Quy ước, hương ước – sức mạnh của một phong trào
VNTN - Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” được ví như nguồn gốc làm nên sức mạnh của cả dân tộc. Ngay từ cơ sở xóm, tổ dân phố, Phong trào tập hợp được sức mạnh tinh thần đại đoàn kết toàn dân, và từng bước trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống xã hội. Nét đẹp ấy gần gụi, được thể hiện bằng hành động hưởng ứng tham gia các cuộc vận động, các phong trào của người dân, rồi từng bước lan tỏa, thẩm thấu vào tư duy con người. Nhưng cốt lõi tạo sự đồng thuận để huy động được sức mạnh toàn dân phải kể đến quy ước, hương ước của xóm, tổ dân phố.
Nhờ có quy ước, hương ước bà con người Mông xóm Phú Thọ, xã Phú Đô (Phú Lương) tích cực trồng rừng, bảo vệ rừng.
Bà Hà Mai Hiên, Phó Phòng Xây dựng Đời sống văn hoá và Gia đình - Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên cho biết: Toàn tỉnh Thái Nguyên có hơn 3.000 khu dân cư, 100% khu dân cư đều xây dựng được quy ước, hương ước. Các quy ước, hương ước được thường xuyên sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với cuộc sống thực tế. Trong 3 năm, từ 2016 đến hết năm 2018, toàn tỉnh có gần 1.240 quy ước, hương ước được sửa đổi, bổ sung. Các địa phương còn lại đang tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung quy ước, hương ước theo quy định. Các bản quy ước, hương ước sửa đổi, bổ sung đều loại bỏ những điều lỗi thời như các tập quán lạc hậu, ma to, cưới lớn; đồng thời bổ sung những điểm mới phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp của cộng đồng dân cư, như các tiêu chí về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường tự nhiên, môi trường sống. Ông Lầu Văn Vừ, người cao tuổi có uy tín ở xóm Phú Thọ, xã Phú Đô (Phú Lương) nói ôn tồn: Các quy định trong quy ước, hương ước của xóm đều liên quan đến cuộc sống của bà con, như việc tham gia xây dựng gia đình văn hoá; không sử dụng thuốc trừ sâu bừa bãi trên cây chè, cây ngô; không vi phạm pháp luật và tích cực trồng rừng, bảo vệ rừng.
Từ xóm, tổ dân phố, các quy ước, hương ước quy định quy tắc ứng xử và đều do người dân bàn bạc, tự nguyện thỏa thuận, thiết lập và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận. Ông Nguyễn Huy Tiến, Phó trưởng Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh tâm đắc: Việc xây dựng quy ước, hương ước nhằm để phát huy vai trò tự quản của cộng đồng dân cư; bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp; hạn chế và từng bước loại bỏ phong tục, tập quán lạc hậu; xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng dân cư. Chính vì xuất phát từ thực tế cuộc sống nên quy ước, hương ước tạo dựng được sự đồng tâm lòng người. Việc này, ông Nguyễn Chí Bôn, Trưởng Ban Công tác mặt trận tổ dân phố 13, phương Tích Lương (T.P Thái Nguyên) cho biết: Quy ước, hương ước là do nhân dân xây dựng, thống nhất thực hiện, nên người dân tuân thủ, chấp hành nghiêm chỉnh, như việc tham gia đóng góp các quỹ ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, quỹ Vì Người nghèo, xây dựng nhà văn hoá, làm đường bê tông, khuyến học… đều huy động được sự ủng hộ của nhân dân với tỷ lệ cao. Đặc biệt là Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” đang từng ngày lan tỏa, phát triển sâu rộng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần trong nhân dân. Còn bà Lý Thị Quân, Trưởng Ban Công tác mặt trận xóm Đầm Mương 15, xã Minh Đức (T.X Phổ Yên) nói mộc mạc: Miền Đầm Mương có 4 xóm: Đầm Mương 12, Đầm Mương 13, Đầm Mương 14, Đầm Mương 15 có hơn 90% dân số là người dân tộc Sán Dìu. Tham gia Phong trào xây dựng gia đình văn hoá, xóm văn hoá, tại từng xóm đều có quy ước, hương ước riêng để “làm kim chỉ nam” cho mọi công dân phấn đấu thực hiện.
Chuyện xây dựng và thực hiện quy ước, hương ước, nhiều người cao tuổi tâm đắc: Nhà nước có luật pháp; xóm, tổ dân phố có quy ước, hương ước. Quy ước, hương ước chính là cách quản lý, chấp hành pháp luật hiệu quả nhất từ cơ sở. Vậy dân gian mới có câu: “Đất có lề, quê có thói”, hay như “Phép vua thua lệ làng”. Đương nhiên đó là các quy định phù hợp với từng giai đoạn cụ thể. Nhưng đó là một bằng chứng về sức mạnh của quy ước, hương ước… Chuyện rằng, thời kỳ Pháp thuộc, chính quyền thực dân có hai điều sợ ở Việt Nam: Thứ nhất là tổ chức đồn điền kháng chiến; thứ hai là sợ hương ước làng xã. Giặc Pháp muốn bỏ hương ước, nhưng không được, vì những quy định trong hương ước đã ngấm sâu vào cuộc sống của nhân dân rồi. Ông Đặng Văn Chu, Trưởng xóm Khe Khoang, xã Yên Ninh (Phú Lương) cho biết: Xóm có 74 hộ, 100% số hộ là người dân tộc Dao. Nhờ có quy ước, hương ước nên bà con đã loại bỏ dần một số các phong tục tập quán lạc hậu, tích cực lao động sản xuất để ổn định cuộc sống và đăng ký tham gia xây dựng gia đình văn hoá.
Theo Đại tá Nguyễn Văn Vui, Phó Giám đốc Công an tỉnh, thành viên Ban Chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”: Từ cơ sở, quy ước, hương ước định hướng, khuyến khích cho người dân phát huy tinh thần làm chủ, tham gia các hoạt động phong trào; đồng thời là chiếc barie ngăn chặn kịp thời những biểu hiện tiêu cực, bất lợi cho cộng đồng xã hội. Nhờ đó, Phong trào “bén rễ” sâu vào lòng dân, nên được duy trì hoạt động có hiệu quả và phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân trong công tác xây dựng Phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc và phòng ngừa, tấn công, trấn áp tội phạm, tệ nạn xã hội. Trên địa bàn tỉnh hiện có 28 loại mô hình quần chúng làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, với 7.148 tổ chức quần chúng, trong đó có 29 cụm an ninh khu vực; 3.293 tổ hòa giải; 1.401 tổ, đội tự quản; 1.641 tổ an ninh nhân dân; 274 tổ tự quản về trật tự an toàn giao thông và 511 các tổ chức quần chúng khác. Mọi hoạt động của các mô hình ở cơ sở đều được quy định trong quy ước, hương ước và đúng quy định pháp luật Nhà nước.
Bà Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch chia sẻ: Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” ngấm sâu vào đời sống xã hội là bởi từ cơ sở, Ban Chỉ đạo Phong trào các cấp phát huy được tinh thần dân chủ, công khai trong xây dựng, triển khai thực hiện quy ước, hương ước. Đặc biệt là việc thực hiện quy ước, hương ước đã được UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo Phong trào các cấp quan tâm thực hiện. Đẩy mạnh công tác phối hợp liên ngành để hướng dẫn quy trình, thủ tục, thẩm định và quản lý tốt chất lượng quy ước, hương ước phù hợp với tinh thần bảo vệ quyền con người. Góp phần phát huy thuần phong, mỹ tục, đề cao các chuẩn mực đạo đức truyền thống, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội tại địa phương.
Xóm, phố có quy ước, hương ước cũng giống như cơ quan Nhà nước có nội quy, quy chế hoạt động. Tuy quy ước, hương ước cũng như nội quy, quy chế không đề cập đến việc… phạt tù, phạt tiền người vi phạm. Nhưng “nó” thực sự có sực mạnh, vì “nó” có tác dụng trực tiếp điều chỉnh các hành vi của người liên quan, ngăn chặn kịp thời những thói hư, tật xấu từ cơ sở; đồng thời khuyến khích, cổ vũ người tham gia chấp hành tốt. Đó chính là kỷ luật - kỷ luật nghiêm sẽ làm nên sự đồng thuận trong cộng đồng người. Tạo được niềm tin tưởng sâu sắc từ lòng dân. Vì thế lòng dân ổn định, tin tưởng vào sự đổi mới của Đảng, Nhà nước và tích cực tham gia xây dựng gia đình văn hoá; xóm, tổ dân phố văn hoá. Chính vì thế mà những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” phát triển mạnh, có chiều sâu. Kết quả phong trào, số hộ đạt gia đình văn hoá; số xóm, tổ dân phố đạt chuẩn văn hoá năm sau luôn cao hơn năm trước. Nếu như năm 2016, toàn tỉnh có hơn 270.000 hộ đạt; hơn 2.500 xóm, tổ dân phố đạt chuẩn văn hoá, thì đến hết năm 2018, qua bình xét, chấm điểm thi đua có gần 286.000 hộ đạt; gần 2.500 xóm, tổ dân phố đạt chuẩn văn hoá. Năm 2019, toàn tỉnh có gần 305.000 hộ đăng ký đạt gia đình văn hoá; gần 2.800 xóm, tổ dân phố đăng ký đạt chuẩn văn hoá. Đó là bằng chứng sinh động về kết quả triển khai,thực hiện một Phong trào lớn của tỉnh và cả nước từ nhiều năm trở lại đây.
Phạm Ngọc Chuẩn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...