Chủ nhật, ngày 20 tháng 10 năm 2024
15:42 (GMT +7)

Quốc hội họp trực tuyến: Một tiền lệ tốt?

VNTN - Ngày 8/6/2020, Quốc hội khoá 14 bắt đầu đợt họp trực tiếp của kỳ họp thứ 9, bàn thảo, quyết định cả những nội dung thường kỳ và đột xuất.

Thường kỳ, đó là những phiên thảo luận về tình hình - kinh tế, xã hội, quyết toán ngân sách, xây dựng pháp luật. Nhưng kỳ này, trong cái thường kỳ có nội dung đột xuất. Vì tác động của dịch COVID-19, Chính phủ đã dự kiến trình Quốc hội điều chỉnh một số chỉ tiêu lớn về GDP, ngân sách... Rồi đề xuất giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 cho khoảng 700.000 doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Cơ chế đặc thù cho Hà Nội, Đà Nẵng hay chuyển đổi một số dự án PPP tuyến cao tốc Bắc - Nam cũng là những vấn đề gấp rút được bổ sung vào chương trình kỳ họp.

Không thường kỳ, đó là Quốc hội sẽ quyết định miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với bà Nguyễn Thanh Hải, người vừa về Thái Nguyên nhậm chức Bí thư Tỉnh uỷ. Đồng thời, sẽ quyết định miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng đối với ông Vương Đình Huệ, người đã về làm Bí thư Thành ủy Hà Nội.

Vẫn liên quan đến nhân sự, ngoài bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới thay bà Hải, Quốc hội còn tiến hành bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, phê chuẩn danh sách Phó Chủ tịch và Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia.

Trước khi họp trực tiếp, Quốc hội đã họp trực tuyến từ 20 - 28/5 và có thời gian "giãn cách" từ 29/5 đến 8/6. Đây là việc chưa từng có tiền lệ, bởi theo thông lệ thì Quốc hội mỗi năm họp hai kỳ, tất cả đại biểu đều họp tập trung tại một địa điểm. Địa điểm ấy, bây giờ là Phòng Diên Hồng, Nhà Quốc hội, nằm trên đường Độc Lập của Thủ đô Hà Nội.

Kỳ này, nhằm chống dịch, chỉ có khoảng 170 đại biểu dự họp từ Diên Hồng. Các vị khác tham gia từ 63 điểm cầu trên cả nước.

Phòng Diên Hồng lần đầu tiên chỉ có khoảng 170 đại biểu dự họp. Ảnh: QK

Đường phố Hà Nội không có cảnh từng đoàn xe đưa - đón đại biểu có xe cảnh sát dẫn đường đều đặn mỗi sớm mỗi trưa mỗi chiều như các kỳ họp khác. Nhưng trong hội trường, từ nghe báo cáo, thảo luận, đến tranh luận vẫn diễn ra bình thường.

Kết thúc đợt họp trực tuyến này, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Kết quả lấy ý kiến các vị đại biểu cho thấy 98,6% đánh giá tốt công tác tổ chức, 97% đại biểu đánh giá cao cách thức đăng ký phát biểu; 95,5% đại biểu đánh giá tốt và rất tốt về hệ thống đường truyền âm thanh, tín hiệu; 99,4% đại biểu đánh giá tốt công tác hỗ trợ cho đại biểu trong tham gia họp trực tuyến; 94% đại biểu đánh giá tốt công tác thông tin tuyên truyền. Đáng chú ý là có đến 73,28% đại biểu Quốc hội đề nghị nên duy trì cách thức tổ chức một kỳ họp chia hai đợt.

Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cũng nhấn mạnh rằng, đây là lần đầu tiên Quốc hội Việt Nam tổ chức họp trực tuyến, trên thế giới mới có khoảng 4 nước tổ chức họp trực tuyến và sau thành công của Quốc hội Việt Nam đã có khoảng 21 nước dự kiến họp Quốc hội trực tuyến.

Đổi mới, thể hiện sự linh hoạt trong hoạt động của Quốc hội, song vẫn bảo đảm, duy trì không khí dân chủ, công khai một kỳ họp Quốc hội theo đúng quy định của pháp luật, đó là đánh giá khái quát của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khi Quốc hội kết thúc buổi họp cuối cùng bằng hình thức trực tuyến.

Theo đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh), họp trực tuyến có thể tiết kiệm chi phí đi lại, ăn ở, nhưng họp tập trung thì có thể không khí thảo luận sẽ sôi động hơn. Tuy vậy, quyền phát biểu và tranh luận của đại biểu thì không ảnh hưởng gì, theo vị đại biểu này.

Một số phiên thảo luận, đại biểu địa phương còn đăng ký thành công và được mời phát biểu trước cả đại biểu ở phòng Diên Hồng, điều đó cho thấy họp trực tuyến không có ảnh hưởng đến quyền của đại biểu, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý (Đà Nẵng) nhận xét.

Trực tuyến thì phải sử dụng công nghệ nhiều hơn, nhưng tôi năm nay 63 tuổi rồi chỉ cần hướng dẫn qua là làm được, một vị đại biểu nam bày tỏ sự nhất trí cao với hình thức họp 4.0 lần đầu diễn ra tại Quốc hội.

Như thế, phải chăng Quốc hội đã có một tiền lệ tốt. Chưa nói đến yêu cầu chống dịch thì với 70% đại biểu kiêm nhiệm, nhiều vị là lãnh đạo chủ chốt của địa phương, họp tại chỗ vô cùng thuận tiện cho kết hợp giải quyết công việc, thay vì mỗi cuối tuần lại phải bay đi bay về. Mà mỗi lần hội trường quá nhiều ghế trống, báo chí liền "thắc mắc", nhưng không vắng mặt một buổi họp nào, với đại biểu kiêm nhiệm là quá khó.

Kỳ này, cũng là lần đầu tiên Quốc hội không họp liền một mạch, mà nghỉ 10 ngày giữa hai đợt. Đây cũng là quãng thời gian rất cần để các vị đại biểu chuẩn bị kỹ càng hơn cho các nội dung tiếp theo, để các cơ quan của Quốc hội tiến hành thẩm tra những vấn đề mới được Chính phủ trình. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã dành cả ngày 1/6 cho ý kiến về 6 vấn đề hoặc chưa đạt yêu cầu trình ra Quốc hội, hoặc Chính phủ mới trình bổ sung, kịp để Quốc hội xem xét ngay tại kỳ họp thứ 9.

Cứ chiểu theo quy trình thì cập rập thế cũng chưa hẳn đúng, nhưng linh hoạt, chủ động để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19, mục tiêu đó cao hơn các nguyên tắc thông thường. Mục tiêu đó, đã theo Quốc hội nửa chặng đường của kỳ họp đặc biệt này.

VĨNH AN

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy