Thứ ba, ngày 07 tháng 05 năm 2024
17:56 (GMT +7)

Phóng sự điều tra: Thách thức và giới hạn của sự an toàn

Thước đo cao quý nhất cho phẩm cách của nhà báo

Việc đầu tiên, theo tôi, chúng ta phải rành mạch, thế nào là một phóng sự điều tra hay. Dư luận, công chúng báo chí, và cả các tiêu chí chấm giải (như giải lớn nhất là Giải Báo chí Quốc gia) đều đánh giá cao tính hiệu quả của một tác phẩm. Tức là ngoài tính “mới mẻ”, kĩ năng thể hiện tốt; cái cốt lõi là hiệu ứng xã hội của tác phẩm phóng sự điều tra đó.

“Đừng trêu ghẹo ai thì sẽ không ai trêu ghẹo mình. Nhưng nhà báo điều tra thì cần bóc mẽ, lật mặt, “tấn công” vào nhiều tiêu cực để tác nghiệp tốt nhất có thể. Không lẽ họ ngồi im không làm gì cả, kiểu “mũ ni che tai” ư? Hay đồng lõa, bảo kê cho tiêu cực bất công để rồi “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”? Nhà báo cống hiến cho cộng đồng, thì ai bảo vệ nhà báo?” Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng

Tác phẩm đã làm được gì cho nhân vật, sự kiện, vấn đề mà nó truyền tải. Nếu có bất công, thì bất công có được dẹp? Nếu đề cập đến tham nhũng, cửa quyền, tư túi, chà đạp lên các giá trị nhân văn… - thì các “ung nhọt” đó được giải quyết hiệu quả thế nào sau tác phẩm báo chí kể trên “ra lò”? Nếu là thân phận con người, có thể oan khiên, có thể bệnh tật hiểm nghèo hay cảnh đời tận khổ, hoặc có thể là ai và điều gì hết sức tử tế, thì việc tiễu trừ cái tiêu cực và lan tỏa cái tốt đẹp đã ra sao sau khi nhà báo đăng/phát tác phẩm của mình? Điều này, có thể gói gọn trong một câu: Thước đo quan trọng nhất về phẩm cách của một nhà báo, là họ đã làm được gì cho một xã hội tốt đẹp hơn.

“Cái thước” có chữ, có số, có thể đọc thông số hay thông điệp được, chứ không hề trừu tượng “mẹ hát con khen hay” hoặc “văn mình vợ người”. Ví dụ: bao nhiêu chiến dịch đã ra đời, bao nhiêu phiên tòa được mở, bao nhiêu cá nhân tổ chức bị xử lý, bao nhiêu người yếu thế được cứu rỗi. Xã hội được truyền cảm hứng yêu/ghét thế nào.

Bóc mẽ, lật mặt, gửi hồ sơ lên cơ quan điều tra, kiến nghị chính sách, đề nghị thay đổi… Luật

Cái khó nhất của tác phẩm phóng sự điều tra, chắc chắn là việc… điều tra.

Chúng ta có khái niệm bằng tiếng Anh “Investigate Journalist”, cả thế giới trân trọng danh hiệu “Nhà báo Điều tra”. Song, đôi lúc, chúng ta vẫn lẫn lộn: một bên là người viết bài nào đó mang tính chất điều tra, có bóc mẽ cái này, có đưa tin sai phạm hay tiêu cực nọ kia… - với một bên là hoạt động đích thực của nhà báo điều tra. Ví dụ, khi công an, kiểm lâm, hải quan, biên phòng, quản lý thị trường…, họ bắt giữ vài đường dây buôn lậu, làm hàng giả, buôn ma túy, buôn người với quy mô cực lớn, thậm chí lớn nhất từng được biết đến ở Việt Nam, thì họ gọi nhà báo đến đưa tin. Thậm chí họ chụp ảnh và ra thông báo, đưa lên web của họ rồi, nhà báo vào đó lấy thông tin viết bài, nếu cần có thể phỏng vấn cơ quan điều tra, thậm chí đi mật phục với họ để ập vào quay phim chụp ảnh có vẻ rất “hình sự”.

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng trong chuyến tác nghiệp

Theo tôi, đó là hoạt động đưa tin, làm phóng sự về cơ quan điều tra nào đó phá án. Chứ không đúng với tính chất của “danh xưng” nhà báo điều tra.

Nhà báo điều tra họ làm theo quy trình ngược lại: họ độc lập điều tra rồi dẫn cơ quan chức năng đi xử lý. Họ giám sát và có thể tố cáo cơ quan chức năng nếu chưa làm đúng hoặc làm sai.

Tùy theo tính chất, mức độ “khói lửa” của từng vụ nhà báo tham gia điều tra, thì mức độ gây hiệu ứng xã hội của tác phẩm sẽ có thể To hay Bé. Có thể lên đến Tỉnh ủy, UBND các tỉnh, yêu cầu họ vào cuộc. Hoặc kiến nghị tới các Bộ trưởng, vào Nghị trường Quốc hội, lên bàn nghị sự của Văn phòng Chính phủ. Thậm chí, nhiều tác phẩm ngay lập tức nhận được ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng hay một trong các Phó Thủ tướng, nhằm giải quyết dứt điểm tình hình.

Các hiệu ứng kể trên, chúng tôi đều đã gặp, gặp nhiều lần, thông qua các tác phẩm chúng tôi đã thực hiện trực tiếp và trải nghiệm câu chuyện về “quyền lực thứ tư” (báo chí) trong xã hội. Cá biệt, nhiều tuyến bài, đã khiến Luật Hình sự, Luật Đầu tư, Luật Khoáng sản, Luật Di sản Văn hóa… của chúng ta phải “chỉnh sửa, bổ sung” các vấn đề mà bài viết vạch ra.

Nhà báo điều tra cần chỉ ra các bất cập, các đòi hỏi từ thực thế cuộc sống đa dạng. Để đỡ mất thời gian của độc giả, tôi xin kể ra các câu chuyện thông qua tít bài, quý vị có thể tìm kiếm qua Google và đọc toàn bộ theo từ khóa. Khi báo chí, trong đó có tôi đưa ra gần 10 bài về nạn buôn bán bào thai và bất cập của Luật, mấy Bộ họp lại không biết xử lý ra sao, đầu năm 2021, Luật Đầu tư của Việt Nam đã bổ sung quy định buôn bán bào thai có thể bị xử lý hình sự. Trước thảm nạn lạm dụng tình dục trẻ em nam ở Hà Nội, chúng tôi “Trắng đêm theo dấu Quỷ ấu dâm ngoại quốc” (tít bài), đưa hồ sơ lên Công an, đưa vào Quốc hội, nhiều đối tượng người Việt và người nước ngoài đã bị bắt. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung lên tiếng. Và Luật Hình sự bổ sung quy định để xử lý được các đối tượng là nam giới đi hãm hiếp, lạm dụng các bé trai (trước nay, để xử tội “Hiếp dâm” được, cần có yếu tố “Giao cấu” và giao cấu được hiểu phải là hành vi giữa nam với nữ!). Giờ đây, khi báo chí trích dẫn quy định, có phần: “Hiếp dâm và hành vi tình dục khác” (trước nay chỉ là “Hiếp dâm”), thì cái cụm phía sau chính là sự bổ sung từ thực tiễn mà tuyến bài chúng tôi đã vạch ra.

Trước yêu cầu về giá trị đanh thép của việc điều tra độc lập (thậm chí, nếu phối hợp với các cơ quan khác sẽ làm lộ bí mật của vụ xâm nhập, vì có thể kết quả điều tra là tài liệu chống lại cơ quan có chức năng quản lý lĩnh vực này), thách thức lớn nhất của nhà báo điều tra là phải có đề tài mới/ hướng triển khai riêng/cách phân tích lập luận đủ sắc sảo/sự nâng tầm vấn đề đủ bao quát và khiến người ta không thể thờ ơ. Bên cạnh đó, nhà báo cần có hoạt động “hành lang” tích cực để nhắc việc một vài cơ quan chức năng.

Ví dụ, khi “Đột kích các tổng kho hành quyết chim trời” (tên sê ri phóng sự, dài hơn 10 kỳ đăng trên Dân Việt), chúng tôi chọn cách đi vào các lò bẫy, bắt, giết chóc, các nhà hàng bán thịt chim trời lớn nhất Việt Nam. Một nhà hàng, họ có thể thu về 500 triệu đồng/ngày, với bãi xe ô tô mênh mông, phục vụ nhạc sống hàng ngày. Các chuỗi nhà hàng “danh tiếng” mọc lên khắp nhiều tỉnh thành, thu siêu lợi nhuận thông qua tàn sát thiên nhiên!

Chim hoang dã Việt Nam và quốc tế (chim di cư bay qua nước ta) sẽ đi về đâu? Luật của chúng ta có đủ, sao không ai xử lý, quốc tế sẽ nghĩ gì về sự “mông muội” của chúng ta trong lĩnh vực này? Ai đã bảo kê cho những thủ phủ chim trời ở Hà Nam, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nội? Chúng tôi điều tra, giám sát, trực tiếp lái xe đi mời công an, kiểm lâm, thậm chí dùng chính xe của mình đưa các đồng chí đi xử lý. Quan trọng hơn, như ở Hà Nam, tôi gọi trực tiếp cho Chủ tịch UBND tỉnh và các ban ngành chức năng đề nghị vào cuộc. Tôi cũng được Bộ Tài nguyên và Môi trường mời lên đưa tư liệu, diễn thuyết để họ hoàn thiện Chỉ thị về Bảo vệ các loài chim hoang dã, chim di cư ở Việt Nam trình Thủ tướng ký và ban hành. Các hội thảo mang tầm quốc tế được tổ chức, cơ quan báo chúng tôi là đồng chủ trì, tôi là diễn giả. Chúng tôi đi diễn thuyết về chủ đề này ở nhiều nơi.

Cục Kiểm lâm, Cục Bảo tồn Đa dạng sinh học có văn bản chỉ đạo về việc này. Tức là, lúc đó, nhà báo điều tra, không chỉ đưa ra các tuyến bài, xử lý các tụ điểm ở nhiều tỉnh thành (với việc bắt giữ cụ thể), thả chim hoang dã về tự nhiên; mà quan trọng hơn, họ còn nỗ lực như một nhà hoạt động xã hội đưa vấn đề ra các vị trí, các tầm vóc như cần phải có.

Có thể đếm được số người bị tra tay vào còng sau mỗi loạt bài

Tương tự, chúng tôi đưa ra các tuyến bài hơn 50 kỳ về “Ăn của rừng rưng rưng người khóc”/“Kinh hoàng những chiêu trò tàn sát thú rừng”, với sự lên tiếng của nhiều lãnh đạo Quốc hội, nhiều nhà văn hóa, chính trị có uy tín lớn ở Việt Nam, lãnh đạo các tỉnh thành. Với tài liệu đã có, chúng tôi đến tận các trụ sở công an, nộp tài liệu, kiến nghị xử lý, nhiều vụ chúng tôi trực tiếp đi điều tra/đánh án cùng công an. Kết quả là: những vụ giải cứu động vật lớn nhất trong lịch sử bảo tồn ở Việt Nam ra đời, ví như vụ triệt phá làng nuôi hổ, cứu hộ 17 con hổ mỗi cá thể nặng 2 - 3 tạ; cách đó không xa, gần như cùng thời điểm, thu giữ 7 cá thể hổ nhỏ, bắt 21kg tê tê sống nguyên con. Nhiều đối tượng tra tay vào còng. Thời điểm diễn ra vụ việc là tháng 8/2021. Đến nay, chúng tôi đã nhận nhiều giải thưởng và các lễ tri ân đóng góp của Nhà báo Điều tra cho lĩnh vực bảo tồn.

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng trong chuyến tác nghiệp

Trước đó, phóng sự điều tra “Lời man trá trong các rừng nghiến khổng lồ” (đoạt giải B - Giải Báo chí Quốc gia năm 2020) của chúng tôi, rồi sau khi đoạt giải, nhóm PV tung tiếp ra loạt bài gần 20 tin, bài, video “Phía sau vụ thảm sát rừng nghiến cổ thụ “khủng” nhất Việt Nam”. Đến nay, đã có 7 đối tượng bị bắt tạm giam và tạm giữ hình sự. Lãnh đạo khu Bảo tồn/ Vườn Quốc gia Du Già bị đình chỉ công tác. Khoảng 800m3 gỗ nghiến với nhiều cây có đường kính gốc bị chặt hạ lên tới 2,7m được ghi nhận, cơ quan công an tiến hành mở rộng điều tra. Cục Kiểm lâm hỏa tốc chỉ đạo ngay trong ngày chúng tôi đưa ra bài đầu tiên, cùng ngày, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang vào tận hiện trường chỉ đạo. Vụ việc chúng tôi đăng tải đầu tiên, độc quyền, độc lập điều tra.

Có vô số các vụ việc dạng như trên, nếu có dịp chúng tôi sẽ kể thêm.

Thách thức về sự an toàn cho nhà báo

Điều tra được, đưa cơ quan chức năng đi bắt giữ, xử lý sai phạm là một nhẽ. Cái khó nữa: đâu là giới hạn sự an toàn cho nhà báo? Ai sẽ bảo vệ nhà báo để họ thật sự an toàn?

Một khi các nhà báo có lý tưởng cống hiến cho cộng đồng thông qua tác phẩm báo chí có sức chiến đấu, có sức lay động lòng người, thì xã hội cần cơ chế bảo vệ để an toàn cho họ. Để họ được truyền cảm hứng. Cần sự quyết liệt và minh bạch trong bảo vệ người tử tế, tránh việc “đấu tranh thì tránh đi đâu”. Tránh việc, để đến lúc nhà báo bị tấn công đổ máu rồi mới tham gia giải quyết, kể cả có giải quyết minh bạch đi nữa, thì lúc đó chỉ là “chữa cháy”, hầu như ít có tác dụng thật sự. Và từ đó sẽ làm mất nhuệ khí của những ngòi bút chân chính. Cần một cơ chế minh bạch trong tiễu trừ tội phạm, trong bảo vệ người ngay thẳng và có lý tưởng cống hiến. Việc này cần làm một cách có hệ thống và liên tục. Làm từ đầu, từ sự nghiêm khắc với cái ác, cái mù mờ tiêu cực, từ nâng cao nhận thức và tính răn đe của luật pháp.

Xin mở ngoặc: nếu không có một sự minh bạch và quyết liệt của cả hệ thống chính trị như trên, các nhà báo thật sự chống tiêu cực, đang và sẽ ngày càng phải đối mặt với nhiều hiểm nguy hơn. Vũ khí bị bán tràn lan trên mạng, tội phạm tinh vi hơn, thiết bị theo dõi của các ông bà trùm hiện đại hơn, nhất là khi họ có tiền từ hoạt động phi pháp.

Cho nên, nếu chống tiêu cực giả cầy hay theo phong trào, hoặc “tấn công” họ rồi cho họ “thanh minh” và bắt tay với họ, thì hầu như nhà báo ít đối mặt với nguy hiểm mà lại còn “có lợi”. Tình trạng này không phải là chưa từng diễn ra! Còn, chống tiêu cực thật sự, nếu nhà báo không được các thành trì nhân ái của xã hội bảo vệ, thì họ rất khó tránh khỏi hiểm họa.

Vì sao? Vì, không có vũ khí tự vệ, không được đào tạo để tự vệ như các lực lượng điều tra khác. Nhà báo chỉ còn (cơ bản) biết ẩn danh tính, bí mật điều tra và “ký bút danh” khi công bố tác phẩm của mình. Càng ngày sự giấu nhân thân của nhà báo càng khó, nhất là trước sự tung hoành của mạng xã hội, trước sự phổ biến của các thiết bị ghi hình lén, camera an ninh siêu hiện đại và siêu rẻ (mà các đối tượng ranh ma sử dụng). Nhà báo có thể bị ghi hình “điều tra ngược”, bị camera an ninh của các đối tượng “bắt hình dong” để lưu trữ và trả thù. Quan trọng hơn, tác phẩm của nhà báo điều tra càng đanh thép thì càng nổi tiếng, càng được nhiều giải thưởng. Dù kín đáo, lễ trao giải có khi cũng là lúc nhà báo lộ diện.

Nếu từ chối nhận giải, thì đồng nghiệp có thể vô tình hay hữu ý tiết lộ về người viết chỉ qua một câu tiện mồm. Hoặc họ ủ mưu tiết lộ cũng không ai biết hoặc bắt bẻ được họ. Một ông Tổng Biên tập tờ báo lớn hơn 90 năm tuổi ở Hà Nội đã phải dùng câu này: Nếu tiết lộ tên tác giả làm loạt bài điều tra này, các vị đã bán rẻ máu của đồng nghiệp để lấy “mối quan hệ” của mình đấy. Các đối tượng chỉ cần nhờ người trong nghề báo hỏi một câu là ra ai viết bài đó, dù ký bút danh nào đi nữa. Giọng văn, âm thanh trong video điều tra (dù làm méo tiếng rồi!), cương vị của một nhà báo trong lĩnh vực điều tra ở tòa soạn đó… - tất cả đều là các chỉ dấu để dân trong nghề hiểu ngay “Tác giả bài viết là ai”.

Đã có chuyện, các tòa soạn không trả nhuận bút, không khen thưởng trực tiếp cho phóng viên điều tra, vì sợ bảng kê khai ký nhuận bút/lĩnh thưởng/lĩnh công tác phí sẽ làm lộ tên người đó (khi người khác “dò” tên và ký nhận tiền của họ).

Dù giữ gìn cỡ nào, nhà báo điều tra chỉ thật sự an toàn khi chúng ta có một cơ chế bảo vệ nhà báo đích đáng để họ được an toàn. Nếu luật pháp và sự thực thi luật đủ mạnh, đủ minh bạch, thì tội phạm sẽ không dám lộng hành. Muốn thuê người đánh nhà báo cũng không có “giang hồ” để mà thuê, hoặc bắt đầu thuê đã bị theo dõi và triệt phá. Đó mới là mơ ước về một xã hội nhân ái, với các thiết chế đủ mạnh cho cái tốt đẹp được lan tỏa. Để nhà báo dám xông pha và sau khi xông pha tả xung hữu đột rồi mà vẫn an toàn. Muốn các nhà báo điều tra không đơn độc, muốn tre già măng mọc được, chúng ta cần phải tối thiểu làm được những điều trên. Dù không dễ.

Hà Nội, ngày 24/9/2021.

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy