Thứ ba, ngày 26 tháng 11 năm 2024
19:39 (GMT +7)

Quyền và hạn

VNTN - Dạo này, dư luận được phen xôn xao bàn tán chuyện nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trả nhà công vụ. Chỉ cần đưa cụm từ liên quan vào hỏi “ông” google, trong tích tắc đã có hàng trăm bài viết về vấn đề này trên các báo chính thống, chưa kể hàng nghìn bình luận khác trên mạng xã hội.

Cái việc trả lại tài sản được nhà nước cho thuê, nghĩa là thứ vật chất không phải của mình là chuyện hết sức bình thường. Khi anh đi làm, anh có chức, nhà nước dùng tiền ngân sách hỗ trợ anh ăn, ở, đi lại, sử dụng điện thoại… để làm việc cho dân, cho nước. Khi anh không còn làm việc cho dân cho nước nữa, ắt anh phải trả lại cái được thuê. Điều ấy giản đơn đến đứa trẻ con cũng dễ dàng hiểu được.

Những người có chức sắc ở cơ quan nhà nước hầu như ai cũng được dùng tài sản nào đó của công. Thời bao cấp, phòng lãnh đạo được trang bị tủ và giường cá nhân; có nơi dư dả kinh phí thì còn sắm xe đạp công, xe máy công, điện thoại công (dùng chung). Mang tiếng của công nhưng người quản lý là lãnh đạo, nên nghiễm nhiên lãnh đạo dùng là chính. Rồi khi công nghệ thông tin bùng nổ, hầu hết lãnh đạo được trang bị máy vi tính để bàn hoặc xách tay (dù họ có sử dụng hay không). Khi lãnh đạo đó về hưu, cái máy đó để lại cho người kế nhiệm tiếp tục sử dụng, trừ trường hợp nó đã hỏng phải đưa vào kho thanh lý.

Chức nhỏ được trang bị tài sản nhỏ, chức to trang bị tài sản to, người đủ tiêu chuẩn được thuê nhà công vụ, ngoài giáo viên, bộ đội, bác sĩ biệt phái đến công tác ở vùng đặc khó khăn, vùng hải đảo xa xôi, thì chủ yếu là lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội. Nhà công vụ của những người này không phải gian tập thể cấp 4 tuềnh toàng, mà đa số là biệt thự kiên cố, ngự ở những vị trí đắc địa giữa lòng đô thị lớn, với giá thuê nhà “chỉ bằng tiền quét vôi ve hàng năm”. Tất nhiên, họ phải ký hợp đồng thuê, tuân thủ Nghị định 34/2013/NĐ-CP ngày 22/4/2013 của Chính phủ về quản lý sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước. Trong đó, điều 11 của Nghị định nói trên nêu rất rõ: “Nhà ở công vụ chỉ được dùng để bố trí cho các đối tượng có đủ điều kiện thuê để ở trong thời gian đảm nhận công tác; khi người thuê hết tiêu chuẩn thuê nhà ở công vụ hoặc chuyển đến nơi ở khác hoặc nghỉ công tác thì phải trả lại nhà ở công vụ cho Nhà nước”.

Nếu mọi người cứ chấp hành đúng những gì họ ký kết thì dân tình đã chả bàn tán. Hiềm một nỗi, bấy lâu nay lại có ông này, ông kia (khá nhiều) đã rời nhiệm sở rồi, hết tiêu chuẩn thuê nhà rồi mà vẫn ngang nhiên chiếm dụng tài sản của nhà nước. Họ ở (ít lắm, vì đã có chỗ khác sang trọng hơn nhiều), họ cho thuê là chính (trong khi Nghị định số 34 nêu rõ là “để ở”). Khi nhà nước đòi, họ viện cớ nọ cớ kia để trì hoãn việc trả. Đúng là giá trị tài sản lớn quá, nhiều tỷ tỷ đồng quá, họ “cố đấm”, biết đâu gỡ gạc phần nào? Bởi thế, khi có người chịu trả nhà công vụ thì thiên hạ xôn xao cũng là lẽ thường.

Ngôn ngữ Việt Nam có từ “quyền hạn”. “Quyền” đi đôi với “hạn”. Xác định giới hạn cho quyền lực cũng là cách “mình biết mình là ai”. Tiếc thay, không ít người tự cho phép có quyền vô hạn. Muốn làm gì, lúc nào cũng được. Quyền lúc họ đương chức (đã đành), nhưng cả khi đã “hạ cánh an toàn” rồi, họ vẫn coi mình có quyền được ăn, được nói, được gói mang về.

Đến đây, bỗng nhớ đến câu nói của Gia Cát Lượng (nhà ngoại giao cự phách của Trung Quốc): “Trước cơ hội có được một món lợi lớn, cách phản ứng sẽ nói lên nhân cách của mỗi người”. Không ít người quyền cao chức trọng vừa rời vị trí là từ chối xe công, lập tức thu dọn tài liệu ra khỏi phòng làm việc cho người khác tiếp quản. Những người liêm khiết ấy được dân chúng khen ngợi và tôn trọng.

Lòng tham, trong ai chả có. Nhưng hiềm đã là lãnh đạo thì phải tiết chế, tự giới hạn, tự giáo dục bản thân khắt khe nghìn lần người khác. Lãnh đạo như thế mới được dân tin, nghe theo và làm theo.

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy