Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
13:59 (GMT +7)

“Quái vật” Trường Sơn

Ngày… tháng 3 năm 1971

Trăng bên Lào rất sáng, mấy tháng liền không hề có mây mưa, trời cứ trong veo. Có lẽ vì trăng ở đây rất đẹp, nên trên Quốc kỳ của nước bạn có hình vầng trăng tròn vành vạnh, thanh bình biết bao.

Những đêm đẹp thế này, nếu có dịp là tôi hay nhìn lên bầu trời, tìm chòm sao Bắc Đẩu, nơi ấy là phương Bắc, là quê hương, là bao nhiêu người thân yêu. Mẹ ơi con đang hướng về với mẹ, mẹ đã ngủ chưa, bây giờ vắng con, ở nhà có còn mang cái nong ra trải giữa sân nhìn lên bầu trời đêm không? Mẹ thường chỉ con vịt có cái đít tròn như cái dậm, có hai ngôi sao lấp lánh là hai con mắt chú vịt bên bờ sông Ngân Hà đó. Người yêu của tôi có nhìn lên bầu trời đêm nay không? Em nhìn trăng là chúng mình thấy nhau đấy...

Bao người lính chiến như tôi/ Nằm chờ lệnh, bỗng bồi hồi nhớ quê/ Tìm sao Bắc Đẩu dõi về/ Thẳm miền xa ấy bộn bề nhớ thương/ Mịt mù khói lửa chiến trường/ Bẩy ngôi sao sáng là phương quê nhà/ Tinh cầu rọi chiếu ngàn xa/ Phản vào sâu thẳm rừng già Trường Sơn/ Cho tôi nhìn thấy người thương/ Cho tôi gặp lại quê hương xa vời/ Chiến trường nhòe ánh sao rơi/ Ngôi nào là ánh mắt người tôi yêu…

Đêm nay trăng sáng rõ quá, nên xe chạy ban đêm cũng chẳng cần đèn. Nhìn từ rất xa, chiếc xe đi trước bụi vẫn cuộn lên từng khối lớn, trắng mờ. Ai cũng nghĩ ngay, nếu lúc này có máy bay thì chúng chả cần pháo sáng cũng thấy rõ mục tiêu. Nhưng biết làm sao được. Nhiệm vụ vận chuyển súng đạn, lương thực cho chiến trường cần thiết, khẩn trương từng cân, từng ngày.

Đây là dốc Thơm, đoạn này đi sâu vào vùng hạ Lào. Địa hình bằng phẳng, nhưng đường trơ trọi vì bom đạn và chất độc đã tàn phá hết cây xanh. Chỉ thỉnh thoảng còn sót lại những cây le nằm ngả rạp, phủ lớp bụi vàng quạch. Từ một đám le rậm và cao hơn, bóng một anh công binh lóe đèn pin hua hua, ra hiệu cho xe dừng lại. Tôi dừng xe, bụi ào lên che kín anh ta, một lúc sau mới ngớt bụi mờ. Anh ta chiếu đèn thấp, tiến lại gần xe nói:

- Chờ tý nữa cho mấy xe trước đi xa xa tan bụi đã, chứ các ông chạy thế này nguy hiểm lắm.

- Nhưng bụi lâu tan lắm, tranh thủ đi không thằng C130 nó tới thì gay - tôi ngoái cổ ra đáp.

Anh công binh bám tay vào cọc ngụy trang đầu xe, lắc lắc.

- Nhanh thôi, chờ tý.

Tôi sốt ruột, chui cả đầu ra, cổ áo giáp chống vào cửa xe đẩy lui lại.

- Sáng thế kia, tôi chạy rất nhanh, kể cả có máy bay cũng chả bắn trúng đâu.

Tôi nhích xe lên. Anh công binh đành tránh ra, miệng cằn nhằn:

- Chịu các ông xế.

Thấp thoáng bên đường có các cửa hầm thấp tè tè, các lực lượng đảm bảo đã đào sẵn. Cứ cách 30 - 40m lại có một hầm. Hầm chỉ sâu khoảng 1,5m, dài 2m. Hai bên chống gỗ kiểu chữ A, đổ đất lên nửa chìm, nửa nổi. Bột đất tràn cả xuống hầm, dày hàng gang tay.

Những con đường bụi ở tây Trường Sơn thật đặc trưng, ít đâu có. Có lần giấu xe gần con đường như thế, nhìn thấy sợ. Vết tích của những con rắn, con thú hằn rõ nơi chúng đi qua, có vệt tròn nhẵn bóng, to như cột nhà. Có dấu chân to bằng cái nồi, chắc là chân voi.

Nhiều tháng không có nước/ Suối cạn, nòng nọc đen/ Lấy bao tải ép chèn/ Lọc nước, dùng ăn uống./ Đỉnh núi, chú đại bàng/ Mỏ quặp, mắt nhìn ngang/ Rừng Khộp khô vàng quạch/ Nắng nung người chói chang./ Dày hố bom ngoách ngoéo/ Thùng phuy gác ngọn cây/ Xác xe cháy đen dày/ Bao con người ngã xuống.

Gần đến chân dốc Thơm, bỗng thấy hàng loạt ánh chớp lóe sáng trước đầu xe cùng tiếng nổ chát chúa, rồi hơi nóng táp vào mặt. Ngồi giữa ca bin là anh Hinh, người Cao Bằng, chiến sĩ nuôi quân. Bên ngoài là anh Chu Tiên Kính. Bị bắn quá gần, anh Hinh nhổm dậy, kêu to:

- Dừng lạ... ạ…i. Dừng lại… Xuống h... ầm…

Tôi như không nghe thấy gì, nhấn ga, nhắm mắt lao lên dốc. Một loạt đạn rát bỏng dội trúng xe. Tất cả đều rung lên bần bật. Rồi xe bỗng khựng lại, tắt lịm. Anh Kính hô lớn:

- Xuống hầ…ầ…m.

Mấy viên đạn cao xạ vạch đường vút lên trời, rồi lại từ trận địa khác bắn chéo qua đường (pháo chỉ bắn điểm xạ ngắn, bắn dài sẽ lộ trận địa, lũ phản lực lượn quanh sẽ sẵn sàng lao xuống). Rõ là, chỉ như cảnh báo, buộc máy bay nâng cao hơn. Nhưng vậy cũng ấm lòng, vì biết chung quanh có bao đồng đội đang bảo vệ, chia sẻ cùng chúng tôi. Cách chừng 20m có cửa hầm, thấy anh Hinh người to lớn cố gắng chui vào, tôi đẩy mạnh sau lưng anh, rồi chui vào theo. Loạt đạn khác lại cày qua, nổ oành oành xung quanh. Anh Kính vào sau cùng, nhưng hầm bé và chật, lại nông, nên chúng tôi phải quỳ khom khom úp thìa lên nhau.

“Quái vật” AC130 (Ảnh tư liệu)

Dường như bắt được con mồi nằm chềnh ềnh dưới trăng sáng, chiếc AC130 thỏa sức trút đạn. “Đây là loại máy bay được cải tiến, có khả năng quan sát bằng tia hồng ngoại rất rõ vào ban đêm, thời gian hoạt động lâu. Khi phát hiện mục tiêu là sà xuống nhả đạn 40 ly, 20 ly rất chính xác và gây sát thương trên diện rộng. Chỉ tính từ tháng 3 đến tháng 6 năm 1971 đã có 1.425 xe và 8.500 tấn hàng của tuyến Trường Sơn, bị máy bay AC130 bắn cháy” (theo Trung đoàn Ô tô vận tải 13, Nhà xuất bản QĐND, in tháng 11 năm 2006).

Trong hầm quá chật, bụi đất sồm sộp. Ba người nằm úp lên lưng nhau, ngột ngạt, vô cùng khó thở. Áo giáp chèn cứng, nhất là nó chẹn vào bẹn và cổ, đau tê dại. Máy bay vẫn cứ ù ù như con quái vật, trút đạn 20 ly từ khẩu súng 6 nòng xuống thành dòng, ken dầy, với uy lực khủng khiếp như sắt thép nóng chảy chói lòa từ trên trời thả xuống. Xèo xèo, oành oành, kèm giữa đạn xuyên và đạn nổ khét lẹt. “Chỉ cần chiếc AC130A bay một lượt qua sân vận động và xả súng xuống, toàn bộ sân sẽ bị trùm trong khói lửa. Mưa đầu đạn 20 ly sẽ cắm đều xuống sân với cự ly giữa các lỗ đạn là 20 inh” (theo Chân Trần Chí Thép, trang 311, Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh).

Tôi đè úp lên anh Hinh, bên trên tôi là anh Kính, bị hở lưng nên càng nén chặt. Những viên đạn cày xuyên qua đất trên nóc hầm, chạm tới lớp gỗ kêu xình xịch, rợn người. Bỗng anh Hinh oằn mình la lên.

- Ối…ối. Tôi chết rồi…

Tôi cố chống người lên sờ vào người anh Hinh. Thấy rát tay nơi thắt lưng. Cả viên đạn to như quả chuối đang cắm vào lưng anh bỏng rát. Vì nó xuyên qua lớp đất và gỗ trên nóc hầm, nên cắm vào lưng ngập gần hết, chỉ còn chừng một đốt ngón tay trồi bên ngoài. Thật khủng khiếp, viên đạn đã lách qua đầu, qua cổ tôi mà cắm vào lưng anh Hinh. Anh Kính vòng tay qua nách tôi.

- Để xem có nhổ ra được không?

Anh Hinh càng kêu to, gồng mình lên.

- Ối đau... lắ…m. Đừng… Đừng…

Cứ thế, những loạt đạn đổ xuống như dài thêm mãi. Nó cứ bay vòng quanh, súng bắn từ cánh cửa nên không thể biết thời gian ngưng bắn để có thể chạy thoát ra (không như máy bay phản lực, đánh dứt loạt bom là có thể chạy được, vì bọn phản lực phải nâng độ cao, quay vòng mới đánh tiếp loạt khác).

Tôi mơ màng, mường tượng hình ảnh ông Nguyễn Đức Thuận bị tra tấn trong cuốn tự truyện Bất khuất ở nhà tù Côn Đảo. Địch bắt ông đứng chống tay vào tường, chân toãi ra dưới bóng đèn 500-oát. Tự hỏi, nhuệ khí của mình đâu hết rồi? Phải cố gắng lên!

Rồi chẳng biết bao lâu thì xe tôi bị cháy. Chỉ khi đó máy bay mới buông tha, chỉ còn lại tiếng ù ù của lửa cháy. Tôi không còn nhúc nhích được nữa. Hai chân như đã đứt rời. Tôi đè bẹp lên lưng anh Hinh, anh cũng hết kêu. Chả nhẽ anh chết rồi sao? Nhưng vẫn còn thở và nóng hập mà. Thiếu không khí, bụi đất mịt mù, chân đau buốt hoàn toàn không còn cử động được, tôi ngất lịm đi. Chẳng biết ai đã lôi được chúng tôi ra, và bao lâu thì tôi tỉnh lại…

Tạo hóa trao cho cảnh, yên bình/ Con người hận thù nhau, tàn phá/ Lý tưởng, khó trùng nhau tất cả/ Sự đời, ai cũng tưởng mình hơn.

Trước giờ xuất kích (ảnh tư liệu)

Kể chuyện trên tuyến lửa Trường Sơn huyền thoại, tôi hy vọng tìm lại được các đồng đội ngày ấy. Đã gần nửa thế kỷ trôi qua, các anh nay ở đâu? Sau trận đó, anh Hinh có còn không? Các anh đã để lại trong tôi những tình cảm, kỷ niệm không thể phai mờ. Những người nuôi quân ấy đã chăm lo từng bữa ăn, trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn mọi bề. Ở đâu các anh cũng cố gắng tìm kiếm rau rừng, thực phẩm. Thương chúng tôi phải thức đêm, chịu bom đạn ác liệt trên đường, trong khi mình còn được nhiều đêm ngủ yên ở hậu cứ, thế nên các anh đã dồn tinh thần chống Mỹ vào từng bữa ăn, phục vụ mọi người.

Nhớ có lần, tôi thấy anh em nuôi quân khênh về một con ba ba rất to, tôi chưa nhìn thấy ở đâu có con ba ba to như thế. Nghe nói nó “nằm vùng” ở nơi nước suối cạn, không ngập kín được cái mai to đùng. Lúc đầu các anh phát hiện ra, cứ tưởng là tảng đá. Rồi chuyện ở trạm tiểu tu (trạm sửa chữa kỹ thuật cỡ binh trạm tương đương cấp sư đoàn trở lên mới có), các anh bẫy được một con hổ. Khi ấy, đơn vị đóng quân ở một khu rừng lồ ô. Xen kẽ bên những bụi lồ ô là những cây gỗ mọc thẳng tắp (do dãy Trường Sơn chắn bão, nên cây bên tây Trường Sơn mọc rất thẳng). Mấy hôm trước, hổ vào bắt mất con lợn, nên các anh bí mật làm bẫy, bằng cách vít ngọn cây cong xuống như cần câu, rồi buộc dây cáp làm thòng lọng, đặt cạnh chuồng lợn nơi lần trước hổ đã vào.

Đêm ấy, do xe hỏng nên tôi phải đưa vào trạm tiểu tu và được nghỉ tại hầm gần bếp ăn. Bỗng nghe hàng loạt súng AK nổ ràn rạt, tôi bật dậy vơ khẩu súng, ngó ra cửa hầm. Trước mặt là cảnh tượng thật hãi hùng mà thú vị. Con hổ cứ tung lên lại rơi xuống, nó bị thòng chân trước, còn hai chân sau cứ chạm đất lại hất lên. Mấy người lăm lăm khẩu súng trong tay, nâng lên hạ xuống, bắn từng loạt. Rất gần mà nhiều viên bắn trượt, vì hổ khỏe quá. Mọi người chạy ồ cả ra, reo hò, tưởng vỡ toang núi rừng yên tĩnh. Đồng đội ơi! Các anh ở đâu rồi?

Trần Quang Thành

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 2 ngày trước