Thứ bảy, ngày 21 tháng 09 năm 2024
13:50 (GMT +7)

Quà biếu

VNTN - Chiều cuối tuần, quán bia cửa nhà tôi lại đông nghịt. Nhìn sang, mấy dãy bàn phía ngoài toàn là thanh niên trẻ, khách quen của quán. Phố tôi vẫn gọi là đám trống choai, bởi lẽ không chỉ ăn uống xả láng họ còn đều là con các vị có quyền, có chức, tuần nào cũng đôi buổi họ găp nhau hàn huyên. Chuyện của họ không kiêng nể một ai, cũng chả ai dám xem thường họ. Đụng vào họ là đụng vào cấp to đụng vào bố mẹ họ, dại gì.

Sau đôi lượt chạm cốc, một giọng khàn khàn kể lể:

- Tao đang chán tận cổ về ông bô đây. Làm đến chức cao như vậy mà cấm thấy tiền đâu. Đất rộng mà làm gì, cây cối, chim muông mà làm gì. Toàn người đâu đâu lạ hoắc đến tặng cây cảnh, toàn chậu to tướng, cành mọc kềnh càng lá rụng xuống bẩn vườn. Có người tặng lồng chim, kêu là chim quí, tao còn phải cho nó ăn. Giá con mèo nó vồ nó chén thì tao đỡ vất vả... Nào uống cho đỡ sầu.

Sau chầu bia, một giọng the thé như giọng con gái, chắc mới vỡ giọng:

- Tao thì có sung sướng gì. Bố tao lại còn khốt ta bít hơn. Quà biếu của ông toàn là lợn, gà, dê, chó. Chả biết ông sưu tầm của nợ ấy làm gì. Ông bảo, phải đủ 12 con giáp. Ông nhận xếp vào tủ kính trông gớm ghiếc. Người biếu con to, người biếu con bé nên càng lộn xộn. Của ấy giá bằng vàng thì tao dùng còn ra vấn đề.

- Này, khéo thật đấy. Nhỡ bên trong toàn là vàng ròng hoặc mỗi con có ruột là một viên kim cương thì sao. Thời buổi này ai biếu con lợn đất hay lợn nhựa hoặc đá vớ vẩn.

- Thằng Tuấn nói có lý, lúc nào mày cứ đem ra đập thử xem.

- Tao sợ bố tao phát hiện ra thì no đòn.

- Biết sao được. Mà tao nói thật. Các ông ấy nhận quà biếu nó nhẹ nhàng như không. Họ đưa đến, các ông ra vẻ không thiết tha, hờ hững cầm cho vào tủ. Như nhà tao đây bố làm xoàng xoàng, họ đến biếu chè mẹ tao còn cân lại, họ biếu phong bì mẹ tao còn đếm ghi vào sổ hẳn hoi. Mẹ tao bảo, để biết còn trả nợ.

Một giọng cười ngặt nghẽo, sằng sặc cất lên.

- Mày cười gì?

- Để yên Long đại ca nói xem, nó cười có ý của nó. Bố nó nhất ở tỉnh đấy.

- Đúng vậy, tao cười vì chúng mày toàn đồ ngốc. Ngày trước có chuyện quan huyện nhận quà biếu còn nói: Tôi tuổi tý nó biếu con chuột vàng, sao tôi không là trâu để nó biếu con trâu vàng. Thời buổi công nghệ cao có bao con mắt soi mói thì các con vật vô tư kia đều biết nói mức độ biết ơn đấy. Còn chuyện cân chè, hộp bánh chỉ là ngụy trang. Trong gói chè là cái nhẫn vàng trong gói bánh là tập tiền. Chúng mày thấy tao nói có đúng không. Văn hóa biếu tặng nó tế nhị, sinh động và hấp dẫn lắm. Nhiều đời vẫn không tả hết.

Ảnh minh họa        Nguồn: Internet

- Hoan hô, tất cả cạn một ly với lời vàng ý ngọc của đại ca.

- Long đại ca có mẹo gì bảo bọn tao học theo.

- Có gì đâu. Mẹo thì nhiều. Hôm nay chỉ nói mẹo vặt. Nếu bố có nói gì đến sinh nhật, mừng thọ, giỗ chạp, thăm nom các cụ già… thì cứ giả vờ khuyên là không nên. Đừng lo, giả vờ thôi, đến khi các cụ cay mũi thì mới bở. Mình vờ ngăn nhưng ngầm mách thư ký riêng của ông ta hùn vào. Ông nào chả nghe thư ký.

- Quá đúng, tất cả đồng thanh.

- Còn tao khoái nhất ngày nghỉ, ngày lễ, ngày tết. Tao bằng mọi cách “điệu hổ ly sơn” xin thiệt thòi trông nhà. Các ông bà đi vắng, ai đến tặng quà, tao bảo: Các chú cứ ghi tên vào sổ, cháu báo cáo bố cháu đầy đủ. Ngoan không.

- Thế thì không xơ múi gì sao?

- Mày ngu như lợn. Phong bì vẫn nguyên tên nhưng có rút ruột, trời mới biết. Mà càng làm to thì họ càng không quan tâm đến mấy cái lặt vặt đấy. Bão hòa mà.

- Thế nhỡ các cô chú ấy nhắc đến số lượng cho bố cậu biết thì...

- Lại dốt. Tâm lý kẻ nịnh, nhờ vả ai dám kể lể bao giờ. Đúng không.

- Thật là quá khôn ngoan. Thế mới xứng đáng đại ca.

Nghe họ nói chuyện mà tôi ù cả tai. Hóa ra già rồi mà có những điều mình không biết hết sự đời bằng con trẻ.

 

Nguyễn Đình Tân

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Buồn trên mắt mẹ

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Chuyện nghệ danh

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Tiếng còi xe

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Điều đàn ông sợ

Câu chuyện văn hóa 2 tháng trước

Hãy cứ “nghĩ hộ” con

Câu chuyện văn hóa 3 tháng trước

"Của cho không bằng cách cho"

Câu chuyện văn hóa 4 tháng trước

Chồng hoang vợ vụng

Câu chuyện văn hóa 4 tháng trước