Thứ hai, ngày 21 tháng 10 năm 2024
10:36 (GMT +7)

“Quy hoạch là để cho báo chí phục vụ tốt nhất công chúng của mình”

VNTN - Báo Văn nghệ Công an vừa lấy ý kiến của một số văn nghệ sĩ về hoạt động của báo chí văn nghệ địa phương và việc thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định phê duyệt ngày 03/4/2019. Tổng biên tập báo Văn nghệ Thái Nguyên, nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh được mời tham gia trao đổi về các nội dung này.

VNTN trân trọng đăng lại nội dung (đầy đủ) cuộc trao đổi của Tổng biên tập Nguyễn Thúy Quỳnh và phóng viên báo Văn nghệ Công an để quý bạn đọc cùng chia sẻ. Tên bài do Tòa soạn đặt. 

Thưa nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh! Mấy năm gần đây, Báo Văn nghệ Thái Nguyên đã vươn lên, trở thành một địa chỉ văn nghệ đáng tin cậy, thu hút được bạn viết, bạn đọc trong cả nước. Là Tổng biên tập, chị có thể chia sẻ những yếu tố làm nên thành tích đó?

Nếu coi những gì Văn nghệ Thái Nguyên đã làm được trong thời gian qua là thành công thì chúng tôi nghĩ thành công ấy dựa trên những yếu tố sau đây:

Hướng về độc giả. Tôn trọng quyền lợi của độc giả. Việc tưởng chừng rất hiển nhiên của các loại hình báo chí, thì trớ trêu thay, lại luôn là vấn đề gây ra nhiều tranh cãi trong hệ thống báo chí văn nghệ địa phương. Xung quanh việc “báo/tạp chí của Hội VHNT tỉnh phục vụ ai - độc giả hay hội viên?”, thường dẫn đến bất đồng giữa nội bộ tổ chức Hội, giữa tòa soạn và hội viên, cộng tác viên. Việc Văn nghệ Thái Nguyên xác định lấy độc giả, lấy người dân làm đối tượng phục vụ chính, chứ không phải chỉ mấy trăm hội viên của Hội, đã chi phối cơ cấu nội dung, hình thức thể hiện của tờ báo. Độc giả đa dạng, đủ các nghề nghiệp, lứa tuổi, vùng miền, sở thích… nên cơ cấu nội dung, chuyên mục thế nào để ai cũng có thể tìm được một hứng thú khi đọc báo, là điều chúng tôi luôn cố gắng.

 

Chủ động vượt qua ranh giới địa phương về thông tin. Độc giả địa phương cũng có quyền và có nhu cầu được tiếp cận thông tin - nhất là thông tin thuộc phạm trù mỹ học - trên phạm vi cả nước, thậm chí xa hơn nữa; chứ đâu chỉ giới hạn ở ranh giới địa lý? Họ luôn có nhu cầu được chia sẻ các vấn đề thuộc về đời sống, về văn học nghệ thuật mang tính quốc gia, toàn cầu. Chúng tôi thường cố gắng lựa chọn các vấn đề như vậy, và nhiều khi bằng cách nào đó kết nối với địa phương trong một mối liên quan nhất định.

Với phương châm “Nhân văn - Trí tuệ - Phát triển”, chúng tôi đã xây dựng và phát triển Văn nghệ Thái Nguyên theo tinh thần mở, vừa hội tụ vừa lan tỏa. Chúng tôi không đóng Văn nghệ Thái Nguyên trong cái khuôn báo địa phương, chúng tôi lấy Thái Nguyên là điểm nhìn để nhìn ra đất nước, nhìn ra thế giới.

Lấy chất lượng làm giá trị của tờ báo. Việc tổ chức bài vở, tuyển chọn, biên tập cố gắng chặt chẽ, kỹ lưỡng ở mức tốt nhất có thể. Chúng tôi thường nhắc nhau rằng, đối tượng phục vụ của chúng ta là đông đảo người đọc, nhưng trong số đông đảo ấy luôn có những độc giả uyên bác và kỹ tính nhất, luôn có những yêu cầu khắt khe. Luôn hướng đến họ, đại diện cho họ để lựa chọn những gì đưa lên mặt báo. Họ mà hài lòng là chúng ta thành công.

Lấy chất lượng làm giá trị thì phải vượt qua những “ưu tiên” mang tính đặc lợi của một số ít hội viên coi báo chí văn nghệ hội tỉnh là “ao nhà”. Văn nghệ sĩ địa phương cũng phải chấp nhận “cạnh tranh” với những cây bút chất lượng ở ngoài địa phương, để in được trên mặt báo. Sự “cạnh tranh” ấy hoàn toàn lành mạnh và tích cực, nó thúc đẩy người sáng tác phải nâng mình lên, để theo kịp bầu bạn văn chương, đặc biệt là theo kịp nhu cầu thưởng thức của công chúng. Còn nếu anh không theo kịp bầu bạn của mình thì anh bị tụt lại thôi.

Có nhiều bạn làm báo văn nghệ ở địa phương than rằng, các lãnh đạo địa phương thường chỉ quan tâm đến tờ báo Đảng và truyền hình thôi, còn tờ văn nghệ thì nhiều khi trong mắt các lãnh đạo là có cũng được mà không có cũng được, chị chia sẻ gì về điều này?

Tôi cũng đang muốn nói đến điều đó. Bên cạnh nỗ lực của đội ngũ trực tiếp làm báo, sự ủng hộ của bạn đọc và bạn viết, thì Văn nghệ Thái Nguyên có sự ủng hộ rất lớn của tỉnh, trực tiếp là cấp ủy, chính quyền, các ban ngành. Trước hết là cơ chế, sau đó là kinh phí. Thường trực Tỉnh ủy Thái Nguyên, qua tham mưu của Ban Tuyên giáo, đã đặt mua báo Văn nghệ Thái Nguyên cấp phát đến các chi bộ cơ sở. Báo Văn nghệ Thái Nguyên trở thành một kênh truyền thông hữu hiệu về văn hóa, văn học nghệ thuật đến tận cơ sở. Báo đến với dân nên nội dung, hình thức cũng vì thế mà gần gũi với dân hơn.

Sự ủng hộ ấy - từ đội ngũ làm công tác tham mưu cho đến những người ra quyết định ở cấp cao nhất của địa phương - xuất phát từ sự trân trọng giá trị của văn học nghệ thuật trong đời sống văn hóa tinh thần của xã hội, từ việc đánh giá đúng vai trò, vị trí của tờ báo văn nghệ ở địa phương. Đó thực sự là may mắn của chúng tôi. Không phải tỉnh nào cũng làm được như vậy.

Theo Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 thì mỗi tỉnh chỉ còn một tờ báo Đảng và một tạp chí văn nghệ. Chị nghĩ thế nào? Báo Văn nghệ Thái Nguyên có vướng mắc gì không?

Vâng, theo Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 thì mỗi tỉnh chỉ còn một tờ báo và một tạp chí văn nghệ. Điều đó cho thấy sự ưu ái của Đảng, Nhà nước đối với báo chí văn nghệ và văn nghệ sĩ nước nhà. Vậy là trong khi phần lớn các cơ quan báo chí (ngoài hệ thống báo Đảng) phải đối diện với tình thế “tồn tại hay không tồn tại” thì báo chí văn nghệ ung dung “kê cao giấc lành”. Nhưng nếu vì thế mà dễ dàng hài lòng với hiện trạng, không tự đổi mới, không đồng hành với đời sống xã hội, cứ quẩn quanh trong cái tháp ngà văn nghệ thì sự ưu ái quý giá ấy xem như lãng phí rồi.

Với Văn nghệ Thái Nguyên, việc thực hiện quy hoạch lại có khả năng dẫn đến những thách thức rất lớn khác.

Đó là: từ khi ra đời (1991) đến nay, Văn nghệ Thái Nguyên đã là BÁO chứ không phải TẠP CHÍ. Vì là BÁO nên từ việc tổ chức bộ máy, đến đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực (cơ hữu cũng như cộng tác viên)… cũng chọn trên đặc thù đó. Vì là BÁO nên độc giả Văn nghệ Thái Nguyên cũng là độc giả BÁO, nghĩa là rộng rãi công chúng chứ không phải độc giả TẠP CHÍ - tạm hiểu như là một nhóm xã hội nhất định, có nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu chuyên sâu về một/nhiều lĩnh vực nào đó. Vì thế, cơ cấu nội dung (bài vở chuyên mục...) được xây dựng phù hợp với độc giả của mình.

Hệ thống báo chí văn nghệ địa phương của cả nước có 7 tờ báo văn nghệ, trong đó có 3 tuần báo, gồm Người Hà Nội, Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh và Văn nghệ Thái Nguyên. Còn lại là các tạp chí. Các bộ, ban ngành hữu quan làm quy hoạch đã bỏ chung 7 tờ báo này vào một khối tên là Tạp chí văn nghệ địa phương.

Tôi không biết liệu người ta có thể chuyển toàn bộ nội dung, phong cách một tờ báo sang một hình thức khác hoàn toàn (khuôn khổ, số trang, kỳ xuất bản, cách thiết kế,…), chỉ để thực hiện cho đúng quy hoạch? Sẽ phải thay đổi chuyên môn nghiệp vụ của cả một đội ngũ cho phù hợp với "cái áo mới"? Nhưng điều lo ngại nhất của chúng tôi là: liệu bạn đọc cùng đội ngũ cộng tác viên có còn đồng hành với chúng tôi trong "cái áo mới" ấy?

Tôi vẫn tin rằng, quy hoạch, cùng với việc để quản lý tốt hệ thống báo chí quốc gia, là để cho báo chí phục vụ tốt nhất công chúng của mình. Vì vậy, hy vọng trong quá trình lãnh đạo, tổ chức thực hiện quy hoạch, các cơ quan hữu quan có sự cân nhắc đến đặc thù và lịch sử phát triển của từng cơ quan báo chí, gắn với nhu cầu của địa phương, đặc biệt là đối tượng phục vụ (công chúng) của cơ quan báo chí đó, để có những quyết định phù hợp với thực tiễn.

Cảm ơn chị với những chia sẻ ngày hôm nay.

Khánh Hà (thực hiện)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy