Quốc hội họp Kỳ thứ năm: Yêu cầu chấn chỉnh ngay tình trạng né tránh, đùn đẩy trong thực thi công vụ
VNTN- Sáng 22/5 Quốc hội khoá XV đã khai mạc kỳ họp thứ năm với khối lượng công việc lập pháp đồ sộ gồm 21 dự án luật, nghị quyết, xem xét quyết định nhiều vấn đề quan trọng khác của đất nước.
Quang cảnh phiên khai mạc kỳ họp
Ngay trong phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh cần có giải pháp hữu hiệu để chấn chỉnh, khắc phục ngay tình trạng kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái sau đó cũng cho biết sẽ xử lý nghiêm cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh khi thực thi công vụ.
Cử tri nhiều lo lắng
Không thể thiếu ở mỗi phiên khai mạc là báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Ở kỳ họp này, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến phản ánh, cử tri và Nhân dân ghi nhận sự cố gắng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác điều hành: quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả; đã trình Quốc hội quyết định các chính sách tín dụng, thuế, hỗ trợ lao động tại các khu công nghiệp.
Thường trực Chính phủ sâu sát thực tiễn, thành lập nhiều tổ công tác để tháo gỡ khó khăn trong phục hồi phát triển kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát; khánh thành 2 dự án đường cao tốc, hoàn thành việc xử lý và đưa vào hoạt động một số dự án tồn đọng kéo dài; tập trung xử lý kịp thời một số hệ lụy sau đại dịch COVID-19, bước đầu tháo gỡ khó khăn về thiếu thuốc và trang thiết bị y tế, phục vụ khám, chữa bệnh cho Nhân dân.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc kỳ họp
Tuy nhiên, cử tri lo lắng trước áp lực gia tăng lạm phát; giá xăng dầu, nguyên vật liệu biến động mạnh, ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm; tình trạng tham nhũng, tiêu cực có tính hệ thống trong một số lĩnh vực như kiểm định phương tiện giao thông, các công ty đòi nợ thuê… gây tâm trạng bất an và hoang mang trong Nhân dân.
Cử tri và Nhân dân băn khoăn, quan tâm, lo lắng về các vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực y tế, tài chính, chứng khoán, bất động sản; tình trạng người lao động thất nghiệp, thiếu việc làm, giảm thu nhập gia tăng nhất là khối doanh nghiệp tư nhân do suy thoái kinh tế toàn cầu; hiện tượng người lao động rút bảo hiểm một lần; tình trạng mất an toàn thực phẩm; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng lậu; tình hình vi phạm pháp luật có nhiều diễn biến phức tạp... đã tác động tiêu cực đến tâm trạng chung của toàn xã hội.
Bên cạnh đó, ông Chiến nhấn mạnh, cử tri và Nhân dân cũng bày tỏ sự quan tâm, lo lắng về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nhiều địa phương vẫn chậm chuyển biến... Cử tri và Nhân dân mong muốn cần làm rõ nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến tình trạng “dưới lạnh”, vẫn tiếp tục phát hiện nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng trên một số lĩnh vực, như trong quản lý đất đai, đấu thầu, chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, hoạt động ngân hàng, đăng kiểm…; công tác thu hồi tài sản mặc dù tăng cao so với các năm trước, nhưng giá trị tài sản phải thu hồi còn tồn đọng lớn.
Một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức làm việc cầm chừng, né tránh, không dám làm, không dám chịu trách nhiệm, không dám đổi mới sáng tạo hay đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung, gây cản trở, làm chậm sự phát triển của đất nước. Đây cũng là biểu hiện của 19 hành vi tiêu cực trong Hướng dẫn số 25-HD/BCĐTW, cần kiên quyết xử lý theo quan điểm chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, ông Chiến nhấn mạnh.
Quốc hội cũng lo
Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2023 , Ủy ban Kinh tế thay mặt Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội báo cáo Quốc hội trong phiên khai mạc cũng chất chứa nhiều lo ngại.
Bên cạnh những kết quả đạt được, như kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, các cơ quan của Quốc hội cho rằng diễn biến tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2023 cũng bộc lộ những khó khăn, thách thức tiếp diễn từ Quý IV/2022 gây áp lực điều hành kinh tế vĩ mô và khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023.
Cơ quan thẩm tra đặc biệt nhấn mạnh khó khăn của khu vực doanh nghiệp, khi tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động giảm, số doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng, xu hướng này có thể diễn biến phức tạp hơn trong thời gian tới.
“Bình quân một tháng có 19,2 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Nhiều doanh nghiệp đối diện áp lực trả nợ lớn nên phải chuyển nhượng doanh nghiệp, bán cổ phần với mức giá rất thấp, trong nhiều trường hợp bán cho các đối tác nước ngoài. Thực trạng doanh nghiệp thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến, người lao động mất việc làm tại nhiều khu công nghiệp”, cơ quan thẩm tra nhấn mạnh.
Dẫn số liệu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Uỷ ban Kinh tế cho biết từ tháng 9/2022 đến tháng 1/2023, có gần 547.000 lao động tại 1.300 doanh nghiệp bị giảm giờ làm, ngừng việc do đơn hàng giảm, trong đó lao động tại doanh nghiệp FDI chiếm 75%.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phản ánh, thời gian qua, có rất nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn, dừng hoạt động, đóng cửa sau khi các quy định mới về tiêu chuẩn, tiêu chí phòng cháy, chữa cháy được ban hành và có hiệu lực. Các doanh nghiệp cho rằng, nhiều quy định mới về phòng cháy, chữa cháy vượt cả các nước phát triển và chưa tính đến tính khả thi khi áp dụng tại Việt Nam, làm gia tăng thời gian, thủ tục và chi phí tuân thủ.
Do đó, ông Thanh đề nghị Chính phủ có báo cáo đánh giá thêm về vấn đề này, qua đó để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất, kinh doanh được thuận lợi, thông suốt và vẫn bảo đảm thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy trong thời gian tới.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh
Vấn đề khác cũng được báo cáo thẩm tra đề cập là tình trạng ùn tắc đăng kiểm phương tiện giao thông trong thời gian qua cũng gây ra rất nhiều khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Theo Báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, thời gian qua, cơ quan Công an các tỉnh, thành phố đã khởi tố và bắt giam hơn 600 lãnh đạo, đăng kiểm viên, nhân viên tại 104 trung tâm đăng kiểm, nên các trung tâm này phải dừng hoạt động để phục vụ công tác điều tra. Việc thiếu hụt trung tâm đăng kiểm dẫn đến tình trạng ùn ứ trong công tác kiểm định, đặc biệt là tại Hà Nội có thời điểm chỉ còn 6/31 trung tâm hoạt động; tại Thành phố Hồ Chí Minh có thời điểm chỉ còn 8/19 trung tâm hoạt động và nhiều tỉnh, thành phố khác không đáp ứng được nhu cầu kiểm định.
Thông tư số 02/2023/TT-BGTVT ngày 21/3/2023 sửa đổi Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT với những điểm mới như miễn kiểm định lần đầu cho xe mới và giãn chu kỳ kiểm định cho một số loại phương tiện,… vẫn chưa giải quyết được tình trạng ùn tắc quá tải. Việc miễn kiểm định lần đầu cho xe cơ giới được đánh giá chưa hiệu quả do số lượng phương tiện được miễn kiểm định lần đầu thấp. Việc giãn chu kỳ đăng kiểm cũng không phát huy ngay được hiệu quả do hơn 3,1 triệu xe đủ điều kiện vẫn phải đến đăng kiểm đúng hạn và chỉ được áp dụng quy định mới ở chu kỳ tiếp theo, cơ quan của Quốc hội nhận định.
Một số ý kiến tại cơ quan thẩm tra cho rằng việc tăng giá điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khiến tăng chi phí đầu vào của các doanh nghiệp sản xuất trong bối cảnh đơn hàng giảm, xuất khẩu giảm. Cơ chế giá điện hiện nay là không hợp lý, bởi giá điện sinh hoạt của người dân chi trả còn cao hơn cả giá điện sản xuất của các doanh nghiệp (trong đó chiếm số lượng lớn là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài), đây là vấn đề tồn tại từ lâu nhưng chưa được giải quyết. Chính sách giá điện như hiện nay không khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào máy móc, trang thiết bị ít tiêu hao năng lượng. Đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân chính của khoản lỗ hơn 26 nghìn tỷ đồng năm 2022 của EVN, đồng thời sớm có giải pháp khắc phục bất cập trong cơ chế giá điện.
“Việc tổ chức thực hiện luật pháp, chính sách, thực thi công vụ vẫn là khâu yếu. Một bộ phận cán bộ, công chức ở trung ương và địa phương còn né tránh, đùn đẩy công việc, thiếu trách nhiệm gây ách tắc, trì trệ trong giải quyết công việc; chậm phản ứng chính sách đối với các biến động của nền kinh tế. Đề nghị Chính phủ nhận diện đầy đủ những kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế của nền kinh tế, làm rõ nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan, bài học kinh nghiệm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội để sớm có giải pháp hữu hiệu khắc phục” ông Vũ Hồng Thanh nêu quan điểm.
Quốc hội lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao đạo đức công vụ
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề cập nhiều khó khăn trong thời gjan tới. Như, một số điểm nghẽn của các thị trường chưa được tháo gỡ hiệu quả; nhiều doanh nghiệp còn khó khăn, một số doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô hoặc dừng hoạt động; kinh tế vĩ mô tiềm ẩn nhiều rủi ro; áp lực tỷ giá, lãi suất tăng cao; nguy cơ nợ xấu gia tăng; tình hình dịch bệnh, thiên tai dự báo sẽ diễn biến phức tạp.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung phân tích cụ thể, đánh giá khách quan, sát thực, toàn diện, thẳng thắn về kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, nhất là trong việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm; giải ngân vốn đầu tư công, rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ, các vấn đề về văn hóa, lao động, an sinh xã hội…; làm rõ trách nhiệm, nguyên nhân khách quan, chủ quan cả trong công tác tổ chức thực hiện và những vấn đề liên quan đến chính sách, thể chế, pháp luật; những khó khăn hạn chế của nội tại nền kinh tế; dự báo sát với tình hình thời gian tới.
“Từ đó, đề xuất giải pháp thiết thực, kịp thời, nhất là có giải pháp hữu hiệu để chấn chỉnh, khắc phục ngay tình trạng kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, góp phần hoàn thành các mục tiêu năm 2023, tạo tiền đề thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cho cả giai đoạn 2021 - 2025”, ông Huệ phát biểu.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái báo cáo tình hình kinh tế - xã hội
Trình bày báo cáo của Chính phủ ngay sau đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng nêu giải pháp thời gian tới, sẽ siết chặt kỷ luật, kỷ cương; nâng cao đạo đức công vụ; tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; thực hiện lộ trình cải cách tiền lương. Khẩn trương hoàn thiện cơ chế về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; xử lý nghiêm cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh khi thực thi công vụ.
Quốc hội làm việc 23 ngày, chia hai đợt
Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV sẽ làm việc trong 23 ngày, dự kiến bế mạc vào ngày 24/6/2023, được tiến hành theo 2 đợt. Đợt 1 từ ngày 22/5 đến ngày 10/6/2023. Đợt 2 từ ngày 19/6 đến ngày 24/6/2023. Từ ngày 11/6 đến ngày 18/6/2023, Quốc hội nghỉ để các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan có thời gian tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, dự thảo Nghị quyết.
Vĩnh An
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...