Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
18:42 (GMT +7)

Quan tâm đầu tư thiết chế văn hóa ở thành phố Thép

Xác định thiết chế văn hóa đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, là cơ sở để xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, thời gian qua, TP. Thái Nguyên đã từng bước hoàn thiện đồng bộ hệ thống thiết chế văn hóa trên địa bàn. Qua đó, đảm bảo các hoạt động văn hóa cộng đồng lành mạnh, bổ ích, thiết thực, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân...

Quảng trường Võ Nguyên Giáp là nơi thu hút đông đảo người dân đến vui chơi, tập thể dục

“Sợi dây” gắn kết cộng đồng

Một tối cuối tuần, đưa con đi học ngang qua, nghe tiếng nhạc sôi động từ Nhà văn hóa (NVH) tổ dân phố 7, phường Đồng Quang, tôi ghé vào và chứng kiến các “diễn viên” ở tuổi U50, U60 đang say sưa tập các điệu dân vũ, thỉnh thoảng, tiếng cười nói vui tươi, rộn rã vang lên.

Bà Phạm Thị Xuyến, Bí thư Chi bộ tổ 7 cho biết: NVH không chỉ là nơi diễn ra các cuộc hội họp mà còn là nơi chúng tôi tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao gắn kết liên gia. Mỗi chiều, tối, không hẹn mà đã thành lệ, ngoài vị trí sân rộng là nơi các thanh thiếu niên đá bóng, trong sân lợp mái che các “vợt thủ” say sưa đánh bóng bàn, còn trong hội trường NVH, sau giờ cơm tối, chúng tôi vui vẻ cùng nhau tập hát, múa, khiêu vũ, đọc thơ. Cuộc sống vật chất giờ bớt lo toan, mọi người đều muốn dành nhiều thời gian hơn để hưởng thụ những “món ăn tinh thần”.

Trò chuyện với bà Xuyến và những thành viên trong câu lạc bộ văn nghệ tổ 7, tôi được họ chia sẻ, nhờ những buổi sinh hoạt cộng đồng như thế, sự gắn kết giữa các hộ dân ngày càng bền chặt. Cũng từ những buổi tập luyện văn nghệ say mê, tích cực, tổ dân phố 7 nhiều lần giành giải cao trong các hội diễn văn nghệ của phường.

Một buổi tập luyện của Câu lạc bộ Văn nghệ tổ dân phố 7, phường Đồng Quang. Nhờ những buổi sinh hoạt cộng đồng tại nhà văn hoá, tình cảm giữa các hộ dân ở khu dân cư ngày càng bền chặt.

Không riêng NVH tổ 7, phường Đồng Quang mà hiện nay, ở hầu hết NVH xóm, tổ dân phố của các xã, phường của TP. Thái Nguyên đều được đầu tư xây dựng khang trang, thu hút đông đảo người dân tham gia sinh hoạt. Như ở phường Gia Sàng, sau sáp nhập, hiện còn 13 tổ dân phố. Các NVH tổ dân phố đều có hội trường, sân khấu, những trang thiết bị thiết yếu như: Tủ, giá sách, báo, thiết bị truyền thanh, ánh sáng và các công trình phụ trợ khác; khu thể thao thường gắn liền với khuôn viên, chủ yếu là các sân bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn.

Theo ông Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch UBND phường Gia Sàng: Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, các NVH trên địa bàn phường được quan tâm đầu tư, mở rộng cả về quy mô và trang thiết bị, cơ sở vật chất, là động lực thúc đẩy các phong trào văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao của phường ngày càng phát triển. Đơn cử như năm 2021, phường đã tổ chức thành công Đại hội Thể dục thể thao lần thứ VI, thu hút 270 vận động viên đến từ 13 tổ dân phố tham gia thi đấu 5 môn: Bóng bàn, đua thuyền, đẩy gậy, kéo co, cờ tướng, tạo được hiệu ứng tích cực trong nhân dân.

Thống kê từ Phòng Văn hoá và Thông tin TP. Thái Nguyên: Toàn thành phố hiện có 401 xóm, tổ dân phố với 502 NVH (trong đó có 460 NVH đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, 372 NVH đang được sử dụng và 130 NVH dôi dư sau sáp nhập). Giai đoạn 2016 - 2020, có 1 Trung tâm Văn hóa phường, 55 NVH của 62 xóm, tổ dân phố được xây mới; 146 NVH xóm, tổ dân phố được hỗ trợ kinh phí mua trang thiết bị văn hóa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cộng đồng. Nhìn chung, việc quản lý, sử dụng trang thiết bị NVH thời gian qua, nhất là sau khi sáp nhập xóm, tổ dân phố được thực hiện hiệu quả.

Từng bước hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa

Dễ dàng nhận thấy, hệ thống thiết chế văn hóa trên địa bàn thành phố những năm qua đã từng bước được đầu tư hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của người dân. Ngoài NVH ở các khu dân cư, những công trình công cộng cũng được quan tâm đầu tư và trở thành nơi sinh hoạt, giải trí lành mạnh cho người dân đô thị. Điển hình như đầu năm 2022, TP. Thái Nguyên đã xây dựng khu cây xanh, vườn hoa tại Đài Tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ của phường Túc Duyên, với thiết kế theo hướng không gian mở 3 hướng tiếp cận. Điều đặc biệt ở đây là cây xanh và vườn hoa trồng xen kẽ tạo điểm nhấn không gian xanh, ưu tiên cho không gian trống với khoảng sân rộng, tạo điều kiện cho nhân dân có điểm sinh hoạt cộng đồng ngoài trời. Khu tập thể dục phía sau Đài Tưởng niệm được trang bị các dụng cụ luyện tập khá phong phú, phù hợp nhiều lứa tuổi như: Thiết bị đi bộ trên không, đạp xe, chèo thuyền, xoay lắc lưng eo… Vì thế, từ ngày khuôn viên đưa vào sử dụng, người dân tổ 7 và các tổ lân cận đều đặn sáng, chiều có mặt để tập luyện thể thao, đi dạo, ngồi ghế đá thảnh thơi nghỉ ngơi, trò chuyện. Vào những ngày nghỉ, khu tập thể dục còn thu hút nhiều học sinh các lứa tuổi đến vui chơi.

Ngoài khuôn viên cây xanh, vườn hoa tại Đài Tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ của phường Túc Duyên thì khu Hồ điều hòa Xương Rồng thuộc phường Phan Đình Phùng, Quảng trường Võ Nguyên Giáp thuộc phường Trưng Vương (TP. Thái Nguyên) thời gian qua cũng là nơi thu hút đông đảo người dân đến sinh hoạt cộng đồng. Không khó để thấy không khí rộn rã tiếng cười nói của người dân các lứa tuổi tham gia tập thể dục thể thao như đi bộ, đá bóng, tập yoga, aerobic vào những ngày cuối tuần hoặc buổi sáng sớm, tối ở các địa điểm này.

Những khu tập thể dục như thế này được bố trí ở nhiều địa điểm trong Thành phố. (Trong ảnh: Khu tập thể dục phía sau Đài Tưởng niệm , phường Túc Duyên)

Đồng chí Trần Thanh Hải, Trưởng phòng Văn hoá và Thông tin TP. Thái Nguyên cho biết: Tổng kinh phí thực hiện xây dựng các thiết chế văn hóa giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn thành phố là hơn 42 tỷ đồng, trong đó, kinh phí thành phố đầu tư là hơn 18 tỷ đồng, còn lại kinh phí xã hội hóa là gần 27,5 tỷ đồng. Hệ thống thiết chế văn hoá cơ sở ngày càng hoàn thiện tương xứng với địa bàn trung tâm của tỉnh đã và đang góp phần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội của địa phương, cũng như đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, sáng tạo văn hóa của nhân dân.

Bên cạnh đó, công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch các thiết chế văn hóa cũng được thành phố quan tâm thực hiện. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 56 dự án khu dân cư trong đó 36 dự án đã quy hoạch diện tích đất xây dựng các thiết chế văn hóa.

Nhân dân chung tay “thổi luồng gió mới”

Có thể nói, khi đời sống vật chất được đáp ứng, người dân đều quan tâm đến đời sống tinh thần. Cùng với sự hỗ trợ của thành phố, thời gian qua, các xã, phường đều làm tốt việc huy động các nguồn lực vừa đầu tư hạ tầng, vừa tập trung thay đổi về “chất” trong hoạt động NVH. Tìm hiểu tại nhiều xã, phường chúng tôi thấy, phần lớn kinh phí mua sắm cơ sở vật chất ở NVH hay làm mới cảnh quan, cây xanh đều được các tổ dân phố xã hội hóa. Như ở phường Gia Sàng, từ sau sáp nhập tổ dân phố đến nay, đã có 4 công trình thể thao ngoài trời được lắp đặt tại các NVH chủ yếu từ nguồn xã hội hoá, đáp ứng nhu cầu tập luyện thể dục thể thao hàng ngày của người dân. Hay ở tổ dân phố 1, phường Quang Trung, cuối năm 2020, các đảng viên 213 đã đóng góp hơn 200 triệu đồng cùng tổ dân phố làm mái vòm NVH với diện tích 300m2. Từ khi có mái vòm, người dân chơi bóng chuyền hơi hay tập văn nghệ thường xuyên hơn, không lo ngại khi thời tiết mưa gió.

Ông Trần Xuân Viện, Bí thư Chi bộ tổ dân phố 6, phường Phan Đình Phùng chia sẻ: Mấy năm nay, tổ dân phố đã thực hiện tốt việc huy động được sức dân để lo cho dân. Do nhận thức được: đóng góp tiền để đầu tư các thiết chế văn hoá phục vụ chính mình nên mọi người đồng thuận rất cao. Riêng hơn 2 năm qua, tổ đã vận động được hơn 300 triệu đồng trải đường áp phan khu vực NVH, làm sân bóng chuyền hơi, lắp đèn cao áp ở sân thể thao và mua sắm nhiều trang thiết bị trong NVH phục vụ nhu cầu sinh hoạt cộng đồng của người dân.

Nghe ông Viện chia sẻ, trong lòng tôi cứ trào dâng niềm vui khó tả. Đúng là nhiệm vụ đầu tư hệ thống thiết chế văn hóa, xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa và tinh thần của nhân dân không còn là việc riêng của cấp ủy, chính quyền, mà đã có sự nhập cuộc tích cực từ phía người dân. Và tôi cũng như nhiều công dân ở thành phố Tháng Mười đang tin tưởng và hy vọng chủ trương của thành phố thí điểm trong giai đoạn 2022 - 2025, mỗi phường, xã lựa chọn ít nhất một NVH dôi dư để huy động, thu hút nguồn xã hội hóa đầu tư xây dựng thành sân chơi, vườn hoa, khu tập luyện thể dục thể thao phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, sẽ sớm được triển khai và phát huy hiệu quả.

Giai đoạn 2022 - 2025, TP. Thái Nguyên dự kiến xây dựng 10 Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường bằng nguồn ngân sách thành phố; xây mới 104 nhà văn hóa; cải tạo, sửa chữa 215 nhà văn hóa xóm, tổ dân phố… Thành phố cũng thực hiện cơ chế, chính sách của tỉnh để hỗ trợ kinh phí xây dựng Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường; sửa chữa, xây mới, mua sắm trang thiết bị nhà văn hóa xóm, tổ dân phố để từng bước hoàn thiện các thiết chế văn hóa, phát huy sức sáng tạo và hưởng thụ thành quả sáng tạo của nhân dân.

Linh Lan

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 1 ngày trước