Chủ nhật, ngày 08 tháng 09 năm 2024
10:38 (GMT +7)

Phố xưa

Kí. Minh Hằng

VNTN - Lần mò làm đủ thứ việc không tên, 11 giờ đêm, con gái xổ tóc nhổ sợi sâu cho mẹ. Cái dài cái ngắn trắng tinh, nem nép đậu lên tay áo đen.

“Con ở Hà Nội bao năm, ăn bao nhiêu là hàng xôi mà không tìm được mùi xôi như hàng bác Mùi mẹ ạ”.

Con thủ thỉ câu chuyện chả liên quan gì đến tóc.

Ờ mà mùi xôi. Nó đang nghĩ về phố cũ.

Thế mà đã gần ba chục năm.

Mua được căn nhà ở trung tâm Thành phố, tôi tự hào lắm. Nếu lấy com pa mà quay, từ chân com pa là đài phun nước, được coi là tâm của đường tròn, thì trong bán kính nửa kilomet của chân com pa bên này, là nhà tôi. Nhà nép tường Bưu điện tỉnh. Tôi, nhiều lúc mơ giữa ban ngày tự coi mình đang ở Hàng Ngang, Hàng Đào (Hà Nội), bưu điện cạnh nhà y như Bưu điện Bờ Hồ.

Cái phố của tôi thật lạ, nơi đô thị nhất tỉnh, trong đơn vị hành chính là phường Phan Đình Phùng - một chí sĩ yêu nước, linh hồn của phong trào Cần Vương nổi tiếng - lại mang cái tên quê mùa lạc lõng: phố Đầm Đục. Trời, đã đầm lầy nước đọng, lại còn đục ngầu nữa. Tương thích với tên, ở giữa phố (mọi người quen gọi là xóm) có cây đa già, cành nào cũng trĩu tầm gửi dây leo, rễ nào cũng tua tủa dây cắm vào lòng đất. Cạnh gốc đa là cái giếng khơi không biết có từ bao giờ. Lá đa xòa rộng như vòng tay che chở, miệng giếng tròn xoe, nước đầy văn vắt như đôi mắt ngây thơ. Mỗi lần đi qua chỗ này, tôi đều nghĩ: Hay kiếp trước, đa và giếng là cặp tình nhân? Sao mình không viết một câu chuyện tình ngang trái giữa chàng trai tên Đa và cô gái tên Giếng? Ở nơi thơ mộng lẻ loi này, tôi thấy nữ họa sĩ Nguyệt Nga (nhà gần đó) thỉnh thoảng mang giá vẽ cùng bảng màu bôi bôi phết phết. Tôi dám chắc chị đã có hàng chục tác phẩm ra đời từ đây. Nhiều bức tôi đã được xem trong triển lãm mỹ thuật.

Tính tôi thích tìm tòi mọi thứ tường tận nên lẩn mẩn hỏi người kia người nọ gốc gác tên Đầm Đục. Thật dễ hiểu, hàng trăm năm trước, nơi đây là đầm lầy, rong rêu đen kịt, ếch nhái râm ran, rắn nước bơi từng đàn. Tên Đầm Đục từ đó mà ra, giản dị như các cụ đặt tên con là cái Hĩm, thằng Cò, cậu Tũn, mợ Thớt… vậy. Người nhiều lên, lấn đầm mà ở, khi tôi đến, đầm chỉ còn bằng cái ao to. Ngày con tôi mới biết đi xe đạp, nghĩ đến đoạn cua tay áo bên mép đầm, tim tôi thót lại. Một lần đang đi cơ sở, chợt hiện lên trong đầu đầm nước đục lờ, hôi hám và cái dáng đạp xe chấp chới của con, tôi lạng tay lái lao xe vào vách đồi lúc nào không biết.

Phố Đầm Đục hôm nay

Chúng tôi thành công dân phố Đầm Đục trong bộ dạng gầy gò, gia tài xếp vào gian nhà hai chục mét vuông xây bằng gạch xỉ trả nợ 5 năm mới hết, gồm: 2 cái xe đạp cũ, 1 giường gỗ, 1 đồng hồ, 1 quạt con cóc, ít quần áo sờn và… chấm hết. Của cải vô giá là đứa con hơn 1 tuổi má phúng phính, ngọng nghịu gọi…ẹ...ẹ...ơi… ríu ran. Một lần, chủ nợ đòi tiền gắt quá, chúng tôi bàn nhau xem nhà có gì bán được thì bán. Nhìn đi nhìn lại, chúng tôi quyết định bán một trong hai chiếc xe đạp, chiếc nào cũng được, miễn là có người mua. Một xe đạp nam có tên “Mô tô công pho”, nghe chồng tôi tự hào giới thiệu xuất xứ tận bên Pháp. Nếu mới thì cũng đáng tiền đấy, nhưng nó cổ kính hơn tuổi 30 của chủ. Một xe đạp nữ có tên “Mi pha xanh ngọc”. Đây là chút của hồi môn mẹ tôi cho con gái đi lấy chồng, niềm tự hào ngấm ngầm của thiếu phụ gầy lêu đêu, ao ước khô cả tâm can là được đạp xe trong tư thế thẳng chân và thẳng lưng. Để hai món hàng thêm phần “bắt mắt”, chồng tôi lấy thuốc đánh răng bôi vào giẻ, hì hục cọ kị từng cái nan hoa sáng bóng lên. Sáng hôm sau, chúng tôi gượng nhẹ đưa hai món tài sản quý của mình ra chợ giời. Đó là khoảnh đất gần ga Đồng Quang bây giờ, người ta quây dây thừng, thu vé người nào có hàng mang đến bán. Bốn nghìn đồng hai xe. Ngày ấy, giá vé vào cửa mua được cân thịt ngon. Vợ chồng tôi ngơ ngác giữa rừng “cò mồi”. Người hỏi, người dìm giá, bâu quanh hai cái xe là những đôi mắt láo liêng, ám hiệu ma mãnh và nụ cười nhếch mép. Trưa trật ra, “cò” dứt khoát chỉ trả bằng giá sắt vụn. Chán quá, vợ chồng dắt xe về, tiếc hùi hụi bốn nghìn đồng, biết thế để mua mấy lạng thịt ăn cho bõ thèm.

 Có ba thứ “đặc sản” phố Đầm Đục chúng tôi thường xuyên được thưởng thức là: mất điện, rác và… kim tiêm.

Ti vi, đài chẳng có, nhưng đêm nào vợ chồng tôi cũng phải cắt phiên nhau… trực điện cho cái quạt con cóc giữ giấc ngủ của con. Vì điện có và mất bất thường như cướp đến nhà. Đang như đom đóm đực, bỗng vù một cái, bóng điện sáng rực, nổ bốp. Tiền điện đóng chung công tơ, vài tháng không thấy ai thu, nhà mình dùng bao nhiêu số, chả biết, cứ ù ù cạc cạc, rối ren như đống dây lùng nhùng treo ngoài ngõ. Nhìn thấy anh thợ điện nhà nào cũng xun xoe, kính cẩn “mời anh vào nhà uống nước ạ, anh xem giúp em cái công tơ, anh ngoắc dây cho nhà em vào đường điện khoe khỏe, em xin bồi dưỡng ạ”…

 Chui khỏi căn nhà tin hin là gặp đống rác thù lù. Bên trong bên ngoài Đầm Đục thi nhau lèn rác chất ngất, cứ buông túi rác khỏi tay là xong, người qua lại thường xuyên, hàng quà kề bên, vẫn ngồi ăn thản nhiên.

Chui khỏi căn nhà tin hin là thấy… bơm kim tiêm. Máu đỏ lờ đọng trong ống bơm. Chạy dọc ngõ, chạy ngang ngõ, đâu đâu cũng đụng người nghiện. Đêm, luỵch xuỵch bước chân vác xi măng, sắt thép lấy ở công trình nào đó. Ngày, những cặp môi xám xịt, thâm xì lượn qua lượn lại. Khách đến nhà dựng xe đạp ở cổng, nhoằng cái, mất. Có một cậu bé đẹp trai gần nhà tôi thi thoảng lại đến: “Em vật quá, chị cho em vài chục, đứa nào định bắt nạt nhà chị, bảo em”.

Luẩn quẩn như nước trong đầm. Phố Đầm Đục của tôi bao năm tháng trôi đi không tìm thấy bóng một ngôi nhà đẹp. Người Đầm Đục làm ăn giật gấu vá vai, buôn bán vặt vãnh mong kiếm đủ ba bữa ăn, con cái nhiều nhà phá phách, hư hỏng. Năm bữa, nửa tháng, phố tôi lại rộ lên một đám đánh chửi nhau, tranh mấy chục phân đất, vay không chịu trả, ăn chặn một món hàng. Có đám tang rợn người không một tiếng khóc hờn. Tết, hàng xóm không ai sang chúc ai, tụ tập ngồi đánh bài. Nhưng thật kì lạ và khôi hài, mỗi khi biết tôi là công dân phố Đầm, người trong thành phố thường nháy mắt hoặc hé một lời nhận xét đầy ẩn ý: “Cái phố ấy… nể lắm đấy”. Thì ra, cái phố của tôi trước mắt nhiều người lâu nay đã trở thành một “địa danh cá biệt” của thành phố.

Thế nhưng, người phố Đầm lại có biệt tài: nấu ăn ngon.

Sáng ra, từ trong ngõ dăng đến đầu đường bên này, vắt sang vỉa hè bên kia là hàng ăn vặt của người Đầm Đục: Xôi, phở, trứng vịt lộn, bánh chuối, trôi chay, cháo lòng. Rồi đến khi phố sá lên đèn là lại lễ mễ hàng chè chén, ốc luộc, sủi dìn kìn kìn từ trong ngõ chuyển ra. Khách ăn ở đẩu ở đâu đến ngồi chen chúc, dù cạnh đống rác, cạnh bô xe máy nóng bỏng, quệt vào là phỏng rộp chân tay.

Trong đám chủ quán ăn phố Đầm đa phần là nghiệp dư ấy, duy có chị Mùi là bán xôi chuyên nghiệp.

Chị nặng tròm trèm một tạ, to nhưng không khỏe, mắc chứng run tay. Đưa bát xôi cho khách rất chậm chạp khiến nhiều người mua sốt ruột. Vậy mà hàng chị vẫn đông nghịt người. Nhà tôi ngay cạnh nhà chị Mùi. Ngày ngày, cứ ba giờ sáng là góc bên chị sáng trưng. Bóng chị lui cui đi lên đi xuống, lục cục đồ xôi, hãm tích nước chè ủ trong giỏ cói. Tôi hé mắt thấy vùng sáng, biết chị đã dậy, rồi lại ngủ thiếp đi. Đến khi mùi xôi nếp từ nhà chị ngào ngạt tỏa sang là tôi thức dậy. Người ta thường dùng tiếng chuông để đánh thức giấc ngủ, nhưng chị Mùi lại “đánh thức” tôi bằng hương vị xôi như thế. Tinh mơ, mở cửa thấy bóng chị Mùi nghiêng trĩu bên vai gánh hàng đi qua, tôi có cảm giác chị gánh mùi hương ra phố.

Chị Mùi nối nghề xôi gia truyền từ 14-15 tuổi. Tôi nghe kể, mẹ chị xưa làm xôi ngon nổi tiếng. Những năm 60-70, hàng xôi nhan nhản, nhưng có người đi dăm bẩy cây số đến mua xôi của bà.

Sáng nào tôi dắt con ra cổng, nó cũng chỉ “xôi bác Mùi cơ”. Trong cái thúng Thạch Sanh của chị, mỗi lớp áo cói là một kiểu xôi. Gấc, vò, ngô, đỗ, ai cần gì có đấy. Quanh gánh hàng của chị, chục cái ghế gỗ chỉ ghé được nửa mông, tất cả đều nép vào góc tường Bưu điện, đội trật tự xuất hiện là loáng cái mọi thứ trên vai, cả người bán người ăn biến như tàng hình.

À mà con tôi nói đến xôi bác Mùi. Nó bảo, ăn ở Hà Nội bao nhiêu là hàng xôi mà không đâu có cái vị, cái mùi ngon như thế. Tôi bảo, có lẽ đó là mùi ấu thơ, mùi nỗi nhớ thôi con ạ. Chứ bây giờ, nhiều của ngon vật lạ, người ta làm các thứ ngon hơn trước nhiều. Nó im lặng, chẳng rõ có tin lời tôi nói hay không, nhưng tôi thoáng thấy trong đôi mắt đen như nhung của con thoảng một nỗi nhớ thương thầm lặng.

Bỗng một tối, tổ trưởng mời các nhà đi họp.

Dự án vào. Một con đường lớn tương lai sẽ chạy qua phố Đầm.

Có nhà bị lấy đất, có nhà phải chuyển đến khu tái định cư.

Dân phố Đầm của tôi ồn ào lên. Nhất là chuyện đền bù. Đây không là công trình phúc lợi nhá! Phải theo thỏa thuận nhá! Đơn khiếu kiện tua tủa, người cười, người khóc. Chỗ này tắc, chỗ kia thuyết phục, chỗ nọ tranh chấp. Giống như những đợt sóng trào.

Rồi con đường như nhát kiếm phập xuống, nứt toác xóm Đầm.

Nhát kiếm chém ngọt những góc nhà lởm chởm, xén gọn những mẩu hè lấn chiếm, cắt phựt những thân cây nghênh ngang. Hành lang vỉa hè, cống ngầm, cột điện cao áp thẳng tắp… dần hình thành.

Rõ là phố rồi nhé. Mặt nhà phía sau quay ngoắt thành mặt trước. Tiền đền bù chồng lên thành nhà cao tầng, cầu thang, ban công, rèm lụa, đèn chùm lung linh. Quán sá, siêu thị mỗi ngày nở ra một cái.

Gốc đa cổ kính xưa, nay đã nhường chỗ cho ngôi nhà mới hiện đại

Và một cái tên phố mới xuất hiện: Phố Phan Bội Châu. Phải rồi, phường Phan Đình Phùng, phố Phan Bội Châu, đều là tên của những vị anh hùng dân tộc. Đổi thay ngoạn mục của phong thủy kéo theo đổi thay chóng mặt của con người. Hộ cận nghèo đi xe tay ga, hộ trung bình mua ô tô mới. Phố tôi thay da đổi thịt.

Nghe nói nhà chị Mùi được đền bù tiền tỷ. Chị không bán xôi nữa, tuổi đã cao, tay ngày càng run, động tác ngày càng chậm chạp hay bởi kinh tế gia đình đã khá lên, chị Mùi không muốn lọ mọ, vất vả nữa. Ở cơ quan tôi, nhiều người thỉnh thoảng hỏi: “Bác Mùi béo có còn bán xôi?” Tôi trả lời gọn lỏn: “Không!”, nhưng cớ sao lòng thấy bùi ngùi.

Gia đình tôi từ biệt phố Đầm đến sinh sống ở nơi khác. Phố Đầm, với tôi, đã thành “phố xưa”. Thật may, con tôi không nhớ rác, nhớ kim tiêm, nhớ nhịp sống luẩn quẩn như nước trong đầm, mà chỉ nhớ mùi thơm xôi bác Mùi.

* * *

Chị hàng xóm cũ nhắn cho tôi trên phây: “Về phố xưa đi em. Vui lắm em ơi! Bọn chị lập tổ đi bộ. Ngay cạnh nhà chị mới khai trương trung tâm thẩm mỹ, chiều sang đấy tập Yoga, khoái đời! À, phố mình có cả câu lạc bộ khiêu vũ nữa đấy”.

Tôi lướt xe dọc phố. Dù đã biết phố Đầm xưa đã có thể coi như sánh cùng Hàng Ngang, Hàng Đào, với Bưu điện Bờ hồ trong giấc mơ, nhưng nếu không trở về, tôi vẫn không thể tưởng tượng hết cái lung linh, rộn rã, sang trọng của những ngôi nhà mới đang từng ngày, từng tháng mọc lên cùng những quán cà phê xanh đỏ, những cửa hàng uốn tóc, may mặc đứng sừng sững những dáng manơcanh cao ngỏng, những ô tô đỗ dãy dài, dãy ngắn, những đàn ông comle carvat, đàn bà áo dài đính đá quý uyển chuyển bước đi trên phố…

Trước mọi đổi thay ngoạn mục của phố xưa nhưng không hiểu sao, trước mắt tôi lúc này lại bỗng hiện lên rõ ràng hơn bao giờ hết, từng gương mặt của những người hàng xóm cũ trong dáng vẻ nhọc nhằn vì miếng cơm manh áo. Và kia, bóng chị Mùi lùi lũi trong ánh đèn hắt ra từ ngôi nhà bé nhỏ cùng mùi hương xôi nếp ngọt ngào đánh thức tôi vào mỗi buổi sáng.

Tôi đi dọc phố và nhận ra thêm một điều kì lạ là Phố Phan Bội Châu đông đúc thế kia mà sao không có bóng dáng một cửa hàng ăn? Người Đầm Đục vốn có biệt tài nấu ăn ngon. Lẽ nào người ta muốn lánh xa thời khốn khó? Trái tim tôi thoáng nghẹn vì hiểu rằng, kể từ đây, có thể người ta sẽ vĩnh viễn quên rằng ngày ấy ở cái phố Đầm Đục lẻ loi, hiu hắt này có một “hàng xôi bác Mùi béo” lừng danh. Hương xôi trong cái thúng Thạch Sanh đã thấm đẫm hồn người.

Tai tôi bỗng vang lên tiếng rầm khô khốc lúc thân hình đồ sộ của “chàng Đa” ngã xuống nhường chỗ cho con đường này. Mắt Giếng ngây thơ chớp chớp như òa khóc. Chuyện tình chàng Đa và nàng Giếng tôi chưa kịp viết.

Hồn của họ giờ ở nơi nào?

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Chùm thơ dự thi của Trần Huy Minh Phương

Cuộc thi sáng tác văn học 7 năm trước

Đánh thức mùa Vu lan

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Nguyên bản và bản sao

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Lam Điểu

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Tựa bóng ca dao

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Kỳ tích ở Khe Cạn

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước