Thứ sáu, ngày 18 tháng 10 năm 2024
10:55 (GMT +7)

Phố đi bộ trong thành phố

Thời gian gần đây phố đi bộ được hình thành nhiều trong các đô thị ở Việt Nam. Hiện tượng này dần trở thành một xu thế, một trào lưu trong quá trình thiết lập cấu trúc và phát triển của các đô thị.

Có hai dạng phố đi bộ được hình thành trong thực tế: Dạng thứ nhất được hình thành từ tuyến phố đủ điều kiện có sẵn trong đô thị. Dạng thứ hai, đầu tư mới phố đi bộ. Ở dạng thứ nhất, sau khi hình thành chủ trương việc cần làm là quy hoạch chi tiết, lập phương án đầu tư và khai thác phố đi bộ… Ở dạng thứ hai, khi dự kiến triển khai phố đi bộ trong một đô thị, việc trước tiên là lựa chọn địa điểm trên cơ sở quy hoạch đô thị được phê duyệt, tiếp đó là xác định các tiêu chí về chức năng cho tuyến phố, lập phương án thiết kế, cân đối nguồn vốn đầu tư, tính toán hiệu quả, đầu tư và đưa tuyến phố khi hoàn thành vào khai thác sử dụng.

Phố cổ Arbat ở thủ đô Moscow, Cộng hòa Liên Bang Nga
Phố cổ Arbat ở thủ đô Moscow, Cộng hòa Liên bang Nga

 Trong quá trình phát triển đô thị ở Việt Nam, có rất nhiều tuyến phố đi bộ đã được hình thành trải dài khắp đất nước. Trong số đó có không ít những tuyến phố đi bộ được thiết lập và đạt được những thành công nhất định như các tuyến phố đi bộ trong phố cổ Hội An, phố đi bộ Hồ Gươm ở Hà Nội, Đường hoa Nguyễn Huệ ở thành phố Hồ Chí Minh, phố đi bộ Kim Đồng ở thành phố Cao Bằng… Tuy nhiên, cũng có nhiều tuyến phố đi bộ khi hình thành cũng không đạt được mục tiêu như kỳ vọng. Lý do thì có nhiều: Có thể do các yếu tố về cơ sở vật chất, cũng có thể do các yếu tố tích tụ về văn hóa của khu vực chưa đủ tạo sự hấp dẫn, và nhiều khi do yếu tố khách quan như về mật độ dân cư, về mức sống nếp sinh hoạt của cư dân khu vực và đặc biệt khu vực đô thị có quy hoạch phố đi bộ chưa phải là điểm đến, chưa là điểm thu hút đối với khách du lịch. Cũng có những trường hợp do việc lựa chọn địa điểm chưa phù hợp, mức quan tâm và đầu tư chưa thỏa đáng, chưa có phương án thiết kế tốt. Việc đầu tư đôi khi chỉ ở mức độ quản lý hành chính là đóng chặn hai đầu phố, cấm phương tiện cơ giới và treo biển “Phố đi bộ”.

Phố Stroget, Copenhagen, Đan Mạch
Phố Stroget, Copenhagen, Đan Mạch

 Phố đi bộ trên thế giới chủ yếu xuất hiện từ những năm đầu của thế kỷ XX. Trừ một vài trường hợp xuất hiện sớm hơn. Nhiều tuyến phố xuất hiện và trở nên nổi tiếng nhưng phố Arbat ở thủ đô Moscow, Cộng hòa Liên bang Nga. Tại đây, một phần lịch sử nước Nga cùng giá trị văn hóa đa sắc màu đã được truyền tải đến du khách thông qua nghệ thuật tổ chức không gian, kiến trúc, điêu khắc, triển lãm, ca nhạc, nghệ thuật đường phố… Phố đi bộ Stroget ở Copenhagen là một điểm hẹn văn hóa đặc trưng của đất nước Đan Mạch, phố đi bộ ở Bordeaux, Cộng hòa Pháp là một con phố dài nổi danh khắp Châu Âu và trên thế giới về sự đa dạng và phong phú trong hoạt động của tuyến phố... Nhìn chung, các đô thị lớn trên thế giới đều sở hữu một hoặc nhiều tuyến phố đi bộ ưa thích, chúng đã góp phần làm nên thương hiệu, thúc đẩy các hoạt động phát triển của đô thị, đặc biệt là phát triển về du lịch.

Vậy phố đi bộ là gì?

Trước tiên, phố đi bộ là tuyến phố không có hoạt động của giao thông cơ giới trong thời gian khai thác. Toàn bộ phần mặt đường, hè phố, khoảng mở quảng trường, ngã giao thông, bờ sông… cùng với không gian cảnh quan, công trình kiến trúc trong khu vực tham gia vào hoạt động của tuyến phố đi bộ.

Đường hoa Nguyễn Huệ Thành phố Hồ Chí Minh
Đường hoa Nguyễn Huệ, Thành phố Hồ Chí Minh

Về tính chất kinh tế, phố đi bộ được hình thành với tư cách là một sản phẩm du lịch tổng hợp đặc trưng của mỗi đô thị, mỗi địa phương. Ở đó, cộng đồng và khách du lịch được tiếp cận, tận hưởng những đặc trưng về giá trị văn hóa vật thể, (kiến trúc, ẩm thực, đồ lưu niệm…) và những giá trị văn hóa phi vật thể. Thông điệp được thông qua các dịch vụ văn hóa và sự truyền tải của các hình thức nghệ thuật mang tính chất đường phố, các hoạt động này cũng đã góp phần thúc đẩy việc lưu thông hàng hóa,  góp phần thúc đẩy các hoạt động về kinh tế của địa phương.

Về quy hoạch, phố đi bộ đầu tiên phải là không gian sinh hoạt công cộng của cư dân bản địa và là điểm đến của khách du lịch. Vì vậy, phố đi bộ là khu phố đông vui nhộn nhịp và thông thường tọa lạc ở vị trí trung tâm. Nó có thể là không gian đóng với các dãy phố, nhiều trường hợp có kết hợp với các không gian mở như bờ sông, mặt nước, quảng trường và các điểm kết nối của tuyến đi bộ với các tuyến giao thông chính. Ngoài những không gian “động”, để tăng sức hấp dẫn trên phố đi bộ còn cần tổ chức các khoảng lặng như quán cà phê, không gian triển lãm, điểm trưng bày các tác phẩm nghệ thuật, nơi trao đổi mua bán quà lưu niệm... Phố đi bộ hoạt động tốt khi nó còn phải có các chức năng tiện ích đô thị cần thiết như các điểm đỗ xe, khu vệ sinh công cộng… Là khu vực hoạt động công cộng tập trung đông người, vì vậy tuyến phố đi bộ cũng cần đủ độ rộng và độ dài. Độ rộng cần là để đủ tạo ra độ “ấm” của tuyến phố về độ dài. Thực tế cho thấy, thông thường tuyến phố đi bộ có độ dài từ 500m - 1000m là phù hợp và hiệu quả.

Phố đi bộ Kim Đồng được thành phố Cao Bằng. Ảnh: Quang Khải
Phố đi bộ Kim Đồng, địa điểm diễn ra các hoạt động văn hóa quen thuộc của người dân thành phố Cao Bằng. Ảnh: Quang Khải

Về kiến trúc, khi lựa chọn tuyến phố hiện có làm phố đi bộ, kiến trúc được khai thác trên nền các công trình hiện hữu được chỉnh trang và được bổ sung các thiết kế kiến trúc mới có tính đặc trưng, tạo sự phong phú cho việc tổ chức, tăng sức hấp dẫn cho không gian tuyến phố. Khi được đầu tư mới, yếu tố lựa chọn ngôn ngữ tổ chức không gian, và ngôn ngữ hình thức kiến trúc là yếu tố quan trọng để hướng tới việc tạo dựng thương hiệu cho tuyến phố khi hình thành. Sự lựa chọn giải pháp hiện đại trên cơ sở khai thác các yếu tố bản địa, vùng miền cho các công trình kiến trúc là giải pháp phù hợp và bền vững nhất.

Về công năng các công trình kiến trúc, chức năng đầu tiên của nó là về dịch vụ thương mại gắn với quảng bá đặc sản địa phương. Các giá trị bản địa được giới thiệu thông qua việc thẩm thấu thị giác của du khách qua việc tổ chức không gian, hình thức các công trình kiến trúc đặc trưng. Cùng với đó việc hoàn thiện hạ tầng đồng bộ, kiến tạo sự hài hòa giữa kiến trúc và cảnh quan vốn có của khu vực sông, suối, hồ nước… kết hợp cây xanh độc đáo điểm xuyết bằng các kiến trúc nhỏ: điêu khắc đường phố, quảng trường sự kiện, sân khấu ngoài trời, các ki-ôt bán hàng, điểm dừng chân tạo nên sự sinh động, tạo nên một ngôn ngữ về kiến trúc cũng là yếu tố rất quan trọng làm nên sự thành công khi cấu trúc cho mỗi phố đi bộ.

Về văn hóa, tính đặc trưng về văn hóa là yếu tố cơ bản và cốt lõi quyết định sự thành công của mỗi tuyến phố đi bộ. Nó phải là điểm hội tụ, biểu hiện giá trị đặc trưng văn hóa của mỗi đô thị, của mỗi vùng miền. Sự thành công khi kiến tạo cho phố đi bộ chỉ đạt được cho mỗi khu vực khi có được sự đồng thuận, niềm tự hào, sự sở hữu và quyền thụ hưởng những giá trị do tuyến phố đi bộ tạo nên cho cư dân bản địa. Hình ảnh tuyến phố đi bộ là bức tranh phản chiếu những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của địa phương thông qua các giải pháp tổ chức không gian, hình ảnh kiến trúc, các hoạt động văn hóa đường phố, không gian tổ chức các sự kiện đi cùng các dịch vụ văn hóa và sự giao lưu, tương tác của cộng đồng địa phương là yếu tố tổng hợp tạo nên sự hấp dẫn thu hút và níu chân du khách đến với mỗi đô thị, mỗi vùng đất và mỗi địa phương.

Việc hình thành tuyến phố đi bộ là thực sự cần thiết trong quá trình đô thị hóa và phát triển kinh tế. Mọi vấn đề ở đây đều xuất phát từ chính quyền đô thị - chủ thể và là "nhạc trưởng" của cả câu chuyện. Phố đi bộ là một không gian sáng tạo, là một sản phẩm văn hóa đặc trưng của một địa phương, là thành tố quan trọng của sự nghiệp xây dựng công nghiệp văn hóa. Cấu trúc xây dựng và phát triển tuyến phố đi bộ trong đô thị sẽ có kết quả tốt khi câu chuyện có một kịch bản tốt và có sự vào cuộc của cả cộng đồng.

KTS. Nguyễn Văn Cường

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy