Thứ năm, ngày 19 tháng 09 năm 2024
23:38 (GMT +7)

Quyền được biết và cơ hội khép – mở

VNTN - Trong phần nội dung của mỗi cuộc thi ảnh ở các salon quốc tế, những điểm mấu chốt luôn được người dự thi chú ý đến, đó là: đề tài; số lượng giải thưởng và giá trị giải thưởng (nếu có); thành phần giám khảo; lệ phí; dung lượng file (hoặc kích cỡ bề ngang, bề dọc - nếu thi ảnh giấy); ngày cuối nhận tác phẩm; thời hạn thông báo kết quả; lịch trình ngày khai mạc triển lãm hoặc gửi sách hay catalog. Mọi quy định được thông báo công khai, thực hiện đúng là thái độ văn hóa, gắn liền với uy tín của cá nhân người gửi ảnh, cũng như của salon mở triển lãm và các bên đứng ra bảo trợ.

 

Ở một thế giới hòa nhập và ngụp lặn với cơ chế thị trường, khi mà từ lâu đã có một “thị trường tranh” thì ắt cũng đã tự phát hình thành nên một “thị trường nhiếp ảnh” và “hàng hóa” của thị trường này không gì khác, chính là những bức ảnh. Các salon ảnh có vai trò như một cái chợ đầu mối để lượng giá, so kè thứ bậc đám hàng hóa được gửi đến. Câu hỏi đặt ra, rằng trong cái chợ này thì ai là người bán và ai là kẻ mua (?). Để hướng đến khách hàng cuối cùng bỏ tiền ra trả giá cao nhằm mua một sản phẩm, thì nhà nhiếp ảnh trước đó đã phải trả lệ phí cho chợ đầu mối làm trung gian để định danh giá trị cho bức ảnh… Vậy thực tế nhà nhiếp ảnh đã đóng vai trò kép: bán ảnh và mua danh. Những người mua danh cùng xúm vào thuê các salon ảnh, ở đó sẽ có những chuyên gia làm trọng tài để định lượng vị trí cao thấp của lô hàng hóa mà những người mua danh đưa vào “chợ”. Việc định giá thứ hạng đám hàng hóa chuẩn xác, thì các salon sẽ tăng thêm uy tín, để cho những phiên chợ sau cuốn được nhiều người mua danh gửi hàng đến. Các salon sẽ nhận được lãi kép, khi thu phí được cả của người mua danh, lẫn những người hiếu kì hàng ngày đến xem hàng hóa đẹp. Và nhờ thế mà ai cũng được hoan hỉ. Những phiên chợ “định danh” bởi vậy lúc nào cũng đông. Các salon ảnh thì đã như những “nhà cái” ở các sòng bạc, luôn dễ dàng bán hết danh hiệu cho người mua. Còn chuyện “bán ảnh” lại là vấn đề được đẩy sang vai người sở hữu bản quyền, nó đầy rủi ro và nan giải với người mua danh và nó có thể được thả trôi, rồi chìm sâu vào năm tháng.

Người Việt vốn chậm trễ so với bên ngoài khi hòa vào thế giới phẳng và vụng về khi tham gia cơ chế thị trường. Văn học nghệ thuật (trong đó có nhiếp ảnh) là lĩnh vực được nhà nước o bế. Nên ai nấy đều giãy nảy, khi bảo một nghệ sĩ đi “mua danh”. Cả xã hội xúm vào lên án cặp từ ấy, vì cái quan niệm cũ kĩ của tiền nhân cho rằng phải “hữu xạ tự nhiên hương”. Thực tế trường hợp các nghệ sĩ bỏ tiền mua danh nó cũng chỉ là cái cách mà người đi câu vẫn làm: “thả con săn sắt, bắt con cá sộp” mà thôi. Mọi thứ hàng hóa trong cuộc sống hiện đại đều là để trao đổi, giao dịch và mua bán, bởi thế nên “thị trường ảnh” cũng không ngoại lệ. Cái “danh” để làm gì, nếu nó không đem lại giá trị phục vụ lợi ích cho một ai đó, hoặc bổ trợ cho nhu cầu cuộc sống thứ gì đấy? Cái tên gọi và khái niệm nó còn khác nhau ở mỗi giai đoạn lịch sử. Ví dụ: Thời phong kiến tại Việt Nam, người ta chỉ vào những người hát trong các tụ điểm giải trí, gọi họ là “con hát”, thì đến ngày nay người ta gắn cho họ mĩ từ là “nghệ nhân”. Kết quả như đã thấy: Cái tên đẹp và sự bao cấp nửa vời, có vẻ thực chất đã không cứu được một dòng hát ca trù. Ngày xưa một anh mù còn có thể tự nuôi sống mình bằng việc ôm cây đàn tối tối vào các gia đình trong một xóm hát xẩm. Ngày nay một người mù phải luyện tập sức khỏe để đấm lưng cho mấy ông lái xe đường dài. Vậy giữa hai việc “hát xẩm” và “tẩm quất người mù” thì thứ nào được cho là có văn hóa hơn (?).

Thực tế không ít nhà nhiếp ảnh ở ta giờ chơi ảnh quốc tế thực sự chỉ là thói quen như mỗi sáng làm ly cà phê vậy: Nếu có tiền, thì thi thoảng tham dự vài ba cuộc để có chút niềm vui chờ đợi… Trước đây một số năm, người viết bài này có khen nghệ sĩ nhiếp ảnh Duy Anh về thành tích đã đạt được trong các cuộc thi ảnh quốc tế. Thì Duy Anh nói: “Đủ rồi! Chơi để biết mình, biết người thôi. Ai đời mỗi khi đoạt giải quốc tế, lại cứ phải tìm cách làm thân và mời tay phóng viên phụ trách mảng văn hóa của báo tỉnh đi uống bia, để nhờ lão viết tin, bài về cái huy chương mình mới đạt được…, vài ba lần thì ok. Rồi một ngày kia thấy nó nhàm, vợ tiếc tiền nộp lệ phí thi bảo dừng, thế là mình dừng”. Vậy ra cái danh, không phải lúc nào cũng kéo theo được cái lợi.

Ngay việc xác định giá trị của tiền bạc, có lúc người ta còn cố tình lẫn lộn, như bảo một đồng bạc hoa xòe, nó giống với một đồng tiền đúc bằng nhôm. Thời chiến tranh lạnh người ta hay viết: rúp/đô la có người bảo đó là một đồng rúp tương đương một đô la và chuyện sẽ thế nào, nếu không có một hội đồng định giá tiền tệ quốc tế (?).

Với nhiếp ảnh nghệ thuật, thì thành phần của một Ban Giám khảo là cực kì quan trọng. Có thể tiêu đề ghi rằng thi ảnh tự do, nhưng mảng ảnh chân dung mà lại chỉ những người yêu phong cảnh chấm thì chỉ có “đi đứt”! Chuyện có thật, khi một Ban Giám khảo lên Thái Nguyên chấm ảnh, họ cho rằng: “Những tác phẩm chụp sản xuất thép mà cứ tóe tóe, phụt phụt là chụp sự cố”. Thoạt đầu tưởng họ đùa, nhưng kết quả là tất cả những bức ảnh sống động mà mọi người gửi đến đều đã bị loại. Lỗi ở đây thuộc Ban Tổ chức cuộc thi: đã đi mời một nhóm giám khảo chẳng hiểu gì về công nghiệp lên chấm ảnh cho một tỉnh làm công nghiệp.

Vấn đề của các nhà nhiếp ảnh hiện nay là chúng ta hoặc không hiểu gì, hoặc đang cố tình “giả ngây thơ” không hiểu, nhưng thật ra đại đa số còn không biết để mà lựa chọn. Nếu là một người chơi sành sỏi, khi nhìn một Ban Giám khảo mà thấy “không chơi được” thì phải kín đáo mà “ém hàng” - thà cuộn đống ảnh để nuôi mối trong góc vườn nhà mình, còn hơn là thả cho người ta cuỗm về nhà họ để cấy nấm! Ai chơi ảnh mà chưa từng bị thiên hạ “luộc mất” ý tưởng độc của mình, thì chắc chắn người đó vẫn còn là “lính mới”. Không ít những góc ảnh thực tế trong cuộc thi trước đã bị âm thầm ném vào sọt rác “từ vòng gửi xe”, nhưng bỗng ở cuộc thi kề sau đó lại thấy thứ na ná xuất hiện trong bộ giải. Và cũng không lạ, khi thấy mục “tác giả” là tên người nhà hoặc học trò của vị giám khảo nào đó ở cuộc thi trước. Trong nội dung thể lệ chỉ thấy quy chế áp tội cho người dự thi, mà không hề thấy những quy chế áp cho người cầm trịch… Người viết bài này lại một lần đã lâu ngồi trao đổi với NSNA Phú Hùng (Hải Phòng) về việc lựa ảnh đi dự thi, sau khi ngó quanh anh rỉ tai: “Phải chọn mặt mà gửi vàng! Này nhé: Với ông H, thì ảnh phải có ánh sáng đẹp; ông N phải là ảnh có chút dí dỏm; lão B phải gửi phong cảnh; còn bác MN phải chân dung gái đẹp...”. Đấy là ở cái thời mà các nghệ sĩ gạo cội chẳng có tước hiệu gì, họ cầm trịch phong trào mà “nói có người nghe, đe có người sợ”. Người gửi ảnh dự thi khi đó nếu biết lựa ảnh theo gu ưa thích của giám khảo, thì tỉ lệ thành công thường cao hơn. Còn người được cầm lá phiếu biết mình bị đồng nghiệp soi xét, nên luôn có ý thức phải giữ gìn thanh danh và chăm nghiên cứu, học hỏi để không bị tụt hậu.

Thế kỉ hai mốt là thời đại của bằng cấp, chứng chỉ, danh hiệu và tước hiệu. Cứ tưởng rằng ai được sở hữu, là người đó đã biết tuốt. Nhưng khi hiểu ra thì khối anh được trang bị đủ món, nhưng lại không “thành tinh” ở thứ gì. Chuyên môn đã không sâu, lại còn thiếu cả bản lĩnh, nên có người đi chấm ảnh liên hoan khu vực, còn ra yêu sách đề nghị Ban Tổ chức phải bố trí công an đến giám sát, giữ trật tự (vì sợ người tham dự nổi khùng…) - “liên hoan” mà như thế thì hỏi còn gì là vui?

Đại đa số trong thể lệ các cuộc thi ảnh ở Việt Nam, thường không niêm yết công khai ngay từ lúc đầu danh sách Ban Giám khảo. Người có trách nhiệm nói mục đích không đưa lên, là để “tránh tiêu cực”. Nhưng làm như vậy là đã vô tình mặc nhiên khẳng định, rằng đội ngũ giám khảo nhiếp ảnh của ta còn thiếu tư chất, vụn vặt và dễ bị mua chuộc (?). Ngoài ra, tuy rằng những người gửi ảnh dự thi không có quyền đề cử giám khảo theo ý mình nhưng cũng đã đến lúc các thí sinh được quyền biết danh tính người làm trọng tài là ai, để mà tự quyết định rằng sẽ tham gia hay tạm nghỉ - thay vì cứ mù quáng trao “những đứa con tinh thần” của mình vào tay người thiếu tâm và tầm. Để rồi mất tiền nộp lệ phí mà kết quả nhận được là bị lộ cả “bài tẩy” và nặng thêm bên đầu đòn gánh của thua thiệt trong nghiệp nhiếp ảnh của mình.

Vũ Kim Khoa

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy