Thứ hai, ngày 21 tháng 10 năm 2024
06:51 (GMT +7)

Quyền bình đẳng của phụ nữ – điều mong mỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh

VNTN - Chủ tịch Hồ Chí Minh là người tiên phong trong cuộc cách mạng giải phóng phụ nữ ở nước ta. Từ việc nhận ra vai trò của phụ nữ trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, Người cũng nhận ra rằng muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thành công thì cần phải giải phóng hoàn toàn phụ nữ.

Quyền bình đẳng của phụ nữ

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khen tặng: “Phụ nữ Việt Nam dũng cảm, đảm đang, chống Mỹ cứu nước”. Người cũng khen tặng phụ nữ miền Nam tám chữ vàng: “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang”. Tháng 5-1968, khi xem lại bản Di chúc của mình viết vào năm 1965, Người thấy cần phải “viết thêm mấy điểm không đi sâu vào chi tiết”. Về công việc đối với con người, Người đã mong mỏi Đảng, Chính phủ và đồng bào, ngay sau khi cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi, phải “tìm mọi cách” để nhanh chóng giúp đỡ những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình và gia đình của họ sớm ổn định và vươn lên trong cuộc sống. Trong đó, Người đặc biệt chú ý đến quyền bình đẳng của phụ nữ. Người căn dặn: “Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”(1).

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng vai trò phụ nữ trong cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Ảnh tư liệu.

Trong tác phẩm “Đường Kách Mệnh” (1927), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn lại lời Các Mác: “Ai đã biết lịch sử thì biết rằng muốn sửa sang xã hội mà không có phụ nữ giúp vào, thì chắc không làm nổi” và lời V.I.Lênin: “Đảng cách mệnh phải làm sao dạy cho đàn bà nấu ăn cũng biết làm việc nước, như thế cách mệnh mới gọi là thành công”(2). Tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin, trong Lời kêu gọi nhân dịp thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (18-2-1930), Người đã kêu gọi: “Đảng sẽ dìu dắt giai cấp vô sản lãnh đạo cách mạng An Nam đấu tranh nhằm giải phóng cho toàn thể anh chị em bị áp bức, bóc lột chúng ta. Từ nay anh chị em chúng ta cần phải gia nhập Đảng, ủng hộ Đảng và đi theo Đảng để... thực hiện nam nữ bình quyền”(3).

Trong “Tuyên ngôn Độc lập” của nước ta (2-9-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh không trích dẫn nguyên văn từ bản “Tuyên ngôn độc lập” của nước Mỹ năm 1776. Bản tuyên ngôn của nước Mỹ viết “that all men are created equal”, nghĩa là “mọi đàn ông sinh ra đều bình đẳng”. Còn Người thì viết: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng”(4). Đặt niềm tin vào vai trò chủ động vươn lên của phụ nữ trong học tập, lao động và sáng tạo, Người tin tưởng rằng: “Dưới chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, phụ nữ dũng cảm có thể hoàn thành mọi nhiệm vụ mà người đàn ông dũng cảm có thể làm, dù nhiệm vụ ấy đòi hỏi rất nhiều tài năng và nghị lực như việc lái các con tàu vũ trụ Phương Đông”(5).

Thực hiện lời dạy của Người

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) “Về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” (ban hành ngày 27-4-2007) nhấn mạnh: “Phát huy vai trò, tiềm năng to lớn của phụ nữ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao địa vị phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội là một trong những nhiệm vụ và mục tiêu quan trọng của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới... Phấn đấu đến năm 2020, phụ nữ được nâng cao trình độ về mọi mặt, có trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế”. Nghị quyết cũng chỉ rõ, đối với cán bộ nữ phải “Phổ cập tin học cho cán bộ nữ các cấp”, “Ưu tiên tuyển dụng cán bộ nữ, lao động nữ có trình độ cao đẳng, đại học, trên đại học. Chăm lo bồi dưỡng, phát triển tài năng là nữ”. Đặc biệt, Nghị quyết nhấn mạnh: “Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp cùng các ban, ngành, đoàn thể vận động, hướng dẫn phụ nữ phấn đấu rèn luyện theo các tiêu chí: có sức khỏe, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hóa, có lòng nhân hậu”.

Trong Báo báo Chính trị Đại hội đại biểu lần thứ XII (2016), Đảng ta một lần nữa đã xác định phương hướng: “Nâng cao trình độ mọi mặt và đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ”(6). Chỉ thị số 21/CT-TW ngày 20-1-2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới do đó chính là sự tiếp nối việc thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay.

Bình đẳng giới đã được xem là chiến lược quốc gia(7). Bởi vậy, thiết nghĩ, trước cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay, Đảng và Chính phủ cần phải xây dựng nội dung đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với cán bộ nữ. Bên cạnh đó, cần tạo mọi điều kiện cho phụ nữ học văn hóa, khoa học - kỹ thuật.

............................

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.15, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 617.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.2, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.288.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.3, Nxb. Chính Trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.8-10.

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.1, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.1.

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.97.

(6) ĐCSVN, “Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII”, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.163.

(7)Xem: http://www.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/noidungchienluocphattrienkinhtexahoi

Nguyễn Văn Toàn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy