. Hai người đã hứa hẹn dắt nhau vượt qua bom đạn vào tận xã Vĩnh Giang bên bờ sông Hiền Lương thăm mẹ, nhưng chưa thực hiện được. Chị yêu anh Đảm nồng nàn. Có dạo Đảm ốm nặng, phải đi bệnh viện, chị Quỳnh đã xin phép cơ quan về Hà Nội chăm người yêu cả tuần liền. Lúc ấy, chị đã ra công tác ở một cửa hàng thương nghiệp ở Thái Nguyên (hiện chị đã nghỉ hưu ở Thành phố Thái Nguyên, vẫn thường điện thoại cho tôi). Chị Quỳnh cũng đã có tuổi, biết chờ bao giờ anh Đảm mới về, nên phải cưới gấp. Những ngày đơn vị tôi đóng quân ở Phú Bình, thỉnh thoảng chị lại đạp xe gần 20 cây số về. Chị đi chợ, làm những bữa cơm gia đình cho anh em chúng tôi thêm vui, thêm ấm áp. Mỗi khi chị đến, tôi có cảm giác như mình đang sống ở gia đình… Trong những bữa ăn tươi ấy, chúng tôi ngồi bên nhau vui vẻ nói chuyện, ăn uống từ tốn, không ào ào “tay gắp miệng và” như những bữa cơm lính…
Nói chuyện lính ăn vui lắm và cũng… ớn lắm. Những ngày luyện tập đó, tiêu chuẩn lính 24 kg gạo một tháng, nghĩa là tám lạng gạo mỗi ngày, nhưng thức ăn thì chẳng có là bao. Chỉ ruốc thịt hay mấy con cá kho khô, rau muống xào, canh toàn quốc. Đến bữa cơm, anh nuôi bưng ra mỗi tiểu đội một thúng đầy cơm bốc khói đặt lên cái bàn tre, lính vây quanh, đứng mà ăn. Cứ nghe rào rào, tiếng đũa bát lanh canh như tằm ăn rỗi. Có đứa phùng má nhai cơm, rồi lại gân cổ lên nuốt, cố ăn thật nhanh vì sợ hết cơm. Tính tôi từ nhỏ đã ăn chậm, nhai từng miếng, nên chỉ xúc được lưng bát B52 (loại bát Trung Quốc sản xuất cho bộ đội ta, to quá cỡ nên bộ đội ví với máy bay B52), nhìn xuống thúng cơm đã hết nhẵn. Thằng Đức thuốc lào, đen như củ sung, có cái răng vàng sáng chóe. Nó ăn thật nhanh. Mỗi bữa, nó xúc được ba bát B52 đầy. Lính tập luyện nặng nhọc nên đứa nào cũng ăn khỏe, mau đói. Đức có lẽ đã nhiều lần quan sát tôi ăn, nên có một bữa nó giằng lấy bát B52 trên tay tôi, bảo: “Anh đưa em. Ăn như anh thì đói chết!”. Rồi nó đơm cho tôi đầy chặt bát B52 cơm. Từ đó tôi có thể thư thả kiếm chỗ ngồi nhai đến hết bữa mà không bị đói… Suốt ba tháng huấn luyện, bữa nào, nó cũng đơm cơm cho tôi như vậy.
Đám cưới Quỳnh - Đảm được tổ chức tại Cửa hàng Bách hoá Thái Nguyên, nơi chị Quỳnh công tác. Đám cưới thời chiến tranh nhưng cũng đàng hoàng lắm. Cô dâu thì mặc áo sơ mi trắng, quần lụa đen, chú rể mặc quần áo bộ đội. Chỉ có trà Thái, kẹo và thuốc lá Tam Đảo bao bạc, chứ không cỗ bàn linh đình như bây giờ, nhưng rất vui. Nhiều cô gái lên hát. Hơn hai chục anh em dân Đại học Thương nghiệp đóng vai nhà trai, mặc toàn đồ bộ đội, mượn xe đạp lên Thái Nguyên dự đám cưới, hát hò sôi nổi. Đứa thì xưng “anh con bác”, “em con chú” để họ nhà gái họ thêm phần vui vẻ, tin tưởng vào tương lai con gái của mình. Sau đám cưới, chị Quỳnh theo Võ Văn Đảm về Lương Phú, Phú Bình. Để có phòng tân hôn cho hai người, ban đêm chúng tôi lấy tấm bảng lớp học của Trường cấp I đầu thôn, kê lên bàn học trò, trải chiếu chăn bộ đội, tăng võng mới phát đi B quây xung quanh rồi đẩy hai người vào. Sáng sớm ra, mấy đứa lại đập cửa đánh thức đôi uyên ương dậy, lại kê trả lại bàn ghế cho học sinh đến lớp. Phòng tân hôn “dã chiến” ấy hoạt động được hai đêm thì có lệnh hành quân. Thế mà Đảm đã để lại cho vợ đứa con gái là Võ Thị Hồng Giang. Trước khi chia tay, anh Đảm dặn vợ rằng nếu có thai, sinh con gái thì đặt tên Giang, sinh con trai thì đặt tên Vĩnh. Vĩnh Giang là tên xã của Đảm. Cô gái Võ Thị Hồng Giang nay đã thành một người mẹ trẻ có hai con, ở thành phố Thái Nguyên. Có lần, vợ chồng cháu Giang đã vào tận Huế tìm nhà chú Ngô Minh, bạn chiến đấu của ba Đảm để thăm và tìm hiểu thêm về ba mình. Tôi lôi lục hết “Nhật ký Trường Sơn”, ảnh lưu ra đưa cho vợ chồng cháu Giang, cháu vừa xem vừa khóc…
Tôi lúc đó là sinh viên khoa Thương phẩm khoá 4, đã làm xong luận văn tốt nghiệp, đang ôn thi mấy môn chính trị thì nhập ngũ. Nhà trường cấp cho tôi cái bằng tốt nghiệp đặc cách và cái giấy cảm tình Đảng. Hồi đó không có chủ trương kết nạp sinh viên đại học vào Đảng. Anh chị nào giỏi lắm cũng chỉ được cái giấy cảm tình. Thế là mấy anh cán bộ đi học trong lớp tôi nói chọc: “Thằng Khôi (Khôi là tên thật của tôi - Ngô Minh Khôi) tốt nghiệp một lúc ba bằng: Bằng đại học, bằng vợ, bằng Đảng”. Tôi có người yêu cùng lớp tên là Lê Thị Bạch Nga, người Vinh, Nghệ An. Chúng tôi yêu nhau từ đầu năm thứ nhất. Nga yêu tôi vì thấy tôi ít nói mà học giỏi. Lúc đó trường đang sơ tán ở huyện Kim Động, Hưng Yên, bên đê Sông Hồng. Tối nào Nga cũng tìm đến nhà trọ của tôi nhờ bày cho môn vẽ kỹ thuật, toán. Rét Bắc Kỳ buốt lắm, nên hai đứa phải trùm chung chăn. Thế là dính. Thời đó, mỗi lần cả lớp đi thực tế ở nhà máy bánh mì Nghĩa Đô hay đi tham quan các nhà hàng, đi chơi công viên ở Hà Nội, đi Chùa Hương, hay ra nhà người quen của Nga ngoài phố để “ăn tươi” ngày chủ nhật, Nga cũng phải đèo tôi bằng cái xe đạp Thống Nhất ông bố mua cho đem ở Vinh ra. Nga đèo vì thứ nhất là tôi quá nhẹ cân. Nga nặng 50 kí, mà tôi chỉ có 39. Thứ hai là khi ra Hà Nội học Đại học tôi mới tập đi xe đạp, nên đèo người chưa vững. Năm thứ tư Đại học, Nga dắt tôi ra thăm nhà một người bà con tại Hà Nội. Tôi vừa bước vào phòng, có cụ già đang ngồi uống trà nhìn tôi từ đầu đến chân. Hình như ông thấy tôi có điều gì đó lạ, nên vẫy tay bảo tôi ngồi xuống bên ông, rồi phán: “Cháu bố chết trước mẹ. Bố đã chết rồi. Đời cháu tự thân lo liệu. Cháu không bao giờ được làm ông (tức làm quan), nhưng cũng không làm thằng. Cháu sắp đi xa lắm, vào chỗ nguy hiểm, nhưng không chết. Đời cháu không nhiều tiền, nhưng khi cần tiền là có người giúp”. Nghe ông phán lúc đó tôi chẳng hiểu gì mấy, nhưng sau vài chục năm, nghiệm với cuộc đời mình, thì thấy những lời ông tiên tri đều đúng cả. Tôi cả đời nghèo. Tuổi trâu nên phải cày mới có ăn. Nhưng tôi viết văn, làm báo trung thực nên mọi người nể trọng.
Tôi và Nga yêu nhau công khai, trong lớp ai cũng biết. Chúng tôi dự định khi ra trường hai đứa sẽ xin về Vinh công tác và tổ chức đám cưới. Nhưng tất cả đã phải gác lại vì chiến tranh. Tôi gửi lại cho Nga tất cả “tài sản” sinh viên của mình gồm va-li quần áo, chăn màn, sách vở và tấm bằng tốt nghiệp (nhờ Nga nhận giúp). Chiến tranh không chỉ làm tắt ngấm bao hy vọng về hạnh phúc, về công việc của tôi và Nga, mà đã giết chết tương lai của hàng triệu đôi trai gái miền Bắc thời đó.
Mấy ngày trước khi tôi lên đường, Nga khóc sưng cả mắt. Ngày 25/9, những tân binh đã tập hợp ở một mé đồi thuộc huyện Thanh Thuỷ (nơi Trường Đại học Thương nghiệp sơ tán) chuẩn bị lên đường, thì Nga tất tưởi chạy đến, mắt đỏ hoe, dúi vào tay tôi một phong thư rồi quàng tay hôn đánh chụt lên môi tôi rồi vừa chạy vừa khóc, khuất vào lũy tre đầu thôn:
“Thanh Thủy ngày 24/7/1972
Giờ phút chia ly đã đến
Anh!
Chỉ còn mấy tiếng nữa anh đã đi xa, có bao giờ chúng ta gặp lại nhau nữa. Đêm nay, đêm cuối cùng của sự biệt ly, đã để lại trong lòng người con gái bất hạnh này một kỷ niệm không bao giờ quên được - Đó là giây phút cuối cùng Nga gặp anh.
Anh ơi, sáng mai anh đã lên đường xa Nga, xa người đã sống với anh trong bốn năm qua. Vui có, buồn có và đau khổ cũng có. Chắc anh không buồn và nhớ Nga. Điều đó Nga hiểu bởi vì Nga đã làm cho anh đau khổ, có phải thế không anh K?...
…Thôi anh nhé. Nga muốn nói với anh nhiều lắm… Anh ra đi, Nga chúc anh vạn sự tốt lành và đừng nghĩ đến Nga nữa. Nga không thể sống nổi với cơn bão đời khủng khiếp này được nữa.
Vĩnh biệt anh. Vĩnh biệt những cái hôn nồng cháy nhất…
12 giờ đêm 24/7/1972. Nga”
Trong thư Nga buồn, đau khổ vì phải xa người yêu. Con gái mới lên lên đang được yêu thương bỗng phải xa không biết bao giờ gặp lại người mà mình vô cùng yêu quý là một cơn bão đời khủng khiếp nhất. Thấy Nga buồn quá, tôi khuyên Nga phải can đảm lên, rồi “lên lớp” chính trị: “phải nhìn toàn cục, đừng ích kỷ riêng mình”, nên Nga mới viết trong thư như vậy. Tôi đọc mấy chữ “ Vĩnh biệt anh” mà rùng mình. Có thể đây sẽ là lần cuối chúng tôi bên nhau. Con người như chiếc lá khô giữa thời bão gió.
Từ khi tôi lên Phú Bình, tôi gửi ngay địa chỉ đơn vị về Trường Đại học Thương mại, Nga đã viết cho tôi 12 lá thư rất nồng nàn. Lá nào cũng bốn năm trang, tám trang giấy pơ-luya. Trên góc bên trái bao giờ Nga cũng đề “Thư số 1, 2,3.…”. Tôi đã mang theo những bức thư nóng bỏng tình yêu ấy lên Trường Sơn và suốt bốn năm đánh giặc khắp chiến trường miền Đông Nam Bộ., cho đến ngày hòa bình… Trong một bức thư, Nga hẹn sẽ lên Thái Nguyên thăm trước khi tôi đi B.
Và Nga đã lên thăm tôi thật. Cuối tháng 12/1972, Nga đạp xe đạp tong tả từ Hà Nội qua Bắc Ninh, Bắc Giang hơn 70 cây số lên Lương Phú, Phú Bình. Con gái mà đạp xe đường xa như thế là gan lắm, liều lắm. Nga chỉ được nghỉ có một ngày, một đêm, nên tranh thủ đạp xe từ sáng sớm. Gặp tôi, dù trước rất nhiều lính tráng chạy tới chia vui, Nga vẫn ôm chầm lấy tôi khóc nức nở. Buổi chiều Nga làm bữa cơm tươi mời mấy anh em thân thiết uống rượu. Tối đó, hai đứa đốt lửa trong nhà bếp của chủ nhà nơi tôi ở trọ nói chuyện thâu đêm. Thằng Bốn, ở với tôi một nhà dân, đã tự nguyện gác đêm thay tôi, rồi sang nhà khác ngủ, nhường cái giường đôi cho tôi và Nga. Nhưng chúng tôi không ngủ chung giường vì tôi thương Nga, sợ Nga có gì rồi phải nuôi con nhỏ một mình vất vả, tội nghiệp lắm. Hơn nữa chúng tôi đã quen gìn giữ suốt bốn năm yêu nhau quen rồi. Vì thế mà hai chúng tôi thức suốt đêm dưới bếp nói chuyện đến sáng, chẳng ngủ được. Đó là đêm máy bay Mỹ tập kích Hà Nội và trận Điện Biên Phủ trên không diễn ra, hai đứa ra sân ôm nhau khóc nhìn về Thủ Đô trong ánh chớp đạn lửa rực trời. Nhìn những vệt lửa bùng sáng vút lên trời cao của tên lửa, nhìn lửa đạn bom nổ ngút trời Hà Nội, Nga ôm lấy tôi thổn thức.
Sáng sớm Nga đạp xe vội vã về Hà Nội. Em ôm lấy tôi khóc nức nở, nước mắt chảy ướt cả vai áo. Dáng em như con nhạn trong sương. Chia tay Nga, tôi thấy lòng trống trải, buồn nẫu ruột. Đến con mương đầu xóm, em quay lại nhìn tôi rồi vấp xe bị ngã chỏng chơ. Tôi chạy theo đỡ Nga dậy, lau nước mắt cho em rồi động viên: “Em yên tâm, nhất định anh sẽ trở về! Thầy coi rồi, số anh không chết trẻ. Anh sẽ trở về….”. Nhưng cứ nghĩ về cú ngã xe của Nga, tôi băn khoăn không biết có điềm chi đây? Ôi, thương em vô cùng!
Đầu tháng 1/1973, từ Phú Bình chúng tôi hành quân bằng xe tải mới cứng, có mui bạt và hai hàng ghế chạy dọc thùng xe. Đơn vị làm lễ xuất quân đàng hoàng lắm. Có cờ đỏ sao vàng, ảnh Bác Hồ, có lãnh đạo huyện, xã đến dự. Đứng lẫn trong những người đến tiễn đưa sáng ấy, tôi thấy có chị Quỳnh vợ anh Đảm, chân kiễng lên, tay cầm chiếc nón cũ vẫy vẫy, mắt đỏ hoe. Chúng tôi cố nở nụ cười tươi để làm yên lòng người đưa tiễn. Thế là chúng tôi xa miền Bắc, xa Hà Nội, xa Thái Nguyên, hẹn ngày chiến thắng…
Ngô Minh
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...