Phòng chống tham nhũng: Từ thực tế đến sửa luật
VNTN - Trúc BạTham nhũng được nhận định vẫn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, có nguyên nhân từ sự bất cập của Luật Phòng chống tham nhũng hiện hành. Nhưng sửa luật này cũng lại được cho là công việc vô cùng phức tạp.
Cùng trong phiên họp thứ 14 vừa kết thúc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa xem xét báo cáo công tác phòng chống tham nhũng của Chính phủ, vừa cho ý kiến sửa Luật Phòng chống tham nhũng, cũng do Chính phủ trình.
Báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng của Chính phủ, vẫn như những năm trước: nhận định chung chung, thiếu thông tin, địa chỉ cụ thể.
Nhưng, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp thì khác, bức xúc của cử tri, tâm điểm quan tâm của dư luận và những cái tên "đình đám" thời gian gần đây đều xuất hiện.
Dẫn dắt từ câu chuyện có đến 1.113.422 người đã kê khai tài sản, thu nhập nhưng chỉ xác minh đối với 77 người và kết quả xác minh chỉ phát hiện có 3 trường hợp vi phạm Ủy ban Tư pháp nhìn nhận: "Trong khi đó, theo phản ánh của báo chí, cử tri cho thấy còn có nhiều trường hợp kê khai tài sản, thu nhập không trung thực nhưng không được phát hiện, xử lý; việc giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm trong một số trường hợp còn chưa hợp lý, thậm chí phản cảm, gây bức xúc trong dư luận". Ví dụ điển hình ở đây chính là việc kê khai tài sản của ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái…
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư Pháp của Quốc hội, đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên)
nhận xét: việc tự phát hiện tham nhũng vẫn là khâu rất yếu.
Bi hài không kém kê khai tài sản, thu nhập là việc nộp lại quà tặng. Đây luôn là một nội dung được thể hiện riêng tại báo cáo công tác phòng chống tham nhũng của Chính phủ hàng năm. Những năm trước, phần này luôn có những con số. Chẳng hạn năm 2013 có 364 trường hợp, đến 2014 còn 32 người nộp lại quà tặng. Năm 2016, Chính phủ khẳng định chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm. Báo cáo thẩm tra không nhắc đến con số nào về nội dung này của năm 2017, nhưng Ủy ban Tư pháp cho rằng trong thực tế việc tặng quà để giải quyết công việc, hối lộ bằng hình thức tặng quà vẫn còn diễn ra rất phức tạp, dưới nhiều hình thức, nhất là việc lạm dụng phong tục truyền thống của dân tộc trong thăm hỏi, tặng quà nhân dịp lễ, tết, hiếu, hỉ… Việc nộp lại quà tặng hầu như chỉ được thực hiện sau khi có phát hiện sai phạm. Qua một số vụ án xét xử gần đây, dư luận rất bức xúc trước việc tặng quà của Ngân hàng Oceanbank và chi hoa hồng cho bác sỹ của Công ty Cổ phần VN Pharma.
Cụ thể, trong vụ án buôn lậu xảy ra tại Công ty Cổ phần VN Pharma, các bị cáo khai nhận đã chi tiền "hoa hồng" cho bác sĩ tại nhiều bệnh viện lên tới 7,5 tỷ đồng để được bác sĩ kê đơn thuốc cho bệnh nhân. Còn trong vụ đại án xảy ra tại Oceanbank, ông Ninh Văn Quỳnh đã thừa nhận và nộp lại 20 tỷ đồng đã nhận của Nguyễn Xuân Sơn. Cơ quan điều tra đã thu giữ tại nhà Nguyễn Trường Duy, cán bộ Hải quan thành phố Hồ Chí Minh 64 phong bì với tổng cộng gần 1 tỉ đồng, là số tiền hối lộ của các doanh nghiệp.
Đây là vấn đề lớn, liên quan đến đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ và phòng chống tham nhũng cần được Chính phủ đánh giá, nghiên cứu để có quy định ngăn chặn tình trạng này - Uỷ ban Tư pháp nhấn mạnh.
Quy định mới được Chính phủ trình ngay ngày hôm sau, khi đề xuất sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng.
Dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) quy định rằng: cán bộ, công chức, viên chức không được nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình. Khi được tặng quà thuộc trường hợp nêu trên, cán bộ, công chức, viên chức phải từ chối và giải thích rõ lý do với người tặng quà. Trong trường hợp không thể từ chối được thì phải nộp lại quà tặng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị mình và công khai danh tính của người tặng quà. Việc quản lý, sử dụng quà tặng được nộp lại thực hiện theo quy định của Luật quản lý, sử dụng tài sản công. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không được tặng quà và nhận quà tặng dưới mọi hình thức, trừ trường hợp pháp luật khác có quy định. Khi được tặng quà và nhận quà tặng theo chế độ, định mức, tiêu chuẩn do pháp luật khác quy định thì cơ quan, tổ chức, đơn vị, người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý phải công khai việc tặng quà và nhận quà tặng.
Ngay lập tức, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định chỉ ra rằng những quy định trên không khả thi. Vì, theo quy định của tội đưa hối lộ và tội nhận hối lộ của Bộ luật Hình sự có cả loại quà phi vật chất, mà quà phi vật chất thì không trả lại được, không nộp lại được. Hay dự thảo luật quy định “Việc quản lý, sử dụng quà tặng được nộp lại thực hiện theo quy định của Luật quản lý, sử dụng tài sản công”, nhưng Luật quản lý, sử dụng tài sản công không có quy định nào về nộp, sử dụng quà tặng.
Ngoài quy định liên quan đến tặng quà, lần sửa đổi này Chính phủ dự kiến nhiều sửa đổi, bổ sung về minh bạch, kiểm soát tài sản, thu nhập như mở rộng đối tượng kê khai tài sản; bỏ quy định kê khai hàng năm, thay vào đó là kê khai lần đầu và kê khai bổ sung; quy định về một số cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập để quản lý bản kê khai, theo dõi biến động và xác minh tài sản, thu nhập được kê khai không trung thực, không được giải trình một cách hợp lý (theo mô hình tập trung)...
Bất cập được cơ quan thẩm tra chỉ ra là trong tờ trình, Chính phủ nêu rõ: kết quả tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng cho thấy một trong những hạn chế, bất cập của luật hiện hành là: “còn vướng mắc về trình tự, thủ tục giải trình, xác minh tài sản, thu nhập; thiếu quy định về xử lý tài sản, thu nhập không được giải trình một cách hợp lý…”. Thế nhưng, trong dự thảo luật còn chưa có quy định về xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, không được giải trình một cách hợp lý; chưa có quy định nhằm kết nối dữ liệu trong các bản kê khai tài sản, thu nhập với dữ liệu về thuế thu nhập cá nhân, đăng ký nhà đất, các giao dịch khác về tài sản của người có nghĩa vụ kê khai… là những nội dung rất quan trọng để bảo đảm tính hiệu quả của các quy định về minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập. Ngoài ra, những sửa đổi trong các quy định về minh bạch, kiểm soát tài sản, thu nhập mới chỉ tập trung đến việc kê khai tài sản, thu nhập với các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, trong khi hiện nay chưa có các giải pháp để kiểm soát tài sản, thu nhập của các đối tượng khác trong xã hội nên không đảm bảo được tính toàn diện và khó đạt được hiệu quả như mong muốn.
Nhấn mạnh việc kê khai tài sản, thu nhập thời gian qua còn hình thức, hiệu quả thấp, chưa kiểm soát được tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, cơ quan thẩm tra cho rằng trong điều kiện đó thì trước mắt nên giữ nguyên hoặc thu hẹp diện đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập, tập trung vào các đối tượng giữ vị trí quan trọng ở trung ương, địa phương và thuộc lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao để bảo đảm tập trung nguồn lực tiến hành kiểm soát có hiệu quả hơn, tránh hình thức như thời gian vừa qua. Việc mở rộng đối tượng sẽ được nghiên cứu bổ sung khi đã làm tốt việc kiểm soát tài sản, thu nhập của nhóm đối tượng nêu trên và có đủ nguồn lực đáp ứng cho việc mở rộng đối tượng kiểm soát tài sản, thu nhập.
Mới chỉ hai vấn đề, nhưng thực tế rất phức tạp và sửa luật cũng phức tạp không kém. Trong khi, Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung toàn diện với nhiều nhiều vấn đề mới, phức tạp. Vì thế, Ủy ban Tư pháp đã đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội cho phép xem xét, thông qua dự án luật tại ba kỳ họp thay vì hai kỳ như dự kiến.
Trúc Bạch
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...