VNTN- Có lẽ bất cứ ai đến Quan Lạn cũng đều bị mê hoặc bởi vẻ đẹp hoang sơ thuần khiết và quyến rũ đến nao lòng. Mấy năm gần đây, cùng với sự quan tâm đầu tư của nhà nước về cơ sở hạ tầng, Quan Lạn từng bước đổi thay và dần trở thành một điểm du lịch hấp dẫn.
Đảo Quan Lạn cách cảng Cái Rồng huyện Vân Đồn tỉnh Quảng Ninh khoảng 40 km, nằm trong quần thể di tích thắng cảnh của vịnh Bái Tử Long. Phương tiện ra đảo khá thuận lợi bởi hệ thống tàu du lịch và tàu cao tốc. Chúng tôi chọn đi tàu du lịch vì muốn thư thái tận hưởng phong cảnh tuyệt đẹp của kỳ quan thiên nhiên thế giới, với muôn hình vạn trạng các hòn núi đá vôi và các đảo đất lớn nhỏ lô nhô mướt mát màu xanh giữa bao la mây trời và nồng nàn sóng nắng. Chỉ gần 3 giờ đồng hồ, tàu chúng tôi đã cập cảng Quan Lạn.
Mây trời Quan Lạn cao vời vợi sau mưa
Quan Lạn là một xã đảo thuộc huyện Vân Đồn, dân cư chủ yếu tập trung gần khu vực cầu cảng, quần cư như một làng trong đất liền. Ấn tượng đầu tiên của tôi về đảo là các loại xe túc túc và đội ngũ lái xe. Đây là loại xe ba bánh bên Thái Lan thường dùng, nhưng ở ta trên đất liền đã bị cấm sử dụng. Hầu hết các xe còn khá mới, động cơ 200 phân khối, giá thời điểm hiện tại bán trên đảo khoảng trên dưới 50 triệu đồng, được nhập về chủ yếu từ Trung Quốc. Toàn đảo có khoảng 300 chiếc loại này dùng chở khách du lịch, giá một cuốc xe chở 8 người từ cảng về nhà nghỉ là 70 ngàn đồng, ra bãi tắm Minh Châu là 350 ngàn đồng. Xe đỗ thành hàng dài đón khách nhưng không hề có việc chèo kéo, những người lái xe nhã nhặn chào mời lên xe với giá cả niêm yết.
Tôi đã hết sức ngỡ ngàng bởi con đường trải nhựa phẳng lỳ được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp ba đồng bằng, chạy từ cảng xuyên đảo ra bãi biển Minh Châu dài trên 10 km, hai bên dành sẵn dải đất lưu thông gần mười mét sẵn sàng cho việc mở rộng đường trong tương lai. Con đường chạy dọc bên những đồi cây phi lao và cát trắng, phong cảnh hữu tình thơ mộng.
Đội thuyền đua tập luyện chuẩn bị cho hội đua bơi Quan Lạn
Điều ý nghĩa nhất khi đặt chân tới Quan Lạn là chúng tôi được giới thiệu đi thăm các di tích cổ trên đảo. Có thể nói cụm di tích đình, chùa, miếu, nghè Quan Lạn thực sự là những di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đặc sắc mang đậm bản sắc văn hóa của cư dân biển, gắn liền với truyền thống lịch sử chống giặc ngoai xâm của dân tộc ta và đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia. Trong đó tiêu biểu nhất là đình, chùa Quan Lạn.
Đình Quan Lạn được xây dựng từ thời Hậu Lê (khoảng thế kỷ thứ 17) , nằm giữa trung tâm của đảo. Đình gồm một bái đường nối với hậu cung bởi ba gian ống muống. Trên nóc có hình lưỡng long chầu nguyệt, các đầu đao uốn cong. Phía trước đình đắp bốn chữ nổi “Quốc thịnh dân hưng”, thể hiện ước vọng của người dân trong vùng. Bên trong đình được chạm khắc công phu, tỉ mỷ và rất độc đáo tạo thành bức tranh nghệ thuật hoành tráng. Đặc biệt, các đầu bẩy đều chạm khắc đầu rồng, mỗi một đầu rồng lại có sự khác nhau. Sàn đình được làm bằng gỗ. Đình còn lưu giữ được 18 sắc phong từ đời vua Thiệu Trị năm thứ nhất (1841). Đình thờ thành hoàng làng, các vị Tiên Công có công lập ấp dựng làng và thờ tướng Trần Khánh Dư - người có công lớn trong trận đánh thuyền lương giặc Nguyên Mông.
Chùa Quan Lạn nằm cạnh đình Quan Lạn. Chùa có tên chữ là Linh Quang tự. Chùa có kiến trúc khá độc đáo. Ngoài cùng là tam quan, sau đến bái đường và hậu cung. Mái lợp ngói mũi hài. Trên các đầu xà, đầu trụ có chạm khắc hoa lá, chủ yếu là hoa sen. Chùa Quan Lạn thờ Phật, thờ mẫu Liễu Hạnh và cụ Hậu. Người làng kể: Cụ Hậu là người gốc Quan Lạn, không có con, sống rất hiền lành phúc hậu, trước khi chết cụ đã hiến toàn bộ tài sản của mình cho nhà chùa, vì vậy mà người dân trong vùng đã tôn cụ làm Hậu Phật, tạc tượng cụ và đặt trong chùa. Hiện nay chùa còn lưu giữ được đầy đủ hệ thống tượng phật có giá trị điêu khắc mang đậm phong cách thời Nguyễn, các bức hoành phi, câu đối, sắc phong của vua Thành Thái (1889) phong cho mẫu Liễu Hạnh.
Tôi may mắn được làm quen với anh Phạm Viết Đào, một cư dân trên đảo. Đưa tôi lên ngọn đồi cao trồng phi lao, bạch đàn và nhiều loại cây chịu khô hạn và gió biển để chụp ảnh phong cảnh, anh cho biết: “Xã đảo có khoảng 4000 dân, có tới gần 300 chiếc tàu thuyền đánh cá. Tháng 12 năm ngoái, điện lưới được kéo ra đảo nên cuộc sống của người dân đã được cải thiện. Chung quanh đảo có nhiều bãi tắm nhưng có ba nơi đẹp nhất là Sơn Hào, Minh Châu và Quan Lạn. Du khách vài năm gần đây ra đảo nhiều nên đảo có cả bãi “tắm tiên”, chủ yếu khách nước ngoài tắm… Ở đảo khá sạch không có các tệ nạn xã hội.” Khi thấy tôi hứng chí muốn đi thăm bãi tắm tiên, anh vội gạt: “Quân ta chả có ai vào đâu, vào đấy không “tiên” chả ai người ta cho!”. Những ngày ở Quan Lạn, tôi đã tới cả ba bãi tắm để vẫy vùng, hòa mình trong làn nước xanh biếc của biển. Biển Quan Lạn hấp dẫn bởi vẻ đẹp dịu dàng, êm đềm và rất đỗi hoang sơ thuần khiết. Bờ cát được tạo nên bởi những hạt cát nhỏ li ti, mịn màng, trắng mịn khiến tôi cứ nghĩ đến câu ví “trắng như tuyết, mượt như nhung”... Sóng vỗ rì rào êm dịu, những cơn gió nhẹ mơn man làm tôi như lạc vào một cõi thần tiên nào đó. Bãi biển Sơn Hào tuy có bãi cát dài nhưng nằm gần lạch biển nên sóng to chỉ thích hợp cho những du khách ưa cảm giác mạnh. Bãi biển Minh Châu mang cảm giác êm dịu với những cơn sóng nhỏ lăn tăn gợn theo gió vỗ vào bờ. Bãi tắm Quan Lạn tựa hình trăng lưỡi liềm trải dài, được bao bọc bởi những đồi cây xanh uốn lượn dịu dàng như làn mi con gái. Cả ba bãi tắm đều rất sạch sẽ trong lành và không hề có rác thải, phần vì khách du lịch chưa đông, phần những người được giao nhiệm vụ quản lý rất có trách nhiệm, song có lẽ vị trí đảo nằm trên biển, mỗi khi thủy triều lên, toàn bộ cỏ rác nếu có đều được sóng gột rửa kéo về lòng biển. Bên cạnh các bãi tắm Minh Châu, Sơn Hào là các cánh rừng còn giữ nguyên dáng vẻ nguyên sinh với các thảm thực vật phong phú. Tận dụng điều kiện tự nhiên này, một số doanh nghiệp đã nhanh chân đầu tư các khu du lịch sinh thái và bước đầu đón khách tham quan.
Tôi khá bất ngờ khi thấy dù đã đón khách du lịch, song các dịch vụ do người dân ở đây tổ chức còn khiêm tốn, hàng quán trong làng và bên cạnh các bãi tắm rất thưa thớt. Ngoài một vài khách sạn lớn, hầu hết các khách sạn nhà nghỉ phục vụ du khách kiêm luôn nhà ở của gia đình và do chính các thành viên trong gia đình phục vụ khách. Tại khách sạn tôi nghỉ, trực lễ tân là một cô bé xinh xắn khoảng 10 tuổi, cậu con trai khoảng 12 tuổi lau dọn vệ sinh, mở cửa phòng cho khách và đóng ngắt cầu dao điện tổng cho các máy điều hòa. Tôi hỏi cô bé: “Cháu tên gì? Cháu không đi học ở nhà giúp bố mẹ ư? Cô bé lễ phép: “Dạ! Con tên Vân. Con đang nghỉ hè ạ. Con chỉ trông coi chìa khóa phòng cho các bác, các chú khi đi ra ngoài thôi ạ!”
Trong những ngày ở Quan Lạn, tôi cũng không khỏi ngạc nhiên trước tính cách phóng khoáng, nồng hậu, chất phác của người dân địa phương. Ngay cả khi vào quầy bán hải sản và vật phẩm lưu niệm, trò chuyện với chị bán hàng và ngỏ ý muốn mua một vài món làm quà cho người thân, biết tôi là người Thái Nguyên, chị thật thà: “Anh lên ngược, nếu muốn mua hàu, mua tôm vào chợ Cái Rồng, mua mực, cá về chợ Hòn Gai. Tầu lớn đánh bắt ngoài xa thường đưa hết vào đất liền bán, ngoài này chỉ tầu thuyền bé mới cập mạn, em chỉ mua được những thứ này phơi nắng…”. Tôi ngạc nhiên: “Chị người ở đây sao rành quá vậy?”. Chị cười rất tươi: “Thi thoảng em vẫn vào đó lấy hàng ra đảo bán cho khách du lịch…”. Một buổi đi dạo sớm, thấy anh lái xe túc túc đang lúi húi lau xe chờ đón khách, tôi lân la hỏi chuyện: “Xe anh không gương, không biển số, có bao giờ bị phạt không?” Anh lái xe gãi tai: “Xe nó thế nào em mua thế, với lại xe này bị cấm sử dụng nên ai người ta đăng ký cho.” “Ở đây không có cảnh sát giao thông nhỉ?” “Không anh ạ! Chỉ dịp lễ hội họ mới về mấy hôm. Nếu ra bãi Minh Châu, các anh ấy cũng lên xe em chở đi.” Tôi giả vờ ngây ngô: “Thế học lấy giấy phép lái xe phải vào tận đất liền à?” Anh chàng lái xe cười tít mắt: “Em lượn mấy vòng là thạo việc gì phải học. Cả đảo chả có mấy người có giấy phép. Em xem ti vi thấy trong ấy đi xe máy phải đội mũ bảo hiểm. Ngoài này vô tư luôn”.
Ban ngày, Quan Lạn còn có không khí nhộn nhịp và mang dáng dấp của một khu du lịch khi có khách trong nước và nước ngoài. Nhưng buổi tối, Quan Lạn thực sự trở thành phố làng thanh vắng, vì khách sạn nhà nghỉ nào cũng đều tự phục vụ ăn uống cho du khách, không có các nhà hàng, quán cà phê giải khát. Đặc biệt ở đây không hề có các dịch vụ massage như nhiều điểm du lịch khác. 10 giờ tối Quan Lạn đã chìm trong giấc ngủ. Tình hình anh ninh trật tự khá tốt, ban đêm các gia đình thoải mái để xe máy bên vệ đường, hoặc ngoài sân nhà không lo mất trộm.
Lần đầu tiên đến Quan Lạn, tôi cảm nhận được sức sống âm ỉ mãnh liệt của một vùng biển đảo, tuy nhiên vẫn không khỏi trăn trở day dứt khi đứng trước những khu đất hoang hóa rộng mênh mông mọc toàn cỏ dại trên toàn cát trắng. Dường như chưa có giải pháp nào cho việc biến những khu đất ấy thành bờ xôi ruộng mật, hoặc các công trình phục vụ du lịch, phát triển kinh tế. Việc tổ chức xây dựng còn nhiều bất cập, không rõ quy hoạch kiến trúc ra sao, khi hàng loạt khách sạn nhà nghỉ khang trang đua nhau mọc ngay trong làng, thụt thò nhấp nhô trên phần đất của từng hộ gia đình, Các loại xe chở khách chen chúc nhau trên con đường làng nhỏ hẹp, trong khi con đường rất đẹp đang hoàn thiện nối các bãi biển, hai bên vẫn toàn bãi cát trống. Mặt khác, hiện Quan Lạn mới chỉ đáp ứng nhu cầu tắm biển, mọi hoạt động vui chơi giải trí và văn hóa tinh thần hầu như chưa có gì. Nên chăng các cấp chính quyền cần có cơ chế khuyến khích các tập thể, cá nhân đầu tư xây dựng khu đô thi du lịch liền kề với khu văn hóa - thương mại bên con đường mới mở, sớm dừng việc xây khách sạn nhà nghỉ trong làng… Đây cũng là vấn đề những người có trách nhiệm phải lưu tâm nếu muốn thu hút du khách đến với Quan Lạn.
Dưới ánh trăng mờ ảo đêm sương, tôi một mình lang thang giữa phố làng để cảm nhận sự yên bình của một làng quê ngoài đảo xa. Nghe sóng biển rì rào vỗ lên bờ cát, lòng chợt cảm thấy nhẹ nhõm thanh thản.
Chiều 25/7 trời mưa sập sùi, sóng biển cuộn lên từng chập trắng xóa, chúng tôi ào xuống biển đùa giỡn với những cơn sóng xô lên bờ cát ào ạt. Chỉ một lúc đã rét gai người, chả ai bảo ai tất cả vội vào bờ, gọi món đồ nướng BBQ tại nhà hàng Vân Phương trên bãi biển Quan Lạn và thống nhất rút ngắn hành trình trên đảo vì có hiện tượng mưa sẽ kéo dài mấy ngày.
Sáng hôm sau trở lại cảng Cái Rồng, biển động khá mạnh. Khu vực huyện Vân Đồn trời bắt đầu mưa nặng hạt. Ngồi ăn trưa tại Cẩm Phả, nhìn bầu trời tối sầm, mây đen trùm cả một góc trời phía biển, tôi phán: “Mình về là hợp lý, ở lại chỉ có nước chui vào chăn. Mưa gió này đi tắm người ta ngỡ mình dở hơi”. Anh bạn gật gù.
Chiều 27/7 sau một ngày làm việc, tôi về nhà mở ti vi và giật mình khi truyền hình đưa tin tỉnh Quảng Ninh mưa lũ lớn. Nhìn khu vực cầu cảng Cái Rồng ngập chìm trong nước, tôi ái ngại nghĩ về đảo Quan Lạn nhỏ nhoi giữa biển khơi. Tôi vội gọi cho chị Sinh, chủ khách sạn Đại Việt ở xóm Bắc nơi đoàn chúng tôi vừa nghỉ. Từ Quan Lạn, giọng chị Sinh vội vã, lo lắng: “Ở đây đang mưa to lắm! May là đoàn mình về buổi sáng chứ buổi trưa trời mưa to, sóng lớn, chả có tầu nào về bờ… Thôi chào em. Chị đang phải đi lo ít đồ ăn cho khách”.
Chiều 30/7, khi ngồi viết bài báo này, tôi lại điện cho chị Sinh hỏi thăm tình hình trên đảo. Lần này giọng chị đã bớt lo lắng: “Toàn đảo an toàn không vấn đề gì về người em ạ, nhưng thiệt hại khá lớn. Chị không ngờ mưa to thế. Đường xá cầu cống mấy đoạn bị nước cuốn trôi. Nhiều cột điện gãy đổ. Đập Lòng Vinh tại xóm Tân Lập đang thi công bị vỡ. Nhiều nhà cửa hoa màu khu vực trũng vẫn đang ngập. Chiều qua một số khách đã lên tầu ra về…”.
Sau mấy chục năm, đảo Quan Lạn và cả tỉnh Quảng Ninh lại bị hứng chịu trận mưa lũ lịch sử như vậy. Dẫu vẫn biết những cư dân biển việc nhẫn nại chống chọi với mưa bão nơi đầu sóng ngọn gió là chuyện diễn ra thường xuyên, nhưng việc phải hứng chịu tổn thất to lớn như vừa qua thì quả thật ngoài sức tưởng tượng… Dẫu mưa lũ không cướp đi gương mặt nào của đảo, nhưng hậu quả của nó để lại chắc còn dai dẳng và không thể khắc phục trong ngày một ngày hai…Giá tôi làm được điều gì đó để chia sẻ khó khăn với bà con ở đây…
Lần giở những bức ảnh chụp trong những ngày ở Quan Lạn, tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp mơ màng như bức tranh thủy mặc của đảo. Bao đời nay giữa muôn trùng sóng biển, đảo Quan Lạn như viên ngọc sáng luôn được ông cha ta gìn giữ. Nơi đây là phên giậu, là tiền đồn chống giặc ngoại xâm, lập nên những chiến công hiển hách trong lịch sử dân tộc. Ngày nay, Quan Lạn đang từng bước khởi sắc và tiếp tục có một vị trí trọng yếu trong chiến lược phát triển kinh tế biển. Với tiềm năng sẵn có, tôi tin một ngày không xa, nơi đây sẽ trở thành vùng kinh tế trù phú, một khu du lịch lý tưởng hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.
Ghi chép. Thái Dương - Ảnh Đào Tuấn
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...