Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
12:43 (GMT +7)

Quốc khánh 2-9: cột mốc lịch sử vĩ đại của dân tộc

VNTN - Năm 1789, thi sĩ đương thời là Ngô Ngọc Du đã miêu tả lại cảnh tưng bừng náo nhiệt của nhân dân thành Thăng Long khi đất nước sạch bóng quân Thanh xâm lược: “Mây tạnh mù tan trời lại sáng/ Đầy thành già trẻ mặt như hoa/ Chen vai thích cánh cùng nhau nói: Cố đô vẫn thuộc núi sông ta”. Năm 1945, chàng thanh niên 19 tuổi, sau này là người lãnh đạo có uy tín và từng lãnh trọng trách người đứng đầu Thành phố Sài Gòn - Gia Định một số thời kỳ, nhà thơ Hưởng Triều (Trần Bạch Đằng) đã cảm xúc về ngày độc lập của dân tộc: “Xin chào cách mạng thành công/ Sài Gòn như ngọn thác hồng đổ xuôi/ Ngàn năm có một ngày vui/ Đùng đùng chuyển đất rung trời là đây/ Lưng chừng Thủ Ngữ cờ bay/ Miệng reo mà tưởng đang say mơ màng/ Nước này tên nước Việt Nam/ Chạy từ cửa ải Nam Quan chạy vào/ Cờ này nền đỏ vàng sao/ Là cờ độc lập, tự hào, tự do…” (Chào cách mạng).


Nữ du kích, tự vệ và Giải phóng quân ở chiến khu về Hà Nội dự lễ độc lập, ngày 2/9/1945. Ảnh tư liệu lịch sử.

  1. Trong suốt lịch sử mấy nghìn năm của dân tộc, cha ông chúng ta đã bao lần phải đứng lên để chống ngoại xâm, giành độc lập cho Tổ quốc. Có lẽ vì vậy mà dân tộc Việt Nam có rất nhiều bản hùng ca chăng? Chúng ta vẫn nghe văng vẳng đâu đây những khúc ca khải hoàn ấy! Đó là bản hùng ca của ngày chiến thắng quân Nguyên xâm lược: “Xã tắc hai phen chồn ngựa đá/ Non sông nghìn thuở vững âu vàng.” (Trần Nhân Tông). Đó là “Xã tắc từ đây vững bền/ Giang sơn từ đây đổi mới” (Nguyễn Trãi - Bình Ngô đại cáo) v.v.. Hẳn nhiên, thắng lợi càng nhiều thì khổ đau càng lớn, thế nhưng khát vọng lớn nhất của dân tộc Việt Nam vẫn là khát vọng hòa bình, vậy nên, “Dẫu thân mình có phải hi sinh/ Cũng chỉ vì trường xuân cho đất Việt” (Phạm Thị Xuân Khải - Mùa xuân nhớ Bác).

Nửa cuối thế kỷ XIX, nước Việt Nam đang yên lành bỗng một cơn gió lạ từ đâu thổi tới mang theo mùi khói súng khét lẹt: “Một xã hội suốt mấy nghìn năm kéo dài một cuộc sống gần như không thay đổi, về hình thức cũng như về tinh thần… Nhưng, nhất đán, một cơn gió mạnh bỗng từ xa thổi đến. Cả nền tảng xưa bị một phe điên đảo, lung lay. Sự gặp gỡ phương Tây là cuộc biến thiên lớn nhất trong lịch sử Việt Nam từ mấy mươi thế kỷ” (Hoài Thanh, Hoài Chân - Thi nhân Việt Nam”. Năm 1858, thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, năm 1884, với Hòa ước Patenôtre, nước Việt Nam hoàn toàn nằm trong tay người Pháp đô hộ. Sĩ khí của bao lớp cha ông anh hùng không chống nổi vũ khí tối tân của quân thù. Thế rồi lớp vào tù, lớp ra pháp trường ròng rã hơn 80 năm, hơn 80 năm là hơn 4 thế hệ. Còn nỗi đau, nỗi nhục nào lớn hơn.

Vì những khổ đau chất chứa hơn 80 năm ấy, nên ngày 2/9/1945 cả dân tộc đã mừng vui đón chào ngày độc lập. Cũng giống như nhà thơ Hưởng Triều, một nhà cách mạng lớn ở Sài Gòn, ở Nam Bộ là Nguyễn Văn Nguyễn, Ủy viên Xứ ủy Nam Bộ đã cảm tác về ngày vui đặc biệt này: “Dưới cảnh trời lộng mây, làn sóng triệu triệu người cuồn cuộn chảy vào đô thị. Chiến tranh vừa chấm dứt. Nhân loại thở hồi dài. Người nô lệ đi ra đường. Cỏ cây, đất nước được giải phóng. Một tác phẩm xuất hiện. Không phải công trình vô vi của anh hùng cô độc. Một tác phẩm của nhân dân, làm bằng máu thịt của nhân dân, anh hùng là nhân dân”.

  1. Lâu nay, cứ đến ngày này, lại xuất hiện những bài viết xuyên tạc với dụng ý xấu, trong đó có quan điểm cho rằng không cần có cuộc Cách mạng Tháng Tám rồi Việt Nam cũng sẽ giành được độc lập. Đó không chỉ là những luận điệu xuyên tạc mà còn vô ơn đối với các thế hệ cha ông. Hãy nhìn lại lịch sử Việt Nam kể từ khi người Pháp đô hộ, họ đã làm gì cho đất nước chúng ta. Xin đừng kể cầu Long Biên, cầu Trường Tiền, cầu Bình Lợi, xin đừng kể đường sắt Bắc - Nam… Lịch sử luôn luôn vận động, biến đổi không ngừng, theo theo chiều hướng tiến bộ và sự vật sau bao giờ cũng hoàn thiện hơn sự vật trước, đó là lẽ thường. Hơn 80 năm đô hộ, nếu người Pháp chỉ làm được từng ấy cho Việt Nam, thử hỏi có đáng được ngợi ca? Đó là chưa kể, trong từng sự việc cụ thể đều có những câu chuyện riêng lắt léo ẩn sau đó. Tất cả các công trình được xem là công lao của người Pháp nêu trên được xây dựng dưới thời Toàn quyền Paul Doumer (1897 - 1902). Một học giả đất Nam Bộ là Vương Hồng Sển, người từng làm Thư ký Phủ Thống đốc Nam Kỳ, người tuyên bố đã biết gần đủ mặt các Toàn quyền, Thống đốc của người Pháp, trong tác phẩm “Dỡ Mắm” cho rằng trong tất cả những vị toàn quyền Đông Dương, ông đều “bốc… xong đi rửa tay”, chỉ riêng một người ông “bốc thơm”, đó là Toàn quyền Paul Doumer. Vậy thì với những công trình nêu trên mà người Pháp làm cho Việt Nam chẳng qua cũng nhờ đức tính tốt của quan Toàn quyền Paul Doumer chứ đâu phải là chủ trương chung của chính phủ thực dân khi ấy?

“Thuở nô lệ thân ta nước mất/ Cảnh cơ hàn, trời đất tối tăm/ Một đời đau suốt trăm năm/ Chim treo trên lửa cá nằm dưới dao/ Giặc cướp hết non cao biển rộng/ Cướp cả tên nòi giống tổ tiên/ Lưỡi gươm cắt đất ngăn miền/ Núi sông một khúc ruột liền chia ba (Tố Hữu). Đó là tình cảnh của dân tộc Việt Nam khi mất nước. Hơn 80 năm đô hộ thực dân Pháp đã làm gì cho dân tộc chúng ta? Họ đã đẩy biết bao người Việt thành những anh Pha, chị Dậu, lão Hạc v.v.. Đó là sự thật! Trong “Tuyên ngôn độc lập”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu. Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân. Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược…”. Đó là tình cảnh của nhân dân Việt Nam “được” cai trị bởi những nhà “Khai sáng văn minh” đến từ đất nước đã ra đời câu tuyên ngôn nổi tiếng “Tự do - Bình Đẳng - Bác ái”. Tự xưng là bảo hộ nước Việt Nam, tự xưng là nước “mẹ” đại Pháp, vậy mà ngày 9/3/1945, sau tiếng súng đảo chính của phát xít Nhật, “mẹ” đã chạy dài để rồi sau đó quay trở lại cấu kết với phát xít Nhật bóc lột dân ta. Thảm họa hơn 2 triệu đồng bào Việt Nam chết đói cuối năm 1944 đầu năm 1945 là tội ác mà “trời không dung, đất không tha”.

Không riêng gì dân, những người cộng tác với thực dân Pháp và phát xít Nhật, nhiều người cũng chả sung sướng gì. Cũng trong “Dỡ mắm”, cụ Vương Hồng Sển kể 2 câu chuyện về tình cảnh của những người được gọi là thân Pháp, Nhật. Chuyện thứ nhất, một điền chủ ở Sóc Trăng mắc nợ ngân hàng 15.000 đồng không thể trả, ngân hàng giao hồ sơ cho luật sư Tây lôi chủ điền ra tòa. Tòa ra lệnh phát mãi đám ruộng 100 mẫu Tây, ra giá 150 đồng, không ai trả giá cao hơn. Tòa tuyên tịch thu sở ruộng giao cho ngân hàng giá 150 đồng trừ trong số tiền nợ 15.000, chủ ruộng còn nợ 14.850 đồng. Thế rồi, cụ Vương hạ câu kết: “Không làm cách mạng đánh đổ chế độ ấy chịu sao được”. Chuyện thứ 2, một đốc phủ, năm 1945 sau khi Nhật đảo chính Pháp được làm chủ tỉnh Cà Mau. Một buổi sáng binh Nhật xông vào nhà, bà vợ chủ tỉnh mất đồng hồ đeo tay, bà tri hô kẻ lấy cắp và chỉ đích danh tên lính Nhật. Khi xét trong người tên lính Nhật không thấy bởi hắn đã nhanh chóng quăng phi tang lên nóc mùng. Thế rồi tên lính Nhật dọa không “rửa nhục” cho y, y sẽ tự sát, rốt cuộc, đốc phủ chủ tịch tỉnh bị xử bắn”.

Thậm chí, Tổng trưởng Nội các Đế quốc Việt Nam (Chính phủ Trần Trọng Kim) là Trần Trọng Kim trong hồi ký “Một cơn gió bụi” đã than phiền rằng mặc dù làm Thủ tướng nhưng ông cũng không có toàn quyền quyết định mà đều phải xin ý kiến quyết định từ người Nhật. Chính ông Trần Trọng Kim đã nhìn ra bản chất thật của Phát xít Nhật nên đã viết trong hồi ký “Người Nhật tuy dùng khẩu hiệu “đồng minh cộng nhục” và lấy danh nghĩa “giải phóng các dân tộc bị hà hiếp” nhưng thâm ý là muốn thu hết quyền lợi về mình”. Ngày 30/8/1945, trong Chiếu thoái vị để trao quyền cho Chính phủ Dân chủ Cộng hòa, vua Bảo Đại đã viết: “Riêng Trẫm trong 20 năm Ngai vàng bệ ngọc, đã biết bao lần ngậm đắng nuốt cay. Từ nay Trẫm lấy làm vui được làm dân một nước độc lập, quyết không để ai lợi dụng danh nghĩa của Trẫm hay danh nghĩa của hoàng gia mà lung lạc quốc dân nữa”.

  1. Không phải sau ngày 2/9/1945 người Pháp đã chịu công nhận nền độc lập của Việt Nam. Sài Gòn và Nam Bộ chỉ được hưởng nền độc lập đúng 21 ngày để rồi cả miền Nam, cả dân tộc lại bước vào cuộc chiến đấu mới. Thực dân Pháp vẫn âm mưu quay trở lại đô hộ Việt Nam một lần nữa và họ đã dựng lên chính phủ với tên gọi là “Nam Kỳ quốc” với Thủ tướng là bác sỹ Nguyễn Văn Thinh. Và, đây là những dòng trong hồi ký của nhà báo Nam Đình, Đổng lý Văn phòng Bộ Tư pháp Chính phủ Trần Trọng Kim: “Chính phủ Thinh không hoạt động được gì, vì Pháp không cho họ một chút quyền nào. Còn các bộ trưởng thì lại là…bù nhìn của 2 người Pháp làm đổng lý văn phòng và chủ sự! Mọi việc gì cũng do đổng lý và chủ sự Pháp định đoạt (…). Thậm chí, muốn xin một cây súng lục cho đổng lý văn phòng, bác sỹ Thinh phải tự mình đến bót mật thám ở Catinat mà xin và phải ngồi chờ chủ sự Pháp, cũng như thường dân đi xin giấy tờ vậy! Thương hại thay!”. Và vì bác sỹ Nguyễn Văn Thinh vẫn còn liêm sỷ của người trí thức, nên sau khi biết mình bị lừa đã thắt cổ tự tử.

Tiếp nối truyền thống, khát vọng và quyết tâm của cha ông, ngày 2/9/1945, trong “Tuyên ngôn độc lập”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Suốt lịch sử hàng ngàn năm của mình, dân tộc Việt Nam đã viết nên những trang sử vàng trong sự nghiệp chống ngoại xâm, giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước. Trong những trang sử huy hoàng ấy của dân tộc, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là dấu mốc vẻ vang, vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

Ngọc Anh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy