Chủ nhật, ngày 20 tháng 10 năm 2024
08:25 (GMT +7)

Quốc hội tổng rà soát lời hứa của các “tư lệnh ngành”

VNTN - Quốc hội khoá XIV vừa qua tuần làm việc thứ nhất, với những kế hoạch lớn cho cả giai đoạn 5 năm tới đã được đặt lên bàn nghị sự.

Khai mạc kỳ họp trong bối cảnh miền Trung oằn mình trong lũ dữ, trong hành trình cứu nạn, một vị đại biểu Quốc hội đương nhiệm đã hy sinh, Quốc hội đã chia sẻ sâu sắc với mất mát to lớn của miền Trung, Chính phủ cũng "hứa" sẽ làm hết sức mình để ổn định đời sống cho Nhân dân. Ngay trong lúc kỳ họp diễn ra, một số vị đại biểu kiêm nhiệm là lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo địa phương vẫn phải tranh thủ thời gian lo chỉ đạo giải quyết hậu quả lũ lụt và những vấn đề cấp bách khác.

Nhưng, là kỳ họp cuối năm của năm cuối nhiệm kỳ, Quốc hội không chỉ xem xét các vấn đề ngắn hạn, mà còn tiến hành "tổng rà soát" kết quả việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII. Theo đánh giá chung của Chính phủ thì thời gian qua, Chính phủ, các Bộ, ngành đã nghiêm túc triển khai các Nghị quyết của Quốc hội và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều việc đã hoàn thành, cơ bản hoàn thành; một số việc mang tính chất thường xuyên, lâu dài đang được triển khai tích cực và cũng có những việc triển khai còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra do có bất cập trong cơ chế, chính sách, việc triển khai chưa quyết liệt, chưa đồng bộ, thiếu nguồn lực cần thiết và cần có thời gian.

Các đại biểu dự kỳ họp quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng bởi lũ lụt

Khoảng 20 ngày trước phiên khai mạc, báo cáo kết quả thực hiện của từng lĩnh vực đã được Chính phủ gửi đến các vị đại biểu Quốc hội. Người thừa ủy quyền ký các báo cáo này là các vị "tư lệnh ngành", đã từng trực tiếp trả lời chất vấn trước Quốc hội. Các cơ quan của Quốc hội theo lĩnh vực được phân công tiến hành thẩm tra kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội. Dù dung lượng dành cho phần hạn chế, yếu kém tại các báo cáo có khác nhau, nhưng có thể khẳng định không một vị nào hoàn thành trọn vẹn tất cả các nhiệm vụ được đặt ra tại yêu cầu của Quốc hội.

BOT vướng mắc

Lấy ví dụ hai lĩnh vực có liên quan đến dự án trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Một là liên quan đến Trạm thu phí trên quốc lộ 3 (thu phí hoàn vốn cho Dự án BOT xây dựng đường Thái Nguyên - Chợ Mới và cải tạo nâng cấp quốc lộ 3 đoạn Km75 - Km100).

Từ 2018 Quốc hội đã yêu cầu rà soát toàn bộ hệ thống trạm thu phí BOT giao thông và sớm xử lý dứt điểm tồn tại, bất cập, vướng mắc trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân, Nhà nước và nhà đầu tư. Nhưng đến tận tháng 10/2020, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể báo cáo Quốc hội rằng, Bộ Giao thông vận tải đã làm việc với Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên để thống nhất về phương án giảm giá. Đến nay, phương án giảm giá đã được thống nhất, các cơ quan chức năng của Bộ Giao thông vận tải và tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức tuyên truyền rộng rãi dưới nhiều hình thức đến các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, theo ý kiến của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên, còn một bộ phận nhân dân chưa đồng tình, thường xuyên tụ tập phản đối tại Trạm thu phí, Ban Tiếp công dân của tỉnh, yêu cầu dỡ bỏ Trạm thu phí và được đối thoại với cấp có thẩm quyền. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đã làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên để thống nhất phương án bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông trước khi cho phép nhà đầu tư tổ chức thu phí tại trạm quốc lộ 3 theo phương án miễn, giảm giá đã thống nhất. Tuy nhiên, theo ý kiến của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên sẽ có thể phát sinh các tình huống phức tạp về an ninh trật tự, an toàn giao thông khi triển khai thu phí, Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan có giải pháp để hạn chế tối đa phát sinh các tình huống phức tạp. Trường hợp quá khó khăn, Bộ Giao thông vận tải sẽ dừng thu phí và báo cáo Thủ tướng Chính phủ bố trí nguồn vốn nhà nước thanh toán cho nhà đầu tư và xóa trạm trên quốc lộ 3.

Nhìn rộng ra cả nước thì việc xử lý 4 trạm thu phí bị người dân phản đối quyết liệt đã tồn tại từ năm 2017 đến nay, là trạm Bỉm Sơn, trạm thu phí trên Quốc lộ 3, trạm T2 và trạm La Sơn - Tuý Loan cũng vẫn đang dậm chân tại chỗ.

Gang thép vẫn dở dang

Một dự án khác cũng khiến cho Thái Nguyên "nổi tiếng" hơn, đó là Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy Gang thép Thái Nguyên, một trong các dự án thua lỗ ngàn tỷ của ngành công thương, kỳ họp nào cũng được nhắc tới tại nghị trường.

Theo yêu cầu của Quốc hội thì đến năm 2020 phải xử lý dứt điểm các doanh nghiệp vi phạm pháp luật, để thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước, các dự án đầu tư chậm tiến độ, kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài. Quốc hội cũng yêu cầu không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý thua lỗ của doanh nghiệp.

Vào cuối năm 2018, trong phiên họp toàn thể của Quốc hội, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đại biểu Hoàng Văn Hùng từng sốt ruột khi Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy Gang thép Thái Nguyên dừng từ năm 2013, tính đến thời điểm 31/5/2018, Công ty đã phải trả gốc và lãi là 1.313 tỷ đồng. Từ đầu năm 2017 đến cuối năm 2018, mỗi tháng Công ty phải trả cho ngân hàng khoảng 47 tỷ đồng.

Hai năm nữa đã trôi qua, kết quả xử lý dự án này cũng chẳng có gì lạc quan. Gộp cả 2 dự án của Tổng Công ty Thép Việt Nam (Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên, Dự án Nhà máy Thép Việt Trung), Chính phủ cho biết, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước đã có công văn số 108/UBQLV-TH ngày 17/4/2020 chỉ đạo Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) rà soát, hoàn thiện phương án xử lý đối với Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên, Dự án Nhà máy Thép Việt Trung, trong đó xem xét việc mời Công ty TNHH mua bán nợ Việt Nam (DATC) cùng tham gia phương án tái cơ cấu. Kết quả cuối cùng mới được dừng ở đó.

Quốc hội dành 2,5 ngày "tổng chất vấn"

Theo chương trình kỳ họp thứ 10 đã được Quốc hội thông qua, tại kỳ họp này Quốc hội sẽ dành 2,5 ngày (ngày 6/11, ngày 9/11 và sáng 10/11) để nghe báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII, sau đó chất vấn trực tiếp các vấn đề đại biểu quan tâm. Chất vấn liên quan đến bộ trưởng, trưởng ngành nào thì người đó sẽ trả lời trực tiếp trước Quốc hội.

Vĩnh An

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy