Chủ nhật, ngày 20 tháng 10 năm 2024
08:27 (GMT +7)

Quốc hội không “chợ chiều”, không “xuôi chiều”

VNTN - Lúc này, các vị đại biểu Quốc hội khoá XIV đã tỏa về các địa phương tiếp xúc cử tri báo cáo kết quả kỳ họp thứ 10, kỳ họp gần cuối nhiệm kỳ, nhưng Quốc hội đã không có cảnh "chợ chiều" và "xuôi chiều".

 

Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên (bên phải) cùng các đại biểu bấm nút biểu quyết tại Kỳ họp.

Có thể nói, hai ngày cuối của kỳ họp (16 và 17 tháng 11) đã để lại dấu ấn sâu đậm trong công tác lập pháp, khi một Quốc hội tranh luận đã hiện rõ mồn một, khi đa số đại biểu đã không tán thành tách nội dung bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ ra khỏi Luật Giao thông đường bộ hiện hành và cũng chưa đồng ý ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, hai dự luật đều do Bộ Công an chủ trì soạn thảo. Trước đó, qua hai đợt họp trực tuyến và trực tiếp, Quốc hội đã đặt lên bàn nghị sự một khối lượng công việc khổng lồ với 7 luật và 13 nghị quyết cần được thông qua, nhiều kế hoạch triệu tỷ cần được xem xét. Là kỳ họp gần cuối của nhiệm kỳ nên Quốc hội không chỉ xem xét các báo cáo về kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách của năm nay, quyết định cho năm sau mà còn cho ý kiến bước đầu về dự kiến các mục tiêu chủ yếu, một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, các kế hoạch tài chính 5 năm, đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Hoạt động chất vấn cũng rộng hơn, giám sát một cách toàn diện việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII. Các thành viên Chính phủ, trong đó có 3 Phó Thủ tướng Chính phủ và 15 Bộ trưởng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã đăng đàn trả lời hàng trăm chất vấn trực tiếp của đại biểu Quốc hội. Cuối phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ đã phát biểu làm rõ thêm và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về các nội dung thuộc trách nhiệm của Chính phủ.

Công tác nhân sự thường diễn ra ở kỳ họp đầu nhiệm kỳ, song lần này, gần cuối nhiệm kỳ, Quốc hội vẫn làm nhân sự. Quốc hội đã xem xét, bãi nhiệm đại biểu Quốc hội khóa XIV đối với ông Phạm Phú Quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh. Phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc: miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đối với ông Chu Ngọc Anh, chức vụ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với ông Lê Minh Hưng. Bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đối với ông Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Y tế đối với ông Nguyễn Thanh Long, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với bà Nguyễn Thị Hồng. Phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đối với các ông: Trần Hồng Hà, Phạm Quốc Hưng, Ngô Hồng Phúc. Công tác nhân sự được tiến hành chặt chẽ, đúng quy trình, thủ tục theo luật định và đạt được sự đồng thuận cao.

Luật Cư trú được sửa đổi nhằm tiếp tục thể chế hóa quyền tự do cư trú của công dân đã được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận. Luật gồm 7 chương, 38 điều. Một trong những điểm mới quan trọng của Luật là thay đổi phương thức quản lý cư trú từ quản lý bằng Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú sang quản lý điện tử bằng việc sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú có sự kết nối, liên thông trên toàn quốc thông qua việc sử dụng số định danh cá nhân gắn với từng công dân. Theo đó, Luật đã có nhiều cải tiến về điều kiện, thủ tục, cách thức thực hiện việc đăng ký, khai báo, điều chỉnh, cập nhật các thông tin để phục vụ công tác quản lý cư trú theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính. Một số thủ tục như khai báo tạm vắng, thông báo lưu trú có thể được thực hiện trực tiếp tại cơ quan đăng ký cư trú hay qua điện thoại, phương tiện điện tử hoặc phương tiện khác. Luật cũng quy định việc đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đều áp dụng các điều kiện như nhau, không có sự phân biệt giữa địa bàn tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương như hiện tại. Riêng đối với người đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ thì phải đáp ứng điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 08m2sàn/người. Luật cũng cho phép kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng làm giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú cho đến hết ngày 31/12/2022 nhằm có thời gian để người dân quen dần với phương thức quản lý mới và tránh việc dồn áp lực quá lớn cho các cơ quan quản lý, đăng ký cư trú tại thời điểm Luật mới có hiệu lực thi hành...

Trúc Bạch

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy