Thứ sáu, ngày 03 tháng 05 năm 2024
00:27 (GMT +7)

Quốc hội khóa I (1946): Thái Nguyên bầu cử sớm

VNTN - Theo chủ trương của Trung ương, cuộc Tổng tuyển cử sẽ được tổ chức vào ngày 23/12/1945. Để có thêm thời gian chuẩn bị, Trung ương quyết định lùi cuộc Tổng tuyển cử vào ngày 6/1/1946. Nhưng tại tỉnh Thái Nguyên, do không nhận được lệnh hoãn(*), nên đã tiến hành bầu cử Quốc hội khóa I vào ngày 23/12/1945, sớm 2 tuần so với cả nước.


Thuở ban đầu Dân Quốc

Ngày 8/9/1945, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp thay mặt Chủ tịch Chính phủ Lâm thời đã ký Sắc lệnh số 14, triệu tập Quốc dân Đại hội. Nội dung Sắc lệnh: Ấn định nước Việt Nam sẽ theo Chính phủ dân chủ cộng hoà; Chính phủ sẽ do Quốc hội bầu theo lối phổ thông đầu phiếu.

Trong tình thế rất cần thiết để cho toàn dân tham gia vào công cuộc củng cố nền độc lập và chống nạn ngoại xâm, Hội đồng các Bộ trưởng đồng thanh tán thành ra Sắc lệnh:

 1- Trong một thời hạn hai tháng kể từ ngày ký sắc lệnh này sẽ mở cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc dân đại hội.

2- Tất cả công dân Việt Nam, cả trai và gái, từ 18 tuổi trở lên, đều có quyền tuyển cử và ứng cử, trừ những người đã bị tước mất công quyền và những người trí óc không bình thường.

3- Số đại biểu của Quốc dân Đại hội ấn định là 300 người.

4- Quốc dân đại hội sẽ có toàn quyền ấn định Hiến pháp cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

5- Một Uỷ ban để dự thảo thể lệ cuộc Tổng tuyển cử sẽ thành lập.

6- Để dự thảo một bản Hiến pháp đệ trình Quốc hội, một Uỷ ban khởi thảo hiến pháp 7 người sẽ thành lập”.

Tiếp đó, ngày 26/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh cử 9 thành viên (8 nam, 1 nữ) tham gia Ủy ban Dự thảo Thể lệ cuộc Tổng tuyển cử gồm 4 Bộ trưởng trong Chính phủ và 5 vị đại biểu của các tổ chức và các hội: Văn hóa Cứu quốc, Thanh niên, Công nhân Cứu quốc, Nông dân Cứu quốc, Phụ nữ Cứu quốc.

 

Ông Lê Trung Đình - Đại biểu Quốc hội khóa I tỉnh Thái Nguyên

 

 

Ông Đặng Đức Thái - Đại biểu Quốc hội khóa I tỉnh Thái Nguyên

 

 

Ông Nguyễn Trung Thành (Trần Mai) - Đại biểu Quốc hội khóa I tỉnh Thái Nguyên

Ban đầu, Chủ tịch Chính phủ Lâm thời ấn định ngày mở cuộc Tổng tuyển cử để bầu đại biểu vào Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là 23/12/1945. Cả nước sẽ có 71 đơn vị bầu cử (tỉnh, thành phố), với 329 đại biểu. Theo đó, toàn tỉnh Thái Nguyên sẽ có 3 đại biểu, trong đó có 1 đại biểu dân tộc thiểu số là người Thổ (ngày nay gọi là người Tày). Tuy nhiên, do một số đảng phái như Việt Quốc, Việt Cách vẫn không chịu công nhận Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, yêu cầu cải tổ Chính phủ và đòi nắm giữ những vị trí quan trọng trong Chính phủ. Để ngăn chặn những hoạt động ngăn cản và phá hoại Tổng tuyển cử của Việt Quốc, Việt Cách, ngày 18/12/1945 Hồ Chủ tịch đã ký Sắc lệnh số 76 quyết định hoãn cuộc Tổng tuyển cử. Theo Sắc lệnh mới, cuộc Tổng tuyển cử sẽ được tổ chức vào ngày 6/1/1946 và gia hạn nộp đơn ứng cử đến hết ngày 27/12/1945. Những tỉnh nào nhận được Sắc lệnh muộn thì UBND tỉnh đó được phép tổ chức bầu cử vào ngày 23/12/1945 và phải báo cáo ngay với Bộ Nội vụ.

 

Thông tin về bầu cử ở tỉnh Thái Nguyên trên báo Quốc hội (1945)

 

Báo Quốc hội xuất bản trong dịp vận động Tổng tuyển cử cho biết: Tỉnh Thái Nguyên có rước tranh ảnh và biểu ngữ hô hào dân chúng tham gia vào cuộc Tổng tuyển cử. Còn ở tỉnh Bắc Kạn, nhân phiên chợ, ban tuyên truyền đã tổ chức một cuộc diễn thuyết để cổ động Tổng tuyển cử. Trong số người  lên hô hào có một phụ nữ Thổ được toàn thể hoan hô nhiệt liệt.

Tỉnh Thái Nguyên được bầu 3 đại biểu Quốc hội. Đã có 7 ứng cử viên ra ứng cử là Nguyễn Sỹ Đang, Lê Trung Đình, Lưu Công Hạt, Nguyễn Ngọc Tâm, Đặng Đức Thái, Nguyễn Trung Thành và Nguyễn Văn Thịnh.

Nhân dân trong tỉnh lần lượt được biết thông tin tiểu sử các ứng cử viên: Ông Lê Trung Đình, 31 tuổi, quê ở Ninh Bình, Chủ tịch UBND lâm thời tỉnh Thái Nguyên. Ông Đặng Đức Thái, quê tỉnh Hưng Yên, 40 tuổi, Ủy viên BCH Cứu quốc tỉnh Thái Nguyên. Ông Nguyễn Trung Thành, bí danh Trần Mai, 37 tuổi, quê tỉnh Lạng Sơn, Chủ tịch UBND huyện Đại Từ…

Ở các địa phương khác, đối với các ứng cử viên là thành viên Chính phủ, dân chúng nhiệt liệt hoan nghênh. Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền Trần Huy Liệu và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp được cử tri nhiều nơi tỏ lòng ái mộ. Vào ngày 1/12/1945, khi về thành phố Nam Định để diễn thuyết vận động bầu cử, Bộ trưởng Trần Huy Liệu đã vạch rõ cuộc Tổng tuyển cử sắp tới quan hệ cho vận mệnh nước nhà thế nào. Tổng tuyển cử để lập Quốc hội, mà có Quốc hội mới có thể thảo định được Hiến pháp là nền móng về chính thể, pháp luật, dân quyền cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ông Trần Huy Liệu công kích kịch liệt những người mưu mô phá hoại cuộc Tổng tuyển cử một cách trơ tráo không đếm xỉa gì đến ý nguyện chân chính của toàn dân. Nghe bài diễn thuyết hùng hồn của Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền, dân chúng nhiệt liệt hoan hô.

Tại Thủ đô Hà Nội, một số đông cử tri cho biết sẽ bỏ phiếu cho ông Khuất Duy Tiến dù biết rằng ông Tiến ứng cử ở Sơn Tây. Điều này cho thấy sự sôi nổi, bồng bột của nhân dân “cái thuở ban đầu dân quốc”.

Ngày 23/12/1945, cùng với các tỉnh Phú Thọ, Phúc Yên, Bình Thuận, Bắc Giang,… nhân dân toàn tỉnh Thái Nguyên đi bỏ phiếu bầu Quốc hội.

Thông tin trên báo Quốc hội cho bết: Tổng số cử tri tại tỉnh lỵ Thái Nguyên là 3.060 người. Số cử tri đi bầu là hơn 2.800 người. Số phiếu hợp lệ là hơn 2.800 phiếu. Có 39 phiếu bầu không hợp lệ. Ông Lê Trung Đình - Chủ tịch UBND tỉnh được hơn 2.700 phiếu bầu. Ông Đặng Đức Thái, một thân hào trong tỉnh, được hơn 2.400 phiếu bầu. Ông Nguyễn Trung Thành, đại biểu dân tộc thiểu số, được hơn 2.400 phiếu bầu.

Tiếng nói phụ nữ trên diễn đàn Quốc hội

75 năm trôi qua kể từ cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên, đến nay, bà Ngô Thị Huệ là nữ đại biểu Quốc hội duy nhất của khóa I còn tại thế. Bà cũng là một trong 10 nữ đại biểu Quốc hội đầu tiên. Bà Ngô Thị Huệ cũng chính là phu nhân Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1915 - 1986) được Đại hội Đảng khóa VI bầu cuối năm 1986.

 

Bà Ngô Thị Huệ - Đại biểu Quốc hội khóa I (1946)

 

Sinh năm 1918, tại quê ngoại làng Nhị Trường, quận Càng Long, tỉnh Trà Vinh; quê nội là huyện Ngã Năm, tỉnh Kiên Giang (nay là huyện Phước Long, tỉnh Sóc Trăng). Trước khi nghỉ hưu, bà làm Vụ trưởng Vụ Tổ chức Ban Cán bộ Trung ương. Bà Ngô Thị Huệ đã được trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh.

Năm 16 tuổi, theo lý tưởng cộng sản, Ngô Thị Huệ dấn thân tham gia hoạt động cách mạng. Mới 18 tuổi bà đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Khi 22 tuổi, Ngô Thị Huệ đã là Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, tham gia lãnh đạo cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ (23/11/1940) rồi bị bắt, nhận án tù chung thân khổ sai đày ra Côn Đảo. Tháng 6 /1945, vượt ngục, bà về Bạc Liêu tham gia Tỉnh ủy lâm thời, tổ chức cách mạng Tháng Tám và cướp chính quyền tại đây.

Tháng 1/1946, Ngô Thị Huệ trúng cử đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên, đại diện cho cử tri tỉnh Bạc Liêu. Bà là một trong 3 nữ đại biểu Quốc hội của Nam Bộ và một trong 10 nữ đại biểu Quốc hội của cả nước.

Trong hồi ký của mình, bà Ngô Thị Huệ kể lại: “Khi dấn thân đi làm cách mạng, tôi chỉ mong muốn sẽ đến ngày dân mình bớt khổ, có cơm ăn áo mặc. Suốt những năm tháng bị tù đày tôi luôn luôn tự hỏi: “Biết bao giờ ước mơ vì dân vì nước thành sự thật?”. Nay 27 tuổi đời rồi liệu có gánh vác nổi trách nhiệm đại biểu Quốc hội không? Tôi lo sẽ không đủ sức”.

Lo lắng là vậy, song nhân dân Bạc Liêu khi biết tiểu sử của nữ ứng cử viên từng tham gia Khởi nghĩa Nam Kỳ, đã chịu tù đày trong nhà lao đế quốc, kể cả địa ngục trần gian ở Côn Đảo ở tuổi đôi mươi đã chọn mặt gửi vàng. Tỉnh Bạc Liêu sau khi kiểm phiếu đã có 3 đại biểu trúng cử là cụ Cao Triều Phát - chưởng quản cửu trùng đài phái Minh Chân đạo, một trong 12 phái đạo Cao Đài, ông Nguyễn Văn Đính và bà Ngô Thị Huệ.

Đầu tháng 3/1946, Ngô Thị Huệ cùng đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Nam Bộ bí mật vượt biển ra Hà Nội dự họp Quốc hội. Chuyến đi bí mật, mất nhiều thời gian. Ra đến Thủ đô, rồi lật bật công tác đến ngày khai mạc phiên họp thứ hai của Quốc hội vào ngày 28/10/1946.

“Lần tay tính lại đã hơn 60 năm trôi qua, tôi vẫn còn nhớ rõ những cảm xúc ban đầu khi được đặt chân lên thềm Nhà hát lớn Hà Nội (…). Không sao kể xiết niềm hân hoan của Quốc hội mấy lần đồng loạt đứng lên vỗ tay hoan hô Hồ Chủ tịch khi Bác ra chào các đại biểu. Quốc hội suy tôn Chủ tịch Hồ Chí Minh là công dân thứ nhất theo đề nghị của đoàn đại biểu Nam Bộ.

Tại kỳ họp thứ hai, bà Ngô Thị Huệ được xếp ngồi ở khối Mác-xít. Bên cạnh đó là khối của Đảng Dân chủ và khối Đảng Xã hội cùng các đảng phái đối lập khác. Kỳ họp Quốc hội diễn ra sôi nổi khi đi vào phiên thảo luận bản Hiến pháp đầu tiên. Là đại biểu của Nam Bộ, lại là một trong 10 nữ đại biểu Quốc hội đầu tiên, điều bà Ngô Thị Huệ quan tâm nhất không nằm ngoài điều 9 của bản dự thảo Hiến pháp: phụ nữ có quyền bình đẳng với nam giới.

Các tài liệu của Quốc hội còn lưu lại cho biết, những ý kiến của các nữ đại biểu Quốc hội như Trương Thị Mỹ, Nguyễn Thị Thục Viên, Lê Thị Xuyến, Vũ Thị Khôi, Ngô Thị Huệ rất ráo riết.

Đại biểu Trương Thị Mỹ đọc một bài tham luận về “vấn đề quyền bình đẳng của phụ nữ” để phản bác một ý kiến cũng của một phụ nữ đại biểu Quốc hội cho rằng “phụ nữ không thể như nam giới được”, “không thể tham gia quân đội được” và rằng “phụ nữ cần giữ vai trò hậu cần, nội trợ” của gia đình, của đoàn thể.

Bà Mỹ nói: “Bằng thực tế công tác, bằng kinh nghiệm bản thân tôi thấy cái quan niệm coi thường phụ nữ vẫn chưa phải đã hết trong ngay cả đội ngũ những người cán bộ cách mạng, rằng chị em có khả năng đảm đương mọi công tác được giao và cần loại bỏ tư tưởng tự ti, ngại khó ngay chính bản thân chị em”.

Phát biểu của bà Mỹ được các đại biểu hoan hô nhiệt liệt. Đại biểu Trương Thị Mỹ nhớ lại: “Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng dậy rời ghế chủ tịch đoàn đi lại phía tôi. Người bắt tay tôi rất chặt và nói: - Khá lắm! Đồng chí nói được những điều rất tốt”.

Còn bà Ngô Thị Huệ chia sẻ: “Tôi thích thú nhất là được phát biểu ý kiến hoàn toàn nhất trí với điều Hiến pháp công nhận “nam nữ bình quyền” gắn liền với độc lập và thống nhất Tổ quốc, một nguyện vọng đã thúc đẩy tôi dấn thân làm cách mạng, và bao nhiêu lần tuyên truyền vận động chị em tham gia đấu tranh cho dân chủ, dân sinh, sôi nổi hào hứng nhất là những ngày tháng vận động Khởi nghĩa Nam Kỳ 1940”.

Vậy là, ở đất nước hàng nghìn năm dưới chế độ phong kiến cai trị, tiếng nói của người đại diện phái nữ vang lên. Họ không còn cam phận chỉ biết làm người hầu hạ chồng con nữa mà đã quật khởi đứng lên.

Bà Ngô Thị Huệ còn được đại diện cho phụ nữ miền Nam lưu nhiệm tới hết khóa II và khóa III (1946-1971), sau đó trúng cử đại biểu Quốc hội khóa IV của tỉnh Ninh Bình (1971-1975).

----------

 (*) Theo “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên tập I (1936 - 1965), xuất bản năm 2003, tr.182.

Kiều Mai Sơn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy