Chủ nhật, ngày 08 tháng 09 năm 2024
08:27 (GMT +7)

Quốc hội khóa XV và giải pháp chưa có tiền lệ chống dịch

VNTN- Bầu và phê chuẩn nhân sự của bộ máy nhà nước, quyết định những vấn đề lớn về kinh tế xã hội, ngân sách, đó là những việc đã thành thông lệ ở mỗi kỳ họp đầu tiên của mỗi nhiệm kỳ Quốc hội mới.

Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, với kỳ họp thứ nhất bế mạc cuối tháng 7 vừa qua thì khác, khi một quyết định chưa từng có tiền lệ đã được đưa ra, đó là đã trao cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được quyền quyết định những biện pháp đặc biệt để tăng cường chống dịch COVID-19.

Được áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách

Không ban hành nghị quyết riêng, song tăng cường chống dịch COVID-19 là nội dung nổi bật nghị quyết kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Trong phiên bế mạc kỳ họp cả 469 đại biểu tham gia biểu quyết đều đồng tình thông qua nghị quyết có chứa giải pháp đặc biệt này.

Cũng cần nói thêm rằng chương trình kỳ họp được Quốc hội thông qua trong phiên họp trù bị không có nội dung xem xét tờ trình của Chính phủ riêng về phòng chống COVID-19 mà chỉ được trình khi Kỳ họp thứ nhất đã qua gần một tuần làm việc.

Sáng 23/7, đại biểu đồng ý bổ sung, ngay chiều cùng ngày nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra và hôm sau tham gia thảo luận, có thể nói đó là chính sách được xem xét một cách “thần tốc” và hết sức trách nhiệm.

Còn có lo lắng, còn có băn khoăn, nhưng cuối cùng, Quốc hội thống nhất rất cao là để ứng phó kịp thời, có hiệu quả với diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19, sớm ổn định và kiểm soát dịch bệnh, đưa đất nước trở lại trạng thái “bình thường mới”, Quốc hội giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định và chịu trách nhiệm về việc thực hiện một số giải pháp cấp bách.

Đó là được quyết định áp dụng biện pháp hạn chế một số phương tiện, yêu cầu người dân không ra khỏi nơi cư trú trong khoảng thời gian nhất định, tại một số khu vực, địa bàn cần thiết; tổ chức các lực lượng để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong vùng có dịch; biện pháp đặc biệt về thông tin liên lạc và sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc và các biện pháp khác có thể áp dụng trong tình trạng khẩn cấp để ngăn chặn kịp thời dịch bệnh lây lan.

Chính phủ và Thủ tướng cũng được quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp chưa được luật quy định hoặc khác với quy định trong các luật, pháp lệnh hiện hành để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch COVID-19 về áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách trong cấp phép, đăng ký lưu hành, sản xuất, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, hóa chất và đầu tư cơ sở vật chất; mua sắm với số lượng cao hơn nhu cầu thực tế để dự phòng trường hợp dịch bệnh có diễn biến phức tạp, phát sinh.

Đồng thời Quốc hội yêu cầu phải có giải pháp không để xảy ra tiêu cực, hạn chế tối đa lãng phí trong hoạt động này.

Quang cảnh một phiên họp tại Hội trường Diên Hồng

Về nguồn lực tài chính, Quốc hội cho phép thực hiện chuyển nguồn 1.237 tỷ đồng kinh phí chi sự nghiệp y tế còn lại năm 2020 của Bộ Y tế để mua vắc xin phòng dịch COVID-19 và quyết toán vào chi ngân sách nhà nước năm 2021.

Chính phủ cũng được yêu cầu ưu tiên sử dụng ngân sách nhà nước và huy động mọi nguồn lực hợp pháp khác cho công tác phòng, chống dịch COVID-19; quyết định chuyển nguồn kinh phí chi thường xuyên trong dự toán đã được duyệt cho công tác phòng, chống dịch Covid; thay đổi, điều chỉnh nguồn kinh phí ngân sách nhà nước đối với các nhiệm vụ chưa thực sự cần thiết để chi cho công tác phòng, chống dịch. Trong trường hợp cấp thiết, ngân sách trung ương hỗ trợ cho ngân sách địa phương để thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19. Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trước khi thực hiện.

Ngoài các biện pháp nêu trên, trường hợp cần thiết phải ban hành quy định về phòng, chống dịch COVID-19 khác với quy định của luật thì trong thời gian Quốc hội không họp, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định theo trình tự, thủ tục rút gọn trước khi thực hiện.

Nghị quyết còn nêu rõ yêu cầu bảo đảm an sinh xã hội, việc làm, chăm lo sức khỏe và đời sống Nhân dân, đặc biệt là người có công, gia đình chính sách, người nghèo, phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người yếu thế và lực lượng tuyến đầu chống dịch; tiếp tục có biện pháp thiết thực, hiệu quả hỗ trợ cụ thể cho người dân, người lao động, người sử dụng lao động; nghiên cứu thực hiện miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch Covid. Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trước khi thực hiện. Thực hiện tốt chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng dịch COVID-19; huy động mọi nguồn lực, khuyến khích xã hội hóa, phát triển “Quỹ vắc xin”; truyền thông đầy đủ, liên tục, chính xác, minh bạch về tiêm chủng và phòng, chống dịch, sớm đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng.

Nghị quyết còn yêu cầu Chính phủ khẩn trương rà soát, tổng kết các quy định có liên quan đến công tác phòng, chống dịch, công tác khám bệnh, chữa bệnh và các quy định khác có liên quan để kịp thời sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung.

Về thời hạn, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được thực hiện các biện pháp trên cho đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022 và phải báo cáo Quốc hội về việc áp dụng các biện pháp đặc biệt này tại kỳ họp gần nhất.

BAN HÀNH 17 NGHỊ QUYẾT VỀ TỔ CHỨC BỘ MÁY VÀ NHÂN SỰ

Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội đã ban hành 29 Nghị quyết, trong đó có 17 Nghị quyết về tổ chức bộ máy và nhân sự; 11 Nghị quyết chuyên đề (về các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025: phát triển kinh tế - xã hội, tài chính quốc gia và vay, trả nợ công, đầu tư công trung hạn; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019; hai chương trình mục tiêu quốc gia; chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, chương trình giám sát của Quốc hội, thành lập Đoàn giám sát chuyên đề năm 2022) và Nghị quyết kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Căn cứ tình hình thực tế và nếu thấy cần thiết thì Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện các biện pháp này tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2022).

Cân đối nguồn lực trên 10 triệu tỷ đồng

Quyết định mức tăng trưởng bình quân 5 năm 2021 - 2025 từ 6,5 đến 7%, Quốc hội cũng đã cân đối nguồn lực của cả giai đoạn này để đạt mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững.

Nghị quyết về kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 nêu mục tiêu phấn đấu tổng thu ngân sách nhà nước cả giai đoạn khoảng 8,3 triệu tỷ đồng; tổng chi khoảng 10,26 triệu tỷ đồng, tỷ trọng chi đầu tư phát triển hàng năm đạt 28%, tỷ trọng chi thường xuyên bình quân khoảng 62 - 63% tổng chi ngân sách nhà nước. Tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 bình quân 3,7% GDP, trong tổ chức thực hiện, phấn đấu giảm tỷ lệ này xuống dưới 3,7% GDP.

Tổng mức vay trong giai đoạn 2021 - 2025 của ngân sách trung ương được Quốc hội cho phép khoảng 3,068 triệu tỷ đồng. Nợ công hằng năm không quá 60% GDP, nợ Chính phủ không quá 50% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không bao gồm cho vay lại) không quá 25% tổng số thu ngân sách nhà nước; nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia (không bao gồm nghĩa vụ trả nợ gốc ngắn hạn dưới 12 tháng) không quá 25% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ.

Thông qua Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Quốc hội quyết nghị tổng mức vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước là 2.870.000 tỷ đồng. Trong đó, bố trí 100.000 tỷ đồng để thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030).

Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) phát biểu tại tổ thảo luận

Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 cũng đã được thông qua với mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu trên cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 được Quốc hội phê duyệt với tổng nguồn vốn thực hiện tối thiểu là 75.000 tỷ đồng. Mục tiêu cụ thể là tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1 - 1,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm; 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.

BẦU, PHÊ CHUẨN 50 CHỨC DANH LÃNH ĐẠO CẤP CAO

Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội đã bầu, phê chuẩn 50 chức danh lãnh đạo cấp cao của Nhà nước, gồm: Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm 09 Ủy ban của Quốc hội, Tổng kiểm toán Nhà nước, 4 Phó Thủ tướng Chính phủ, 18 Bộ trưởng, 4 Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, 1 Phó Chủ tịch, 4 Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh. Đồng thời, phê chuẩn 4 Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Sau khi được bầu, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã tuyên thệ trước Quốc hội, trước đồng bào, cử tri cả nước theo quy định của Hiến pháp, thể hiện rõ trách nhiệm, cam kết mạnh mẽ, quyết tâm cao hoàn thành trọng trách mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.

Vĩnh An

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy